Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-5 đến ngày 03-6-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
22:33, ngày 04-06-2018
TCCSĐT - Đại lễ Phật đản phát huy tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; Thủ tướng ký quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Bộ Chính trị tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Bình Thuận; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Quảng Ngãi; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm, tặng quà học sinh Lạng Sơn; Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về vụ Mobifone mua AVG; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Triển lãm ảnh 70 năm thi đua yêu nước

Ngày 28-5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh “70 năm thi đua yêu nước” tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948-11-6-2018).

Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức nhằm ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để tiếp tục thi đua, xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Đến dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Hà Nội.

Về phía Thông tấn xã Việt Nam có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cùng các Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết với vai trò là Hãng Thông tấn duy nhất, trung tâm thông tin chiến lược quan trọng, tin cậy của Đảng và Nhà nước, trong hơn 70 năm qua, Thông tấn xã Việt Nam đã có nhiều đóng góp, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 bức ảnh tư liệu đen trắng, ảnh màu góp phần phản ánh chân thực, sinh động hình ảnh Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước; những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước suốt 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, từ Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua trong những năm kháng chiến đến Đại hội Thi đua yêu nước thời kỳ mới; từ các phong trào lớn trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: "Hũ gạo kháng chiến," "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm," Thanh niên “Ba sẵn sàng," Phụ nữ “Ba đảm đang," “Gió Đại Phong,” “Sóng Duyên Hải,” “Cờ Ba nhất,” “Trống Bắc Lý"...

Cách đây 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức phong trào thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.” Sau Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (27-3-1948), nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc.”

Đại lễ Phật đản phát huy tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Sáng 29-5, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, dương lịch 2018 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, dương lịch 2018 đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Dự lễ có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tôn giáo bạn cùng đông đảo Phật tử.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562.

Thông điệp nêu rõ những thành tựu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong những năm qua, tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam nâng cao tinh thần: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, nỗ lực không ngừng để Đạo Phật tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đại lễ Phật đản không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật ở Việt Nam, mà còn là một lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận từ năm 1999. Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam với truyền thống gần 2.000 năm luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Ngày nay, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sinh động sự gắn bó giữa đạo với đời. Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần “Hộ quốc an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng vươn lên, từng bước củng cố, phát triển lớn mạnh về mọi mặt; thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, giữ gìn, tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật; tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng ký quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Thủ tướng ký quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; Quyết định đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Phạm Lê Tuấn; Báo cáo thẩm định đầu tư dự án xây Bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)… là những chỉ đạo, quyết định mới của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 29-5-2018 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016 - 2021, do bị kỷ luật về Đảng theo Quyết định số 741-QĐ/UBKTTW ngày 24-4-2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có vi phạm, khuyết điểm sau: Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2006 - 2011, ông Thái ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định; với cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Thái đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký văn bản trái pháp luật liên quan đến một số dự án.

Bộ Chính trị tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình

Ngày 30-5, đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình.

Tại buổi làm việc, sau khi công bố Quyết định số 716-QĐNS/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị năm 2018, đoàn kiểm tra đã thông báo kế hoạch kiểm tra, gợi ý báo cáo tự kiểm tra và thống nhất lịch trình làm việc cũng như những vấn đề liên quan. Trong đó, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung như khái quát đặc điểm tình hình, thuận lợi, khó khăn tác động, ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng ở địa phương.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; đánh giá, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên của địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và kết quả thực hiện Kế hoạch số 04-KH/TW, ngày 16-11-2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016 của Ban Bí thư…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, kiểm tra là một nội dung quan trọng trong công tác Đảng nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sẽ phát hiện được những thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục kịp thời.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình cần tiếp thu đề cương hướng dẫn, kế hoạch kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nội dung báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình phải phát huy được trí tuệ tập thể, nội dung cần nêu bật được gương người tốt việc tốt trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; những cảnh báo, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ; việc xử lý, kỷ luật Đảng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Bình Thuận

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp cho ý kiến tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ một số dự án kinh tế - hạ tầng quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Bình Thuận - một địa phương có lợi thế lớn về du lịch và năng lượng sạch của đất nước.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng nguồn tài nguyên giàu có của Bình Thuận về du lịch biển, khoáng sản, năng lượng.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, Thủ tướng cho rằng Bình Thuận đang trên đà tăng trưởng tốt, thu ngân sách đạt khá. Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Công tác quy hoạch, bảo vệ rừng được triển khai thường xuyên, liên tục. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá Bình Thuận vẫn là một tỉnh nghèo, còn nhận trợ cấp từ nguồn ngân sách Trung ương. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bình Thuận cần triển khai sơ kết giữa nhiệm kỳ để tiến hành kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay để rà soát, thống nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ theo hướng đồng bộ, phù hợp hơn với đặc thù của địa phương.

Về những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bình Thuận cần ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển song hành, đa dạng cả công nghiệp và nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm, đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, khoáng sản, cùng với đó là quản lý tốt nguồn tài nguyên đất đai. Việc vận dụng pháp luật trong lĩnh vực này cũng cần tiến hành chặt chẽ, tránh để xảy ra thất thoát, lãng phí đất đai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Quảng Ngãi

Chiều 31-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi để cho ý kiến giải quyết những vướng mắc của địa phương về triển khai một số dự án kinh tế - xã hội quan trọng; trong đó có việc bảo đảm sự ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. Gần 2 năm trước, tháng 8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tới thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.

Mặc dù là tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương 12%, tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, có 5 huyện nghèo 30a, một huyện đảo, 85 xã miền núi, 19 xã bãi ngang ven biển, 50 xã đặc biệt khó khăn. Điều kiện về kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội thời gian qua. Tỉnh có quyết tâm lớn trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Song, Thủ tướng cũng nhìn nhận, mặc dù là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng Quảng Ngãi vẫn còn nghèo. Thủ tướng mong cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ngãi cố gắng hơn nữa, đổi mới hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí để Khu Kinh tế Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc, hóa dầu quốc gia, đưa Dung Quất trở thành Nhà máy chất lượng, hiệu quả, an toàn, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển của tỉnh và cả nước.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhanh, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi tăng cường nâng cấp hạ tầng cơ sở, nhất là sân bay, cảng biển, khơi thông đồng bộ hạ tầng huyết mạch quốc gia để kích thích phát triển sản xuất.

Thủ tướng khuyến khích tỉnh kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong đầu tư phát triển để có nguồn vốn rộng rãi; Thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch trong ứng xử với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm, tặng quà học sinh Lạng Sơn

Ngày 02-6, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn đã về thăm, tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn.

Tại Trường Tiểu học xã Quảng Lạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ân cần động viên các cháu học sinh tiếp tục vượt khó vươn lên học giỏi, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; mong muốn các cháu tiếp tục ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô, bố mẹ, phấn đấu trở thành công dân có ích cho đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã giao lưu, trò chuyện cởi mở với học sinh nhà trường, đồng thời tặng nhà trường một bộ máy vi tính và trao 46 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã kiểm tra thực tế bếp nấu ăn và quy trình làm thức ăn đảm bảo vệ sinh của Trung tâm. 
Nói chuyện với các cán bộ và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vui mừng nhận thấy sự quan tâm của tỉnh và các ban, ngành đối với các đối tượng được bảo trợ, đồng thời chia sẻ những khó khăn, động viên họ vượt qua mọi mặc cảm, vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về vụ Mobifone mua AVG


Ngày 02-6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp 26.

Từ ngày 28 đến 30-5-2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 26. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

I- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG (Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP, ngày 14-3-2018). Qua kiểm tra cho thấy:

1- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

2- Đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định…

3- Đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, đồng chí cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án.

- Với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, đồng chí chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016 - 2021.

4- Đồng chí Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát,...

5- Đồng chí Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án.

Cùng với tập thể và các cá nhân nêu trên, qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận:

- Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án.

- Đồng chí Lê Nam Trà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án...

- Đồng chí Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án...

Những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các đồng chí Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng, vi phạm của đồng chí Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

II- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho thấy:

1- Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn...

2- Đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam...

3- Đồng chí Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và đồng chí Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Những vi phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và các đồng chí Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Sáng 03-6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018) và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tổ chức Nhà nước Lễ kỷ niệm 70 năm và các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định, 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời kêu gọi được truyền đi như một lời hịch thúc giục mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Tổng Bí thư hoan nghênh, cảm ơn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Tổng Bí thư chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục. Đó là phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao…

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ Trung ương đến cơ sở, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.