Sức mạnh của niềm tin

Mai Anh - Nhàn Thư
22:59, ngày 01-02-2018
TCCSĐT- Năm 2017 là năm ghi dấu ấn đậm nét, thể hiện quyết tâm chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố và giữ vững niềm tin của toàn thể nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến hết năm 2017, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-01-2012, về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã đi được chặng đường hơn 5 năm; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trải qua 10 năm thực hiện với một cuộc vận động (Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị, ngày 07- 01- 2007) và hai chỉ thị của Bộ Chính trị (Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”), có thể thấy liên tục trong suốt 3 nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã rất quan tâm đến việc chỉnh đốn Đảng, đến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Cuối năm 2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về  tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ được ban hành, đã thực sự tạo nền tảng quan trọng để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân và khép lại năm 2017 với hàng loạt những hành động quyết liệt trong việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao có sai phạm thì niềm tin ấy thực sự đã được củng cố. Sức mạnh của Đảng đồng thời cũng được củng cố chính trên cơ sở niềm tin ấy của nhân dân.


Niềm tin là cơ sở của lý tưởng, “khủng hoảng” niềm tin sẽ dẫn đến “khủng hoảng” lý tưởng, lý tưởng hồ nghi thì ý thức sai lệch, ý thức sai lệch thì hành động sai lầm… Đây chính là nguy cơ đã được Đảng ta nhìn nhận và nêu ra đích danh qua nhiều nhiệm kỳ và đến nhiệm kỳ khóa XII này, những hành động cương quyết cụ thể đã được thực hiện để đẩy lùi nguy cơ.


Một trong những vấn đề đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm để củng cố niềm tin trong nhân dân là đẩy lùi tham nhũng. Nguy cơ mọi vấn đề từ giải quyết các thủ tục hành chính đơn giản nhất đến các vấn đề kinh tế lớn, các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều bị chi phối bởi đồng tiền, bởi các mối quan hệ thân hữu, các nhóm lợi ích đã được nhận thức thì cốt lõi của vấn đề cũng được xác định không chỉ nằm ở con người mà còn ở cơ chế. Con người + cơ chế = môi trường xã hội. Hiện nay, vấn đề “an toàn” trong môi trường công tác trở nên rất “nóng” bởi nó trực tiếp tác động đến từng cá nhân, cần được đặt ngang hàng với một số vấn đề đang được coi là quốc nạn như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… Thực tế, trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, khi quyền lực được trao cho các cá nhân quá lớn (đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp cao) mà không kèm theo các chế tài quy định về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý thì chính môi trường đó sẽ đẩy cán bộ đến chỗ lạm quyền, lợi dụng quyền để mưu lợi cá nhân. Nói cách khác tình trạng cán bộ có nhiều vi phạm như hiện nay không hẳn là do công tác tổ chức cán bộ lựa chọn chưa đúng người, đúng việc mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào một thực tế đau lòng là nhiều chỗ, nhiều nơi công tác cán bộ lựa chọn hoàn toàn đúng người nhưng sau khi được trao quyền lực lớn mà không có những ràng buộc về trách nhiệm pháp lý tương xứng thì người cán bộ tốt đó mới tha hóa, biến chất. Do đó, cần phải xây dựng một môi trường làm việc, trong đó mọi cá nhân biết rõ quyền hạn và trách nhiệm của bản thân ở từng vị trí công tác, được hưởng mức thu nhập xứng đáng để không cần, không có nhu cầu tham nhũng, được biết những trách nhiệm phải chịu để không dám tham nhũng…


Đối với các cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, môi trường làm việc cũng trở nên “không an toàn” bởi nếu cương quyết đấu tranh với những biểu hiện vi phạm của cấp trên hay chỉ là phê bình cấp trên thì cũng là tự đặt mình vào nguy cơ bị trù dập, bị định kiến, thậm chí bị o ép, bị “đánh” đến phải tự xin chuyển công tác. Ở những nơi dám đoàn kết đấu tranh thì cũng dễ bị quy chụp cho là mất đoàn kết nội bộ, “cấu kết chống đối cấp trên”… Nắm bắt được tình hình, Đảng, Nhà nước đã ban hành một số quy định nhưng cũng chưa giải quyết được triệt để, như quy định về lấy phiếu tín nhiệm có mặt tích cực là khắc phục tính độc đoán, chuyên quyền, khắc phục hiện tượng “vua một cõi” nhưng mặt khác lại dẫn đến tình trạng, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mất tính quyết đoán, lấy lòng cấp dưới; cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì vì cơ hội lấy phiếu trong tương lai nên cũng không dám đấu tranh, không dám phê bình, “dĩ hòa vi quý”… Nhìn chung, cán bộ trở nên “giữ mình” vì lợi ích bản thân, “không nói dù thấy sai, không làm dù thấy tốt”.


Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ chính là tin vào tương lai nhưng đối với thế hệ trẻ hôm nay nếu không được rèn giũa qua thực tế, không được ươm đắp lý tưởng cách mạng chân chính, không được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý thì những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước này sẽ biến những lệch lạc trong tư tưởng, trong suy nghĩ, những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý của cá nhân họ thành những bước đi sai lầm, kéo tụt sự phát triển của cả đất nước. Đó là chưa kể những cá nhân không chỉ có “con đường quan lộ thần tốc”, mà còn thiếu hụt một nhân cách đạo đức thì sẽ trở thành những nhân tố đẩy Đảng ta đến trước những nguy cơ đã được dự báo trước.


Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định những nguy cơ, thách thức to lớn mà Đảng ta và toàn thể đảng viên đang phải đối mặt. Nhân dân thì quan tâm sát sao đến từng động thái của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước đối với từng vụ việc liên quan đến các cán bộ, đảng viên có vi phạm, trong đó có cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị.

 

Nhìn lại năm 2017, một số đại án về kinh tế lớn gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng đã được phát hiện, đưa ra xét xử: vụ án tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), vụ án Giang Kim Đạt tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines), vụ án Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Housing Group cùng đồng phạm, vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm… Trong các đại án của năm 2017 được đưa ra xét xử, hầu hết các bị cáo đều bị khởi tố tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”…

 

Một trong những cơ sở quan trọng để đạt được những kết quả này phải kể đến quyết tâm của Đảng ta, của người đứng đầu Đảng ta. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 17-4-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quyết tâm truy tố, xét xử dứt điểm các đại án. Trước đó, ngày 05-01-2017, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo thống kê của ngành Công an, năm 2017, có 17.159 vụ xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế được phát hiện, xử lý (nhiều hơn 336 vụ so với 2016); 185 vụ về tham nhũng, chức vụ được khám phá. Đặc biệt đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp - thương mại Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, ngày 16-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam. Trong gần một năm Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, quần chúng hoài nghi liệu vụ việc có “chìm xuồng”, rồi ngày 31-7-2017, khi Bộ Công an xác nhận Trịnh Xuân Thanh đã đầu thú, người dân lấy lại niềm hy vọng vụ việc sẽ được xét xử nghiêm minh và những người có liên quan sẽ khó tránh được trách nhiệm… Đối với ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi bị kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, điều chuyển về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, người dân vẫn hồ nghi tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng nhưng rồi những ngày cuối năm 2017 khi vụ việc ngày càng được cơ quan điều tra làm rõ (ngày 08-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) thì niềm tin của người dân ngày càng được củng cố. Vụ việc đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đến đông đảo quần chúng nhân dân rằng thực sự đã không còn “vùng cấm”. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đó không chỉ là quy định trong Hiến pháp năm 2013, trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà đã thực sự đi vào thực tế cuộc sống. Niềm tin của quần chúng nhân dân đã thực sự được củng cố. Niềm tin đó trở nên sống động hơn bao giờ hết, bởi đó là niềm tin của lý trí với những đòi hỏi chính đáng về dân chủ, về công bằng; là niềm tin vào sự trong sáng, vì dân của Đảng ta; là niềm tin vào lý tưởng cộng sản với những bản chất vô cùng đẹp đẽ của người đảng viên cộng sản vốn chỉ biết quên mình đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, của dân tộc.


Thực tế cho thấy, người đứng đầu luôn có vai trò quan trọng quyết định. Nửa nhiệm kỳ qua, niềm tin đã được người đứng đầu Đảng ta tạo dựng, có thể hy vọng thời kỳ những người có chức, có quyền “làm mưa gió trên chính trường”, “muốn gì được nấy”, thời kỳ “khủng hoảng” niềm tin đã và đang dần qua đi. Tuy không thể ngày một ngày hai hay xử một, hai vụ án là đã xem như lấy lại được lòng tin trong quần chúng nhân dân nhưng điều đáng mừng ở đây là những cá nhân đảng viên lợi dụng chức quyền có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý; đáng mừng hơn đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh những cá nhân khác, có sức mạnh ngăn cản hàng loạt những toan tính vụ lợi khác…; và trên hết là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được củng cố và đang dần trở lại.


Bên cạnh kỳ vọng, đồng thời với giáo dục ý thức và kêu gọi tự giác, tự nguyện thì cách tốt nhất là xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, xây dựng đồng bộ một hệ thống hành lang pháp lý, các quy định, quy tắc làm việc với những chuẩn mực đạo đức được đề cao để mỗi cá nhân ở từng vị trí công tác chỉ tập trung phát huy hết khả năng và cống hiến mà “không phải”, “không cần” và “không dám” vượt quyền, lạm quyền, “không thể” vi phạm pháp luật.

 

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được những con người trung thực, tử tế, mới tạo ra nền tảng văn hóa chính trị tốt đẹp, văn minh và bền vững./.