Thông tin kinh tế đáng chú trong tuần (từ ngày 22 đến 28-01-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:45, ngày 01-02-2018

TCCSĐT - Ngày 22-01, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của năm 2018 và 2019, cho rằng kế hoạch cắt giảm thuế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế số một thế giới này cũng như giúp các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Quyết định thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về vấn đề thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo thông báo, Bộ Tài chính trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến việc hạch toán khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ-Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2015 và khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ đến cuối năm 2016 tại Công ty mẹ - EVN để hoàn chỉnh kết luận thanh tra, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định, đồng thời tạo điều kiện cho EVN thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và EVN chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Cá nhân cho thuê tài sản trên cả nước chính thức được nộp thuế điện tử

Từ tháng 01-2018, cơ quan chức năng chính thức mở rộng triển khai kê khai, nộp thuế điện tử với những cá nhân cho thuê tài sản tại tất cả các tỉnh, thành phố. Đây là thông tin vừa được đại diện Tổng cục Thuế cho biết chiều 26-01. Giải pháp trên được giải thích là giúp cá nhân không phải trực tiếp đến nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế trong giờ hành chính.

Trước đây người cho thuê tài sản phải khai và nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhận hàng quý đối với tiền cho thuê tài sản. Đến thời điểm khai thuế, các cá nhân phải đến chi cục thuế nơi có tài sản cho thuê để nộp hồ sơ khai thuế hoặc gửi qua đường bưu chính, sau đó phải đến ngân hàng, kho bạc để nộp thuế.

“Nhiều người nộp thuế thường đi làm thủ tục vào những ngày đến hạn nên phải chờ đợi để khai, nộp thuế. Trường hợp cá nhân có nhiều tài sản cho thuê ở các tỉnh khác nơi cư trú thì việc đi lại xa sẽ ảnh hưởng sinh hoạt và công tác”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã phối hợp để xây dựng giải pháp kết nối với các ngân hàng thương mại cổ phần và các công ty có giải pháp thanh toán thuế điện tử cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Một số đơn vị được nhắc tên như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ hần Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank), Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Công ty Napas).

Trước đó, từ tháng 11-2016, ngành thuế thí điểm thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một năm, đại diện ngành thuế tính toán, đã có khoảng 30.811 tài khoản cá nhân đăng ký giao dịch điện tử với khoảng 45.317 tờ khai điện tử đã được thực hiện.

Điểm mặt các lĩnh vực kinh doanh 'hot' nhất trên mạng năm 2017

Thống kê từ 3.000 chủ shop trên nền tảng website bán hàng đa kênh Bizweb.vn cho thấy, kinh doanh thời trang-phụ kiện vẫn là lĩnh vực “hot” nhất trên mạng trong năm 2017.

Theo khảo sát này, thời trang-phụ kiện vẫn là lĩnh vực hot, được nhiều người lựa chọn kinh doanh online nhất (18%), sau đó là Công nghệ điện tử (15%), Dược phẩm - làm đẹp - Spa (9%), Mỹ phẩm - trang sức (9%) và Dịch vụ - du lịch - khách sạn (9%).

Ngoài website, các shop sử dụng phổ biến nhất kênh bán tại cửa hàng (79%) và sau đó là Mạng xã hội, Sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong khi đó, với các trang mạng xã hội, 91% cửa hàng trả lời khảo sát có sử dụng Facebook, tỷ lệ này ở Zalo là 68%.

Top các sàn giao dịch thương mại điện tử được sử dụng phổ biến nhất lần lượt là Shopee (55%), Sendo (52%), Lazada (49%), Adayroi (36%). Trong khi đó, kênh bán hàng trên các trang web mua theo nhóm có 37% sử dụng.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng Facebook là kênh tiếp thị được sử dụng nhiều nhất (80%), đăng bài trên các diễn đàn (63%), yối ưu hóa công cụ tìm kiếm-SEO (62%), quảng cáo Google Adwords (56%), quảng cáo Zalo (52%)...

Nhật kiên định lộ trình thúc đẩy CPTPP bất chấp động thái mới từ Mỹ

Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 26-01 khẳng định việc Mỹ để ngỏ khả năng quay trở lại đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không làm thay đổi lộ trình của Tokyo về việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thay thế TPP.

Tuyên bố của Bộ trưởng Motegi - người phụ trách đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên phía Nhật Bản - được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể quay trở lại đàm phán TPP.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC của Mỹ ở Thụy Sĩ ngày 25-01, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cân nhắc về việc Mỹ quay trở lại tham gia TPP theo những điều khoản "tốt hơn nhiều".

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh: "Các điều khoản của TPP 11 đã được quyết định, và ưu tiên của chúng tôi là đưa TPP 11 sớm có hiệu lực". Tuy nhiên, ông Motegi cũng hoan nghênh "thực tế rằng Mỹ đã công nhận tầm quan trọng của TPP", đồng thời nêu rõ Tokyo sẵn sàng "giải thích các điều khoản của TPP 11 với Mỹ, nếu được yêu cầu".

Trước đó, tại cuộc họp ngày 23-01 tại Tokyo (Nhật Bản), 11 nước tham gia đàm phán CPTPP (gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam), đã nhất trí về nội dung sửa đổi hiệp định này.

Theo kế hoạch, các bên sẽ ký kết CPTPP tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào ngày 08-3 tới để hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François-Philippe Champagne ra thông báo cho biết 11 nước đã đạt được nhất trí quan trọng về ba nội dung sửa đổi trong CPTPP liên quan đến văn hoá, ôtô và đình chỉ một số điều khoản về bảo vệ bản quyền sỡ hữu trí tuệ.

Trước đó, Canada do dự về việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, tên gọi cũ của CPTPP) tại Đà Nẵng do lo ngại ảnh hưởng đến tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra đầy khó khăn với Mỹ và Mexico.

Một số hiệp hội ngành nghề tại Canada như Teamsters (đại diện cho 1,4 triệu lao động ở Bắc Mỹ) và Unifor bày tỏ lo ngại việc Chính phủ Canada đồng ý ký CPTPP trước khi hoàn tất tái đàm phán NAFTA. Tuy nhiên, Hiệp hội trang trại và công nghiệp thực phẩm Canada lại hoan nghênh quyết định này, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau “không nên để hết trứng vào một giỏ”.

Hiệp hội Thịt lợn Canada (CPC), Hiệp hội Chăn nuôi gia súc Canada (CCA), Hiệp hội Thịt Canada (CMC) và Liên minh thương mại Nông nghiệp-Thực phẩm Canada (CAFTA) cũng cho rằng CPTPP là cơ hội để Canada có thể đạt được mục tiêu 75 tỷ đôla Canada (CAD) của ngành xuất khẩu thịt. Chủ tịch CMC Chris White tin tưởng việc ký kết CPTPP “sẽ tăng nguồn thu từ bán thịt bò và thịt lợn lên ít nhất 500 triệu CAD và tạo thêm 5.800 việc làm”.

Thông tin về CPTPP được công bố cùng thời điểm khởi động tiến trình tái đàm phán NAFTA vòng 6 tại thành phố Montreal ở Canada. Đây được cho là tín hiệu gửi đến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh Nhà Trắng đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu không đạt được những bước tiến cần thiết và nhượng bộ từ Canada và Mexico tại vòng đàm phán lần này.

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019

Ngày 22-01, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của năm 2018 và 2019, cho rằng kế hoạch cắt giảm thuế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế số một thế giới này cũng như giúp các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,9% trong năm 2018 và 2019, tăng 0,2% so với dự báo cập nhật hồi tháng 10-2017.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cảnh báo tăng trưởng của Mỹ có thể bắt đầu yếu đi sau năm 2022 do những biện pháp kích thích chi tiêu tạm thời được đưa ra nhờ chính sách cắt giảm thuế bắt đầu hết hiệu lực.

Theo nhà kinh tế hàng đầu của IMF Maurice Obsstfeld, các biện pháp cắt giảm thuế có thể sẽ làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng USD mạnh lên và tác động đến các nguồn đầu tư quốc tế.

Trước đó, ngày 22-12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD. Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất kể từ những năm 1980 này được coi là một thắng lợi pháp lý quan trọng trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump. Theo IMF, mặc dù kinh tế Mỹ đang thể hiện sự tăng trưởng vững chắc, song tốc độ tăng trưởng hằng năm vẫn chưa thật sự đạt mức ấn tượng kể từ cuộc suy thoái kinh tế 2007 - 2009.

Cùng với hoạt động kinh tế tại châu Âu và châu Á cũng mạnh hơn đáng kể so với dự báo năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017 đến nay ước tính đạt 3,7%, tăng 0,1% so với dự báo đưa ra tháng 10 năm ngoái. Theo báo cáo được công bố bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), diễn ra từ ngày 22 đến 26-01 tại Davos (Thụy Sĩ), chính sách thuế của Mỹ ước tính sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đến hết năm 2020, song cũng có cảnh báo rằng sau năm 2022 kế hoạch cắt giảm thuế sẽ kéo tăng trưởng chậm lại trong vài năm.

IMF cho rằng kinh tế Mỹ dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2018, cao hơn mức 2,3% đưa ra tháng 10 năm ngoái, nhưng giảm xuống còn 2,5% trong năm 2019.

IMF nhận định các nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi đồng thời, thậm chí mạnh hơn mức dự báo và nhờ kế hoạch cắt giảm thuế của Mỹ sự phục hồi có thể sẽ bùng nổ trong một thời gian ngắn. Gần như tất cả dự báo tăng trưởng trong 2 năm 2018 và 2019 đều được điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó. Mặc dù vậy, IMF cảnh báo các thị trường tài chính đang dồi dào rất có thể đảo chiều sau thời điểm tăng trưởng mạnh mẽ./.