Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-8 đến ngày 03-9-2017
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Không hạ thấp tiêu chuẩn trình độ của cán bộ cấp xã
Trao đổi về kết quả Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (thu hút 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch các xã đặc biệt khó khăn ở 20 tỉnh, 64 huyện, 580 xã), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, kết quả mang lại rất khả quan. Đó là sự trưởng thành của 580 trí thức trẻ bố trí về 580 xã. Việc bố trí công việc, sắp xếp lại sau khi dự án kết thúc đạt tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, các em đã trưởng thành, được kết nạp Đảng trên 90%, hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và pháp luật. Đã có trên 800 chương trình, đề án, dự án của hơn 350 em đề xuất những chủ trương để giúp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch về đề án kinh tế - xã hội nói chung, trong số này có hơn 80% dự án đã được áp dụng và có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có nhiều vấn đề cần nghiên cứu và suy nghĩ lại. Bộ Nội vụ sẽ đề nghị thông qua tổng kết Dự án này, nghiên cứu để điều chỉnh lại về cơ chế, chính sách đối với lực lượng trí thức trẻ, lực lượng tình nguyện được phân công công tác ở những vùng khó khăn, những xã nghèo, đặc biệt là đối với những nơi miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Quan điểm của Bộ Nội vụ là lấy thước chuẩn của cán bộ, công chức là quan trọng, để không hạ thấp tiêu chuẩn trình độ, điều kiện của cán bộ ở cấp xã mà cố gắng nâng trình độ cán bộ xã, nhất là những xã vùng khó khăn, xã nghèo, để cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn, có kiến thức rộng hơn.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng cái quan trọng nhất của công tác cán bộ là phải đào tạo. Tất cả cán bộ phải có trình độ, vừa có kiến thức thực tiễn, vừa phải có trình độ về chuyên môn. Mô hình của Dự án là mô hình vừa làm, vừa học. Vừa làm, nhưng các em hàng năm phải được bổ sung kiến thức, phải được cập nhật về vấn đề pháp luật và các em cũng phải được đi nghiên cứu, thậm chí nghiên cứu ở nước ngoài. Những kiến thức thực tế kết hợp với những quy định của pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước mà các em đã được trang bị, giúp các em trưởng thành. Từ cơ sở đi lên, kinh nghiệm sẽ dày dạn hơn.
Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, nhấn mạnh đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Về đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo.
Về bồi dưỡng, có 4 hình thức: 1- Tập sự; 2- Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; 3- Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 4- Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/1 năm; một tuần được tính bằng 5 ngày học, một ngày học 8 tiết).
Nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 21-10-2017.
Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục. Thành viên Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn.
Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ điều phối trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao khi các bộ, cơ quan, địa phương có ý kiến khác nhau.
Các bộ, cơ quan, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của Tổ công tác.
Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm của Tổ trưởng; mỗi thành viên Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ công tác trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.
Tổ công tác họp định kỳ 1 tháng một lần, họp đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Tổ trưởng Tổ công tác. Bên cạnh hình thức họp trực tiếp để thảo luận, Tổ công tác có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư
Chiều 01-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư".
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở các địa phương được chọn làm điểm đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện tích cực, nghiêm túc, qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, hoạt động giám sát của Mặt trận các cấp đã có cơ chế nhất định, thiết thực và cụ thể, giúp cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý, kịp thời xử lý những sai phạm, ngăn chặn và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực.
Chia sẻ về thực trạng giám sát đảng viên, cán bộ, công chức trên địa bàn, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việc Nam Thành phố Hồ Chí Minh Lý Ngọc Thạch dẫn chứng: Có những đảng viên tuy hộ khẩu ở nơi cư trú, nhưng lại sinh sống nơi khác, chỉ cuối năm mới về nơi có hộ khẩu xin chi bộ, Mặt trận Tổ quốc nhận xét. Mặt khác, nhiều đảng viên cho thuê nhà ở nơi cư trú, sinh hoạt Đảng ở nơi khác nhưng không chuyển nhận xét đảng viên về nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác giám sát của Mặt trận. Đáng chú ý, việc giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức rất khó khăn; bởi việc kê khai tài sản chỉ được niêm yết tại nơi làm việc, rất khó để nhân dân biết được tài sản của đảng viên, cán bộ đó là bất minh hay không.
Từ góc độ khác, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình Phạm Đăng Nguyên, một trong năm địa phương thực hiện thí điểm cho biết: Tỉnh đã tổ chức giám sát bằng cách lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu. Ngoài bốn chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND, Ninh Bình còn mở rộng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh các ngành địa chính, tài chính, thương binh - xã hội, văn hóa. Sau 3 năm thực hiện (2007-2009), việc lấy phiếu tín nhiệm thu hẹp về 4 chức danh ban đầu. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm là rất tích cực, được nhân dân đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn nhận định đây là chủ trương phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền, trách nhiệm của người dân trong xây dựng Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề nguồn lực và nhân lực thực hiện. Thực tế hiện nay, chất lượng nguồn lực chưa tương xứng với số lượng, cơ cấu, đối tượng tham gia; việc tuyên truyền chưa đủ sâu đến các đối tượng, kể cả chủ thể lẫn đối tượng dẫn đến cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và hệ thống chính quyền còn hạn chế… Vì vậy, cần có cơ chế, quy trình, cách thức giám sát phù hợp với từng đối tượng...
Quảng Ninh tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 6496/UBND-TH5, ngày 31-8-2017 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng.
Theo đó, các đơn vị tạm dừng xem xét, giải quyết việc tiếp nhận, tuyển dụng, ký hợp đồng 68 (hợp đồng lao động một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ), hợp đồng lao động vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ công tác rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, cơ cấu, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp tinh giản biên chế theo quy định, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng biên chế; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng đảm bảo phù hợp với chuyên môn đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quyết định giao biên chế công chức, viên chức (số lượng người làm việc) và hợp đồng 68 năm 2017 cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.
Để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc, chủ động sắp xếp, tự cân đối, bố trí, sử dụng hiệu quả số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng hiện có mặt.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc giao biên chế và hợp đồng của các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định việc giao biên chế năm 2017 đảm bảo sát đúng thực tế.
Vĩnh Phúc: Tập trung xây dựng chính quyền điện tử
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc quản lý, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, kết nối cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; hơn 90% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, 95% cán bộ cấp tỉnh có máy tính.
Trung tâm hạ tầng thông tin tỉnh được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn Tier2 - Tiêu chuẩn quốc tế về Data Center, đủ đáp ứng cho khoảng 600 - 1000 máy chủ. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng với trục đường cáp quang, thiết bị đầu cuối được lắp đặt tại 55 đơn vị.... Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh bàn giao, cấp phát gần 7.900 hộp thư điện tử công vụ cho 100% các cơ quan đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp công nghệ, tích hợp hệ thống điện tử công vụ; hệ thống chữ ký điện tử được triển khai cài đặt tại nhiều đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh có 31 cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và 30 cổng thông tin thành phần đang hoạt động. Dịch vụ công trực tuyến hiện có trên cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh hơn 1.600 thủ tục văn bản, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử hiện đại quy mô toàn tỉnh đã triển khai xong giai đoạn 1 cho 25 đơn vị, địa phương. Vĩnh Phúc đã xây dựng trang tin doanh nghiệp trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh để công bố thông tin hoạt động, trao đổi, giải đáp các vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn đồng thời công khai tiến độ giải quyết các hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến; gắn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính nhằm rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa, chuẩn hóa hồ sơ, giảm thời gian và kinh phí thực hiện thủ tục hành chính.
Về kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2018, triển khai nền tảng tích hợp và phát triển các ứng dụng; xây dựng các dịch vụ nền tảng dùng chung, các cơ sở dữ liệu chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng; phát triển các phần mềm lõi dùng chung đảm bảo tính liên thông nghiệp vụ. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020, hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến, phát triển 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 35% mức độ 4; xây dựng các hệ thống tương tác với tổ chức, công dân: Cổng công dân, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng doanh nghiệp. Giai đoạn 3 sau năm 2020, duy trì, hoàn thiện, nâng cấp các thành phần kiến trúc chính quyền điện tử.../.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - nền tảng tinh thần cho xây dựng nền đạo đức mới trong hiện tại và tương lai ở Việt Nam  (05/09/2017)
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - nền tảng tinh thần cho xây dựng nền đạo đức mới trong hiện tại và tương lai ở Việt Nam  (05/09/2017)
Lời dạy của Hồ Chủ tịch là di sản vô giá với công tác mặt trận của Lào  (04/09/2017)
Phó Thủ tướng dự lễ đặt tên, khai giảng Trường THCS Nguyễn Văn Chính  (04/09/2017)
Phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào chất lượng, hiệu quả, thiết thực  (04/09/2017)
EFTA tìm cách thuyết phục chính phủ Anh trở thành thành viên  (04/09/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay