Nâng cao vai trò, chất lượng của cấp ủy cơ sở ở Đảng bộ tỉnh Hà Nam

ThS. Nguyễn Hòa Bình Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh Hà Nam
22:28, ngày 13-07-2016

TCCSĐT - Cấp ủy cơ sở là cơ quan lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở giữa hai kỳ Đại hội. Cấp ủy cơ sở có vai trò quan trọng đối với toàn bộ hoạt động lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn và từ thực tiễn địa phương, Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn coi trọng nâng cao vai trò, chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở.

Hà Nam là một tỉnh có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, có 05 huyện và 01 thị xã (nay là thành phố) trực thuộc tỉnh với 116 xã, phường, thị trấn (có 15 xã miền núi).

Cấp ủy cơ sở là hạt nhân của hệ thống chính trị cơ sở, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân... Nhận thức sâu sắc tư tưởng trên, Tỉnh ủy Hà Nam ban hành các chỉ thị về công tác lãnh đạo các cấp ủy cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của cấp ủy cơ sở nói chung, cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn nói riêng để có thể lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của địa phương trong nhiệm kỳ 2010-2015.


Đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2010-2015


Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam, tổng số cấp ủy viên của 116 đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 1.778 người (84,5% đảng bộ xã, phường, thị trấn có số lượng 15 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ; 15,5% đảng bộ xã, phường, thị trấn có số lượng 17 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ)(1).


- Về trình độ học vấn phổ thông: Có 1.718 cấp ủy viên tốt nghiệp Trung học phổ thông (chiếm 96,63%), tăng 0,52% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010; 60 cấp ủy viên tốt nghiệp Trung học cơ sở (chiếm 3,37%), giảm 0,52% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010.


- Về trình độ chuyên môn: Có 05 cấp ủy viên có trình độ thạc sỹ (chiếm 0,28%), 605 cấp ủy viên có trình độ đại học (chiếm 34,03%); 221 cấp ủy viên có trình độ cao đẳng (chiếm 12,43%); 815 cấp ủy viên có trình độ trung cấp (chiếm 45,84%); 132 cấp ủy viên có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo (chiếm 7,42%). So với nhiệm kỳ 2005 - 2010, số lượng cấp ủy viên có trình độ thạc sỹ tăng 0,17%, trình độ đại học tăng 2,61%, trình độ cao đẳng tăng 1,24%, trình độ trung cấp tăng 0,23%, trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo giảm 1,31%.


- Về trình độ lý luận chính trị: Có 16 cấp ủy viên trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị (chiếm 0,9%); 1.544 cấp ủy viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị (chiếm 86,84%); 218 cấp ủy viên có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo (chiếm 12,26%). So với nhiệm kỳ 2005 - 2010, số lượng cấp ủy viên có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị tăng 0,28%, cấp ủy viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị tăng 1,8%, cấp ủy viên có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo giảm 2,06%.


Đội ngũ cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị tương đối đồng đều, do vậy, trong 5 năm qua (2010 - 2015), nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kinh tế - xã hội của Hà Nam giữ được ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2011 - 2015 đạt trên 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng: 58%, dịch vụ: 29,4%, nông, lâm nghiệp giảm còn 12,6%; GDP bình quân đầu người đạt 42,33 triệu đồng/năm.


Thu ngân sách đạt tốc độ tăng trưởng cao, về đích trước 2 năm so với mục tiêu của nhiệm kỳ; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt so với mục tiêu cả về số tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng. Tổng thu 5 năm đạt 13.711 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, tăng bình quân 21,4%/năm. Chi ngân sách địa phương 5 năm đạt 19.059 tỷ đồng, gấp 2,68 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 70.575 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2005 - 2010, bình quân tăng 14,2%/năm.


Như vậy, nhiệm kỳ 2010 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam có nhiều chuyển biến so với nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp; trình độ dân trí, văn hóa, xã hội của người dân được nâng cao; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Kết quả đó khẳng định sự lãnh đạo của các cấp ủy, nhất là cấp ủy xã, phường, thị trấn đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng bộ tỉnh. Đây là những thuận lợi cho công tác lãnh đạo của các cấp ủy nói chung, cấp ủy xã, phường, thị trấn nói riêng trong nhiệm kỳ tiếp theo.


Đổi mới phương thức lãnh đạo trong xây dựng Đảng


Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong nhiệm kỳ vừa qua của toàn Đảng bộ tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Chú trọng quản lý, rèn luyện và phân công nhiệm vụ cho đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên từng bước được nâng lên. Đến hết tháng 02-2015, toàn Đảng bộ tỉnh Hà Nam có 10 đảng bộ trực thuộc tỉnh, có 581 tổ chức cơ sở đảng với 47.527 đảng viên, trong đó có 116 đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, với 1.981 chi bộ trực thuộc và 36.670 đảng viên (tổ chức cơ sở đảng xã có 1.665 chi bộ trực thuộc, với 29.946 đảng viên; tổ chức cơ sở đảng phường, thị trấn có 316 chi bộ trực thuộc, với 6.724 đảng viên). Bình quân hằng năm số tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đạt trong sạch vững mạnh đạt 84,23%, số tổ chức cơ sở đảng yếu kém còn 0,25%; số đảng viên của xã, phường, thị trấn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hằng năm đạt 80,32%. Trong những năm 2010 - 2015, toàn Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã kết nạp được 6.400 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó, 116 đảng bộ xã, phường, thị trấn kết nạp được 3.712 đảng viên.


Thành quả này là do cấp ủy của cơ sở làm tốt các công tác tư tưởng, lãnh đạo tốt công tác xây dựng Đảng. Không chỉ vậy, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, các cấp ủy cơ sở thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với các khâu trong công tác cán bộ: làm tốt công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015 - 2020 và có sự điều chỉnh, bổ sung hằng năm. Nhiều cấp ủy cơ sở chú trọng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thường xuyên cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện tương đối tốt (trong 5 năm luân chuyển 26 cán bộ cấp huyện về giữ chức danh chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn); tuyển chọn được 245 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn. Coi trọng đánh giá cán bộ, nhất là đội lãnh đạo, quản lý gắn với trách nhiệm được giao...


Cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn tỉnh Hà Nam lãnh đạo công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trong hệ thống chính trị từ xã, phường, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố theo hướng bảo đảm hoạt động ngày càng hiệu quả. Đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung và đội ngũ cán bộ nguồn cơ sở nói riêng hầu hết có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tận tụy với nhân dân, biết phát huy sức dân. Một số cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 06 xã, phường thuộc các huyện, thành phố.


Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân ở cơ sở. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong 5 năm 2010 - 2015, các cấp ủy xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát 2.088 lượt chi bộ trực thuộc với 1.524 đảng viên về chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng 2,1 lần so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy xã, phường, thị trấn đã kiểm tra, giám sát 1.276 cuộc đối với các chi bộ trực thuộc và 1.392 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Các cấp ủy và Ủy ban kiểm tra của đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát chuyên đề đối với 1.472 lượt chi bộ trực thuộc và 3.203 lượt đảng viên. Trong 5 năm 2010 - 2015, thi hành kỷ luật 436 đảng viên, trong đó có 76 cấp ủy viên, giảm 8% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Qua kiểm tra, giám sát góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.


Tuy nhiên, tình hình cấp ủy và công tác lãnh đạo của cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn những hạn chế. Chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở ở một số nơi chưa cao, chưa thật sự tiêu biểu, chưa phát huy được năng lực lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chưa làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao hoặc chưa xây dựng được sự đoàn kết nhất trí trong đảng ủy, đảng bộ cũng như trong nhân dân ở cơ sở…


Giải pháp nhằm nâng cao vai trò, chất lượng của cấp ủy cơ sở


Cấp ủy cơ sở nói chung, cấp ủy xã, phường, thị trấn nói riêng là cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ giữa hai kỳ đại hội. Vì vậy, cấp ủy cơ sở có vai trò quan trọng đối với toàn bộ hoạt động lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng ấy, Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 chủ trương nâng cao vai trò, chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở bằng nhóm giải pháp sau:


Một là, nâng cao chất lượng chuẩn bị và ban hành nghị quyết
.

Để nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn, trước hết phải nâng cao năng lực chuẩn bị và ban hành nghị quyết, xác định đúng đắn, chính xác nhiệm vụ chính trị, các chủ trương công tác của Đảng bộ phù hợp với đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và sát hợp với thực tế của địa phương trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và quy luật phát triển của cuộc sống. Đó là phương hướng hàng đầu và quan trọng nhất của việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn.


Để thực hiện tốt phương hướng trên, cần thực hiện một quy trình khoa học, bảo đảm cho việc ban hành nghị quyết của cấp ủy có tính chính xác cao:


Trước hết, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trong Đảng và trong nhân dân, bảo đảm thấu suốt đường lối, quan điểm của Đảng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, thực hiện một phương châm hành động tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Trong lĩnh vực tư tưởng, cần khắc phục và đề phòng một số khuynh hướng sai lầm: chủ nghĩa giáo điều, tư tưởng bảo thủ, thụ động trông chờ, ỷ lại hoặc chủ quan duy ý chí, bất chấp thực tế, bất chấp quy luật khách quan.


Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị ban hành nghị quyết phải luôn luôn bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan lãnh đạo cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và phối hợp hoạt động của các cơ quan, ban ngành có liên quan. Đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển đúng hướng và thuận lợi cho mỗi xã, phường, thị trấn.


Hai là, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.


Thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, nhiều nghị quyết đúng đắn của Đảng chậm đi vào cuộc sống, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là việc tổ chức và kiểm tra thực hiện nghị quyết chưa tốt. Trách nhiệm đó, trước hết thuộc về cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn mạnh hay yếu là ở chỗ cấp ủy đó có tổ chức thực hiện tốt và kiểm tra có hiệu quả việc thực hiện nghị quyết của Đảng hay không. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.


Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, các cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp với chính quyền, sớm thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung nghị quyết của Đảng thành những quyết định mang tính pháp lý. Phải tăng cường và đổi mới công tác giáo dục, thuyết phục nhân dân, đồng thời phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.


Kinh nghiệm thực tiễn trong những năm qua cho thấy, muốn làm tốt việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, cần phải làm tốt cả ba mặt chủ yếu:


- Phải gắn việc thực hiện nghị quyết mới ban hành với các nghị quyết khác của Đảng và thông qua các phong trào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và củng cố Đảng về mọi mặt, lấy đó làm điều kiện và thước đo kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng.


- Xác định việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cấp ủy, của các cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn và đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở xã, phường, thị trấn.


- Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở cần đề ra chương trình hành động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn. Không ai có thể làm thay cho các cơ quan, đơn vị ở cơ sở. Cấp trên chỉ có thể vạch ra những phương hướng lớn, còn nội dung, biện pháp cụ thể, phải do từng đơn vị cơ sở đề ra.


Trong quá trình chỉ đạo và kiểm tra thực hiện nghị quyết, các cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn cần đặc biệt chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi chủ trương, chính sách, biện pháp kinh tế - xã hội dù là đúng đắn nhất, thì trong quá trình thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, cũng thường có những hệ quả tiêu cực nhất định, những vấn đề mới nảy sinh cần phải chủ động giải quyết. Phải kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, sáng tạo, những nhân tố điển hình, tiên tiến, uốn nắn những lệch lạc, tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn trên từng lĩnh vực cụ thể, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Đảng trong công cuộc đổi mới
.

Ba là, thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bảo đảm cho họ có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện công cuộc đổi mới.


Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ yếu hay kém. Do đó, thường xuyên chăm lo công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, nhất là đối với cấp ủy xã, phường, thị trấn.


Thực hiện có nền nếp công tác quy hoạch cán bộ. Xác định rõ tiêu chuẩn của từng loại cán bộ. Xây dựng Đảng và thực hiện cơ chế tuyển chọn cán bộ trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trọng dụng tài năng. Từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa trong cơ quan lãnh đạo. Đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ trên cơ sở quan điểm khuyến khích, trọng dụng tài năng và những người làm việc có năng lực, có hiệu quả cao. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ đúng đắn đối với những cán bộ đã có nhiều công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.


Đối với công tác quản lý cán bộ, cần thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm của thủ trưởng, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong công tác quản lý cán bộ. Cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể quần chúng đối với công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy. Đoàn kết, sử dụng hợp lý mọi lực lượng trong Đảng, và ngoài Đảng, không hẹp hòi, định kiến về lý lịch và thành phần xuất thân. Chống tư tưởng phong kiến, gia trưởng, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ.


Cấp ủy xã, phường, thị trấn cần thường xuyên coi trọng giúp đỡ xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng. Phải đặt công tác xây dựng Đoàn Thanh niên trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, mà trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy.


Bốn là, coi trọng củng cố và kiện toàn cấp ủy phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của Đảng bộ.


Chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, điều quan trọng trước hết là từng cấp ủy viên phải có đủ tiêu chuẩn, phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực, và phẩm chất của Đảng bộ. Trong việc lựa chọn người vào cấp ủy, cần lấy tiêu chuẩn là chính, không lấy cơ cấu thay cho tiêu chuẩn, mặc dù cơ cấu là rất cần thiết, phải coi trọng chất lượng hơn số lượng. Không vì cơ cấu và mục đích trẻ hóa cấp ủy mà châm chước về tiêu chuẩn. Phải coi tiêu chuẩn là yêu cầu quan trọng và cơ bản nhất. Đồng thời, trong khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn không xem nhẹ cơ cấu để bảo đảm cho cấp ủy đủ khả năng lãnh đạo trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Phải xem xét, cân nhắc thật cụ thể việc cần thiết có sự tham gia của đại biểu các địa bàn xung yếu, các loại hình cơ sở để tăng cường năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy cơ sở.


Kinh nghiệm thực tiễn chỉ rõ, phải thường xuyên quan tâm củng cố và kiện toàn cấp ủy, kịp thời thay những cấp ủy viên không phát huy tác dụng và bổ sung các cấp ủy viên đủ tiêu chuẩn, có uy tín tăng cường vào cấp ủy, không chờ hết nhiệm kỳ mới thay.


Năm là, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, đổi mới phong cách lãnh đạo và lề lối công tác của cấp ủy, bảo đảm đoàn kết thống nhất ý chí và hành động trong cấp ủy, trước hết là Thường vụ cấp ủy.


Trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đã được Điều lệ Đảng quy định và căn cứ vào tình hình đặc điểm, vai trò, nhiệm vụ của từng cấp, mỗi cấp ủy cần xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp mình. Quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ lãnh đạo, quyền hạn của tập thể cấp ủy trong hệ thống chính trị và chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ủy viên. Cần làm cho cấp ủy viên nắm vững và thực hiện tốt quy chế làm việc. Đồng thời, tổng kết kinh nghiệm công tác, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy. Phát huy dân chủ trong Đảng, bảo đảm cho mọi đảng viên và cấp ủy viên thực hiện quyền làm chủ khi thảo luận tham gia xây dựng quan điểm, đường lối của Đảng, ứng cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo. Thực hành thường xuyên, nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cấp ủy.


Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, cần đổi mới phong cách và lề lối làm việc của cấp ủy. Trước hết, cần xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa, chương trình công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần của cấp ủy, xác định nhiệm vụ trọng tâm, công tác cấp bách cho từng giai đoạn. Thực hiện có nền nếp chế độ thông tin, cung cấp đầy đủ những tài liệu cần thiết để từng cấp ủy viên nghiên cứu, chuẩn bị trước khi mở hội nghị. Trong hội nghị cần tập trung thảo luận, tranh luận để làm rõ những vấn đề trọng tâm và những ý kiến còn khác nhau. Những vấn đề mới và khó cần phải chỉ đạo làm thử, làm điểm, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm trước khi cấp ủy ra quyết định chính thức. Cần duy trì chế độ phân công cấp ủy viên, nhất là cấp ủy viên thường vụ phụ trách từng địa bàn, từng cơ sở, định kỳ hằng tháng phải xuống thâm nhập cơ sở, gặp gỡ đối thoại với đảng viên và nhân dân, trực tiếp nắm tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát hiện những nhân tố mới tích cực, những điển hình tiên tiến góp phần nâng cao năng lực thực tiễn của cấp ủy.


Sáu là, đổi mới và nâng cao chất lượng bộ phận tham mưu.


Văn phòng cấp ủy cơ sở là người giúp việc, là bộ phận tham mưu gần nhất cho cấp ủy, có vị trí quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy. Có thể coi văn phòng cấp ủy cơ sở là “bộ óc thứ hai” của cấp ủy. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ văn phòng của cấp ủy cơ sở cần bảo đảm có phẩm chất tốt, trước hết có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thực, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có kiến thức và trình độ tổng kết, có năng lực tham mưu, có kinh nghiệm về công tác đảng, có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, có quan điểm và tác phong quần chúng./.

----------------------------------------

(1) Thống kê của ban Tổ chức.