Tỉnh Bình Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch các khu công nghiệp
TCCS - Xác định quy hoạch là khâu then chốt, có tính chất đột phá trong phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm, xây dựng, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Công văn số 173/TTg, ngày 28-01-2016, đến năm 2020, tỉnh Bình Dương có 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790ha. Trong 5 năm qua (2016 - 2020), tỉnh đã thành lập mới và mở rộng 4 KCN với diện tích 1.400ha, điều chỉnh giảm quy mô 5 KCN với diện tích 243ha. Tính đến tháng 6-2020, tỉnh có 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch 12.721ha, chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN cả nước; còn 4 KCN chưa thành lập đang được tỉnh lựa chọn đơn vị chủ đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đang đề xuất Chính phủ mở rộng KCN Tân Bình với diện tích 1.050ha trong năm 2020. Về quy mô KCN, bình quân diện tích khoảng 410ha/khu, cao hơn bình quân của năm 2015 là 300ha/khu.
Xác định quy hoạch là khâu then chốt, có tính chất đột phá trong phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm, xây dựng, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp tỉnh Bình Dương theo hướng lan tỏa đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Việc quy hoạch, phát triển các KCN trong thời gian qua vẫn đang theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nên cần phải tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, phát triển KCN theo hướng bền vững, hiện đại trong thời gian tới.
Các KCN đã hoàn thành việc xây dựng với kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN được đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KCN. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 84%, cao hơn bình quân chung của cả nước (tỷ lệ 76%). Bên cạnh đó, 100% các KCN đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 191.200 m3/ngày đêm đạt quy chuẩn môi trường. Các KCN được hình thành và phát triển phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển KCN cả nước cũng như quy hoạch sử dụng đất và phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hình thức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng KCN. Trong các KCN đã thành lập có 2 KCN do doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 446 triệu USD; 3 KCN liên doanh với vốn đầu tư 608 triệu USD. Các KCN còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 20.318 tỷ đồng. Nhìn chung, KCN được đầu tư theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn nhà nước là chủ yếu.
Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các KCN tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là vào các KCN tập trung trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp. Qua 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) thực hiện đổi mới thu hút đầu tư, các KCN đã thu hút được 8,45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, cấp mới 724 dự án với số vốn đầu tư 4,84 tỷ USD. Thu hút đầu tư trong nước đạt 24.500 tỷ đồng, vượt gấp 3 lần kế hoạch.
Hiện nay, có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào KCN của tỉnh Bình Dương. Tính đến tháng 6-2020, các KCN Bình Dương có 2.899 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.253 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,486 tỷ USD và 646 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 69.752 tỷ đồng. Ngành, nghề thu hút vào KCN hầu hết là sản xuất công nghiệp và dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các KCN đã tạo ra doanh thu 117,5 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 71,5 tỷ USD; nộp ngân sách khoảng 2,3 tỷ USD. So với giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,8 lần, nộp ngân sách tăng gấp 2 lần.
Hoạt động của các KCN tạo nên những vùng sản xuất công nghiệp tập trung, tác động rất tích cực tới việc phát triển vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất.
Lực lượng lao động trong KCN gia tăng cùng với sự gia tăng số lượng KCN và các dự án hoạt động trong KCN. Hằng năm, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm mới cho hơn 20.000 lao động, nâng số lao động đang làm việc trong các KCN lên 472.000 lao động, với thu nhập bình quân của lao động phổ thông năm 2019 đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 50% so với năm 2015. Trong tổng số lao động làm việc trong KCN thì lao động ngoài tỉnh chiếm đa số khoảng trên 80%, còn lại là người cư trú ở Bình Dương. Lao động có trình độ đại học chiếm khoảng 10%, trung cấp, cao đẳng chiếm 10%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề hoặc do doanh nghiệp đào tạo nghề. Để thu hút nguồn nhân lực làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội, cơ sở giáo dục, y tế, đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiện hữu ổn định cuộc sống và định cư lâu dài trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển KCN trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đặc biệt là Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, Ban Quản lý các KCN Bình Dương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
- Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành có liên quan đến quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy các mặt thuận lợi, kiến nghị tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa hiệu quả nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Về dài hạn cần tiến hành lập phương án phát triển hệ thống KCN trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng hình thành khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị, dịch vụ.
- Nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đổi mới sáng tạo, KCN đô thị, dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất các biện pháp, lộ trình và cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thành lập các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát huy thế mạnh sẵn có của tỉnh về kết cấu hạ tầng cũng như Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương (như gần đây là CPTTP, EVFTA) để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước châu Âu,…, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện - điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học…
- Phát huy thế mạnh của các trường cao đẳng nghề, trường đại học để tăng cường đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao gắn với sự tham gia của các hiệp hội đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN./.
Tỉnh Bình Dương: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững  (12/10/2022)
Vĩnh Phúc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp  (12/09/2022)
Nâng cao hiệu quả hoạt động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh  (20/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phấn đấu sớm đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước  (20/03/2022)
Tỉnh Vĩnh Phúc: Các khu công nghiệp thu hút gần 110.000 lao động  (11/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay