Xây dựng mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Cùng với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và văn hóa, tỉnh Quảng Ninh là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề mang đậm bản sắc vùng, miền. Do đó, việc xây dựng các mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề là hướng đi đúng đắn, vừa tạo thêm việc làm cùng thu nhập ổn định cho người dân, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Tiềm năng trong xây dựng mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề
Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, trải qua bao năm tháng xây dựng và phát triển quê hương, các thế hệ người dân Quảng Ninh hiện còn lưu giữ được nhiều nghề và làng nghề mang đậm giá trị văn hóa các vùng, miền. Đây là một trong những lợi thế so sánh để tỉnh Quảng Ninh có thể xây dựng và phát triển mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 20 làng nghề với nhiều ngành, nghề khác nhau, như gốm sứ, thủy tinh, mây tre đan, điêu khắc than đá, tiểu thủ công đồ gỗ, thêu ren, dệt, chế biến nông, lâm, thủy sản, nghề đóng và sửa chữa tàu…; trong đó có những nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, như nghề truyền thống làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hòa, nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Đò Chanh (thị xã Quảng Yên), các làng nghề truyền thống, như làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương (thị xã Quảng Yên)…
Một trong những nghề lâu đời nhất, gắn liền với quá trình con người tới cư trú tại vùng đất Quảng Ninh ngày nay đó là nghề đánh bắt hải sản (từ thời văn hóa Hạ Long, cách ngày nay khoảng 5.000 năm - 3.500 năm). Các nhà khảo cổ tìm thấy trong tầng văn hóa các dụng cụ để đánh bắt cá như “chì lưới” bằng đá cuội, dọi se sợi để đan lưới và rất nhiều xương cá, vỏ ốc, hà, sò, ngao... Đến giai đoạn đồ đồng - Văn minh Hùng Vương (cách ngày nay khoảng 3.500 năm - 2.000 năm), tại di tích Đầu Rằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long (khai quật năm 1999), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều lưỡi câu bằng đồng với nhiều kích cỡ khác nhau, “chì lưới” bằng đất nung, các mũi nhọn, kim khâu vá lưới làm từ xương cá… Ngày nay, nghề đánh bắt hải sản ở tỉnh Quảng Ninh đã phát triển với nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại, song một số cách thức đánh bắt thủ công truyền thống vẫn được bảo lưu, như câu mực, câu cá song, đánh cá đèn, gõ thuyền đuổi cá, đánh hà, đào sái sùng, cào ngán, cào thiếp… Những năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở ven bờ. Đây là một trong những điều kiện để xây dựng các mô hình du lịch văn hóa, tạo cơ hội cho khách du lịch được trải nghiệm cuộc sống và các hoạt động nghề nghiệp của ngư dân.
Gắn liền với nghề đánh bắt thủy sản là nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền, nghề đan ngư cụ, với các làng nghề tiêu biểu, như làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương, làng nghề đóng, sửa chữa tàu Hà An… Đây cũng là những điểm đến hấp dẫn, có sự kết hợp giữa phát triển làng nghề và du lịch văn hóa của thị xã Quảng Yên. Không chỉ có phong cảnh nên thơ, thanh bình, làng nghề có truyền thống hàng trăm năm ở phường Hà An nổi tiếng với kỹ thuật đóng thuyền điêu luyện. Từ cuối thế kỷ XVII, những sản phẩm do người dân Nam Hòa làm ra không chỉ để dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Lâu dần, đan ngư cụ và thuyền nan đã trở thành nghề thủ công truyền thống và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay. Hiện, phường Nam Hòa của thị xã Quảng Yên có gần 300 hộ làm nghề mây tre đan, chiếm khoảng 55% số hộ dân, bình quân mỗi tháng, một gia đình ở làng nghề làm được từ 5-7 chiếc thuyền to, khoảng 200-300 chiếc lờ, đó các loại phục vụ ngư dân làm nghề chài lưới. Dù hiện nay, những con tàu máy hiện đại đang dần thay thế những con thuyền gỗ nhỏ, thuyền ba vát, buồm dơi, nhưng làng nghề truyền thống này vẫn duy trì hoạt động để sản xuất các dụng cụ, như lờ, đó đánh bắt tôm, cá, các loại thuyền nan to, nhỏ khác nhau phục vụ nhu cầu vận chuyển trên biển của người dân địa phương và góp phần phát triển du lịch văn hóa.
Trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh về phát triển du lịch làng nghề, thị xã Quảng Yên đã chủ trương xây dựng Nam Hòa thành điểm đến du lịch độc đáo. Địa phương đã tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức đón các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu cách sản xuất những sản phẩm ngư cụ truyền thống; khám phá, trải nghiệm cuộc sống thực tế của ngư dân địa phương và mua các món đồ lưu niệm là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của địa phương.
Cùng với các nghề liên quan đến hoạt động đánh bắt hải sản, nghề làm gốm cũng là một nghề có truyền thống lâu đời ở tỉnh Quảng Ninh. Cư dân cổ thời kỳ văn hóa Hạ Long đã chế tác ra nồi gốm và các đồ gia dụng khác từ đất sét, vỏ nhuyễn thể, cát. Hoa văn trang trí trên đồ gốm thường là văn khắc vạch hình sóng nước, văn hình vỏ sò, vạch chéo quả trám… với dụng cụ trang trí hoa văn lấy từ những sản vật có sẵn ở tự nhiên tại vịnh Hạ Long. Đến giai đoạn đồ đồng, nghề chế tác gốm được nâng lên trình độ mới, phong phú hơn về chủng loại, đa dạng hơn về hoa văn trang trí, cứng chắc hơn nhờ được nung ở nhiệt độ cao. Tới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… nghề làm gốm ở Quảng Ninh vẫn tiếp tục phát triển. Kế thừa truyền thống của cha ông đi trước, nghề gốm ở Quảng Ninh hiện nay được duy trì và phát triển mạnh ở một số địa phương, như huyện Đông Triều, thành phố Móng Cái...
Làng gốm sứ Đông Triều ngày càng mở rộng cơ sở sản xuất với gần 2.000 lao động và nghệ nhân làm gốm. Dòng gốm sứ Đông Triều đòi hỏi phải nung ở độ cao 1.300 độ C, nên các nghệ nhân phải mất khá nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, tìm tòi những cách pha chế cùng cách thiết kế lò đốt chuyên dụng. Nguồn nguyên liệu để làm gốm sứ Đông Triều phải là đất cao lanh chịu lửa được lấy từ xã Tử Lạng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và đất sét dẻo của Trúc Thôn. Các sản phẩm của dòng gốm sứ Đông Triều có độ bền cao, nước men trong, nên tạo được ấn tượng tốt cho du khách và người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có các sản phẩm gốm sứ ở Móng Cái khá đa dạng, phong phú từ kiểu dáng đến hoa văn trang trí, mang dấu ấn riêng với phần men màu lam nhạt đặc sắc. Những làng nghề gốm sứ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện sản xuất chủ yếu các đồ gia dụng phục vụ đời sống hằng ngày và những vật dụng trang trí có tính thẩm mỹ cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngoài ra, khu vực làng nghề không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Quảng Ninh tới du khách, mà còn là nơi có thể mở các trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên mỹ thuật cũng như những người yêu gốm sứ.
Bên cạnh đó, một số nghề khác của tỉnh Quảng Ninh tuy mới ra đời khoảng nửa thế kỷ nhưng đang phát triển khá mạnh và mang lại sinh kế bền vững cho người dân, tiêu biểu như nghề mỹ nghệ than đá, nghề nuôi cấy ngọc trai… Nghề thủ công mỹ nghệ than đá được du nhập từ Pháp vào đầu thế kỷ XX và hiện phát triển mạnh ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, các sản phẩm chế tác từ than đá hiện lên thật độc đáo và giàu giá trị thẩm mỹ, tiêu biểu như các sản phẩm hòn Gà Chọi vịnh Hạ Long, hang luồn, tượng bán thân, tượng truyền thần, tượng thần tài, biểu tượng 12 con giáp…, ngày càng khẳng định chỗ đứng trong lòng khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhắc tới các sản phẩm làng nghề của tỉnh Quảng Ninh không thể không nhắc tới nghề nuôi cấy ngọc trai tại huyện Vân Đồn. Nghề nuôi cấy trai rất nhiều công đoạn chăm sóc tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của nghệ nhân nuôi cấy kết hợp cùng điều kiện khí hậu tự nhiên phù hợp. Tại Vân Đồn có bốn loài trai có giá trị gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và một loài nhập ngoại là trai Jamson. Đây là những loài trai ngọc rất quý, có giá trị xuất khẩu cao và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, chinh phục cả những thị trường khó tính nhất. Nghề nuôi cấy ngọc trai ở Vân Đồn đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh, đồng thời trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể thấy, với sự kết hợp tinh tế, tài hoa giữa kỹ thuật của các nghệ nhân và nét văn hóa độc đáo được tiếp nối qua nhiều thế hệ, sản phẩm của làng nghề tỉnh Quảng Ninh kết tinh nhiều giá trị, như giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, phản ánh sinh động phong tục, tập quán và khát vọng của người dân miền đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Chính vì vậy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của các làng nghề tỉnh Quảng Ninh chính là những “đại sứ văn hóa”, phản ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh với những nét riêng có, đặc sắc và có sức lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước.
Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP độc đáo của các làng nghề tiêu biểu; nhân rộng các mô hình du lịch văn hóa gắn kết với xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở một số làng nghề
(như tổ chức thăm nhà các nghệ nhân, nghe kể những câu chuyện làm nghề, trải nghiệm quy trình sản xuất một sản phẩm làng nghề…); tổ chức ngày càng hiệu quả hơn việc liên kết sản xuất - thiết kế - tiêu thụ để nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, triển lãm, lễ hội; qua đó giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hiểu được hồn cốt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; qua đó, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng tới sự phát triển bền vững của mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề tỉnh Quảng Ninh
Có thể thấy, hiện nay, các làng nghề của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, manh mún và còn gặp không ít khó khăn. Khả năng cạnh tranh của làng nghề còn thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm… Bên cạnh đó, ở một số địa phương, người lao động chưa nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách còn bất cập, các thủ tục vay vốn còn phức tạp nên người dân ở các làng nghề khó tiếp cận vay vốn để đầu tư và phát triển ngành, nghề nông thôn. Việc gắn kết giữa du lịch và các làng nghề chưa thực sự hiệu quả ở một số địa phương. Nhiều ngành, nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp và mai một do thu nhập thấp, khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Do đó, thời gian tới cần phải có những chính sách kịp thời để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đặc biệt, cần giáo dục văn hóa truyền thống, phát huy tính sáng tạo, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống làng nghề, để bảo tồn và phát triển các giá trị làng nghề, nhất là những làng nghề thủ công có nguy cơ bị mai một trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp theo, để xây dựng thành công các mô hình phát triển du lịch văn hóa gắn với làng nghề truyền thống, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện hiệu quả việc bảo tồn những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tại các làng nghề. Trong làng cần có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề và có người am hiểu nghề, hiểu biết sâu về phong tục và văn hóa làng để giới thiệu với khách du lịch. Du khách đến với làng nghề sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, như trực tiếp tham gia một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề, mua sắm, thưởng ngoạn quang cảnh làng quê với những đặc điểm vùng, miền đa dạng của tỉnh Quảng Ninh... Cùng với đó, hoạt động đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở làng nghề, quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề cho phù hợp với bối cảnh mới; xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề một cách phù hợp; đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gắn kết hoạt động bảo tồn làng nghề với phát triển du lịch văn hóa; ví dụ như thông qua truyền dạy nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán (huyện Ba Chẽ) tại các thiết chế văn hóa cộng đồng, có thể xây dựng các trung tâm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, qua đó vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, thu hút việc làm, vừa bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực của làng nghề thông qua việc thực hiện hiệu quả các đề án bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống tại một số địa phương của tỉnh. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, kiến thức tổ chức sản xuất… cho người lao động và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị kinh tế cao vừa mang bản sắc văn hóa độc đáo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách tôn vinh, khuyến khích, động viên, hỗ trợ, các nghệ nhân truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối để gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của làng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cần nâng cao chất lượng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các làng nghề nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề; tăng cường các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiềm năng của làng nghề, hỗ trợ các loại hình sản xuất trong làng nghề đăng ký tham gia hội trợ, triển lãm, qua đó mở rộng cơ hội quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề của tỉnh với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các làng nghề cần được tổ chức lại một cách bài bản, có sự hỗ trợ đầu tư, định hướng của Nhà nước, nhất là nguồn vốn, xúc tiến thương mại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, truyền dạy nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư..., qua đó góp phần phát triển các sản phẩm của làng nghề và thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045  (20/10/2023)
Huyện Vân Đồn đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo  (20/10/2023)
Nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (20/10/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm