Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội: Tiềm năng và thách thức
TCCS - Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính ngày 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội có thêm nhiều điểm đến du lịch ở khu vực nông thôn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa nông thôn Hà Nội chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế, du lịch nông thôn của Hà Nội còn gặp nhiều thách thức cần tháo gỡ.
Khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch du lịch nông thôn
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, xu hướng du lịch trên thế giới đang thay đổi, chuyển dần từ du lịch truyền thống trong không gian kín sang các loại du lịch mới, du lịch xanh, ưu tiên hơn cho việc lựa chọn các điểm đến gần nhà, các chuyến trải nghiệm nội địa, an toàn gần gũi thiên nhiên với không gian rộng, thoáng mát. Dự kiến đến năm 2030, du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31%; du lịch với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; du lịch với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Vì vậy, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp sẽ là phân khúc phát triển mạnh và có sự tăng trưởng.
Tại Việt Nam, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn. Phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện 2 mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng - an ninh của cả nước, có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều loại địa hình đa dạng. Thêm vào đó là hệ thống cảnh quan sinh thái như Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam,... cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức,…; vành đai trồng hoa cây cảnh tại huyện Đông Anh, Mê Linh… có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch. Nhờ mở rộng địa giới hành chính mà Hà Nội có thêm nhiều điểm đến du lịch nông thôn. Đến nay, thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm đến du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp: Trang trại dê trắng, trang trại đồng quê (huyện Ba Vì) và nhiều làng nghề nổi tiếng, có sức hút với du khách.
Nhận thức rõ được tiềm năng, lợi thế đó, Ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành và triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã có chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời có kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2026 và những năm tiếp theo. Như vậy việc phát triển du lịch nông thôn, xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội xác định chủ thể phát triển du lịch nông thôn là cư dân ở nông thôn, bao gồm những người nông dân canh tác trên mảnh đất được cấp quyền sử dụng đất hoặc thuê thêm đất, các chủ hộ làng nghề, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Trong đó, ưu tiên việc bảo đảm hài hòa lợi ích trong phát triển du lịch nông thôn, trước hết là lợi ích của cư dân địa phương tham gia hoạt động du lịch nông thôn.
Phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội còn dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội, đồng thời gắn kết phát triển tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp làng nghề để đem lại thu nhập và lợi ích cho các bên tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đoàn kết, giàu bản sắc văn hóa vùng, miền.
Tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội để du lịch nông thôn “cất cánh”
Bên cạnh tiềm năng, du lịch nông thôn của Hà Nội đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập. Các mô hình du lịch nông thôn của Hà Nội còn mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao. Một nguyên nhân khác là có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng nằm trong nội đô, du khách trong và ngoài nước chủ yếu đến thăm các điểm du lịch ở nội thành, ít có thời gian, công sức và kinh phí để đi du lịch ở vùng nông thôn nếu không có sự hấp dẫn đáng kể hoặc thật cần thiết. Bên cạnh đó là vấn đề mâu thuẫn trong việc lựa chọn mô hình/chiến lược phát triển công nghiệp hay nông nghiệp của nhiều địa phương, nhất là liên quan đến phát triển du lịch nông nghiệp truyền thống theo hướng bền vững gắn với sinh kế của người dân. Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại nếu không có sự trợ giúp kịp thời. Vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân nói chung, cán bộ và cư dân nông thôn về vai trò, sự cần thiết và giải pháp phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương quan trọng này cho cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp của thành phố, nhất là cán bộ cơ sở ở vùng nông thôn để họ ủng hộ và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch nông thôn. Về phía người dân, cần tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tự giác tham gia vào chương trình và các hoạt động phát triển du lịch nông thôn. Để chủ trương phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cần tổ chức các buổi phổ biến trực tiếp, hội thảo chuyên đề về du lịch nông thôn, qua đó giải đáp những thắc mắc, vướng mắc mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư nguồn phát triển du lịch nông thôn.
Để phát huy lợi thế và xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn Hà Nội, cần coi trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn với du lịch nông thôn trong bối cảnh tốc độ hóa đô thị đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài quy hoạch các vùng, các điểm du lịch nông thôn, cũng cần quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, vui chơi, giải trí. Song song đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế, trong đó ngành du lịch Hà Nội có nhiều điều kiện để số hóa mọi hoạt động, bao gồm cả số hóa du lịch nông thôn. Do đó, cần nhanh chóng số hóa ngành du lịch nông thôn, cho phép hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết giữa du khách, các công ty du lịch trong và ngoài nước, các điểm du lịch nông thôn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Số hóa du lịch cho phép du khách được truy cập các dữ liệu để nắm bắt sản phẩm du lịch một cách chi tiết, doanh nghiệp du lịch đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm.
Ngày nay, phát triển du lịch nông thôn được xem là xu thế thời đại bởi nó đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, cần bảo tồn, giữ gìn những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Chỉ khi nào người nông dân thực sự được hưởng lợi từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương mới hướng đến sự phát triển bền vững./.
Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và định hướng quy hoạch đô thị đổi mới, sáng tạo  (18/07/2023)
Hà Nội tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng, góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội  (16/07/2023)
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội với công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (12/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới  (12/07/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển