TCCSĐT - Ngày 01-3, tại Moscow, Tổng thống Nga V. Putin đã trình bày bản Thông điệp liên bang năm 2018 trước các nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội Nga và đông đảo khách mời. Đây là bản Thông điệp liên bang lần thứ 14 của Tổng thống V. Putin và là Thông điệp liên bang cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 3.

Định hướng tương lai nước Nga

 
 Tổng thống Nga V. Putin đọc Thông điệp Liên bang Nga. Ảnh: TTXVN

Trong Thông điệp liên bang 2018, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, Nga cần tập trung nâng cao đời sống của người dân. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua nghèo đói khi mà hiện có 20 triệu người Nga đang phải sống dưới mức nghèo, tương đương mức 180 USD/tháng. Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp cải thiện hệ thống chăm sóc y tế. Tổng thống V. Putin cho rằng, Nga cần vượt qua những thách thức mới trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết của đất nước.

Về quân sự, Tổng thống V. Putin tuyên bố sẽ củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho quân sự, vận tải và nghiên cứu khoa học của Nga ở Bắc Cực nhằm bảo đảm các lợi ích của Moscow ở vùng có tầm quan trọng chiến lược này. Trình bày trước lưỡng viện Quốc hội Nga, trong Thông điệp liên bang 2018, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga đã thử nghiệm tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu hạt nhân mới vào cuối năm 2017 và tên lửa này có thể vươn tới mọi địa điểm trên thế giới. Tổng thống V. Putin cũng đề cập đến lập trường hiện tại của Moscow trong quan hệ căng thẳng với Mỹ, nhấn mạnh cả hai nước cần phải bắt tay xây dựng tương lai và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Ông tuyên bố chính sách kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây sẽ không bao giờ đạt mục đích.

Về kinh tế, nhà lãnh đạo Nga đặt mục tiêu tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập niên này. Tổng thống V. Putin khẳng định, tăng trưởng kinh tế của Nga phải cao hơn trung bình của thế giới. Đó không phải là mơ ước mà là mục tiêu mà chính phủ Nga cần phấn đấu để đạt được.

Bản Thông điệp liên bang năm 2018 đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình Nga hiện tại, đề ra hướng đi chính trong chính sách đối nội và đối ngoại những năm tiếp theo. Đây cũng được coi là cương lĩnh tranh cử của ông V. Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 18-3 tới.

Cuộc đua thế hệ mạng di động 5G

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Triển lãm di động thế giới (MWC) được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) vào tuần đầu tháng 3. Đây là một sự kiện thường niên, bắt đầu từ năm 1987 và do Hội liên hiệp truyền thông di động toàn cầu (GSM) tổ chức.

Không chỉ là sàn diễn của các sản phẩm mới, MWC đã dần trở thành nơi khởi đầu cho công nghệ và xu hướng tương lai. Điểm nổi bật thu hút sự chú ý tại MWC năm nay chính là công nghệ di động thế hệ thứ năm - 5G. Công nghệ thông tin di động 5G được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 (vào năm 2015). Sau nhiều năm nghiên cứu và thiết lập tiêu chuẩn, công nghệ 5G dự kiến sẽ chính thức được triển khai trên thế giới trong năm 2018.

Mạng intertnet di động thế hệ thứ năm được mong đợi sẽ là một nền tảng World Wide Wireless Web (wwww) hoàn hảo để kết nối mọi nơi trên Trái đất. Về bản chất, mạng 5G vẫn phát triển dựa trên nền tảng của 4G nhưng ở mức độ cao hơn. Mạng 5G sẽ hỗ trợ LAS-CDMA (Large Area Synchronized Code Division Multiple Access), UWB (Ultra Wideband), Network-LMDS (Local Multipoint Distribution Service), Ipv6 và BDMA (Beam Division Multiple Access). Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Không những vậy, mạng 5G còn giúp cho tốc độ đăng tải và tải về dữ liệu trên điện thoại nhanh hơn gấp 20 lần so với mạng 4G.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ là một bước tiến quan trọng làm thay đổi lớn đời sống con người. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng mới của thế giới di động. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là bắt đầu. Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần phải được giải quyết trước khi công nghệ 5G có thể trở thành hiện thực. Đó là sự sẵn sàng của băng tần và các thách thức về mặt công nghệ, như làm thế nào để tạo ra các kiến trúc mạng có thể gia tăng được lượng dữ liệu truyền tải cao hơn và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng.

Theo thống kê, từ nay đến năm 2020, số lượng các thiết bị thông minh sẽ tăng nhanh một cách chóng mặt, với khoảng hơn 50 tỷ thiết bị IoT (Internet of Things) được kết nối với mạng di động. Điều này đồng nghĩa với hàng tỷ hay thậm chí hàng trăm tỷ các ứng dụng được kích hoạt và luôn ở trạng thái hoạt động (always-on), với lượng dữ liệu cần chia sẻ cao gấp 1.000 lần, tốc độ truyền tải cũng phải nhanh hơn từ 10 đến 100 lần tốc độ mạng hiện nay thì rõ ràng với băng thông hiện nay là chưa thể đáp ứng nổi. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đa dạng nhiều nền tảng thiết bị, dịch vụ và ứng dụng sử dụng những băng tần khác nhau còn là một thách thức đang chờ đón 5G.

Giải quyết bất ổn tại Afghanistan

 
 Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Kabul ngày 24-02. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Afghanistan A. Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Trong khi đó, Taliban cũng khẳng định sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. Đây được coi là nỗ lực nhằm khởi động một tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Tây Nam Á này.

Ngày 28-02, Hội nghị mang tên “Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul” đã diễn ra tại thủ đô Kabul của Afghanistan, trong bối cảnh an ninh tại đây đang được siết chặt. Tham dự Hội nghị có đại diện của hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Tây Nam Á này.

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Afghanistan S. Rabbani nhấn mạnh hòa bình tại nước này sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan A. Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Theo ông, các biện pháp mới trong nỗ lực hòa bình và hòa giải bao gồm một lệnh ngừng bắn, công nhận phiến quân Taliban là một tổ chức chính trị hợp pháp, nỗ lực trong tiến trình xây dựng lòng tin trong thời kỳ quá độ cũng như tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Bên cạnh đó, Tổng thống A. Ghani cũng nhấn mạnh rằng, để có thể đạt được hòa bình, Chính phủ Afghanistan sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại Hiến pháp như một phần trong thỏa hiệp với Taliban, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban trong danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan. Tuy nhiên, đổi lại, Taliban sẽ phải công nhận Chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp.

Tuyên bố vạch ra lộ trình hòa bình mới, trong đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban được coi là một thay đổi đáng kể của Tổng thống A. Ghani. Đây cũng được coi là một tín hiệu nữa từ cả phía Chính phủ Afghanistan và Taliban trong việc thể hiện thiện chí lớn hơn đối với việc cân nhắc đối thoại. Chính phủ Afghanistan đã đưa ra tuyên bố vạch ra lộ trình hòa bình mới, một ngày sau khi Taliban cho biết sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. Tuyên bố của Taliban đề nghị các quan chức Mỹ trao đổi trực tiếp với văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, Qatar, nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan. Taliban cũng nêu rõ tuyên bố này nhằm đáp lại các phát biểu gần đây của các nước phương Tây rằng, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Taliban. Lực lượng này nêu rõ, nước Mỹ và các đồng minh cần xác định rằng vấn đề Afghanistan không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và các chiến lược quân sự, vốn được thử nghiệm suốt 17 năm qua ở Afghanistan sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và kéo dài chiến tranh cũng như không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Trước đó, ngày 14-02, trong một thông điệp gửi cho Mỹ, Taliban cũng cho biết sẵn sàng tham gia thương lượng để chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, nhấn mạnh tới giải quyết bạo lực tại Afghanistan thông qua đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, Taliban khẳng định việc sẵn sàng tìm kiếm hòa bình không có nghĩa là tổ chức này đã cạn kiệt nguồn lực, đồng thời cảnh báo vẫn đủ khả năng chống phá quân sự.

Thắng lợi của Đảng Nhân dân Campuchia: Chiến thắng của sự ổn định và phát triển

 
 Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP),Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen (phải) và Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin (trái) tham dự Hội nghị của CPP ở Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia khóa IV kết thúc với kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành được chiến thắng tuyệt đối. Kết quả này tiếp tục cho thấy sự tin tưởng của người dân Campuchia đối với đảng cầm quyền CPP trên con đường phát triển đất nước.

Cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia đã và đang có nhiều biến chuyển tích cực. Với tư cách là một đảng cầm quyền từng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot đem lại hòa bình cho Campuchia, nhiều năm qua, đảng CPP đã đồng hành cùng người dân Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận mà đất nước Campuchia đạt được trong 39 năm qua kể từ chiến thắng 07-01-1979 lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ như thúc đẩy hòa hợp dân tộc, bảo đảm an ninh xã hội, giảm đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đưa kinh tế phát triển với mức tăng trưởng bình quân 7% nhiều năm liên tiếp, tiến hành thành công công cuộc hội nhập ở cả khu vực và quốc tế…

Trong 39 năm qua, Campuchia đã vươn lên từ một quốc gia nghèo và từng bước thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp, trở thành nước thu nhập trung bình - thấp và đang nỗ lực phấn đấu trở thành nước thu nhập trung bình - cao vào năm 2020 và nước thu nhập cao vào năm 2030, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB). GDP đầu người của Campuchia đã tăng từ 288 USD vào năm 2000 lên 1.302 USD vào năm 2016. Đến nay, Campuchia đã có quan hệ thương mại với 150 nước và vùng lãnh thổ. Tổng giá trị xuất khẩu của Campuchia đã tăng từ 9,56 tỷ USD năm 2016, lên 10,7 tỷ USD trong năm 2017, trong đó hàng may mặc và giày dép chiếm 7 tỷ USD. Trong khi đó, FDI đổ vào Campuchia trong 5 năm qua đạt từ 1,5 đến 2 tỷ USD mỗi năm, giúp quốc gia này ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô, đa dạng lĩnh vực sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, Campuchia được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một đất nước hòa bình, ổn định, an ninh vững chắc, đề cao dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và kinh tế phát triển mạnh. Tất cả những thành tựu trên đều mang dấu ấn lãnh đạo của đảng cầm quyền CPP. Những thành tựu này chính là điểm cộng mà các cử tri đã dành cho CPP trong cuộc bầu cử xã - phường hồi tháng 6-2017 và cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV ngày 25-02 vừa qua. Những thắng lợi này cho thấy đảng CPP tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri và người dân Campuchia cần vai trò lãnh đạo của đảng CPP để bảo đảm hòa bình, ổn định chính trị và phát triển đất nước. Các nhà phân tích cho rằng, đây cũng chính là tiền để để đảng CPP tiến tới giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ VI vào tháng 7-2018 tới đây. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những vấn đề nan giải trong xã hội Campuchia hiện nay như nạn tham nhũng chưa thể ngăn chặn, dịch vụ công yếu kém, tình trạng bất công gây căng thẳng xã hội, nạn thất nghiệp, môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá,… cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với CPP trong thời gian tới.

Syria: Chiến sự diễn biến phức tạp bất chấp “khoảng dừng nhân đạo”

 
Khu vực Đông Ghouta tạm thời yên ắng trong ngày 27-2. Ảnh: TTXVN

Nhằm “hạ nhiệt” tình hình chiến sự tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2401 yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, trong khi Nga kêu gọi ngừng bắn trong 5 giờ mỗi ngày hay còn gọi là “khoảng dừng nhân đạo” tại khu vực Đông Ghouta. Những nỗ lực này tưởng chừng sẽ giúp giảm căng thẳng tại Syria, song chiến sự tại nước này ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Ngày 26-02, Nga đã kêu gọi ngừng bắn trong 5 giờ mỗi ngày hay còn gọi là “khoảng dừng nhân đạo” tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus và thiết lập một hành lang sơ tán để người dân có thể rời khỏi khu vực thuộc quyền kiểm soát của phiến quân đang bị bao vây ở Syria. Nga cho biết một hành lang nhân đạo đã được chuẩn bị thiết lập tại khu vực giao nhau ở Al-Wafideen để đưa người dân ở Đông Ghouta cũng như những người bị ốm và bị thương rời khỏi khu vực này

Tuy nhiên, bất chấp nghị quyết yêu cầu ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và việc Nga kêu gọi ngừng bắn trong 5 giờ mỗi ngày, tình hình chiến sự tại khu vực này vẫn diễn ra ác liệt. Chỉ trong vòng vài tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2401 ngày 24-02, các cuộc không kích và giao tranh hạng nặng vẫn diễn ra tại khu vực Đông Ghouta, do quân nổi dậy kiểm soát. Tiếp đó, ngày 27-02, quân đội Nga đã cáo buộc các lực lượng đối lập tại Đông Ghouta đã nã súng cối vào một tuyến đường sơ tán vốn mở ra để dân thường có thể rời khu vực xung đột trong thời gian “khoảng dừng nhân đạo” . Trong khi đó, các lực lượng nước ngoài vẫn tăng cường hoạt động quân sự trên những vùng lãnh thổ rộng lớn còn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Syria. Với lý do chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Nghị quyết 2401 sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự “Nhành Ô liu” mà nước này đang tiến hành tại khu vực Afrin của Syria. Thậm chí, trong ngày 26-02, Thổ Nhĩ Kỹ đã triển khai lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới Afrin để chuẩn bị cho một trận đánh mới trong chiến dịch quân sự kéo dài 5 tuần tại khu vực này. Về phía Iran, Tehran cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Damascus do “những kẻ khủng bố” kiểm soát, dù khẳng định vẫn sẽ tôn trọng Nghị quyết 2401 của Liên hợp quốc tại các khu vực khác. Cuộc chiến tại Syria ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi Mỹ cho biết không có ý định rút 2.000 binh sỹ khỏi Syria ngay cả khi cuộc chiến chống IS đã khép lại. Thế nhưng mấu chốt của vấn đề là lệnh ngừng bắn mới của Liên hợp quốc lại không được áp dụng đối với chiến dịch chống khủng bố. Điều này đặt ra câu hỏi về tác động thực sự của lệnh ngừng bắn, khi các bên có thể mượn cớ chống khủng bố để tiếp tục hoạt động quân sự tại Syria. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định, Nghị quyết 2401 của Hội đồng Bảo an khó có thể phát huy hiệu quả khi các nước vẫn đưa ra những lý lo, mà đằng sau đó là những mâu thuẫn lợi ích, để tranh giành ảnh hưởng tại Syria.

Các nhà phân tích cho rằng, giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt tại Syria bất chấp lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc và Nga cùng với những mâu thuẫn lợi ích của các lực lượng nước ngoài tiếp tục khiến tình hình Syria càng trở nên phức tạp với những hậu quả khó lường./.