Chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
TCCSĐT - Bên cạnh nội dung về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới cũng là một nội dung lớn được xem xét, bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) đang diễn ra tại Hà Nội. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc.
Tiến bộ rõ rệt về phát triển con người
Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách dân số với mục tiêu giảm mức sinh. Đầu năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, đặt trọng tâm vào thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mục tiêu giảm nhanh tốc độ tăng quy mô dân số. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, mức sinh của nước ta giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Tốc độ tăng dân số cả nước giảm từ hơn 2% năm 1993 xuống còn 1,08% hiện nay. Số dân tăng thêm bình quân mỗi năm từ 1,2 triệu người xuống 950.000 người. Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh từ 3,7 năm 1992 xuống 2,1 năm 2006 - đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra và duy trì cho đến nay. Kết quả này đã tránh tăng khoảng 20 triệu người nếu không thực hiện kế hoạch hóa gia đình…
Đánh giá về kết quả này, GS, TS. Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em) cho rằng, việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao dần; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn... Đây thật sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở nước ta trong nửa thế kỷ qua.
Ngày 04-01-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nêu rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Chỉ sau gần hai năm thực hiện, mức sinh đã giảm nhanh và đạt mức thay thế. Từ năm 2006 đến nay, đã duy trì tổng tỉ suất sinh ổn định trong khoảng 2 - 2,1 con; đạt được mục tiêu dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,573 điểm năm 2005 lên 0,638 điểm năm 2013, xếp thứ 121/187 nước. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 72 tuổi năm 2005 lên 73,2 tuổi năm 2014 và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; các chỉ báo về thể lực, trí lực và tinh thần của con người Việt Nam có tiến bộ rõ rệt.
Giải quyết toàn diện các vấn đề dân số
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 47 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Chất lượng dân số đã được nâng lên song chưa vững chắc; chỉ số HDI vẫn ở bậc trung bình. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân tương đối cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam là khá thấp. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số và hằng năm tiếp tục tăng thêm, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền trong cả nước. Kiến thức và kỹ năng sống của thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình còn nhiều hạn chế.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Bởi vậy, việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Gợi mở những vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan điểm: Phải chăng trong thời gian tới, nước ta cần chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, từ giảm tăng dân số thông qua việc thực hiện triệt để, đồng loạt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con sang kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số bằng chính sách duy trì mức sinh thay thế. Đặc biệt là tính khả thi, phù hợp của mục tiêu, phương án lựa chọn về quy mô dân số và các chính sách bảo đảm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số như duy trì mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng tốt nhất điều kiện cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; quản lý tốt di cư, nhất là di cư tự do; nâng cao chất lượng dân số...
Đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh
Thực hiện Chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự phân công của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế tiến hành xây dựng “Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới”. Bộ Y tế đã tiến hành tổng kết, đánh giá 25 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình để thấy rõ sự phát triển, đổi mới về quan điểm, chủ trương từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, Khóa VII đến nay; đánh giá những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong giai đoạn mới nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể, toàn diện về công tác y tế - dân số để cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy cho Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị và kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương ban hành một Nghị quyết mới về công tác y tế - dân số trong tình hình mới.
Về nội dung công tác dân số, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh.
Theo đó, phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại những nơi tỷ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên như khu vực Đông Nam Bộ - tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 1,7 con - đây là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Phương án 2: Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1 - 2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.
Phương án 3: Sinh đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).
Theo ông Tân, trong bối cảnh nước ta là nước đông dân, mật độ dân số rất cao, đất đai ít, với phương án 2, sinh ít con hơn, các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi an sinh xã hội cho trẻ sinh ra, mật độ dân số tăng chậm hơn. Tuy nhiên, theo ông Tân, nếu vẫn tiếp tục như vậy, cộng thêm sự phát triển kinh tế, xã hội của những năm tiếp theo, sẽ tiếp tục đưa mức sinh giảm xuống. Kinh nghiệm cho thấy, mức sinh giảm xuống đến ngưỡng nào đó, đưa nó tăng trở lại là rất khó khăn, giống như nhiều nước đang phải đối mặt hiện nay.
Với phương án 3, nhiều chuyên gia lo ngại dân số tăng trở lại. Vì thế, Bộ Y tế mong muốn thực hiện phương án 1. Tuy vậy, ông Tân cũng cho rằng, việc khuyến khích sinh thêm con ở những vùng mức sinh thấp là rất khó bởi đã có nhiều nước thành công trong giảm sinh, nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian cho công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích người dân quay lại vất vả nuôi con sẽ rất khó…/.
Việt Nam đóng góp sáng kiến giảm nhẹ rủi ro thiên tai  (10/10/2017)
Phát huy dân chủ trong các khâu của công tác cán bộ  (10/10/2017)
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết lợi ích chính trị giữa Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1945 - 1946  (10/10/2017)
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết lợi ích chính trị giữa Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1945 - 1946  (10/10/2017)
Đà Nẵng tập trung hoàn thiện chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC  (10/10/2017)
Việt Nam thể hiện trách nhiệm khi tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO  (10/10/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển