TCCSĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2017, du lịch Việt Nam đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung bình mỗi tháng, du lịch Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế - một con số rất ấn tượng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Với mức tăng trưởng 30% như 6 tháng đầu năm 2017, nếu không có các yếu tố bất thường tác động, du lịch Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu từ 12,5- 13 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm 2017.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Du lịch Việt Nam hướng tới mục tiêu 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017

 
 Du khách nước ngoài thăm và chung vui văn nghệ với người dân tại Đình cổ Hùng Lô.

Chia sẻ về kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết 6 tháng đầu năm 2017 đánh dấu thời kỳ tăng trưởng chất lượng cao của du lịch Việt Nam. Tiếp nối đà tăng 26% của năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2016; phục vụ trên 40 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 262.000 tỷ đồng. Kết quả của ngành Du lịch đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nửa đầu năm 2017.

Có được kết quả như trên, ngoài sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành Du lịch còn có sự chỉ đạo hiệu quả, ủng hộ tích cực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là một nghị quyết lịch sử, tạo động lực cho ngành Du lịch bước vào giai đoạn phát triển mới để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp đó, tháng 6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch sửa đổi với nhiều nội dung đột phá, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho du lịch phát triển. Rất nhiều nội dung, tư tưởng của Nghị quyết 08 được cụ thể hóa trong Luật Du lịch sửa đổi và Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đối thoại chính sách cao cấp về Du lịch bền vững trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 tại Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu về phát triển du lịch bền vững, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Visa là chính sách quan trọng, là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách quốc tế. Vào tháng 2-2017, Chính phủ đã nhất trí cho triển khai visa điện tử cho công dân 40 thị trường và đến nay đã đạt được kết quả nhất định. Cấp visa điện tử là một chính sách quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến nước ta.

Chính phủ cũng đã đồng ý tiếp tục gia hạn miễn visa đơn phương cho thị trường 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy) và Belarus đến hết ngày 30-6-2018. Như vậy là chính sách này được duy trì liên tục trong 3 năm (2015-2018) và có tác dụng rõ rệt. Nhờ chính sách này, khách từ châu Âu, thị trường xa, chi tiêu cao tăng trưởng khá ổn định, trên dưới 20%. Với những thị trường xa như châu Âu, mức tăng trưởng như trên có thể nói là ấn tượng.

Trong 6 tháng qua, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trên phạm vi cả nước. Đây là hoạt động tiếp nối chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam diễn ra từ năm 2016. Ở các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm du lịch, nhiều dự án mới của các nhà đầu tư chiến lược hoàn thành, đưa vào khai thác đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ du khách cũng như khả năng tiếp nhận khách từ các phân khúc thị trường khác nhau…

Khách du lịch quốc tế, nội địa đều tăng trưởng nhanh đặt ra nhiều áp lực với các lĩnh vực khác nhau liên quan đến du lịch. Đầu tiên phải kể đến tình trạng quá tải hạ tầng cơ sở ở một số sân bay, trọng điểm là Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó là thiếu hụt về nhân lực, nhất là ở những điểm du lịch mới như Phú Quốc, việc cung ứng nhân lực tại chỗ là rất khó khăn, buộc phải đưa người lao động từ nơi khác về. Khách du lịch tăng cao, chính quyền các địa phương cũng phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, kiểm soát, duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự hài lòng của du khách… Tình trạng quá tải ở một số điểm đến du lịch mùa hè, nhất là du lịch biển vẫn xảy ra, ở một số thời gian cao điểm nghỉ lễ, tập trung số lượng lớn du khách sẽ không thể tránh khỏi sự cố. Việc kiểm soát, duy trì chất lượng dịch vụ không thể chỉ trong một sớm một chiều mà là việc cần làm thường xuyên, lâu dài.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để giải quyết thấu đáo những khó khăn, thách thức này không thể chỉ có ngành Du lịch nỗ lực mà cần sự không chỉ cần vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trong việc quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý chính sách về visa dài hơi hơn. Cụ thể là chính sách miễn visa đơn phương cho 5 nước Tây Âu nêu trên cần ổn định trong 5 năm để tăng khả năng cạnh tranh. Thêm vào đó, thời gian miễn visa cần cần tăng lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Rất nhiều khách từ thị trường xa có nhu cầu lưu trú kéo dài ở Việt Nam, lên tới 3 tuần, thậm chí lưu trú cả tháng. Do đó, cần linh hoạt điều chỉnh chính sách visa để tận dụng cơ hội đón khách từ các thị trường xa, lưu trú dài, chi tiêu cao…

Với mức tăng trưởng 30% như 6 tháng đầu năm 2017, nếu không có các yếu tố bất thường tác động, mức tăng trưởng từ 25-30% tức là từ 12,5- 13 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm 2017 là hoàn toàn khả thi. Đây là mức tăng trưởng cao, để đạt được phải đảm bảo các điều kiện về ổn định chính sách, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm du lịch giải quyết các bất cập, khắc phục yếu kém. Khi du lịch tăng trưởng “nóng” với nhiều vấn đề đặt ra như hiện nay, ngành Du lịch luôn cần sự ủng hộ, chung tay của các các cấp, các ngành, địa phương để du lịch phát triển đúng như kỳ vọng.

Thừa Thiên - Huế phấn đấu trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực

 
 Đại Hồng Môn nhìn từ phía ngoài khuôn viên lăng Minh Mạng.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.

Theo đó, tỉnh phấn đấu thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 - 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh, thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó có 3, 5 triệu lượt khách khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng.

Để đạt được kế hoạch nêu trên, tỉnh tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, đặc biệt chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa - di sản; xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng và có sức cạnh tranh cao; tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượt khách, tăng mạnh chỉ tiêu về doanh thu du lịch thông qua các thị trường khách có đẳng cấp, chi tiêu cao bằng cách tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cao cấp.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có kế hoạch huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội (Huế) và khu vực phụ cận; tăng cường các loại hình dịch vụ trong khu vực Đại Nội; triển khai dự án khai thác các giá trị Cung An Định phục vụ phát triển du lịch gắn bảo tồn; phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương; xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà và Hộ thành hào, sông An Cựu; kết nối khai thác chuỗi bảo tàng trên trục đường Lê Lợi để hình thành không gian văn hóa nghệ thuật (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng thêu XQ Cổ Độ, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế) để đưa vào chương trình phục vụ khách tham quan, du lịch.

Tỉnh đầu tư hình thành tổ hợp trung tâm mua sắm giải trí và các khu phố đêm gắn với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực tại các đường Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm; hoàn thiện và nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống ở Huế như Nhã nhạc Cung đình Huế, ca Huế, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, áo dài, xích lô và các trò chơi dân gian, nhất là các đặc trưng văn hóa dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng để phục vụ phát triển du lịch.

Tỉnh xúc tiến đầu tư và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh tại các khu nước khoáng nóng Mỹ An và Thanh Tân, Thanh Phước (xã Hương Phong, Hương Trà); tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị đẳng cấp cao ở Bạch Mã, Chân Mây - Lăng Cô, với trọng tâm là cảng du lịch quốc tế Chân Mây, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế; đầu tư hoàn thiện và hình thành các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển. Tỉnh hoàn thiện tuyến đường Tự Đức - Thuận An (đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến Thuận An) để kết nối giao thông thành phố Huế và biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động các nguồn lực và tập trung kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án: Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay Huế - Cần Thơ - Phú Quốc và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng: Huế - Luangprabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar), Singapore, Nhật Bản...; xây dựng Cảng Chân Mây là cảng biển du lịch quốc tế nối với Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hong Kong, Singapore, Philippines...

Long An: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn bền vững

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, chủ yếu vốn đầu tư của doanh nghiệp, đến năm 2030, tỉnh Long An đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phấn đấu đón khoảng 200 nghìn lượt du khách quốc tế và 2 triệu lượt khách nội địa; doanh thu khoảng 7 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm gần 8% GDP của địa phương, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động tại chỗ.

Tỉnh Long An đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung vào cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ du lịch. Đồng thời, tỉnh phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển khu vui chơi giải trí hiện đại, quy mô vùng tại thành phố Tân An và huyện Bến Lức dọc Quốc lộ 1A; phát triển tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng phục vụ du lịch; đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực thuộc vùng Đồng Tháp Mười...

Để phát triển du lịch bền vững, tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như: khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; tạo quỹ đất “sạch” cho các dự án đầu tư trọng điểm; thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư...

Tỉnh thực hiện cơ chế thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư. Bên cạnh đó tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá, thông qua chính sách tài khóa cho hoạt động này, đặc biệt đối với việc tạo dựng hình ảnh du lịch Long An như một điểm đến du lịch “xanh” và hiện đại. Tỉnh ưu tiên thuế nhập khẩu với thuế suất bằng thuế suất nhập tư liệu sản xuất đối với các trang thiết bị khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch, vật tư phục vụ du lịch trong nước chưa sản xuất được; khuyến khích nhập khẩu dây chuyền công nghệ và các thiết bị sản xuất năng lượng thay thế; công nghệ tiết kiệm năng lượng, nước; tái sử dụng chất thải trong hoạt động du lịch. Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm đặc biệt ở vùng sâu, vùng nông thôn để tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các nguồn tín dụng như ưu đãi về lãi suất cho mục đích phát triển các dịch vụ du lịch; hỗ trợ đào tạo năng lực tổ chức và kinh doanh du lịch; hỗ trợ về hạ tầng du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng...

Long An mở rộng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển du lịch trên tuyến du lịch xuyên Á qua Thành phố Hồ Chí Minh.

Ninh Thuận: Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Ông Nguyễn Trần Vượng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Các sản phẩm du lịch trên địa bàn đang có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển đa dạng. Ngoài mục đích du lịch đơn thuần nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, đa số du khách kết hợp trải nghiệm thưởng thức ẩm thực, mua quà lưu niệm, đặc sản của Ninh Thuận, tham quan các mô hình nông nghiệp sạch phục vụ phát triển du lịch như vườn táo, nho, vườn măng tây, nha đam.

Để tạo ấn tượng với du khách, trong năm 2017 ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như biển Ninh Chữ, Bình Sơn, đồi cát Nam Cương, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, vườn nho Ba Mọi, Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận tiếp tục đầu tư, phát triển các loại hình du lịch điểm nhấn với các tour xem, lặn ngắm san hô tại vịnh Vĩnh Hy, du lịch mạo hiểm, chinh phục sa mạc cát bằng xe địa hình phân phối lớn hoặc tham gia chinh phục núi Không Tên. Ninh Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, hình thành các tour, tuyến mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, tổ chức các tour du lịch thế mạnh như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trang trại gắn với các sản phẩm đặc thù. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các dự án xây dựng khu du lịch đẳng cấp cao; đồng thời phát triển các loại hình du lịch văn hóa, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh, thu hút du khách tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị của di sản.

6 tháng qua, Ninh Thuận đón hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế ước đạt 55.354 lượt khách, tăng 3,45% so cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.364.364 lượt, tăng 17,39 so cùng kỳ năm 2016./.