Phát huy hiệu quả của chính sách xóa đói, giảm nghèo
TCCSĐT - Nghèo đói là tình trạng khó khăn của con người do thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiết yếu, năng lực tối thiểu để tham gia vào các hoạt động xã hội... Để hạn chế hậu quả và tác hại của tình trạng này, xóa đói, giảm nghèo là trách nhiệm của các quốc gia. Trên thế giới, nghèo đói có xu hướng bị đẩy lùi nhưng vẫn có thể bùng phát bất tại bất cứ nơi nào. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang cố gắng xây dựng, ban hành những chính sách hữu hiệu nhất để chống lại nghèo đói.
Khái niệm nghèo đói và những vấn đề chung về đói nghèo
Nghèo đói và chuẩn nghèo
Từ khi xuất hiện đến nay, xã hội vẫn tồn tại tình trạng nghèo đói. Đây là một hiện tượng phổ biến và gây ra nhiều vấn đề khác như: bất bình đẳng, phân biệt đối xử, tội phạm, thất học… Nhằm chống lại tình trạng đói nghèo trên phạm vi toàn cầu, Liên Hợp quốc đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDGs. Năm 2008, Ngân hàng Thế giới (World Bank) lấy con số 1,25 USD/người/ngày làm chuẩn nghèo. Đến năm 2015, chuẩn nghèo có sự thay đổi, 1,90 USD/người/ngày. Dựa trên cách xác định mức thu nhập bình quân đầu người/ngày, tình trạng nghèo đói cũng được gọi với những tên gọi khác nhau như: nghèo tuyệt đối (absolute poverty); nghèo cùng cực (extreme poverty); nghèo trầm trọng (severe poverty); nghèo vô cùng (deep poverty)(1). Trong chính sách an sinh - xã hội, chuẩn nghèo còn được nhiều quốc gia lấy làm cơ sở để quy định mức lương tối thiểu; tiền công lao động; trợ cấp thất nghiệp…
Để đánh giá chính xác và thực hiện những chính sách xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã đưa ra một cách tiếp cận về nghèo toàn diện, đó là: “nghèo đa chiều” (multidimensional poverty). Theo đó, nghèo đói được đánh giá trên ba lĩnh vực cơ bản là: sức khỏe, giáo dục và điều kiện sống. Mỗi lĩnh vực này lại được xem xét theo những khía cạnh cụ thể. Với phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, tình trạng nghèo được đánh giá chính xác hơn so với nghèo dựa trên mức thu nhập.
Tình hình nghèo đói và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam
Những năm vừa qua, sau khi thực hiện nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc giảm tỷ lệ, mức độ nghèo đói. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra khá phức tạp tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc… Bên cạnh đó, tình trạng nghèo ở khu vực thành thị cũng diễn ra khá phức tạp. Nghèo đói, thất học là những nguyên nhân dẫn đến đời sống bấp bênh và gia tăng tình hình tội phạm ở đô thị. Hơn thế nữa, nghèo đói sinh ra sự phân biệt và bất bình đẳng về vị thế của con người trong xã hội. Tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội trở nên phổ biến khiến cho những người nghèo bị ảnh hưởng về vị thế xã hội, hạn chế cơ hội tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế và nhiều loại dịch vụ xã hội khác. Theo Thomas Fuller, nhà sử học người Anh (1608-1661) thì: “Lí lẽ của người nghèo thường không được nghe thấy”. Do tác động của nghèo đói, những giá trị về truyền thống, văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong xã hội, được gìn giữ hàng nghìn năm đang bị xem nhẹ và xuống cấp. Nếu tình trạng này tiếp tục tăng thì những giá trị, chuẩn mực truyền thống về văn hóa sẽ bị mất đi.
Trong việc xóa đói, giảm nghèo, mỗi quốc gia có thể đặt ra những tiêu chí riêng về chuẩn nghèo. Đối với Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg: “Về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Cách tiếp cận về nghèo đa chiều quốc tế được thể hiện đầy đủ trong Quyết định này, với năm tiêu chí cơ bản là: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Tiêu chí nghèo đa chiều của Việt Nam dựa trên sự tính toán về thu nhập, điều kiện sống… tại các khu vực, vùng miền khác nhau. So với chuẩn nghèo quốc tế, Việt Nam có sự khác biệt nhất định, “chuẩn nghèo cũng có sự khác nhau giữa các nước”(2).
Tình trạng nghèo đói sẽ không tự thay đổi nếu thiếu những chính sách hiệu quả về xóa đói, giảm nghèo. Khi rơi vào tình trạng nghèo đói, con người khó có thể tự mình vượt qua được những khó khăn, vì vậy, họ phải trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhà nước và cộng đồng. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách về xóa đói, giảm nghèo. Để hoàn thành những mục tiêu xóa đói giảm nghèo, trước tiên, cần có quy trình, phương pháp khoa học trong việc hoạch định chính sách và xây dựng chính sách.
Vai trò và hiệu quả của chính sách xóa đói, giảm nghèo trong 30 năm đổi mới
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo
Những kết quả đạt được trong việc xóa đói, giảm nghèo đã chứng minh, chính sách của Đảng và Nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xóa này. “Đổi mới”, theo chủ trương Đại hội VI của Đảng, là một chính sách đặc biệt quan trọng đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, được thể hiện thông qua chính sách phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp theo đó, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ngày 5-4-1988 về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã mang đến động lực mạnh mẽ trong nông nghiệp, giúp cho Việt Nam dần từng bước thoát khỏi những khó khăn về lương thực. Trước Nghị quyết 10 còn có một chính sách khác là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, tháng 1-1981 về Khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Chỉ thị 100 đã tạo ra những thay đổi đầu tiên trong phát triển nông nghiệp. Qua các kỳ đại hội, xóa đói, giảm nghèo luôn là chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, được thể hiện bằng những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể. Trong 20 năm vừa qua, Nhà nước đã xây dựng, ban hành, thực hiện nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg, ngày 23-7-1998 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998 - 2000. Đây là chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo đầu tiên của Việt Nam, được ưu tiên triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua 9 dự án, với kinh phí ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, tập trung vào những vấn đề như: xây dựng kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, định canh, định cư… Tiếp theo chương trình mục tiêu này, ngày 31-7-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), được thực hiện qua các giai đoạn I, II và III. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Sau đó, năm 2008, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Ngày 19-5-2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP: Về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Trước những thay đổi trên thế giới về cách tiếp cận nghèo, từ đơn chiều sang đa chiều, ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, về việc Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Để thực hiện việc xóa đói giảm nghèo bền vững, ngày 02-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Ngoài những chính sách trên, Nhà nước còn ban hành nhiều chương trình, mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo khác, với khoảng 145 văn bản, chính sách về xóa đói, giảm nghèo đang còn hiệu lực.
Một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo hiện nay
Qua tổng kết thực tiễn, những chính sách xóa đói giảm nghèo do Đảng và Nhà nước ban hành đều phát huy hiệu quả ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nghèo đói vẫn là một vấn đề lớn của xã hội. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước chiếm khoảng 15,1%. Hiện nay, tình hình nghèo đói vẫn diễn biến phức tạp. Đại hội Đảng XII nhận định: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Sau nhiều năm thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, có thể thấy những chính sách về xóa đói, giảm nghèo phát huy vai trò và hiệu quả còn hạn chế. Hiện nay công tác xóa đói, giảm nghèo còn nhiều khó khăn do những vấn đề chưa được giải quyết về kinh tế, tín dụng, đất đai, đầu tư, hỗ trợ…
Xóa đói, giảm nghèo là công việc cần đến nguồn kinh phí lớn và phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển chậm, khoảng 5,9%/năm, gây khó khăn cho công tác xóa đói, giảm nghèo.
Chính sách tín dụng hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo còn nhiều điểm chưa hợp lý. Có thể thấy, mức hỗ trợ tín dụng đối với đối tượng nghèo tại 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP còn thấp, chưa thực sự là yếu tố giữ vai trò thúc đẩy quá trình tự vươn lên để thoát nghèo của người dân. Mức tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” chưa đáp ứng nhu cầu về vốn của những hộ sản xuất nông nghiệp trong phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Những chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo chưa hợp lý, tập trung nhiều vào việc trợ cấp tình thế khó khăn hơn là hỗ trợ nhằm đa dạng hóa sinh kế nhằm giúp người nghèo tự thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Hiện tượng tái nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao do chính sách hỗ trợ còn mang tính ngắn hạn và trình độ dân trí nhìn chung còn thấp.
Nâng cao hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo
Hiện nay, nghèo đói vẫn là một vấn đề khó giải quyết trong xã hội. Để giảm bớt và tiến tới xóa bỏ tình trạng này, trong xây dựng, ban hành chính sách xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững, cần xác định một số phương hướng, nhiệm vụ sau:
1 - Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; chú trọng các giải pháp, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững(3).
2 - Xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo khoa học, sáng tạo, mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, lợi thế so sánh trong từng vùng, miền, lĩnh vực của Việt Nam.
3 - Đánh giá kết quả thực hiện những chương trình, chính sách xóa đói, giảm nghèo; đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách xóa đói, giảm nghèo; tổ chức bộ máy hiệu quả, hợp lý, xây dựng đội ngũ công chức có trình độ cao về lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo.
Để phát huy hiệu quả của chính sách, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xóa đói giảm nghèo đa chiều bền vững, cần xây dựng, ban hành những chính sách xóa đói, giảm nghèo với những mục tiêu, nội dung cụ thể như sau:
Về chính sách phát triển kinh tế: Việc xây dựng, ban hành chính sách phát triển kinh tế cần dựa trên cơ sở lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế kinh tế và kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo; có định hướng phù hợp nhằm phát huy, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; tạo nguồn lực kinh tế cần thiết để thực hiện những chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Về chính sách hỗ trợ tín dụng: Phát huy tối đa hiệu quả của vốn tín dụng trong phát triển kinh tế đối với các cá nhân, hộ gia đình thuộc diện đối tượng xóa đói, giảm nghèo; nâng mức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế cho từng đối tượng, theo từng lĩnh vực, ngành nghề; hỗ trợ đào tạo kỹ năng, phương pháp sử dụng nguồn vốn có hiệu quả cho từng nhóm đối tượng, theo khả năng và trình độ văn hóa.
Về chính sách phát triển du lịch: Ban hành chính sách phát triển du lịch quốc gia nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người có điều kiện phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; gắn kết giữa chính sách phát triển về du lịch với những chính sách phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, chính sách phát triển văn hóa, chính sách đầu tư hạ tầng, đường giao thông nông thôn, miền núi.
Về chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo: Tập trung phát triển hạ tầng nông thôn, đường giao thông miền núi, phát triển hệ thống thủy lợi, hỗ trợ cây, con giống, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, thu nhập; hỗ trợ người nghèo trong việc tiếp cận các loại dịch vụ công về văn hóa, giáo dục, y tế, pháp lý; hoàn thiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, ổn định đời sống của người nghèo ở nông thôn, miền núi và thành thị.
Về chính sách văn hóa, giáo dục: Phát triển và nâng cao nhận thức về khoa học, kỹ thuật cho người dân ở những vùng, miền khó khăn; đẩy mạnh chính sách đào tạo, dạy nghề và hỗ trợ học sinh, sinh viên người dân tộc ít người về học phí, học bổng; bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, vùng, miền.
Về chính sách tài nguyên, môi trường: Bảo vệ tài nguyên, môi trường theo hướng bền vững, bảo đảm việc khai thác và sử dụng lâu dài, hiệu quả cho các thế hệ sau; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc phá rừng, ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường tự nhiên và săn bắt những nguồn gen quý hiếm.
Về chính sách hỗ trợ y tế, ổn định dân số: Hỗ trợ, giúp đỡ những người nghèo, đối tượng chính sách về thuốc men, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng và bảo hiểm y tế; điều chỉnh tăng dân số hợp lý phù hợp với khả năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp, phù hợp trình độ phát triển về y tế, giáo dục và nhu cầu về nguồn lao động của xã hội.
Trong quá trình xây dựng chính sách xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cần tham khảo chính sách, mục tiêu toàn cầu, phương pháp, mô hình, kinh nghiệm quốc tế về xóa đói, giảm nghèo; hợp tác toàn diện với các cơ quan, tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới (World Bank), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO)./.
----------------------------------------------
(1) David B. Grusky, Director - The Standford Center on Poverty and Inequality: The Poverty and Inequality Report 2014, p.9
(3) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 300
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 21 đến 27-11-2016)  (29/11/2016)
Văn phòng Chính phủ: Họp báo thường kỳ tháng 11-2016  (29/11/2016)
Vị thế quan trọng của người thầy trong đổi mới giáo dục hiện nay  (29/11/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Cơ quan Tình báo Bulgaria  (29/11/2016)
Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập trên biển khu vực Trường Sa  (29/11/2016)
Trưởng ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Nhật Bản  (29/11/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay