Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình cải cách hành chính và là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước quyết tâm đẩy mạnh thực hiện trong cải cách TTHC nói riêng và cải cách nền hành chính nhà nước nói chung. Kiểm soát thủ tục hành chính là một quy trình được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC; cũng như giám sát việc thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và tổ chức.
Công tác kiểm soát TTHC tại tỉnh Quảng Ngãi được triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08-6-2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07-8-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện nhiệm vụ này thường xuyên và bước đầu đạt những kết quả quan trọng như: kịp thời kiện toàn về tổ chức bộ máy và thể chế kiểm soát TTHC; thường xuyên công bố TTHC nhằm hướng đến công khai, minh bạch toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp; công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC; quy định TTHC được kiểm soát chặt chẽ nên đã tránh được tính tự phát, tùy tiện và chấm dứt tình trạng vi phạm về thẩm quyền ban hành TTHC của UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ nhưng công tác kiểm soát TTHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, còn bộc lộ nhiều hạn chế như: công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, trong khi trên thực tế hiện nay nhiều TTHC còn rườm rà, bất hợp lý cần phải cắt giảm, sửa đổi cho phù hợp; thời gian giải quyết TTHC còn kéo dài, vượt quá thời gian quy định; việc phối hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan hành chính chưa kịp thời gây khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; hoạt động niêm yết công khai TTHC tại một số cơ quan, đơn vị chưa đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC vẫn còn chậm; người đứng đầu một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm soát TTHC...
Mục tiêu mà Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05-12-2016 về cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC giai đoạn 2016-2020 là “xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; xây dựng chính quyền liêm khiết, kiến tạo, hành động, phục vụ tổ chức, công dân, tạo môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường hiệu quả cải cách TTHC, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, phí; giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giảm chi phí không chính thức; cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, có giải pháp phù hợp với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC, góp phần tạo dựng hình ảnh Quảng Ngãi có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, công khai minh bạch và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Một số các giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công và các TTHC liên thông giữa các cơ quan hành chính, tạo bước đột phá trong khâu tổ chức thực hiện. Thực hiện rà soát, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng và kinh nghiệm giao tiếp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thường xuyên chấn chỉnh việc giải quyết TTHC ở cơ quan, đơn vị; thực hiện hướng dẫn đầy đủ nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC.
Thứ hai, rà soát đưa tất cả các TTHC của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện tập trung giải quyết tại một đầu mối, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thành lập Trung tâm hành chính công góp phần giảm chi phí về thời gian, giảm chi phí không chính thức, tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, nhất là các nhà đầu tư, doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh. Trong vận hành Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện thì các TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban ngành có tính liên thông và không liên thông nhưng có tần suất giải quyết liên tục sẽ được lập danh mục đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính, từng sở, ban ngành, các huyện sẽ bố trí công chức đến tiếp nhận và thực hiện việc giải quyết TTHC; qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của công chức trong việc tiếp nhận, phối hợp giải quyết TTHC và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Tăng cường ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ giải quyết TTHC được kết nối với phần mềm kiểm soát và đánh giá kết quả TTHC.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC. Thực tế trong thời gian qua việc giải quyết TTHC vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đối với các lĩnh vực liên quan đến chức năng, thẩm quyền, nhất là các TTHC giải quyết theo hình thức liên thông. Vì vậy, giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết TTHC, cũng như xây dựng quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC sẽ tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, từ đó chủ động trong việc thực hiện và kết hợp tốt với các cơ quan hữu quan để rút ngắn thời gian cho ra kết quả cuối cùng, tiết kiệm được thời gian, chi phí cũng như hạn chế được tiêu cực phát sinh trong giải quyết TTHC. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho việc tra cứu và cập nhật dữ liệu nhanh chóng.
Thứ tư, quán triệt việc niêm yết công khai, minh bạch TTHC. TTHC không phải là bất biến mà có thể thay đổi do sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, nên việc cập nhật, niêm yết phải thường xuyên để tránh niêm yết TTHC đã hết hiệu lực, không còn phù hợp. Thực hiện niêm yết công khai TTHC tại trụ sở cơ quan trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC, công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử của từng cơ quan. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm soát TTHC phải có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác niêm yết, công khai TTHC để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh sai sót.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC. Hàng năm, phải xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá theo các bước: Xác định phạm vi rà soát; tính toán chi phí tuân thủ của TTHC được thực hiện bằng cách chia nhỏ quy trình thực hiện TTHC để ước tính chi phí phải bỏ ra của đối tượng thực hiện TTHC. Xác định danh mục rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm theo từng năm, đồng thời căn cứ trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về TTHC, chú trọng các nhóm quy định TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư, nhóm quy định, TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, khoáng sản,...
Để từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh cần phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; đồng thời cán bộ, công chức cần phải xác định việc giải quyết TTHC là thực hiện trách nhiệm với Nhân dân, vì mọi hoạt động của cơ quan nhà nước đều hướng tới phục vụ Nhân dân, khẳng định được Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 17 đến ngày 23-9-2018)  (19/09/2018)
Mấy khía cạnh lý luận về dân vận, công tác dân vận  (19/09/2018)
Mấy khía cạnh lý luận về dân vận, công tác dân vận  (19/09/2018)
ASOSAI 14: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Trưởng đoàn dự Đại hội ASOSAI lần thứ 14  (19/09/2018)
Tiếp tục phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (19/09/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển