Tăng cường phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn huyện Kỳ Anh hiện nay

Phạm Thái Hà Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh
22:45, ngày 16-11-2016

TCCSĐT - Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị là một yêu cầu cấp thiết, nhất là đối với huyện có nền kinh tế, dân cư và địa bàn chủ yếu là nông nghiệp, nông dân và nông thôn như huyện Kỳ Anh sau điều chỉnh địa giới hành chính.

Tăng cường tuyên truyền, phát triển đảng viên

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng, Đảng ta không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng đảng viên. Trong đó, nhấn mạnh kết nạp và nâng cao chất lượng đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng, phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, từng bước trẻ hóa đội ngũ đảng viên.

Quán triệt quan điểm trên, công tác phát triển đảng được Đảng bộ huyện Kỳ Anh chú trọng cả về số lượng và chất lượng, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã kết nạp gần 1.700 đảng viên mới. Trong đó, phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt. Trước hết là chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, về ý thức, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng trong việc phát triển đội ngũ kế cận.

Để thực hiện tốt những trọng trách của Đảng bộ huyện hiện nay, nhất là trước những yêu cầu mang tính lịch sử trong tiến trình phát triển của huyện, đòi hỏi phải làm tốt công tác phát triển đảng viên để thật sự thu hút được những quần chúng ưu tú, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong các tầng lớp xã hội. Hiện nay, Đảng bộ huyện Kỳ Anh có 38 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 21 đảng bộ xã với 222 chi bộ. Các đảng bộ, chi bộ ở khu vực nông thôn là “hạt nhân chính trị” ở nông thôn, trực tiếp lãnh đạo mọi hoạt động xã hội trên địa bàn. Đây cũng là nơi lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đưa ra giới thiệu bầu hoặc bổ nhiệm vào các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở, lãnh đạo và thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên của các đảng bộ, chi bộ nông thôn thời gian qua còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng để quần chúng hiểu được mục đích, lý tưởng cao cả của Đảng để họ phấn đấu vào Đảng, nhất là đội ngũ đoàn viên thanh niên. Một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm đến công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, thêm vào đó, vai trò tiên phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, vận động quần chúng gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, bên cạnh nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng ở khu vực nông thôn, Đảng ủy, chính quyền các xã cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp một cách căn bản, tổ chức lại sản xuất với sự linh hoạt của “tư duy mới”, “cơ chế mới”, “cách làm mới” nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế để nhân dân hiểu rõ đây là chính sách của “ý Đảng hợp lòng dân”. Đối với huyện Kỳ Anh, những nhiệm vụ đó được cụ thể hóa bằng chương trình, đề án gắn với Nghị quyết số 05 của Đảng bộ huyện (khóa XXIV) về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 02 của Đảng bộ huyện (khóa XXV) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Xác định đúng đắn động cơ vào Đảng

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, các cấp ủy đảng phải giác ngộ quần chúng về động cơ đúng đắn khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Qua khảo sát, đánh giá của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Anh ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện về xác định động cơ vào Đảng của học viên, hầu hết các học viên đều xác định đúng đắn động cơ vào Đảng. Nhưng còn có một số ít chưa xác định đúng động cơ vào Đảng với những lý do, như “vào Đảng để có cơ hội phát triển”, “vào Đảng để tìm được việc làm”…

Nếu vào Đảng vì động cơ “có cơ hội phát triển” hay tìm kiếm lợi ích, thậm chí vào Đảng nhưng chưa biết làm gì thì đây là một thực tế đáng buồn. Điều đó thật xa lạ với bản chất đạo đức, văn minh của Đảng ta. Tại sao họ không nhận thức được mục tiêu, lý tưởng cao cả, thiêng liêng của Đảng mà thay vào đó bằng những tính toán lợi ích cá nhân trước mắt?! Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi họ không xác định đúng đắn động cơ vào Đảng. Do vậy, trả lời chuẩn xác câu hỏi “Vào Đảng để làm gì?” là đòi hỏi không chỉ đối với mỗi quần chúng ưu tú ở khu vực nông thôn mà còn đối với những ai khi muốn gia nhập vào Đảng. Bởi vì, nếu trả lời sai câu hỏi này sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà Đảng ta đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngoài nâng cao nhận thức cho mỗi quần chúng trước khi vào Đảng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tạo môi trường tốt cho đoàn viên, thanh niên, quần chúng rèn luyện và thể hiện lập trường, tư tưởng chính trị, đây là điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nguồn cho Đảng. Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cần đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, thu hút quần chúng, tạo môi trường tốt cho họ rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. Thông qua đó để đoàn viên, hội viên, quần chúng khẳng định bản lĩnh chính trị, năng lực của mình để được kết nạp vào Đảng.

Bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn

Yếu tố then chốt, quyết định công tác phát triển đảng đạt kết quả tốt là phải tập trung đào tạo, phát triển nguồn. Nguồn để phát triển Đảng ở các chi bộ nông thôn chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, nhưng số lượng thanh niên đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn lại không nhiều. Nguyên nhân là hầu hết các học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục thi và học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Một số khác đi học nghề rồi đi làm ăn ở nơi xa, xuất khẩu lao động hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn một số thanh niên ở tại địa phương tham gia các hình thức kinh tế hộ gia đình, nông trại, dịch vụ… thì lại tập trung vào phát triển kinh tế, ít quan tâm đến chính trị, có người băn khoăn trước một số vấn đề còn hạn chế của của Đảng nên không muốn vào Đảng, thậm chí còn ngại vào Đảng.

Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết, các cấp ủy đảng cần chú trọng vào những đoàn viên, thanh niên đã học xong các trường trở về địa phương, đây là nguồn nhân lực có chất lượng, nhận thức tốt. Cần nắm rõ danh sách và các thông tin của từng đối tượng để có phương pháp tiếp cận, tuyên truyền về Đảng, giáo dục, bồi dưỡng để kết nạp họ vào Đảng. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội đối với đoàn viên thanh niên ở nông thôn.

Đảng ủy các xã phải xác định công tác kết nạp đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ. Hằng năm, đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề gắn với xây chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng đoàn viên thanh niên. Chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, trọng tâm là đoàn thanh niên lựa chọn các đoàn viên tiêu biểu để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Đồng thời, xây dựng biện pháp phòng, chống các luồng tư tưởng tiêu cực có ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của quần chúng, nhất là đoàn viên, thanh niên - lực lượng tiếp thu nhanh cái mới nhưng chưa đủ sức “đề kháng” trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Tạo việc làm để thanh niên “ly nông bất ly hương”

Xác định được tiềm năng, lợi thế của huyện tiếp giáp với Khu Kinh tế Vũng Áng đang phát triển mạnh mẽ, một trong các khâu đột phá của huyện Kỳ Anh là ưu tiên phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dịch vụ hậu cần cho khu kinh tế. Huyện đề ra các chủ trương, chính sách và các giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ để phát huy thế mạnh của mình. Từ đó, tạo cơ hội để thanh niên phát triển kinh tế ổn định, bền vững ngay tại địa phương thông qua các mô hình kinh tế trang trại, du lịch, dịch vụ, ngành, nghề truyền thống…

Theo định hướng phát triển kinh tế của huyện, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ xuất hiện một bộ phận thanh niên không làm nông nghiệp, vậy làm sao để họ vẫn ở lại quê phát triển kinh tế? Cần giải bài toán “ly nông bất ly hương” giúp an sinh xã hội ở địa phương nhưng cũng góp phần tạo nguồn để phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn. Trước hết, phải có chính sách đào tạo, hướng nghiệp phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng địa phương cùng chính sách hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật để những thanh niên “ly nông” không “ly hương”, để họ có điều kiện làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra. Trong xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, các xã cần có phương hướng cụ thể để hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình mới, ngành, nghề mới, tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, có chính sách thu hút con em sau khi học xong các trường trung học, cao đẳng, đại học về công tác tại địa phương, khuyến khích đầu tư làm giàu trên chính quê hương mình. Có chính sách, cách làm thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về nông thôn để họ cống hiến sức lực, trí tuệ, sớm xây dựng nông thôn thành khu vực sản xuất hàng hóa nhằm giải quyết việc làm và tạo hiệu quả kinh tế.

Khi lực lượng thanh niên đã yên tâm lập nghiệp trên quê hương, cấp ủy đảng càng phải quan tâm lãnh đạo Đoàn Thanh niên, tạo mọi điều kiện để họ có môi trường hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó, tạo “sân chơi” bổ ích, thu hút hoạt động của thanh niên nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước để phát hiện và tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội mà trước hết là các tổ chức đoàn rồi mở rộng sang các đối tượng khác là những quần chúng ưu tú đang sinh hoạt trong Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… có nhiều thành tích, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để tạo niềm tin đối với đoàn viên, thanh niên và quần chúng ngoài Đảng để họ phấn đấu noi theo.

Công tác xây dựng Đảng đóng vai trò “then chốt” trong nâng cao năng lực lãnh đạo của “hạt nhân chính trị” ở cơ sở huyện Kỳ Anh. Tăng cường công tác phát triển đảng không những nâng cao năng lực và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng mà còn góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, Đảng bộ huyện phải có những giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, trong đó những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng./.