Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân
TCCS - Trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm giải quyết tốt, hài hòa các vấn đề xã hội, đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, con người song song với bảo đảm an sinh và công bằng, tiến bộ xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Triển khai hiệu quả các nghị quyết về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, như: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn, giảm học phí; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở; bảo trợ xã hội..., nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng, miền, khoảng cách giàu nghèo. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064%; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Đến tháng 9-2024, trên địa bàn tỉnh giảm 226/246 hộ nghèo, bằng 91,86% kế hoạch năm 2024; giảm 1.591 hộ cận nghèo, bằng 132,58% kế hoạch năm 2024. Các cấp, các ngành cùng các doanh nghiệp đã đồng hành, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tăng thêm ước đạt 23,5 nghìn lượt lao động; tuyển sinh đào tạo nghề mới cho 20.846 người, đạt 52% kế hoạch năm.
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh đã tặng quà, mừng thọ cho đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác 342.531 suất quà với tổng số tiền 186,16 tỷ đồng; thực hiện 29 đợt điều dưỡng cho 3.802/5.100 người có công. Tính trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng chi an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đạt và vượt 25/29 chỉ tiêu cụ thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; làm tốt công tác an sinh xã hội, ban hành, triển khai chính sách an sinh xã hội riêng (đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật...).
Từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các trung tâm y tế cấp huyện. Nhiều trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố đang được đầu tư xây dựng... Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế… Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 297.488 người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ 46,85% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 253.642 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, chiếm tỷ lệ 39,94% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đến hết tháng 8-2024 là 1.290.631 người, tăng 8.968 người (0,7%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95,8% dân số.
Trước đó, trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỉ đồng; trong năm 2023 đã có khoảng 1.400 tỉ đồng được tỉnh Quảng Ninh chi cho công tác an sinh, tập trung vào các chính sách việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, người neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi... Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. Tỉnh đã phân bổ 300 tỉ đồng để triển khai cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Đến nay, toàn tỉnh có 4.157 lượt hộ dân khu vực này được vay vốn, với tổng dư nợ 299,5 tỉ đồng. Bằng nguồn vốn vay, người dân đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Trồng rừng, trồng trà hoa vàng, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản…, từ đó giải quyết việc làm cho 5.000 lao động địa phương, thu nhập của người dân đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23.500 lượt lao động. Nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở cho công nhân lao động, tỉnh đã khởi công và triển khai Dự án nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Đông Mai (phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) và Dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (thành phố Hạ Long). Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đặt ra là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động chuẩn bị các phương án bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai; trợ giúp khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do bão số 3. Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, quan tâm chăm lo, trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tiếp tục bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội ở các địa phương trong toàn tỉnh
Tiếp tục bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và là chìa khóa để phát triển toàn diện và bền vững. Xác định rõ tầm quan trọng đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh, kinh tế biến động nhưng Quảng Ninh vẫn luôn quan tâm và dành nguồn lực không nhỏ cho công tác này. Tất cả hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho nhân dân, giảm khoảng cách vùng, miền, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục…
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết về các lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao..., từ đó tạo tiền đề vững chắc, bảo đảm công tác an sinh xã hội, tập trung cải thiện nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực cho phát triển bền vững. Nguồn ngân sách nhà nước chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm, chủ trương nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan điểm ấy vẫn đang và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời, thể hiện sự chung tay, sẻ chia đầy trách nhiệm của tỉnh đối với nhân dân, như việc áp dụng hỗ trợ theo hướng mức thu nhập cao hơn mức thu nhập quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 đạt khoảng 8.000 - 10.000 USD; tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Những chủ trương, kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”… Thời gian tới, để người dân trên địa bàn tiếp tục được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội một cách tốt nhất, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phát triển nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó, chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Đồng thời bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nhất là ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, biển đảo, thực hiện hiệu quả công tác y tế dự phòng và y tế cơ sở.../.
Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
Văn hóa công nhân mỏ và cơ sở nền tảng để bảo tồn và phát huy văn hóa công nghiệp than trong phát triển kinh tế xanh ở Quảng Ninh  (07/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm  (07/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển