Phát triển kinh tế di sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc cùng chung sống, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế di sản. Tuy nhiên, kinh tế di sản ở vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế vốn có. Vấn đề đặt ra là từ thực trạng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thời gian qua, cần nhận diện những một số vấn đề cần được giải quyết, thúc đẩy kinh tế di sản phát triển để vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn lực và động lực tăng trưởng mới, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của vùng ĐBSCL.
Tổng quan về di sản đồng bằng sông Cửu Long
Di sản văn hóa của ĐBSCL (bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) rất đa dạng, phong phú, được hình thành qua nhiều thế kỷ giao thoa văn hóa của các cộng đồng dân cư trong vùng, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Các giá trị văn hóa vật thể của ĐBSCL nổi bật qua hệ thống đình, chùa, miếu mạo, các công trình kiến trúc cổ xưa, gắn liền với lịch sử và đời sống tín ngưỡng của người dân. Văn hóa phi vật thể nổi bật là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại); lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer; những phong tục tập quán mang đậm lối sống gần gũi với thiên nhiên, cách ứng xử hài hòa, thân thiện trong cộng đồng, tính cách hiền hòa, chất phác và hiếu khách, … Người dân nơi đây sống dựa vào sông nước, nên văn hóa sông nước đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) là những nét văn hóa đặc trưng, nơi buôn bán, giao lưu hàng hóa và thể hiện lối sống gần gũi với sông nước của người dân. Những giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy trong quá trình chung sống, lao động, chiến đấu đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú, có giá trị biểu tượng cho văn hóa vùng Đất Chín Rồng cũng như văn hóa quốc gia. Trong đó, nổi bật là văn hóa ứng xử với thiên nhiên, văn hóa sông nước - văn minh miệt vườn, văn hóa dung hợp, văn hóa ẩm thực, văn hóa kiến trúc và không gian sống, nghệ thuật dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán…
Bên cạnh những di sản văn hóa, vùng ĐBSCL còn có nhiều di sản thiên nhiên đặc sắc. Được hình thành chủ yếu từ bởi sự bồi đắp của hệ thống sông Mekong, nổi bật với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, những cánh đồng xanh mướt, những khu rừng ngập mặn bạt ngàn, vùng ĐBSCL có nhiều tài nguyên tự nhiên phong phú, có hệ sinh thái đặc thù nhiều giá trị. Tiêu biểu như hệ sinh thái đất ngập nước nội địa (Đồng Tháp Mười), hệ sinh thái rừng ngập mặn (chủ yếu tại phía Tây và Nam bán đảo Cà Mau), hệ sinh thái biển đảo (Phú Quốc). Bên cạnh đó, còn có một số di sản thiên nhiên nổi bật như Rừng tràm Trà Sư (ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) với hệ sinh thái phong phú và sự đa dạng của các loài động thực vật; Vườn quốc gia U Minh Thượng, nơi bảo tồn đa dạng sinh học của vùng với sự cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm…
Trong công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua, Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Việc bảo tồn một cách bền vững và hiệu quả làm gia tăng giá trị của di sản văn hóa sẽ tạo ra nguồn lực và động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo khung pháp lý để phát triển bền vững đất nước, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của vùng ĐBSCL. Cụ thể như: Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 20-1-2003, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012, của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4 -2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”… Những chủ trương, chính sách về văn hóa và phát triển bền vững trong gần 40 năm đổi mới đã đem lại nhiều kết quả nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng ĐBSCL, tạo điều kiện cho vùng phát triển nhanh và bền vững.
Thực trạng phát triển kinh tế di sản ở vùng ĐBSCL
Thành tựu
Đến nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng ĐBSCL đã được UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận như: nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương, múa bóng rỗi, các lễ hội cầu ngư, cúng biển Mỹ Long, lễ hội Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, các di tích văn hóa lịch sử, công trình nghệ thuật kiến trúc như chùa Phật giáo Nam tông Khmer, những ngôi nhà cổ của người Việt, văn hóa chợ nổi… Tính đến cuối năm 2022, toàn vùng có 9 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích quốc gia, 618 di tích cấp tỉnh, 51 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành “thương hiệu” của vùng như: lễ hội đua ghe ngo (Sóc Trăng), lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Ook om bok (Trà Vinh)...
Số lượng di tích ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng
(tính đến cuối năm 2022)
STT |
Địa phương |
Số di tích được xếp hạng |
1 |
Long An |
120 di tích (21 di tích cấp quốc gia, 99 di tích cấp tỉnh |
2 |
Tiền Giang |
156 di tích (19 di tích cấp quốc gia, 137 di tích cấp tỉnh) |
3 |
Trà Vinh |
42 di tích (15 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh) |
4 |
Bến Tre |
57 di tích (17 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh) |
5 |
Đồng Tháp |
91 di tích (17 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh) |
6 |
Vĩnh Long |
61 di tích (11 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh) |
7 |
Cần Thơ |
36 di tích (14 di tích cấp quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh) |
8 |
An Giang |
81 di tích (29 di tích cấp quốc gia, 52 di tích cấp tỉnh) |
9 |
Sóc Trăng |
44 di tích (8 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh) |
10 |
Hậu Giang |
15 di tích (9 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh) |
11 |
Kiên Giang |
56 di tích (22 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh) |
12 |
Bạc Liêu |
51 di tích (13 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh) |
13 |
Cà Mau |
46 di tích (12 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh) |
Nguồn: Huỳnh Thanh Quang - Hồ Thị Cẩm Linh: “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 311 - 312
Thời gian qua, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm ở ĐBSCL được duy trì, phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản góp phần phát triển du lịch, đồng thời, du lịch phát triển cũng tạo điều để bảo tồn các giá trị di sản. Với nhận thức đó, thời gian qua nhiều địa phương ở ĐBSCL đã quan tâm xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản để thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Từ năm 2020 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành “Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”; “Đề án Di sản đương đại Mang Thít”; “Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”; “Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 - 2025”.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre xác định phải chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn. Tỉnh tập trung điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, nghề thủ công truyền thống, lễ hội tiêu biểu; đồng thời kết hợp hài hòa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế, du lịch.
Tỉnh Trà Vinh có nhiều lễ hội như: cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang), cúng biển Động Cao (huyện Duyên Hải), lễ Vu Lan thắng hội, lễ Sel Dolta, Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer... hình thành nền tảng văn hóa với nhiều nét văn hóa tiêu biểu. Tỉnh xác định các di sản văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng là tài nguyên quý luôn được quan tâm bảo tồn; là nền tảng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Tỉnh An Giang có kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc với trên 160 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành, ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer, lễ hội Đua bò Bảy Núi… Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch.
Tỉnh Bạc Liêu là địa phương có sản phẩm thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng ở ĐBSCL, với các dòng sản phẩm như sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, nghệ thuật đờn ca tài tử, sinh thái rừng biển, các công trình nghệ thuật kiến trúc lâu đời và hiện đại. Tỉnh định hướng du lịch Bạc Liêu sẽ phát triển thành “Điểm hẹn văn hóa” của vùng ĐBSCL. Từ đó, tỉnh chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch văn hóa, hướng tới bảo tồn sức mạnh văn hóa để phát triển tốt kinh tế di sản.
Với những nỗ lực đó, những năm gần đây, các tuyến du lịch sông nước, du lịch di sản, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh đã góp phần đưa du khách đến gần hơn các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Tính đến cuối tháng 4-2024, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã bình chọn, công nhận 53 “Ðiểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long” tại các tỉnh, thành trong vùng. Trong đó, nhiều điểm là những di tích văn hóa - lịch sử, di sản thiên nhiên, công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu như: Rừng tràm Trà Sư, Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Di tích lịch sử Nọc Nạng, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu, Làng nghề làm kẹo dừa (Bến Tre), Ðền thờ Vua Hùng (thành phố Cần Thơ), Khu di tích Gò Tháp (Ðồng Tháp); Khu di tích danh lam thắng cảnh ao Bà Om (Trà Vinh), Bảo tàng Khmer Sóc Trăng (Sóc Trăng); Văn Thánh Miếu Vĩnh Long và Bảo tàng Vĩnh Long (Vĩnh Long), Điểm du lịch đồi Tức Dụp (An Giang), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer (Trà Vinh)…
Việc công nhận các điểm du lịch tiêu biểu giúp nhiều di sản văn hóa trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Ook om bok (Trà Vinh),… Các hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần mở rộng sự giao lưu, hiểu biết của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và sự hòa nhập của kinh tế vùng ĐBSCL vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.
Hạn chế, bất cập
Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung, việc phát triển kinh tế di sản ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là:
Do chưa có một khái niệm chuẩn về “kinh tế di sản”, nên cũng như nhiều địa phương trong nước, ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, công tác bảo tồn di sản văn hóa đang có sự lấn cấn giữa 3 quan điểm: bảo tồn nguyên vẹn - bảo tồn kế thừa - bảo tồn phát triển. Cả 3 quan điểm này chưa được kết hợp hài hòa dẫn đến tình trạng thiếu tính nhất quán, thiếu đồng thuận về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong khai thác, phát triển kinh tế di sản. Hầu hết các địa phương trong vùng vẫn chưa có một chiến lược, chương trình hay kế hoạch dài hạn về phát triển kinh tế di sản với một tầm nhìn xa, toàn diện mà chủ yếu vẫn là tập trung bảo tồn, khai thác di sản văn hóa để phát triển kinh tế gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng nhiệm kỳ.
Hạn chế trong nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân về phát triển kinh tế di sản dễ nhận thấy nhất là chưa tìm hiểu cụ thể giá trị di sản dựa vào cách nhìn nhận của cộng đồng sở hữu di sản; chưa có đánh giá cụ thể giá trị kinh tế cao nhất của di sản để khai thác; đầu tư chưa đúng, chưa đủ, chưa đồng bộ để khai thác tốt nhất và hiệu quả nhất giá trị kinh tế của di sản. Từ đó dẫn đến 2 khuynh hướng ứng xử trong quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế đáng lo ngại. Đó là: 1. Bảo tồn di sản tốt nhưng không khai thác được giá trị kinh tế; 2. Khai thác giá trị kinh tế tốt nhưng bảo tồn di sản kém.
Di sản là những cấu trúc tổng thể, được sinh ra, nuôi dưỡng và trao truyền trong những bối cảnh tự nhiên và xã hội cụ thể. Thế nhưng, ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay, không ít di sản được các cấp ủy, chính quyền xem như một hiện tượng khu biệt, đơn lẻ. Vì thế, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ không thể hoặc khó bảo tồn do bị triệt tiêu, mất dần các điều kiện tự nhiên và xã hội của nó. Cụ thể như di sản Chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) đang bị kém sức hút với nhiều du khách, bị “chìm” dần do nặng về khai thác du lịch mà ngày càng tách xa, không còn gắn kết với các hoạt động thương hồ, mua bán, sinh hoạt, giao lưu văn hóa trên sông nước - vốn là điều kiện phát sinh và tồn tại của chợ nổi.
Chủ thể của đa số các di sản văn hóa là nhân dân, cộng đồng dân cư địa phương, nhưng thực tế hiện nay là ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có tình trạng nhà nước lại quá ôm đồm công tác bảo tồn trong khi nguồn ngân sách bị hạn chế hoặc tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác di sản để làm du lịch mà chưa quan tâm đúng mức công tác bảo tồn. Điều đó khiến cho chủ thể di sản bị mất vai trò vốn có, nhiều di sản văn hóa bị lạm dụng để làm kinh tế không còn đúng với giá trị vốn có của nó. Cụ thể là gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL đua nhau xây dựng các câu lạc bộ đờn ca tài tử, trong đó có những câu lạc bộ chuyên để phục vụ du khách. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm người dân thực sự còn hiểu và mê đờn ca tài tử lại chưa được quan tâm đúng mức.
Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng và các di sản ở nhiều địa phương. Những năm gần đây, một số lễ hội như: Vía Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (An Giang), Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), Oc Om Bok - Đua ghe ngo (Trà Vinh, Sóc Trăng),… thu hút sự tham gia đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Thực tế đó đòi hỏi việc tổ chức những lễ hội này phải được nâng tầm thành các tour du lịch lễ hội gắn với tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá, vừa đáp ứng nhu cầu vật chất (mua sắm sản phẩm văn hóa ở các làng nghề, thưởng thức ẩm thực đặc sắc địa phương,…). Thế nhưng, trên thực tế, những lễ hội này vẫn còn nặng tính hình thức và kinh tế, chưa tạo ra sự kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thiếu liên kết vùng, thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL trong việc xây dựng các chính sách, kế hoạch bảo tồn di sản; thiếu sự gắn kết giữa các điểm đến và tài nguyên du lịch trong vùng, làm giảm hiệu quả các hoạt động phát huy giá trị kinh tế từ di sản. Sự thiếu liên kết còn thể hiện ở tình trạng nhiều dự án bảo tồn di sản được thực hiện riêng lẻ, thiếu sự hỗ trợ hay trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương. Từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực, thiếu hiệu quả, giảm tính bền vững trong bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế của di sản. ĐBSCL có nhiều tài nguyên du lịch di sản độc đáo, từ các di tích lịch sử đến các lễ hội văn hóa truyền thống, nhưng do thiếu sự phối hợp liên vùng, các địa phương nên chưa tạo ra được chuỗi giá trị dịch vụ du lịch văn hóa bền vững.
Bên cạnh đó, còn có một số khó khăn, bất cập khác như: thiếu các quy định pháp lý liên quan đến bảo tồn và phát triển kinh tế di sản, một số quy định pháp luật có liên quan thiếu tính chặt chẽ, đồng bộ, gây khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ di sản; việc khai thác di sản văn hóa và di sản tự nhiên chưa gắn kết với quy hoạch vùng, với các chiến lược phát triển bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, dịch vụ lưu trú, tiện nghi phục vụ khách du lịch còn thiếu và yếu; thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao để phát triển kinh tế di sản; nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án bảo tồn, phát triển các khu di sản còn hạn chế…
Vấn đề cần quan tâm
Thứ nhất, để bảo đảm cho vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiệm vụ phải “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hoá - lịch sử, văn hoá sông nước, miệt vườn; văn hoá các dân tộc”. Từ quan điểm, chủ trương của Đảng trong giai đoạn phát triển mới và thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, để tạo điều kiện phát triển kinh tế di sản ở các địa phương vùng ĐBSCL, thiết nghĩ, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, di sản chỉ có thể trở thành nguồn lực và động lực cho sự phát triển nếu nó đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Vì thế, cần đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát triển, bảo tồn di sản văn hóa phải đồng hành với việc sử dụng, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Khi đó, hoạt động bảo tồn mới có tính bền vững và không đi ngược lại nhu cầu phát triển của xã hội. Với quan niệm đó, từ góc nhìn quản trị địa phương, di sản là một nguồn lực rất quan trọng và phải trở thành một một lựa chọn trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trung và dài hạn; và ngược lại, các chương trình, kế hoạch bảo tồn di sản cũng không được tách rời các chiến lược phát triển khác của từng địa phương, của vùng ĐBSCL.
Thứ ba, với các di sản văn hóa có tính cộng đồng cao, nếu thật sự còn giá trị và tính hữu ích, nhà nước cần tạo ra khung pháp lý để hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và phát triển. Những di sản nó không còn ý nghĩa và giá trị thực tiễn, nên bảo tồn dưới dạng hiện vật bảo tàng, không nên bảo tồn gượng ép. Để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị của di sản tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư phải được huy động từ nhiều nguồn như: nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trên tinh thần hài hòa lợi ích chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Việc huy động vốn đầu tư trong bảo tồn, phát triển kinh tế di sản phải gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, của vùng ĐBSCL, của cả nước và phải có tính minh bạch cao.
Thứ tư, tiềm năng phát triển kinh tế di sản ở ĐBSCL còn rất lớn trong khi nhiều di sản đang bị xuống cấp trầm trọng, bị lãng phí vì không biết cách khai thác hợp lý và hiệu quả. Vì thế, các địa phương trong vùng cần quan tâm điều tra, khảo sát, nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn để đánh thức và khai thác đúng mức giá trị các di sản. Các chiến lược, chương trình, kế hoạch đó phải được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030”…
Thứ năm, để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, cần xác định rõ quan điểm phát triển bền vững, đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản ở vùng ĐBSCL gắn với du lịch phải bảo đảm phát triển lâu dài, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng dân nơi có di sản. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng.
Thứ sáu, các địa phương cần dựa trên yếu tố đặc thù từ văn hóa bản địa đặc sắc của vùng, của địa phương để lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu, những sản phẩm du lịch đặc sắc, tránh tình trạng trùng lắp, nhàm chán trong khai thác du lịch văn hóa. Để làm tốt điều này, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động bảo tồn phát huy di sản văn hoá. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, được trang bị và nắm vững những quy phạm pháp luật về di sản.
Thứ bảy, bảo đảm tính cân đối hài hòa trong các chủ trương, chính sách giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế. Di sản cần được nhìn nhận là thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhưng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không chú ý hoặc quên đi mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng của vùng. Cần giải quyết hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản; phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía; từ đó mới tạo được sự gắn kết cộng đồng với di sản, mới huy động được người dân tự nguyện, tự giác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Phát triển kinh tế di sản là một hướng đi quan trọng nhằm khai thác tối đa tiềm năng văn hóa, lịch sử và tài nguyên địa phương, tạo động lực và nguồn lực quan trọn để phát triển vùng ĐBSCL nhanh và bền vững. Tuy có nhiều giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đặc sắc nhưng đến nay, vì nhiều nguyên nhân, ĐBSCL vẫn chưa khai thác, phát huy tốt theo góc độ phát triển kinh tế di sản. Thời gian tới, nếu có chiến lược và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong phát triển kinh tế di sản; nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng; áp dụng các mô hình quản trị bền vững… tin rằng, ĐBSCL sẽ trở thành điểm đến du lịch di sản đặc sắc của quốc gia và quốc tế./.
Kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
Phát huy giá trị kinh tế di sản vùng đồng bằng sông Hồng  (07/12/2024)
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc kết hợp bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/12/2024)
Định vị kinh tế di sản trong cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ninh  (07/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm