Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc kết hợp bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Trải qua lịch sử lâu dài, dân tộc Trung Hoa đã tạo dựng nên những di sản văn hóa phong phú, đầy màu sắc và quý giá. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “di sản văn hóa là nền văn minh huy hoàng, kế thừa lịch sử, văn hóa, gìn giữ tinh thần dân tộc, là nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo, không thể thay thế”. Di sản văn hóa có thể làm phong phú ý nghĩa xã hội, nâng cao phẩm chất con người, thể hiện hình ảnh đất nước. Tài nguyên văn hóa có thể tối ưu hóa môi trường đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng cũng có thể được chuyển hóa thành nguồn lực kinh tế thông qua việc phát triển và sử dụng hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo điều kiện và là bảo đảm cần thiết cho việc bảo vệ di sản văn hóa.
Mối liên hệ giữa di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, từ các công trình kiến trúc cổ, di tích văn hóa quý giá đến các kỹ năng truyền thống và phong tục dân gian, tất cả đều thể hiện sức hấp dẫn độc đáo, mang đặc sắc của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc cho rằng, những di sản này là cốt lõi của bản sắc dân tộc và di sản văn hóa, cho phép chúng ta biết mình đến từ đâu và hiểu được cội nguồn, nguồn gốc của mình.
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên không thể tái tạo và không thể thay thế của nền văn minh Trung Quốc. Tháng 7-2024, Kỳ họp thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ đã đưa ra quyết định công nhận “Trục trung tâm Bắc Kinh - kiệt tác trật tự đô thị lý tưởng Trung Quốc” là Di sản Thế giới. Như vậy, tổng số di sản thế giới của Trung Quốc tăng lên 59 di sản. Việc đăng ký thành công Di sản thế giới đánh dấu một điểm khởi đầu mới cho việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa. Làm thế nào để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ di sản văn hóa một cách tổng thể và có hệ thống.
Tuy nhiên, di sản văn hóa hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự tiến bộ nhanh chóng của đô thị hóa, tác động của hiện đại hóa, những thay đổi trong môi trường tự nhiên và sự hủy diệt do con người gây ra đều đe dọa đến sự sống còn của di sản văn hoá. Một số di sản văn hóa quý giá đang dần biến mất hoặc bị hư hại nghiêm trọng, đây là một tổn thất lớn cho Trung Quốc nói riêng cũng như nền văn minh nhân loại nói chung.
Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ ràng rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng mang lại những thách thức nhất định cho việc bảo vệ di sản văn hóa. Với tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh chóng, một số công trình lịch sử, di sản văn hóa có nguy cơ bị phá bỏ hoặc phá hủy. Khi sự phát triển kinh tế - xã hội mâu thuẫn với việc bảo vệ di sản văn hóa, các lợi ích kinh tế cần có những nhượng bộ cần thiết để bảo tồn di sản văn hóa quý giá và không thể tái tạo lại. Các luật liên quan và kế hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội đô thị cần được kết hợp với các khái niệm bảo vệ, bảo tồn di sản văn hoá để tạo thành mô hình phát triển cân bằng và hài hòa.
Khi kết hợp bảo vệ di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật phải đặt lên hàng đầu. Mặc dù Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các bộ luật, quy định về bảo vệ di sản văn hóa nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Có những tranh chấp về tiêu chuẩn phân loại và nhận dạng của một số di sản văn hóa, dẫn đến một số di sản văn hóa có giá trị không được bảo vệ kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến di sản văn hóa còn chưa đầy đủ, khó hình thành hiệu quả răn đe. Bên cạnh đó, mặc dù được bảo vệ bởi Luật bảo vệ di tích văn hóa, các di tích văn hóa được bảo vệ tương đối tốt. Tuy nhiên, khi nảy sinh mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ di sản văn hóa, tại một số nơi vẫn còn tồn tại hiện tượng một số lãnh đạo địa phương coi trọng phát triển hơn bảo vệ di sản văn hoá. Có nơi, di sản lịch sử, văn hóa đã xuống cấp từ lâu, có nơi, bối cảnh lịch sử đã bị phá hủy.
Trong những năm qua, tại Trung Quốc, một số chính quyền địa phương thiếu sự bảo trì thường xuyên và đầu tư cần thiết cho các khu đô thị lịch sử, đặc biệt là các di sản lịch sử, văn hóa, dẫn đến trình độ kết cấu hạ tầng tại các di sản lịch sử, văn hóa chưa được cải thiện, các công trình lịch sử, công trình cổ bị bỏ hoang. Dân số gia tăng đông đúc, các công trình lịch sử cổ không đáp ứng được điều kiện sống cơ bản cho người dân, khiến người dân không thể tự bảo trì nhà cửa và không quan tâm đến việc duy trì các không gian công cộng truyền thống, dẫn đến tình trạng suy thoái của môi trường vật chất, kinh tế - xã hội của các thành phố mang tính lịch sử. Những đô thị lịch sử và di tích văn hóa lịch sử lẽ ra phải là đại diện cho nền văn hóa truyền thống đặc sắc Trung Quốc thì nay lại trở thành “lộn xộn, lạc hậu”. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc hằng năm đều tăng cường đầu tư vào công tác bảo vệ di sản văn hóa, nhưng nguồn tài trợ cho việc bảo vệ di sản văn hóa vẫn còn hạn hẹp. Vì vây, để gia tăng nguồn lực bảo vệ di sản văn hoá, việc kết hợp giữa bảo vệ di sản với phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc bảo vệ di sản văn hóa đòi hỏi sự tham gia và hỗ trợ của toàn xã hội. Hiện nay nhận thức của người dân về bảo vệ di sản văn hóa nhìn chung còn thấp và sự tham gia của họ cũng chưa nhiều. Một số chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa cũng gặp phải những vấn đề như hiểu biết chưa đầy đủ và các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa không hiệu quả, gây khó khăn cho việc bảo vệ di sản văn hóa một cách hiệu quả. Cải thiện sự tham gia của xã hội là chìa khóa để thúc đẩy việc bảo vệ di sản văn hóa. Cần tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa. bằng cách tăng cường triển khai các khóa học về bảo vệ di sản lịch sử và văn hóa ở các trường trung học cơ sở và đại học, để nâng cao hiểu biết của xã hội về giá trị của di sản văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ di sản văn hóa theo quy định của pháp luật chính là tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Một số giải pháp đã được ứng dụng
Thứ nhất, quy hoạch và tái tạo không gian.
Bảo vệ các di sản lớn ở Trung Quốc là trọng tâm của công tác bảo vệ di sản văn hóa và cũng là một công việc lâu dài tương đối khó khăn. Do nhiều yếu tố như truyền thống văn hóa và môi trường sinh thái, một số di sản lớn ở khu vực lõi đô thị có lượng lớn cư dân địa phương đang làm việc, sinh sống trong và xung quanh khu di sản. Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe của việc bảo vệ di tích văn hóa, lâu nay nhu cầu phát triển của cư dân trong vùng di sản vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số, mâu thuẫn giữa việc bảo vệ các di sản với quyền và lợi ích của người dân địa phương ngày càng trở nên gia tăng. Trung Quốc cho rằng, không thể chỉ tập trung vào “bảo vệ tuyệt đối” cũng như không cho phép việc bảo vệ di sản bị thúc đẩy bởi các lợi ích ngắn hạn. Thay vào đó, phải coi “phát triển” là nhu cầu chung về bảo vệ di sản cũng như quyền và lợi ích của người dân, đồng thời cung cấp cho các khu vực có các di sản lớn khả năng tái tạo không gian hợp lý và phù hợp. Bên cạnh đó, chính phủ cần có những hướng dẫn hiệu quả thông qua quy hoạch đất đai và không gian cho các khu di sản lớn. Với khẩu hiệu “kích thích sức sống của di sản - hòa nhập vào đời sống người dân - thúc đẩy đổi mới đô thị”, chính phủ đã giải quyết, cân bằng nhu cầu giữa bảo vệ và phát triển, thúc đẩy lồng ghép giữa bảo vệ di sản và phát triển kinh tế - xã hội.
Phương pháp này đã được triển khai trong việc bảo vệ và sử dụng Di chỉ thành cổ Lương Chử(1) (ở ngoại ô thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Thông qua việc tối ưu hóa quy hoạch không gian và làm đẹp tổng thể môi trường, biến khu bảo vệ di sản rộng lớn thành “ốc đảo” sinh thái, cánh đồng văn hóa “nuôi dưỡng tinh thần” cho thành phố, trở thành một địa danh văn hóa mới ở Hàng Châu.
Ngoài ra, đối với một số di tích lớn ở vùng sâu vùng xa như Di chỉ Thạch Mão (Thiểm Tây, Trung Quốc)(2). Trọng tâm kết hợp giữa bảo vệ di sản và phát triển kinh tế - xã hội là đưa ý tưởng tái tạo không gian ở các khu bảo vệ di sản vào việc phục hồi môi trường sinh thái. Trên cơ sở bảo vệ hiệu quả khu di sản, tận dụng lợi ích chính sách như trả lại đất nông nghiệp cho rừng và bảo vệ môi trường để tìm ra các con đường phát triển công nghiệp xanh có lợi cho việc bảo vệ và phát triển khu vực di sản, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thứ hai, hội nhập “văn hoá + du lịch” thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Sự tích hợp giữa văn hóa và du lịch là con đường để di sản văn hóa được tích hợp một cách hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tài nguyên di sản văn hóa và di sản lịch sử đều mang giá trị nội hàm phong phú và hình thức đa dạng, có thể được chuyển hóa thành các sản phẩm trải nghiệm du lịch khác nhau, cho phép mọi người tận hưởng các hoạt động tiêu dùng giải trí với cảm giác “hòa nhập” và “tham gia”, có được trải nghiệm văn hóa sống động.
Tuy nhiên, tài nguyên văn hóa không phải là sản phẩm văn hóa. Suy cho cùng, du lịch tham quan chỉ là một dạng sản phẩm du lịch. Vì vậy, cần tiến hành phân tích chuyên sâu về giá trị nội hàm của di sản văn hóa và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa khác nhau, như loại hình có sự tham gia và trải nghiệm. Điều này đòi hỏi cần phải có sự phân tích toàn diện, khách quan về thuộc tính “tài nguyên” của di sản văn hóa, tìm hiểu tiềm năng chuyển đổi tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm văn hóa. Việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch di sản văn hóa không chỉ được thực hiện một cách độc lập bởi các chuyên gia về quy hoạch du lịch và các lĩnh vực khác mà còn cần có sự tham gia của các chuyên gia có nền tảng đa ngành như khảo cổ học lịch sử và nghiên cứu di sản văn hóa.
Ngoài ra, chính vì di sản văn hóa có nhiều thuộc tính tài nguyên xã hội nên có thể được tích hợp sâu hơn vào phát triển công nghiệp. Bằng cách tiến hành kết hợp “di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội”, lấy “di sản văn hóa” làm cốt lõi, phân tích mối quan hệ cộng sinh và tác động cộng sinh của nó với các ngành liên quan cùng vai trò lôi kéo/thúc đẩy của nó để nâng cao hơn nữa giá trị của di sản văn hóa. Nhằm làm rõ các giá trị của tài nguyên di sản văn hóa, có thể thông qua việc phát triển các kênh, chuỗi sản phẩm văn hóa đa dạng, xây dựng mô hình ngành tích hợp kinh doanh du lịch văn hóa theo hướng “di sản văn hóa +”, khám phá khu phức hợp văn hóa và thương mại tích hợp “trải nghiệm triển lãm, thiết kế sáng tạo, triển lãm và bán hàng đặc biệt, giải trí theo chủ đề” cùng các tổ hợp văn hóa và thương mại đa ngành khác, thúc đẩy sự tích hợp sâu sắc của di sản văn hóa và phát triển xã hội, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển hóa sáng tạo các nguồn tài nguyên di sản.
Thứ ba, xã hội chung tay bảo vệ di sản.
Một trong những mục tiêu chính của việc bảo vệ di sản là vì sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền và lợi ích của các bên liên quan có thể bị mâu thuẫn bởi một số hạn chế do nhu cầu bảo vệ di sản, từ đó có thể gây ra những phản hồi tiêu cực từ người dân và xã hội. Một trong những hướng nghiên cứu nhằm kết hợp “di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội” là tìm cách đạt được sự cân bằng tương đối giữa công tác bảo vệ di sản và nhu cầu phát triển, để những lợi ích mang lại từ sự kết hợp này đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa hiện nay.
Nguyên nhân cơ bản tạo ra mâu thuẫn giữa bảo vệ các di sản lớn với sự phát triển của cư dân địa phương là bởi xung đột lợi ích. Một trong những phương thức có thể giải quyết được vấn đề này là trao quyền cho người dân địa phương, tận dụng tối đa lợi ích của các chính sách bảo vệ di sản lớn, đồng thời lập kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội, như kế hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, xây dựng đô thị và nông thôn trong khu vực di sản trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu bảo vệ khu di sản, như bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo kết cấu hạ tầng,... Những điều này đã góp phần cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân địa phương thông qua sự trợ giúp của các chính sách.
Đồng thời, việc bảo vệ toàn diện và tạo nên các giá trị mới không chỉ duy trì tính liên tục về văn hóa của không gian khu di sản rộng lớn mà còn giúp người dân địa phương nhận ra được tầm quan trọng của công tác bảo vệ di sản văn hóa. Ngoài ra, việc cho phép người dân địa phương tham gia vào công tác bảo vệ di sản cũng như hình thành các cơ chế tham gia, tham vấn sẽ khiến những người dân địa phương ủng hộ việc bảo vệ các di sản lớn và cảm thấy hoàn toàn được tôn trọng, công nhận.
Một lợi ích khác của việc chung tay bảo vệ di sản đó là để các di sản văn hóa được tiếp cận công chúng thông qua nhiều hoạt động và phương tiện truyền thông khác nhau. Điều này đòi hỏi những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan không chỉ phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp và sứ mệnh lịch sử của mình mà còn phải nghĩ đến giá trị cộng đồng, đồng thời nhận thức về trách nhiệm giúp đỡ xã hội, vì sự tiến bộ và phát triển.
Thứ tư, đổi mới nhận thức về giá trị di sản.
Di sản văn hóa có giá trị đặc biệt bởi thông tin nó mang theo tiết lộ bối cảnh phát triển văn hóa hoặc sự tiến hóa của hệ sinh thái tự nhiên liên quan đến con người. Từ quan điểm này, bản thể học của di sản văn hóa cũng quan trọng không kém bởi những thông tin mà nó chứa đựng. Một khía cạnh khác tạo nên những nhận thức mới về giá trị di sản là ứng dụng công nghệ số vào nghiên cứu khoa học về những ý nghĩa của di sản văn hóa, thu thập và bảo tồn thông tin cũng như giải mã và tái khám phá các gen di sản văn hóa.
Trong những năm gần đây, công nghệ màn hình kỹ thuật số đã được ứng dụng rộng rãi ở một số địa điểm khảo cổ và di sản văn hóa thế giới lớn và đã đạt được kết quả tốt. Đối với một số địa điểm khảo cổ lớn có tầm nhìn trực quan kém, có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR), góp phần mang lại “sự sống cho những tàn tích cứng nhắc”, nâng cao các trải nghiệm văn hóa.
Đối với di sản như hội họa và thư pháp cổ phong phú của Trung Quốc, các phong cách nghệ thuật có thể được giải mã thông qua việc thu thập và chú thích thông tin kỹ thuật số, nhận dạng trí tuệ nhân tạo… để thấy được các đặc điểm bố cục, kỹ năng vẽ cọ, thói quen màu sắc,… , góp phần thiết lập cơ sở dữ liệu nghiên cứu so sánh về phong cách thư pháp và hội họa cổ, có thể được áp dụng để xác định các tác phẩm giả mạo, được sử dụng để trích xuất và cô đọng các yếu tố văn hóa có đặc điểm riêng biệt để tái tạo lại các tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài ra, với sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số, văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc - chứa đựng di sản văn hóa được chuyển thành các kịch bản ứng dụng giáo dục, có sự tham gia mang tính giáo dục và giải trí dành cho học sinh tiểu học và trung học, mang lại chất lượng cao hơn cho các trường tiểu học và trung học; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm văn hóa NFT được xây dựng trên công nghệ blockchain, cũng có thể giải phóng hơn nữa tiềm năng bắt nguồn từ di sản văn hóa.
Sự tích hợp chặt chẽ giữa di sản văn hóa và công nghệ kỹ thuật số cũng sẽ tạo ra “hiệu ứng cộng hưởng” mạnh mẽ. Thông qua sự tương tác tích cực giữa hai bên, hình thành nên “di sản văn hóa + công nghiệp sáng tạo” và “di sản văn hóa + du lịch” dựa trên kỹ thuật số. Công nghệ tích hợp xuyên biên giới như “di sản văn hóa + nghiên cứu và giáo dục” và “di sản văn hóa + giải trí”, đạt được hiệu ứng tổng hợp mang tính chất “1+1>2”, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan thông qua tận dụng hiệu quả của việc số hóa di sản văn hóa, định hình sự đổi mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua một số giải pháp mà Trung Quốc đã triển khai, có thể thấy rằng, bảo vệ di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội là mối quan hệ đan xen lẫn nhau và là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần chú ý đến việc bảo vệ và kế thừa di sản văn hóa, tăng cường sự tham gia của xã hội cùng nhau phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo cơ sở để các di sản văn hóa quý giá được truyền lại từ đời nay qua đời khác và phát huy tối đa các gia trị./.
---------------
(1) Di chỉ khảo cổ Lương Chử 5.300 năm tuổi, ở ngoại ô Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, có niên đại sớm hơn 1.000 năm so với triều đại nhà Thương - tồn tại từ năm 1.500 trước Công nguyên. Thành phố Lương Chử ở đồng bằng sông Dương Tử đã tồn tại gần 1.000 năm và là một trong những nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới tiên tiến nhất về vật chất và công nghệ trên thế giới
(2) Thạch Mão là một di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ đồ đá mới ở Thần Mộc, Thiểm Tây, Trung Quốc; có niên đại khoảng 2.000 trước Công nguyên
Định vị kinh tế di sản trong cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ninh  (07/12/2024)
Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới trong phát triển kinh tế di sản và bài học rút ra cho Việt Nam  (07/12/2024)
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh hiện nay  (07/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay