Những lặng thầm nơi Ngã ba huyền thoại

Anh Hoài
23:07, ngày 18-07-2018

TCCSĐT - Có một Đồng Lộc hiên ngang, một Đồng Lộc oai hùng đã viết nên huyền thoại trên hùng vĩ Trường Sơn. Có một Đồng Lộc chảy tràn trong thi ca nhạc hoạ. Và có một Đồng Lộc lặng thầm trong công việc của những cán bộ Ban quản lý Khu di tích…

Một ngày mới ở Đồng Lộc bao giờ cũng bắt đầu bằng việc dọn dẹp vệ sinh tại 12 tiểu khu di tích. Ngoài bộ phận vệ sinh ra, tất cả những cán bộ thuộc bộ phận khác cũng tham gia công việc này vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều hàng ngày. Nội quy đó không khiến các nhân viên cảm thấy khó chịu mà ngược lại ai nấy cũng đều rất tự giác, hào hứng. Với họ mỗi ngày không được đặt chân lên những lối đi quen, không được chạm tay vào những kỷ vật để lau chùi, dọn dẹp là một ngày chưa trọn vẹn.

Trong số những cán bộ chuyên trách công tác vệ sinh tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tôi khá ấn tượng với cô gái nói giọng Bắc Trần Phương Thuỳ. Trần Phương Thuỳ quê ở quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, theo chồng về Hà Tĩnh và đã có 5 năm gắn bó với công việc dọn vệ sinh ở Khu di tích này. Thuỳ cho biết: “Hồi trước, khi chưa làm việc ở đây, xem phim Ngã ba Đồng Lộc em đã có những cảm xúc đặc biệt với khu di tích này rồi. Và như một mối duyên tiền định, sau khi trở thành con dâu quê hương Can Lộc và về Hà Tĩnh sinh sống, em đã trở thành nhân viên ở đây. Mỗi ngày, công việc của em tuy bình thường nhưng rất thiêng liêng. Bất kỳ chỗ nào cũng có thể gieo vào tâm hồn em những xúc động sâu sắc khiến người con đất Bắc như em luôn cảm nhận được sự gần gũi ở một nơi tưởng như xa lạ”.

Âm thầm và lặng lẽ trong khu nhà bảo tàng, có những lúc người ta cảm thấy như cô gái Đồng Lộc Vương Thị Thương đã lẫn vào trong muôn vàn những hiện vật thời chiến. Với thâm niên 10 năm gắn bó với công việc ở bảo tàng, tưởng như cô gái Vương Thị Thương cũng chính là người bước ra từ cuộc chiến khốc liệt của cha ông trên mảnh đất này. Trong mỗi lời giới thiệu, trong từng động tác cần mẫn, nâng niu lau chùi hiện vật của Thương đều toát lên điều đó.

Thương cho biết: “Ở đây, nhiệm vụ của em là giới thiệu cho du khách về kỷ vật của 10 cô gái thanh niên xung phong và các anh hùng, liệt sỹ rà phá bom mìn ở Ngã ba Đồng Lộc. Giới thiệu về các hình ảnh, hiện vật của lực lượng thanh niên xung phong cả nước. Công việc tưởng như nhàm chán nhưng lại rất sinh động. Mỗi lần tiếp xúc hay nói về các hiện vật là cả quá khứ chiến đấu hào hùng của thế hệ trước lại sống lại trong em”.

Tại bảo tàng, công tác sưu tầm hiện vật cũng luôn được chú trọng nên mỗi lần tiếp nhận hiện vật mới, những nhân viên của bộ phận này lại mày mò tìm hiểu về hiện vật và những câu chuyện liên quan để qua đó tìm cách giới thiệu vừa chân thật vừa hấp dẫn du khách. Để tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn trong những lần giới thiệu cho du khách, những nhân viên như Thương phải trau dồi nghiệp vụ mọi lúc mọi nơi. Không chỉ đọc sách, báo mà còn phải tìm hiểu ngay trên chính các hiện vật. Có khi một vết xước, vết rách hay 1 chi tiết nhỏ trên hiện vật cũng là cả một câu chuyện thú vị.

Đến Ngã ba Đồng Lộc, có lẽ những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với du khách chính là các thuyết minh viên. Những câu chuyện chiến đấu ác liệt, oai hùng, những góc tâm tư sâu kín của lực lượng nữ thanh niên xung phong và các lực lượng chiến đấu ở Đồng Lộc qua giọng kể trầm ấm của họ trở nên gần gũi, xúc động hơn, khiến du khách nhớ sâu hơn về ngã ba huyền thoại này.

Là một thuyết minh viên kỳ cựu ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, anh Đào Anh Tuân đã có hàng nghìn lần nói chuyện với du khách về 10 cô gái, về những ngày chiến đấu cảm tử của các anh hùng, chiến sỹ trên tuyến lửa Đồng Lộc. Tuy nhiên, với anh mỗi lần nói chuyện là mỗi lần trong tâm tư, trong nhận thức có thêm những cảm nhận mới. Mỗi lần nói chuyện là mỗi lần sợi dây gắn bó với nơi này siết chặt hơn, để không có bất kỳ sự mời gọi nào có thể khiến anh và đồng nghiệp rời bỏ công việc thiêng liêng này.

Yêu mến công việc thuyết minh viên nên dù đã đảm nhận chức vụ Phó trưởng Ban quản lý, anh Đào Anh Tuân vẫn luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu được nghe anh nói của du khách. Anh Tuân cho biết: “Nếu như ngày trước chỉ có mỗi tôi làm công việc này thì nay chúng tôi đã có 11 người. May mắn là bạn nào cũng rất xuất sắc và có dấu ấn cá nhân được du khách đánh giá cao. Mặc dù có bài giới thiệu chung nhưng các bạn vẫn luôn tự tìm tòi học hỏi nâng cao hiểu biết qua sách báo và nhân chứng để làm phong phú hơn câu chuyện mà mình giới thiệu. Hằng năm, chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc tập huấn, nhiều chuyến tham quan học tập ở các khu di tích khác để nâng cao nghiệp vụ”.

Cũng giống như nhiều nhân viên ở Ngã ba Đồng Lộc, các thuyết minh viên cũng là những người đi sớm về muộn, hàng ngày họ cũng tích cực tham gia công tác dọn vệ sinh, lau chùi hiện vật, kỷ vật. Ngoài ra, khi lượng khách đến đông thì họ vẫn sẵn sàng làm việc ngoài giờ cho đến khi hết khách mới rời nhiệm sở. Hay giữa những cơn mưa tầm tã, trong những trưa chiều nắng như đổ lửa, họ vẫn kiên tâm để chuyển tải thông tin tới du khách một cách trọn vẹn và đầy cảm xúc.

Bởi vậy, khi đến Đồng Lộc, du khách không chỉ cảm động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ để bảo vệ cho những tuyến xe thông, mà con cảm phục trước sự lao động lặng thầm của những cán bộ, nhân viên ngày ngày chăm nom, làm đẹp cho Khu di tích này. /.