Đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
TCCS - Du lịch là một trong những ngành kinh tế mà Thủ đô có nhiều lợi thế so sánh để phát triển. Chính vì thế, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động du lịch để ngành “công nghiệp không khói” tiếp tục phục hồi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Từ những nỗ lực hành động…
Trong 2 năm qua, ngành du lịch của cả nước nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ có khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36,3% kế hoạch đề ra). Tổng thu từ khách du lịch đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40,2% năm 2020 và bằng 36,8% tổng thu từ khách du lịch nội địa của kế hoạch đề ra). Do đó, để phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 10-2-2022, “Phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 - 2023”, trong đó xác định lộ trình, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng bước mở cửa, hồi phục ngành du lịch Thủ đô năm 2022 - 2023, bảo đảm thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; xây dựng các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ thực chất, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Sở Du lịch thành phố Hà Nội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Phương án số 02/PA-UBND, ngày 4-4-2022, về mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới trên địa bàn thành phố Hà Nội; trình Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức ký kết Phụ lục bổ sung Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân thành phố và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN về chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019 - 2024. Đồng thời, Sở Du lịch thành phố Hà Nội chủ động ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 02/CTr-UBND, ngày 19-1-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch Thủ đô năm 2022; Kế hoạch phân công triển khai nhiệm vụ phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội năm 2022; Kế hoạch kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022; Kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động được phân công tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tăng cường công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch, chung tay xây dựng điểm đến du lịch an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại các khu, điểm tham quan du lịch. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm việc chấp hành các quy định trong hoạt động du lịch và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố; bảo đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, phục vụ tốt khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài ra, công tác triển khai chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, đã hoàn thiện theo đúng quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ. Thành phố thường xuyên thực hiện rà soát, tổng hợp hồ sơ, xác minh văn bằng, chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế; rà soát các khách sạn hết hạn công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở lưu trú không thực hiện báo cáo tháng theo quy định để kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đến những kết quả đáng ghi nhận
Nhờ tích cực thực hiện các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong nửa đầu năm 2022, ngành du lịch của Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Lượng khách du lịch tăng trưởng tốt qua từng tháng, đã bắt đầu đón số lượng lớn khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch các nước Đông Nam Á dịp SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngành du lịch đã tập trung tổ chức các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn. Thành phố Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch trong năm 2022. Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực trong năm 2022. Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất. Trong 8 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 582 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 11,8 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính 8 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 32,9%, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Công tác xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Trong bối cảnh mở cửa du lịch trở lại, ngành du lịch Thủ đô đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để tập trung thu hút khách, như tour du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình “Chợ phiên vùng cao phía Bắc” của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chuỗi hoạt động “Ocean Festival” tại Công viên thiên đường Bảo Sơn, chuỗi sản phẩm: “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học, tour xe bus 2 tầng “Hanoi City Tour” khám phá phố phường Hà Nội, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”… Nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch đã được tổ chức và thu hút đông đảo du khách, như Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022; Hành trình Hữu nghị năm 2022; Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Lễ hội Tình yêu tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Công bố Điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội; tái khởi động Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn với chương trình khai mạc là đêm nghệ thuật “Có những con đường”; Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022…
Thành phố Hà Nội cũng triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận diện hình ảnh du lịch Thủ đô với nhiều hình thức, như trên kênh truyền hình VTV, HanoiTV, kênh CNN quốc tế, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook); triển khai xây dựng Chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch “Hà Nội - Đến để yêu” với Đài Truyền hình Việt Nam; duy trì hệ thống biển chỉ dẫn, thông tin phục vụ tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội ở một số điểm đến du lịch; tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano tấm lớn tuyên truyền về du lịch Hà Nội chào mừng các ngày lễ, tết trong năm, các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô; cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về du lịch Hà Nội website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Sở Du lịch thành phố Hà Nội còn tái bản 3.500 bản đồ du lịch Hà Nội bằng tiếng Anh; 4.000 sách “Hà Nội - Điểm đến An toàn, Thân thiện, Chất lượng, Hấp dẫn” năm 2022 bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh.
Đặc biệt, trong tháng 5-2022, thành phố Hà Nội đã triển khai thành công các nhiệm vụ về du lịch được phân công tại SEA Games 31. Tính đến ngày 23-5-2022, 18 khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đón và phục vụ trên 5.600 đại biểu, trọng tài, vận động viên và phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của thành phố với 62 khách sạn từ 3 đến 5 sao, khu căn hộ cao cấp tương đương 7.355 phòng và gần 500 khách sạn từ 1 đến 2 sao với trên 11.000 phòng phục vụ khách du lịch tới Hà Nội trong dịp SEA Games 31. Sở Du lịch thành phố Hà Nội đã duy trì công tác kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các cơ sở lưu trú sẵn sàng phục vụ các hoạt động trước và trong thời gian diễn ra đại hội. Một số công ty lữ hành uy tín trên địa bàn thành phố Hà Nội, như Hanoi Tourist, Vietfoot Travel, LUX Travel, VI Travel, Vietravel đã xây dựng, lựa chọn 28 tour, chương trình du lịch tiêu biểu về Hà Nội và vùng phụ cận giới thiệu tới các đoàn đại biểu, quan chức, vận động viên quốc tế tham dự SEA Games 31. Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa ra chương trình ưu đãi miễn phí vé tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng (Bus City Tour); vé vào Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám dành cho các đối tượng có thẻ SEA Games 31; giảm giá chương trình tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” trong tháng 5-2022...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch Thủ đô còn tồn tại một số hạn chế và phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng lao động ngành du lịch có sự dịch chuyển lớn sang các ngành, lĩnh vực khác; do đó, gây ra sự thiếu hụt lớn về nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng… sau một thời gian không vận hành, bảo dưỡng đã xuống cấp, không bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ, người lao động trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách đặc biệt là các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ và Thành phố. Hà Nội vẫn còn thiếu những khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đột phá thu hút khách du lịch.
Một số định hướng tương lai
Thời gian tới, để từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch Thủ đô, phấn đấu năm 2022, Hà Nội đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 đến 35,84 nghìn tỷ đồng; phấn đấu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12 đến 14 triệu lượt khách, trong đó có từ 2,5 đến 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78 đến 55,78 nghìn tỷ đồng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động du lịch Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội năm 2022; kế hoạch kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 4-3-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố “Về Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Hai là, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố, như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố khảo sát các sản phẩm du lịch các địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… Triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, trong đó tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), làng nghề dệt (huyện Mỹ Đức), mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên (huyện Thạch Thất).
Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương, như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiêm khám phá; khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ. Tiếp tục triển khai số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo... đặc biệt là tập trung số hóa tại các làng nghề thu hút khách du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên kết trong khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ tiến đến khu vực vùng Thủ đô, như các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa.
Ba là, tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch. Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương và hỗ trợ các địa phương quảng bá du lịch tại Hà Nội. Chủ động, tích cực tham gia các chương trình hội chợ quốc tế tầm cỡ, như Hội chợ Top Resa tại Pháp, Hội chợ JATA tại Nhật Bản. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Nâng cấp trang thông tin điện tử sinh động, cập nhật thông tin phục vụ khách du lịch. Nghiên cứu xây dựng fanpage, youtube, zalo quảng bá hoạt động du lịch Thủ đô, phục vụ khách du lịch đa dạng. Sản xuất phim, clip, poster card bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ để giới thiệu về du lịch Hà Nội an toàn, hấp dẫn ngay tại các sân bay quốc tế.
Bốn là, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển hoạt động du lịch. Tổ chức rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch bị biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động du lịch. Xây dựng, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao. Thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch. Tích cực triển khai các lớp tập huấn du lịch cộng đồng nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ khách du lịch cho đối tượng là người địa phương làm dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch, tham quan, các làng nghề, phố nghề.
Năm là, thực hiện hiệu quả và thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm môi trường du lịch, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực du lịch. Duy trì hoạt động tổn g đài 1800556896 hỗ trợ thông tin, hỗ trợ khách du lịch, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, qua đó bảo đảm hoạt động du lịch diễn ra hiệu quả, lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô ngày càng phát triển trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19./.
Hà Nội: Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (05/10/2022)
Tiếp tục phát huy sức trẻ của thanh niên Thủ đô  (05/10/2022)
Xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” - một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô  (04/10/2022)
Thanh niên Việt Nam: Nguồn nhân lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp  (04/10/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay