Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển
TCCS - “Khơi dậy khát vọng phát triển” là yêu cầu, mục tiêu chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, được Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh. Quán triệt tinh thần này, Đảng bộ huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) đã cụ thể hóa bằng nhiều định hướng, giải pháp và những cách làm sáng tạo. Trong đó, việc khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài, lan tỏa giá trị truyền thống góp phần nâng cao niềm tự hào của nhân dân, từ đó tạo động lực, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển được đặc biệt quan tâm.
Văn hóa xứ Đoài trên quê hương Phúc Thọ - giá trị nội sinh của lịch sử, hiện tại và tương lai
Xứ Đoài được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, minh chứng là nơi đây cho đến nay vẫn đang lưu giữ dày đặc những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang sắc thái riêng. Nhận diện về khái niệm xứ Đoài, có thể tiếp cận ở hai chiều cạnh. Ở góc nhìn không gian địa lý, theo từng quan điểm ở từng thời kỳ, xứ Đoài có thể trải từ Phú Thọ xuống ranh giới phía tây Hà Nội cũ (trước năm 2008), từ dãy Ba Vì sang dãy Tam Đảo, là vùng đất quanh sông Nhuệ, sông Hồng, sông Đáy(1) hoặc hẹp hơn khi chỉ khu trú ở một số huyện phía tây Hà Nội. Nhưng khá phổ biến là quan niệm cho rằng, xứ Đoài là khu vực địa lý rộng lớn nằm về phía tây kinh thành Thăng Long, sau nhiều biến động về hành chính, xứ Đoài xưa nay tương ứng với địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một phần của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Ở góc nhìn không gian văn hóa, xứ Đoài là không gian văn hóa, được tạo nên bởi tổng thể những mối quan hệ đặc thù về vị trí, môi trường tự nhiên, phong tục tập quán, thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo,... do chủ thể văn hóa sáng tạo ra và chịu tác động. Những va chạm, giao thoa, tác động cộng sinh giữa các tiểu vùng văn hóa, thiên nhiên xứ Đoài diễn ra hết sức đa dạng và sinh động, có sự thuận lợi từ vị trí địa lý và các hoạt động giao thương kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, sự mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội đã diễn ra gần như “trùm” khắp không gian địa lý xứ Đoài.
Trải qua hơn 15 năm sáp nhập địa giới hành chính, nhiều tiểu vùng không gian địa lý xứ Đoài chuyển từ tỉnh Hà Tây về Thủ đô Hà Nội, theo đánh giá chung, hoạt động này dường như mới chỉ tác động ở quản lý hành chính mà không gây ra những biến động, ảnh hưởng tới không gian và giá trị văn hóa xứ Đoài(3), vốn đã khẳng định được sức mạnh nội sinh trong sự biến thiên hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc. Thậm chí, với những quan tâm và đầu tư về nguồn lực của thành phố, nhiều giá trị văn hóa xứ Đoài đang được phục dựng, gìn giữ và phát triển.
Phúc Thọ là một huyện nằm ở phía tây bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc hữu ngạn sông Hồng và sông Đáy, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 30km, có diện tích tự nhiên 117,3km2, dân số 18,4 vạn người. Sau khi đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được thông qua, huyện Phúc Thọ chính thức trở thành đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội vào tháng 5-2008. Là vùng đất cổ nằm sâu trong “lõi” của văn hóa xứ Đoài, các giá trị văn hóa ở Phúc Thọ hết sức đa dạng, phong phú. Trên mảnh đất này có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi địa phương phát huy giá trị trong xây dựng quê hương. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện Phúc Thọ có 105/201 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 45 di tích quốc gia, 57 di tích cấp thành phố.
Trong số các di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng trên địa bàn huyện, nổi bật là: Di tích đền Hát Môn (xã Hát Môn, thờ Hai Bà Trưng), đình Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp), đình Tường Phiêu (xã Tích Giang), đình Mỹ Giang (xã Tam Hiệp), đình Vân Cốc (xã Vân Phúc), chùa Kim Hoa (xã Tam Hiệp), chùa Bà Tề (xã Hiệp Thuận)… Đây là những công trình có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân trong việc xây dựng, tạo tác và mang đậm dấu ấn quê hương.
Phúc Thọ còn là một vùng đất giàu truyền thống khoa bảng. Từ rất sớm, vùng đất Phúc Thọ đã sản sinh ra nhiều danh nhân làm rạng rỡ quê hương. Tại khoa thi Nhâm Tuất (năm 1442) dưới triều Lê Sơ (là khoa thi đầu tiên dựng đề bia tiến sĩ), Phúc Thọ đã có Lê Cầu, người làng Nam Nguyễn (tổng Cam Giá Thượng) đỗ tiến sĩ, trở thành vị đại khoa đầu tiên của huyện Phúc Thọ. Từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, Phúc Thọ đã có trên 15 người đỗ tiến sĩ nho học, 37 người đỗ cử nhân. Tiêu biểu là Giang Văn Minh, người đỗ Thám hoa năm Vĩnh Tộ thứ 10 (năm 1628) dưới triều Lê Trung Hưng. Thời cận, hiện đại có nhiều người thành danh, như dịch giả Nguyễn Đỗ Mục, danh họa Nguyễn Đỗ Cung… Phúc Thọ cũng có nhiều người con ưu tú là những chính trị gia, tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc nổi tiếng, như đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Hà Nội thời kỳ chống thực dân Pháp; đồng chí Lê Hiến Mai - một trong 9 người được phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Phúc Thọ rất phong phú, thể hiện qua những lễ hội được tổ chức xen kẽ quanh năm ở hầu khắp các thôn, xã trong huyện. Nhiều trò diễn, trò chơi dân gian được bảo tồn qua nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống của cư dân địa phương. Hầu hết các lễ hội đều tổ chức tế lễ, rước kiệu với những trò vui, trò diễn, các cuộc thi sôi động, hấp dẫn, như lễ hội đền Hát Môn, lễ hội đình làng Tường Phiêu, lễ hội rước nước xã Phụng Thượng... Một số văn bia cổ còn cho thấy, Phúc Thọ là một trong những cái nôi của ca trù ở miền Bắc Việt Nam. Thời kỳ hiện đại, Phúc Thọ cũng là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước.
Ngoài những công trình kiến trúc đặc sắc về văn hóa, lịch sử, Phúc Thọ cũng là quê hương của những sản vật nổi tiếng khác, như rau muống Linh Chiểu (còn gọi là rau muống Tiến Vua), chuối thơm Vân Hà, táo ngọt Tam Thuấn, bưởi đường Vân Nam, mía de Tam Thuấn,... Trong kho tàng thơ văn của huyện còn ghi lại những miền quê có đặc sản, như: “Khi về chẳng tặng trầu cau/ Tặng cam Vân Cốc, ngọt câu tâm tình/ Vải tươi mát đất Cẩm Đình/ Sen thơm đặc sản nhớ đầm Long Xuyên/ Vân Hà tặng nải chuối thơm/ Võng Xuyên dưa chuột dịu cơn nắng hè/ Ba Xuân tặng cánh mành tre/ Thanh Đa, Tam Thuấn mía quê ngọt ngào”(3).
Nhìn khái quát, văn hóa xứ Đoài trên quê hương Phúc Thọ chứa đựng nhiều giá trị nội sinh, là nguồn lực cho phát triển địa phương trong tương lai, thể hiện qua nhiều loại hình văn hóa như, tôn giáo, lễ hội, kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, ẩm thực,... Ở vị trí “lõi” của không gian văn hóa xứ Đoài, đồng thời nằm trên trục giao thương sôi động qua suốt nhiều thời kỳ, văn hóa xứ Đoài ở huyện Phúc Thọ vừa đa dạng, phong phú, lại vẫn giữ nét đặc sắc, đặc trưng riêng của đất và người nơi đây. Ở đó có sự xuất hiện và tồn tại hòa hợp nhiều nét văn hóa, tôn giáo, tâm linh, nhưng không làm mất đi giá trị tri thức bản địa sâu sắc của nền văn hóa sông Hồng, mang nét “tinh hoa Bắc Bộ”. Ngay cả khi chuyển thành đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội năng động, hiện đại, với yếu tố đô thị mạnh mẽ, không gian và sự biểu hiện của văn hóa xứ Đoài vẫn được lưu giữ trên các làng, xã của quê hương Phúc Thọ. Đó là nguồn lực quan trọng cần tiếp tục khơi nguồn để thúc đẩy sự phát triển, vươn lên trong bối cảnh mới.
Khơi nguồn văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương Phúc Thọ giàu mạnh, phát triển
“Khát vọng phát triển đất nước” là cụm từ được đề cập đến nhiều lần trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Yếu tố khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã trở thành một nội hàm mới của các đột phá chiến lược, được xây dựng với tư duy sáng tạo và kế hoạch hành động cụ thể. Đây là điểm nhấn quan trọng, phản ánh nhận thức mới của Đảng ta về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội là chặng đường chưa dài, nhưng mang lại những dấu ấn phát triển của quê hương Phúc Thọ. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ kết hợp phát triển nông thôn mới đã mang lại những diện mạo mới và đầy màu sắc cho huyện, xứng đáng là vành đai xanh của Thủ đô. Được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đến hết năm 2018, có 20/20 xã của huyện Phúc Thọ được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau đó, huyện tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Sự khởi sắc của kinh tế địa phương và đời sống người dân là điều kiện thuận lợi để phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa. Ngược lại, hòa cùng xu hướng chung của đất nước hiện nay, việc khơi nguồn các giá trị văn hóa để khơi dậy động lực, tạo ra nguồn lực cho phát triển đặt ra yêu cầu rõ ràng hơn trong sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, của toàn hệ thống chính trị và trong mỗi người dân Phúc Thọ. Nhận thức điều này, huyện Phúc Thọ đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ, giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo”. Định hướng chung là giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa không chỉ là tài sản tinh thần để giáo dục truyền thống cho người dân mà còn là những giá trị vật chất thông qua quá trình đưa di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch. Cũng ở đề án này, huyện tập trung đầu tư xây dựng các điểm du lịch, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận các điểm du lịch, như “Điểm du lịch Hát Môn”, “Điểm du lịch Tích Giang”; “Điểm du lịch Hiệp Thuận”,...
Từ những giá trị truyền thống quê hương anh hùng, năm 2022, Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”. Mục đích nhằm phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cách mạng và giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Như vậy, khơi nguồn và phát huy các giá trị văn hóa quê hương nhằm khơi dậy khát vọng, động lực, quyết tâm và ý chí, hành động là điều hết sức có ý nghĩa đối với mục tiêu xây dựng huyện Phúc Thọ giàu mạnh, phát triển. Giá trị văn hóa quê hương là nguồn sức mạnh nội sinh, không chỉ ý nghĩa trong lịch sử mà còn là nguồn lực quan trọng của hiện tại và tương lai, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, giàu mạnh của quê hương.
Để mạch nguồn văn hóa khơi nguồn cho khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển
Để khơi nguồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài trên quê hương Phúc Thọ, cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức lưu giữ, khơi nguồn, phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài của quê hương Phúc Thọ. Cần thấy rằng văn hóa xứ Đoài chính là nguồn sức mạnh nội sinh, là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển, vươn lên của huyện Phúc Thọ trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Tự hào với các di sản văn hóa mà nhiều thế hệ cha ông chắt lọc, truyền lại đặt ra trách nhiệm với đối với toàn hệ thống chính trị, với mỗi xã, thị trấn và mỗi người dân, trực tiếp là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhiệm vụ của các cấp, ngành, nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Cần tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, khắc phục tính hình thức, lãng phí. Tiếp tục tăng cường nội dung giáo dục truyền thống văn hóa quê hương trong các nhà trường, môi trường giáo dục, bám sát đặc thù của từng nhóm đối tượng để xây dựng nội dung và phương thức giáo dục phù hợp...
Thứ hai, cần nhìn nhận xu thế phát triển chung của đất nước, của thành phố và các địa phương lân cận, từ đó có tâm thế chủ động và sự chuẩn bị những biện pháp, cách thức để khơi nguồn giá trị văn hóa. Song song đó, bên cạnh các thế mạnh, cần thẳng thắn nhận diện các yếu tố thách thức đối với sự phát triển của địa phương. Phúc Thọ trong lịch sử và hiện tại luôn nằm ở vị trí giao thương và kết nối mạnh mẽ, ở trong khu vực địa lý sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong tương lai. Quá trình đô thị hóa, sự chuyển dịch kinh tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ mà trực tiếp là chuyển đổi số, những biến động trong đời sống và lối sống người dân, ảnh hưởng của hội nhập,... Đó đều là những vấn đề tác động trực tiếp tới quá trình khơi nguồn các giá trị văn hóa để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương.
Thứ ba, cần nhìn nhận văn hóa xứ Đoài của quê hương Phúc Thọ nằm trong không gian rộng lớn của văn hóa xứ Đoài. Điều này đặt ra yêu cầu về tính kết nối, liên kết vùng, mà trực tiếp là với các địa phương lân cận trong quá trình khơi nguồn. Quá trình khơi nguồn, bên cạnh yếu tố chính là sự chủ động, tích cực của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Phúc Thọ, cần thiết phải có những tác động từ bên ngoài. Trước hết là quan điểm, chủ trương chung của Đảng và chính sách của Nhà nước, định hướng, tầm nhìn phát triển của Thủ đô. Tiếp đến là sự tham gia của các địa phương có đặc điểm tương đồng, gần gũi của không gian văn hóa xứ Đoài, trước hết là các địa phương lân cận, như thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng và các huyện tiếp giáp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thứ tư, chú trọng phát triển và đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu khơi nguồn các giá trị văn hóa xứ Đoài trên quê hương Phúc Thọ. Bên cạnh việc tiếp tục tận dụng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của thành phố và địa phương, cần khuyến khích sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu quản lý. Phục dựng các lễ hội truyền thống là điều cần thiết, nhưng phải trên tinh thần tiết kiệm, trang nghiêm. Tổ chức trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích. Sớm nghiên cứu và xây dựng kế hoạch để kêu gọi, thu hút các cá nhân, đơn vị đầu tư phục dựng đời sống văn hóa xứ Đoài trên quê hương, vừa nhằm mục đích văn hóa, vừa đem lại giá trị kinh tế./.
----------------------------
(1) Theo quan điểm này, xứ Đoài bao gồm trấn Sơn Tây và trấn Sơn Nam Thượng. Trong đó, trấn Sơn Tây gồm các huyện: Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì) và thị xã Sơn Tây. Trấn Sơn Nam Thượng gồm các huyện: Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ và thị xã Hà Đông
(2) Phạm Văn Dương: Một vài cảm nhận về văn hóa xứ Đoài trong bối cảnh đô thị hóa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trực tuyến, 2023
(3) Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phúc Thọ: Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ (1930 - 2015), Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2015
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội  (28/11/2024)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị và trật tự xây dựng  (28/11/2024)
Hà Nội quy hoạch phát triển hài hòa, đồng bộ giữa đô thị và nông thôn  (27/11/2024)
Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội  (27/11/2024)
Hà Nội quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh  (26/11/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay