Phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình
TCCS - Trong những năm gần đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
1- Tỉnh Ninh Bình là địa phương có diện tích tự nhiên là 1.411,86 km² với quy mô dân số là 1.126.443 người (tính đến tháng 8-2024), có đông tín đồ tôn giáo, với hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo với hơn 234.000 tín đồ (Phật giáo có 72 nghìn tín đồ, chiếm 7,9% số dân, Công giáo có 162 nghìn tín đồ, chiếm 17% số dân) và 694 cơ sở thờ tự, 934 chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
Trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, hội nhập, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, như Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 17-5-2005, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30-6-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 152-KH/TU, ngày 1-4-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”; Thông báo số 17-TB/BCĐ, ngày 8-8-2016, của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo tỉnh, “Về việc giải quyết đất đai liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh”… Nhờ đó, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, các tín đồ Phật giáo và Công giáo sống chan hòa, thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”; tuân thủ quy định pháp luật và gắn bó đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội. Các tôn giáo đã thể hiện được đạo lý, triết lý trong thực tiễn đời sống xã hội bằng việc tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự, thân thiện và bảo vệ môi trường” gắn với xây dựng nông thôn mới...
Từ khi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã vận động tín đồ, phật tử, đồng bào có đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội góp phần tạo diện mạo mới, sức sống mới cho các vùng nông thôn; nhờ đó, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Theo đó, đồng bào công giáo, phật tử tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đóng góp sức người, sức của, tích cực hiến đất làm đường, tháo dỡ công trình, vận động kinh phí xây dựng các nhà văn hóa, nhà đại đoàn kết… tạo nên khí thế sôi nổi, đoàn kết, đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chung tay cùng chính quyền xây dựng và thúc đẩy phát triển địa phương. Đồng thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh.
2- Sau gần 3 nhiệm kỳ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị; sự tham gia hưởng ứng và đồng thuận cao của quần chúng nhân dân, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh; công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; làm thay đổi sâu sắc nhận thức của toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nôn thôn mới” đã thật sự trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng lòng, hướng ứng của người dân nông thôn. Sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, trong đó có các tôn giáo đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần và sự thành công trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình. Đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh Ninh Bình có 119/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó 53/119 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 18/119 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu); 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo trong các tôn giáo vận động người dân, các chức sắc tôn giáo, vùng đồng bào có đạo tự nguyện hiến đất, ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công phục vụ việc mở rộng xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình công cộng; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các chức sắc, tín đồ các tôn giáo tại tỉnh Ninh Bình đã tích cực phát huy vai trò trong việc xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Nhiều cơ sở tôn giáo tổ chức các buổi thuyết giảng, hướng dẫn tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Trong các dịp lễ hội, hoạt động tôn giáo, các giáo xứ và nhà chùa đã lồng ghép các hoạt động cộng đồng, tạo không gian để người dân gặp gỡ, giao lưu, xây dựng tình đoàn kết. Những giá trị đạo đức từ giáo lý tôn giáo, như lòng từ bi, bác ái, và chia sẻ đã trở thành nền tảng cho sự gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là địa phương có 36 giáo xứ, 155 giáo họ, 72 linh mục; xã đồng bào có đạo chiếm tỷ lệ tới gần 90%, có thôn, xóm 100% nhân dân theo đạo Công giáo. Tham gia tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào công giáo tại huyện Kim Sơn đã tham gia góp sức người, sức của làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sinh hoạt động đồng. Tại khu dân cư Dũng Thúy, xứ Như Sơn, xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn nhân dân đã hiến hàng trăm m2 đất để mở đường giao thông nông thôn. Giáo họ Thành Đức, giáo họ trị sở xứ Mông Hưu, xứ Cách Tâm đóng góp xây dựng được 2 nhà văn hóa thôn với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng... tạo nên khí thế sôi nổi, chung tay cùng chính quyền xây dựng, phát triển quê hương. Đến nay, 100% số xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; thôn, xóm có đường bằng bê-tông, nhựa; các giáo xứ, giáo họ có đường bê-tông nối khuân viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã. Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn có 23/23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... Huyện cũng đã hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là địa phương có đông người dân theo đạo Phật với gần 2000 phật tử. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã, ban công tác mặt trận khu dân cư cùng các chức sắc tôn giáo, tăng ni, nhà sư, trụ trì tại các chùa đã tích cực vận động nhân dân trực tiếp tham gia, hy sinh lợi ích cá nhân để đóng góp vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn, mua sắm thiết bị nhà văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao trong toàn huyện Yên Mô đạt trên 2.840 tỷ đồng. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh trên địa bàn đạt tỷ lệ cao. Huyện Yên Mô có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập bình quân năm 2024 đạt 71,06 triệu đồng/người/năm. Đến nay, huyện Yên Mô đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các nội dung, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, trong đó có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua tại Ninh Bình là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của các tôn giáo trong việc chung tay xây dựng phát triển quê hương. Với tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, các tín đồ các tôn giáo đã thực hiện nhiều hành động thiết thực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tạo sự lan tỏa tích cực. Các chức sắc, chức việc tôn giáo đã trở thành cầu nối quan trọng, giúp tín đồ hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phong trào được các tôn giáo tích cực hưởng ứng, từ việc vận động hiến đất, đóng góp công sức, tài chính, cho đến tham gia cải tạo hạ tầng như hệ thống giao thông và thủy lợi. Những nỗ lực này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn cải thiện cơ cấu và năng suất mùa vụ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Vai trò tiên phong của các tín đồ tôn giáo đã khẳng định giá trị cốt lõi của tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
3- Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình vẫn còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như nguồn lực hạn chế của một số cơ sở tôn giáo, và đôi khi là sự phối hợp chưa đồng bộ; sự tham gia trực tiếp của các tín đồ, chức sắc và chức việc tôn giáo vào việc xây dựng kế hoạch, đề án phát triển nông thôn mới vẫn còn hạn chế... Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, khu vực đồng bào có đạo thực hiện tốt, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin thường xuyên với các chức sắc, chức việc tôn giáo để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời chia sẻ mục tiêu và định hướng của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, tín đồ tham gia đóng góp ý kiến ngay từ giai đoạn xây dựng kế hoạch và đề án, đồng thời tăng cường sự phối hợp trong triển khai các nội dung cụ thể tại địa phương.
Thứ hai, xây dựng cơ chế phù hợp để các chức sắc và chức việc tôn giáo là những người có uy tín trong cộng đồng, được khuyến khích tham gia tích cực hơn trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện tốt đường hướng chung phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam; “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất và tinh thần cho nhân dân tại các khu vực đồng bào có đạo.
Thứ tư, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để không để phát sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, đồng thời xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng khi xử lý các vấn đề tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định và đoàn kết tại địa phương. Đồng thời, có biện pháp nhận diện, phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, tích cực tuyên truyền những mô hình hay, sáng tạo; tấm gương sáng là các tổ chức tôn giáo, tín đồ tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới./.
Tỉnh Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa  (29/11/2024)
Làng nghề mộc Phúc Lộc - nơi lưu giữ tinh hoa nghề mộc Ninh Bình  (28/11/2024)
Phát huy vai trò của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình: Một số kết quả và bài học kinh nghiệm  (27/11/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm