Làng nghề mộc Phúc Lộc - nơi lưu giữ tinh hoa nghề mộc Ninh Bình
TCCS - Thuộc khu vực phía đông nam thành phố Ninh Bình, Phúc Lộc nằm ở trung tâm phường Ninh Phong, được xem là làng nghề mộc truyền thống tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình. Trải qua thời gian cùng những nỗ lực vượt trội của những nghệ nhân làng nghề, ngày nay làng mộc Phúc Lộc đã mang một sắc diện mới hòa điệu với sự phát triển không ngừng của đô thị di sản Ninh Bình.
Mảnh đất sở hữu nhiều giá trị văn hóa
Được khai lập từ năm 1559, làng nghề mộc Phúc Lộc hình thành và phát triển trên vùng đất sình lầy, rải rác có vài căn nhà đắp bằng đất, lợp tranh giữa một vùng đất bốn bề ngập nước, giao thông đi lại bằng thuyền. Theo các tài liệu còn lưu giữ tại các dòng họ và lời kể của người dân địa phương, năm Kỷ Mùi 1559, cụ Vũ Đức Tâm cùng 30 dân đinh về vùng đất thuộc xã Trầm Hương, phủ Trường Yên (nay là làng nghề Phúc Lộc) khai canh mở đất cùng một số vị tổ dòng họ khác như họ Phạm Giáp, Vũ Đông Giáp, Vũ Giáp,… chiêu dân lập làng, thu hút thêm một số dòng họ đến cùng chung tay khai canh, lập nghiệp.
Làng nghề Phúc Lộc có bảy dòng họ cư trú trên địa bàn 5 xóm (nay là 5 phố) của các phường Ninh Phong và Nam Bình. Các xóm - phố thuộc làng nghề Phúc Lộc được tổ chức thành một hợp tác xã vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích canh tác trên 125ha, bao quanh khu dân cư. Dân cư làng nghề Phúc Lộc hiện có trên 2.400 người, trong đó có hơn 1.000 lao động tham gia làm nghề mộc dưới sự hướng dẫn, tư vấn của hàng trăm nghệ nhân, chuyên gia, thợ bậc cao, tạo bước bứt phá tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con.
Các dòng họ ở đây đều có nhà thờ riêng được xây dựng khang trang, bề thế, cùng với đền thờ các vị tổ nghề tạo nên quần thể kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Đền Phúc Lộc được khởi tạo khoảng năm 1790, là nơi phụng thờ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai canh, mở đất, truyền nghề cho con cháu, kiến trúc theo lối cổ với năm gian tiền đình và ba gian chính tẩm làm bằng gỗ lim. Đền thờ ba vị tổ nghề là Thiên Tôn Hoàng Đế thành sử, Công Thiên Lư Di Đốc Thừng, Lỗ Ban Thiền Sư. Định kỳ ba năm một lần, làng nghề Phúc Lộc lại mở hội để tri ân các bậc tiền nhân có công khai canh, mở đất, lập làng, truyền nghề cho các thế hệ cháu con. Lễ hội làng Phúc Lộc có các nghi lễ rước kiệu, rước bài vị tổ nghề ra chùa lễ Phật rồi về bãi Giang Đình tế khánh hội và phần hội với các trò chơi như đánh cờ, tổ tôm điếm, làng vui chơi, làng ca hát, hát chèo, hát chầu văn… Điểm khác biệt của hội làng nghề Phúc Lộc là tổ chức thi tay nghề, mỗi kỳ sẽ thi chế tác một loại sản phẩm khác nhau như bàn, tủ, ghế. Hội làng truyền thống Phúc Lộc thường diễn ra trong ba ngày, thu hút không chỉ hàng nghìn người dân địa phương tham gia mà còn có đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng ngoạn, mua sản phẩm gỗ mỹ nghệ.
Phát triển một làng nghề nổi tiếng
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, những người thợ đầu tiên của làng chủ yếu đến các địa phương quanh vùng làm nhà, đình, đền, chùa rồi truyền nghề cho con cháu. Trải qua thời gian, thợ mộc Phúc Lộc đã tham gia nhiều công trình nổi tiếng như trùng tu đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, chùa Dâu,… và nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh nổi tiếng ở các địa phương khác. Tùy vào quy mô lớn, nhỏ của công trình mà thành lập các hiệp (nhóm) thợ, trong đó nhất định thợ cả (phó cả) là người có tay nghề lão luyện nhất, thường cũng là người cao niên, được cả hiệp thợ tôn vinh, nể trọng. Người thợ cả vừa làm phần việc đòi hỏi kỹ, mỹ thuật cao, vừa quán xuyến toàn bộ công trình và quan tâm nâng đỡ tay nghề cho những người thợ trong nhóm (gọi là thợ bạn). Khi đời sống đổi thay, đất nước phát triển, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mộc dân dụng tăng cao cả về số lượng và chất lượng thì số người làm nghề chế tác các sản phẩm gỗ tại làng nghề Phúc Lộc cũng ngày càng tăng thêm, nhờ vậy mà làng nghề hình thành, phát triển thành một làng nghề nổi tiếng.
Ban đầu, những người thợ Phúc Lộc làm các loại đồ mộc dân dụng đơn giản như giường chân vuông, giường rẻ quạt, ghế đẩu, ghế ba đai, ghế băng. Khi tay nghề được nâng cao họ chế tác các sản phẩm cầu kỳ, tinh xảo, cao cấp hơn như tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, tủ gian, tủ chùa, kiệu rước, đại tự, hoành phi, câu đối và các đồ tế khí tinh xảo… Các sản phẩm của làng nghề mộc Phúc Lộc ngày càng trở nên tinh tế, có tính ứng dụng cao làng nghề nhờ thế ngày càng phát triển.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường phát triển cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, nghề mộc Phúc Lộc phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Sản phẩm mộc Phúc Lộc đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với các loại hàng hóa như: các loại cửa, tay vịn, song tiện, trụ cầu thang, tủ chè, tủ lệch, tủ buýp phê, tủ li, tủ đứng, tủ gian, tủ mini, bàn ghế sa-lông theo các kiểu dáng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)... Dòng sản phẩm truyền thống như bàn thờ, ngai, tượng thờ, hạc thờ, kiệu rước, bát biểu,... tiếp tục được phát huy, phát triển. Với trình độ tay nghề cao, nhiều uy tín, thợ mộc Phúc Lộc đã tham gia vào việc làm mới hoặc trùng tu các công trình kiến trúc đình, đền, chùa, nhà thờ theo kiến trúc cổ.
Để có thể thực hiện được các thao tác kỹ thuật cầu kỳ, tinh tế, riêng biệt, những nghệ nhân nghề mộc Phúc Lộc sử dụng công cụ tinh xảo, sắc bén, chuẩn chỉ về quy cách, bảo đảm độ chính xác cao như cưa, giũa, đục, rìu, toán gọt, soi, các loại bào, khoan, nạo, đá mài… Ngày nay, nhiều công cụ tiên tiến, tiện ích hơn được đưa vào sử dụng nhằm giảm bớt chi phí sản xuất. Tuy nhiên, khi chế tác hàng gỗ mỹ nghệ, các nghệ nhân vẫn sử dụng dụng cụ thủ công, nhất là với những chi tiết hoa văn đặc biệt, tinh xảo như chạm thông phong (còn gọi là chạm lộng), chạm trổ cho sản phẩm có hoa văn nổi, nhìn cả trên hai mặt của phiến gỗ, thể hiện được “không gian ba chiều” của cây, lá, hoa, muông thú…
Vững bước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử, trên cơ sở những giá trị truyền thống của làng nghề mộc Phúc Lộc, những năm qua thành phố Ninh Bình đã quan tâm xây dựng, quy hoạch khu sản xuất tập trung của làng nghề, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tiếng ồn trong khu dân cư. Năm 2006, làng Phúc Lộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề cấp tỉnh, với trên 200 hộ làm nghề. Trong hàng trăm thợ mộc của làng nghề Phúc Lộc đã có 6 thợ khéo được công nhận là nghệ nhân nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để nghề mộc phát triển, trở thành nghề thủ công mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, sản phẩm của làng nghề mộc Phúc Lộc chịu sức ép cạnh tranh với nhiều làng nghề mộc khác trong nước, quốc tế. Nhận thấy đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, Đảng ủy, chính quyền địa phương và những người thợ làng nghề Phúc Lộc đã có nhiều giải pháp động viên khuyến khích nhân dân tiếp tục duy trì nghề mộc dân dụng, đẩy mạnh đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, vực dậy một số sản phẩm có thế mạnh và giá trị thương phẩm cao như làm nhà truyền thống, dựng nhà kiểu cổ,… vừa gìn giữ giá trị tinh hoa làng nghề vừa đẩy mạnh phát triển bền vững.
Với những nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, của những người thợ làng nghề mộc Phúc Lộc cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nghề sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình, đóng góp vào sự phát triển đô thị di sản Ninh Bình, xứng danh với vùng đất cố đô Hoa Lư lịch sử./.
Phát huy vai trò của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình: Một số kết quả và bài học kinh nghiệm  (27/11/2024)
Ninh Bình chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” hướng tới phát triển bền vững  (25/11/2024)
Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về về bảo vệ môi trường tại tỉnh Ninh Bình  (23/11/2024)
Thách thức giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình  (22/11/2024)
Mô hình phát triển “xanh” tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình  (20/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm