Bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới
Bảo vệ biên giới của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề mà đất nước giao cho Bộ đội biên phòng. Để làm tốt nhiệm vụ này, Bộ đội biên phòng phải dựa vào sức mạnh của nhân dân; phải tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và tiềm lực mọi mặt trên địa bàn ngày càng vững mạnh.
Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự ở khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ đội biên phòng. Trong khi đó, khu vực biên giới là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc, với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đời sống của nhân dân các dân tộc những năm gần đây tuy được nâng lên, nhờ có các chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước; nhưng, trên thực tế, ở khu vực biên giới, nhất là vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo nhiều nơi từ 50 đến 70% (theo tiêu chí mới), trung bình khu vực biên giới hiện nay khoảng 35% đói nghèo, trình độ dân trí thấp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; đã thế, đây lại là địa bàn nhạy cảm, dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá. Do đó, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng luôn làm xác định: muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự ở khu vực biên giới thì phải xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện, xây dựng được trận địa lòng dân, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.
1- Từ những chủ trương đúng đắn sáng tạo được đưa ra: Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, những năm qua, Đảng bộ Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Bộ đội biên phòng đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác vận động quần chúng, đổi mới nội dung và biện pháp công tác phù hợp với thực tiễn tình hình địa bàn. Các đơn vị Bộ đội biên phòng đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cách mạng cho đồng bào các dân tộc; đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tăng cường 429 cán bộ và 105 quân y xuống địa phương xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng các phong trào quần chúng ở các xã, phường biên giới, hải đảo. Chính vì vậy, kinh tế - xã hội ở vùng biên đã có nhiều khởi sắc, chính trị ổn định, biên giới được giữ yên. Một số công việc cụ thể là:
Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã có nhiều thành quả đáng kể. Từ những năm 1999 đến nay, các đơn vị Bộ đội biên phòng đã triển khai 76 dự án kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới với số vốn gần 600 tỉ đồng, nhiều dự án định canh, định cư, đường giao thông, đường điện hạ thế đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Do đó, đã tạo được sự yên tâm, phấn khởi và niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước ta, đồng bào thêm yêu quý Bội đội cụ Hồ trong đó có chiến sỹ Biên phòng.
Cùng với những việc làm thiết thực hiệu quả đã nêu, để huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới Bộ Tư lệnh Biên phòng đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành ở các cấp; như chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đưa thông tin văn hóa về cơ sở với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chương trình vận động động phụ nữ, nông dân, đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, chương trình quân dân y kết hợp giữa Bộ Quốc phòng (trong đó có Bộ đội biên phòng) và Bộ Y tế… Đặc biệt, năm 2006, đã ký kết quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội biên phòng với các tỉnh, thành ủy có biên giới, bờ biển đặt ra nhiều nội dung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện hơn của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đối với công tác biên phòng và xây dựng biên giới vững mạnh. Một thực tế không thể phủ nhận là, các chương trình phối hợp những năm qua với các bộ, ngành, nhất là chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc đã đạt hiệu quả rất tốt, tạo chuyển biến rõ rệt ở khu vực biên giới, đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã được cải thiện nâng lên, góp phần giữ yên biên giới của Tổ quốc.
2- Đến những kết quả cụ thể, sinh động và khả quan:
Từ những chủ trương đúng đắn sáng tạo đã được đưa ra kể trên, các đơn vị cơ sở đã mạnh dạn, sáng tạo thực hiện trong thực tiễn; và nhiều mô hình hay, cách làm tốt đã nảy sinh và đạt nhiều kết quả cao. Đến nay, nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như:
Phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới ở Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đồng Tháp, Tây Ninh. Phong trào tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn làm chủ ở Hải Phòng, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Cà Mau. Mô hình đưa cán bộ biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới ở Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa; giới thiệu đảng viên đồn biên phòng về sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản yếu kém và phức tạp về an ninh trật tự ở Nghệ An, Cao Bằng.
Một số mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả như ở Sơn La, Hà Giang, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Hội Nông dân đưa giống lúa mới, khoai tây để nhân dân các xã biên giới trồng thử nghiệm đạt năng suất cao; Bộ đội biên phòng Khánh Hòa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đầu tư hơn 70 triệu đồng cho nhân dân trồng điều cao sản và nuôi tôm; Bộ đội biên phòng Ninh Thuận vận động nhân dân chuyển dịch hơn 50 ha lúa sang trồng nho tăng thu nhập cho bà con dân tộc; Bộ đội biên phòng Gia Lai đã ươm, cấp hơn 4 vạn cây điều giống cho nhân dân ở khu vực biên giới; Đồn biên phòng 501 của Thanh Hóa cử cán bộ về xuôi mang giống lúa mới lên trồng thí nghiệm đạt hiệu quả sau đó vận động nhân dân phát triển cây lúa nước 2 vụ đạt năng suất cao; đặc biệt, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thực hiện dự án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Mã Liềng ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê); xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch cụm dân cư, hướng dẫn nhân dân trồng lúa, làm vườn đảm bảo lương thực, thực phẩm sinh hoạt… Có thể nói, với sự hoạt động tích cực của các cấp, các ngành có liên quan, đặc biệt là sự tâm huyết của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng, phong trào toàn dân thi đua phát triển kinh tế giữ vững biên giới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra một cách làm mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Đó là điều hết sức quý giá trong sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá ta, trong đó khu vực biên giới, vùng biển là địa bàn trọng điểm sẽ có nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn dân, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia xây dựng bảo vệ biên giới; đồng thời, cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề hơn, khó khăn hơn cho cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, nhất là công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới.
3- Và những giải pháp cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các ngành, các lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cách mạng cho đồng bào các dân tộc, để đồng bào hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các chủ trương của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Thứ hai, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tham gia trực tiếp xây dựng củng cố cơ sở chính trị ở các xã, phường biên giới, hải đảo. Đảm bảo xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền cơ sở đủ năng lực quản lý điều hành mọi hoạt động của địa phương, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có nề nếp hiệu quả tập hợp được quần chúng. Cần tập trung vào các thôn, bản chưa có đảng viên và chưa đủ đảng viên để lập chi bộ (khu vực biên giới hiện nay còn khoảng 300 thôn, bản chưa có đảng viên, hơn 1.000 thôn, bản chưa đủ đảng viên để lập chi bộ). Tham mưu cho địa phương bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ trưởng thôn, bản, các già làng, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo.
Ba là, phối hợp với các ngành, các lực lượng, bằng các việc làm tích cực thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Huy động mọi nguồn lực triển khai có hiệu quả các dự án kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; đẩy mạnh chương trình chống mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào dân tộc, vận động nhân dân đưa trẻ em trong độ tuổi đến trường, tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học tiến tới phổ cập trung học cơ sở; triển khai các chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới; vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các thôn, bản, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc.
Bốn là, tổ chức tốt các phong trào quần chúng tự quản bảo vệ biên giới và địa bàn dân cư, như phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về quốc gia, quốc giới, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, luật biên giới quốc gia, để xây dựng ý thức trách nhiệm của nhân dân các dân tộc tham gia bảo vệ biên giới, cũng như gìn giữ phát huy tình hữu nghị giữa các đồng bào dân tộc ở nước ta với các nước bạn. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.
Năm là, tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc với cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng. Thường xuyên gìn giữ phát huy bản chất, truyền thống quân đội nhân dân, truyền thống Bộ đội biên phòng để quần chúng nhân dân hiểu, chăm lo, xây dựng, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ, chia sẻ trách nhiệm cùng Bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hướng về “Ngày hội - Biên phòng toàn dân” 3-3 hàng năm, qua đó động viên, thúc đẩy toàn dân thi đua bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
“Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của ý chí Việt Nam  (28/12/2007)
Trao Huân chương cao quý cho các đồng chí Trần Đức Lương, Trương Mỹ Hoa  (28/12/2007)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2007  (28/12/2007)
PA-KIT-XTAN  (28/12/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam