Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
TCCS - Thời gian qua, công nghệ thông tin đã thật sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh Bình Phước. Đánh giá thành tựu, nhận diện hạn chế, đúc rút những kinh nghiệm sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 1-7-2014, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” để đề ra giải pháp sát hợp trong thời gian tới sẽ là chìa khóa giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số trong thời gian sớm nhất.
Quán triệt sâu, rộng nghị quyết
Nhanh chóng đưa Nghị quyết số 36-NQ/TW vào cuộc sống, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 25-11-2014, “Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương đã cụ thể hóa các nội dung bằng hệ thống các văn bản, kế hoạch sát với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị để triển khai. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, địa phương đã thực thi chuyển đổi số theo giai đoạn và hằng năm. Giai đoạn 2014 - 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 6 nghị quyết, 2 chỉ thị, 2 chương trình, 11 quyết định và 31 kế hoạch triển khai thực hiện phát triển công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số(1). Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về Ngày Chuyển đổi số quốc gia”, trong đó, chọn ngày 10-10 hằng năm là “Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bình Phước”.
Xác định hạ tầng công nghệ thông tin chính là nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giữ vai trò quan trọng, là động lực cơ bản để phát triển nên tỉnh đã từng bước xây dựng đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Hầu hết các địa phương trong tỉnh được phủ kín mạng ngoại vi băng thông rộng. Tỉnh đã triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Công ty Viễn thông Viettel tại Quảng trường tỉnh. Năm 2024, 2025, tỉnh tiếp tục triển khai lắp đặt khoảng 250 trạm phát sóng cơ sở (BTS) 5G tại các trung tâm, khu công nghiệp, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ phát triển mạng 5G toàn tỉnh. Ngoài ra, còn triển khai lắp đặt 1.271 camera, phủ kín khoảng 98% các điểm công cộng; kết nối trên 577 camera an ninh vào hệ thống giám sát giao thông, camera tại các trung tâm hành chính cấp huyện và bộ phận tiếp nhận một cửa cấp xã, ban tiếp dân vào ứng dụng “Binhphuoc today” để người dân cùng theo dõi, giám sát(2).
Mạng lưới cán bộ, công chức chuyên trách và kiêm nhiệm về công nghệ thông tin thuộc các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có đến 7.470 người; trong đó, đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin là 94 người thuộc các cơ quan sở, ban, ngành cấp tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã tổ chức được trên 355 lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin với 30.210 lượt học viên tham gia. Hằng năm, tổ chức ít nhất 1 đợt diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin; cử cán bộ tham gia các lớp diễn tập thực chiến do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức(3). Tính đến tháng 6-2024, 100% số cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước đều sử dụng thành thạo máy tính, mạng internet và các phần mềm căn bản phục vụ công việc; 100% số cán bộ, công chức và trên 60% số viên chức từ tỉnh đến xã đã được đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và an toàn thông tin. Duy trì hệ thống mạng số liệu chuyên dùng với 152 điểm (30 đơn vị cấp tỉnh, 11 cấp huyện, 111 cấp xã) bảo đảm kết nối ổn định, thông suốt 4 cấp(4).
Tỉnh triển khai hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính duy nhất triển khai cho 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến tháng 4-2024, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.390 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa là 82.991 hồ sơ, đạt hơn 61%(5). Hệ thống Dịch vụ công của tỉnh cho phép công dân, doanh nghiệp cập nhật tất cả các tài liệu điện tử, thành phần hồ sơ, kết quả điện tử được lưu trữ tại “Kho dữ liệu cá nhân, tổ chức” để phục vụ việc nộp hồ sơ trực tuyến, trực tiếp các thủ tục hành chính và đã đồng bộ dữ liệu với “Kho dữ liệu cá nhân, tổ chức” của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quốc phòng, an ninh, tỉnh phủ sóng tuyến đường tuần tra biên giới dài 176km với 54 trạm BTS. Giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến đầu tư thêm 18 trạm BTS, bảo đảm phủ sóng đủ các tuyến, chốt trọng yếu trên đường tuần tra biên giới. Trong năm 2024, tiếp tục triển khai, xây dựng trạm BTS tại các vùng sóng yếu trên địa bàn tỉnh, dự kiến khoảng 234 trạm BTS.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, từ thực tiễn phát triển của địa phương có thể khẳng định, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi, thiết thực, đạt hiệu quả cao. Các sở, ngành, xã, phường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc, bước đầu triển khai tạo lập cơ sở dữ liệu ngành, triển khai hiệu quả các nền tảng số phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, nhất là việc nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn trên cổng dịch vụ công, thực hiện thanh toán điện tử thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Năm 2020, theo Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, Bình Phước đạt 0,3258 điểm, xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, tỉnh Bình Phước “nhảy vọt” lên vị trí 9/63 tỉnh, thành phố với 0,4954 điểm và năm 2022 xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố với 0,6385 điểm(6). Đặc biệt, thành phố Đồng Xoài vinh dự được nhận giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022 thuộc lĩnh vực “thành phố điều hành, quản lý thông minh”(7); năm 2023, tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2023 (VDA 2023), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh ở hạng mục 3 - hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”(8)...
Bên cạnh những kết quả tích cực trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, tỉnh Bình Phước vẫn đối mặt với những khó khăn, hạn chế: (i) Nhận thức, quyết tâm chính trị về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; (ii) Nhân lực chuyển đổi số còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng chuyên môn, trong khi việc bố trí biên chế công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước của tỉnh còn khó khăn; (iii) Quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do thể chế về công nghệ thông tin chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, trong đó có nhiều công nghệ mới chưa có văn bản hướng dẫn như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain...; (iv) Chưa có cơ chế hiệu quả về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, thu nhập... cho đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; do đó, đội ngũ này thường lựa chọn các tỉnh, thành phố lớn để làm việc...
Những kinh nghiệm quý cần nhân rộng
Trên cơ sở những thành tựu đạt được cũng như khó khăn, hạn chế của tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, có thể đúc kết một số kinh nghiệm cần nhân rộng.
Thứ nhất, để thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), điều kiện tiên quyết là phải có sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của Trung ương, sự quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai thực hiện.
Thứ hai, thực hiện tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức sâu sắc trong cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Sự vào cuộc, tham gia của các cấp, ngành, đơn vị liên quan phải thực sự tích cực và đồng thuận. Vì đây là nội dung mới, khó khăn, phức tạp, do đó cần tăng cường công tác truyền thông cũng như chỉ đạo, vận động, thuyết phục để các ngành, địa phương hiểu rõ, ủng hộ, người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia.
Thứ ba, các địa phương, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số. Chương trình, kế hoạch thực hiện của các cấp, địa phương, đơn vị phải thực sự khả thi, phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực. Đồng thời, phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi, vận động của thực tiễn.
Thứ tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cả về lượng và chất lượng là khâu quan trọng để bảo đảm sự thành công trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đội ngũ nhân lực phải chuyên nghiệp, khoa học, năng lực quản lý tốt, chuyên môn nghiệp vụ vững, có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước để bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch và niềm tin của người dân.
Thứ năm, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hạ tầng chuyển đổi số cần được ưu tiên, đầu tư tập trung, xây dựng đồng bộ. Huy động được nhiều nguồn kinh phí, nhất là nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng số.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI đã xác định một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, thường xuyên cập nhật ứng dụng mới trong quản lý điều hành. Để hoàn thành đột phá chiến lược này, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số(9), cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đời sống nhân dân trong giai đoạn mới. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác định hướng dư luận xã hội; tăng cường công tác thông tin và truyền thông về chuyển đổi số. Đây cần được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, triển khai đồng bộ, thực chất. Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức các cấp cần hiểu đúng, đủ về ứng dụng công nghệ thông tin để có tầm nhìn bao quát, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực phù hợp với vị trí, vai trò, lĩnh vực phụ trách.
Hai là, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế, chính sách và pháp luật để đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin. Bám sát các mục tiêu, quan điểm, chiến lược phát triển của Trung ương để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ ở địa phương; trong đó, coi trọng việc thường xuyên rà soát hệ thống các văn bản đã xây dựng để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phù hợp, thích ứng nhanh với bối cảnh phát triển mới.
Ba là, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung khắc phục các hạn chế trong việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước; ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin vùng sâu, vùng xa đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ cho người dân vùng lõm sóng. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh đồng bộ với các hệ thống kết cấu hạ tầng khác. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông.
Bốn là, tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong các doanh nghiệp, tổ chức; kiên trì, thường xuyên phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân; đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực và an toàn.
Năm là, nghiên cứu chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương, trong đó chú trọng tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, điều kiện làm việc an toàn, chính sách thu nhập, phúc lợi phù hợp; đồng thời tránh tình trạng lãng phí nhân tài, tuyển dụng nhưng không bố trí được công việc phù hợp. Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, thực hành để làm chuyển biến căn bản tư duy, hiểu đúng về chuyển đổi số, nhất là người đứng đầu các tổ chức./.
---------------------------
(1) Như: Chỉ thị số 12/2014/CT-UBND, ngày 9-5-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, “Về việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 - 2020”; Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 25-11-2014, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 1-8-2017, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, “Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước”; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày12-9-2018, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 18-5-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về Chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 25-6-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh”…
(2) Báo cáo số 506-BC/TU, ngày 19-7-2024, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”
(3) Báo cáo số 506-BC/TU, ngày 19-7-2024, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”
(4) Báo cáo số 569-BC/BCSĐ, ngày 28-6-2024, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Đánh giá kết quả 3 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”
(5) Báo cáo số 569-BC/BCSĐ, ngày 28-6-2024, của Tỉnh ủy Bình Phước, “Đánh giá kết quả 3 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”
(6) Xem: “Thông tin xếp hạng đánh giá chuyển đổi số”, Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, https://dti.gov.vn/
(7) “Thành phố Đồng Xoài nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022”, Trang thông tin Chuyển đổi số tỉnh Bình Phước, ngày 2-12-2022, https://cds.binhphuoc.gov.vn/Tin-tuc/thanh-pho-dong-xoai-nhan-giai-thuong-thanh-pho-thong-minh-viet-nam-2022-157.html
(8) Nguyệt Cát: “Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước được vinh danh tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023”, Báo Bình Phước Online, ngày 7-10-2023, https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/149397/so-thong-tin-va-truyen-thong-tinh-binh-phuoc-duoc-vinh-danh-tai-giai-thuong-chuyen-doi-so-viet-nam-2
(9) Xem: Nguyễn Cao Siêng: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-10-2020, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/819667/%C4%91ai-hoi-%C4%91ai-bieu-%C4%91ang-bo-tinh-binh-phuoc-lan-thu-xi%2C-nhiem-ky-2020-2025--phan-%C4%91au-tro-thanh-tinh-cong-nghiep%2C-co-quy-mo-kinh-te-kha-trong-vung-%C4%91ong-nam-bo.aspx
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững  (01/10/2024)
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững  (01/10/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Tăng cường bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội  (27/09/2024)
Tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau  (15/09/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển