TCCSĐT: Sáng nay 22-4-2011 tại Đồng Nai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những vấn đề đặt ra ở Đồng Nai”. Đến tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Đình Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai; PGS, TS Vũ Văn Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Ngô Văn Thạo - Phó Văn phòng Trung ương Đảng và hơn 120 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của Đồng Nai; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp các tỉnh bạn; các nhà khoa học; các báo đài của Trung ương, địa phương…

Là một tỉnh trước đây cơ bản là nông nghiệp, nay Đồng Nai trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa; trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp trước năm 1975, đến nay đã có 30 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích 9.573 héc-ta, trong đó đã cho thuê được 61% diện tích đất dùng cho thuê (cao hơn so với 47% của cả nước và 56% của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam). Đồng Nai cũng đã khởi động dự án khu liên hợp công - nông nghiệp DOFICO, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học, khu đô thị công nghệ cao tại Long Thành, Cẩm Mỹ. Về phát triển cụm công nghiệp, tính đến năm 2010 toàn tỉnh có 43 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích là 2.123 héc-ta, trong đó có 2 cụm công nghiệp đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng, 6 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng, số còn lại đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và lập thủ tục đầu tư.

Tại bài phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Đình Thành đã nhận định: Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đã nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế so sánh về địa lý kinh tế và điều kiện tự nhiên – xã hội sớm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ những năm 1990 và đạt kết quả ban đầu đáng kích lệ. Trong những năm qua, so với cả nước Đồng Nai là một trong những địa phương trong Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Từ năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai luôn đạt hai con số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,2%, gấp 1,7 lần so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ chiếm trên 90% GDP và nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt hơn 1.629 USD, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2005 và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra. Đạt được kết quả trên là do Đồng Nai đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về vốn, tài nguyên, lao động, khoa học – công nghệ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, của các thành phần kinh tế, đã chú trọng phát triển kinh tế gắn với thực hiện đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội để từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đó là: kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất, năng lực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Đây là những thách thức, nếu không kịp thời khắc phục, tỉnh sẽ khó có thể đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Hội thảo đã đón nhận gần 40 bài viết về Đồng Nai xoay quanh các vấn đề: những mục tiêu, định hướng chủ yếu để thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa; vai trò của các khu công nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa; những kinh nghiệm bước đầu trong chặng đầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa; vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở các khu công nghiệp; công tác đào tạo nguồn nhân lực và những lợi thế về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của tỉnh; để đạt được mục tiêu “về đích” vào năm 2015, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa; Đồng Nai cần phải làm gì, như thế nào?Ở chặng đường còn lại... và đã chọn ra 12 bài tiêu biểu thuyết trình cho các đại biểu thảo luận.

Các đại biểu Hội thảo đều tán thành mục tiêu của Đồng Nai phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh thành công nhất trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của cả nước nên cần thiết phải đi trước, những bất cập được nêu tại Hội thảo là chung của cả nước, không riêng của Đồng Nai. Trong thời gian tới, Đồng Nai nên tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

- Đầu tư có trọng điểm, hướng vào thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự doanh, giảm bớt gia công lắp ráp, không nên tiến hành công nghiệp hóa ào ạt.

- Trong phát triển nguồn nhân lực cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, làm công tác quản lý điều hành và chuyên gia có tay nghề cao.

- Rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất công nghiệp, kết cấu hạ tầng... Quy hoạch khu công nghiệp cần gắn với phát triển đô thị hiện đại.

- Cải cách thủ tục hành chính, cải tiến cơ chế quản lý.

- Xây dựng các khu công nghiệp phụ trợ.

- Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các khu công nghiệp. Chăm lo đời sống công nhân tại các khu công nghiệp cùng với việc chăm lo cho người nông dân bị thu hồi đất làm khu công nghiệp.

- Khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư chiều sâu và ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý.

Kết luận tại Hội thảo, GS, TS Trương Giang Long – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tóm tắt những thành tựu, những thách thức mà Đồng Nai đang phải đối mặt và đưa ra một số bài học kinh nghiệm: một là, Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai có chủ trương phát triển đúng hướng, phù hợp với sự phát triển của tỉnh trên cơ sở sử dụng tốt đội ngũ cán bộ từ quy hoạch đến bố trí và sử dụng; hai là, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các bộ ban ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm; ba là, phải có cơ chế linh hoạt sát thực tế phù hợp với địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với yêu cầu địa phương, vùng và cả nước; bốn là, chú trọng chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm an sinh xã hội cùng với chú trọng tăng trưởng không quên đồng bộ và chăm lo đời sống cho đội ngũ công nhân.

Hội thảo kết thúc lúc 17g cùng ngày./.