TCCS - Xác định “tam nông” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy, những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm tới lĩnh vực này. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn Hà Nội đang đối mặt với nhiều loại ô nhiễm từ nước thải, rác thải sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi... Cần đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội để góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở Hà Nội thời gian qua

Nông thôn thành phố Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số trên 4 triệu người (chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn thành phố), đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhân lực xây dựng Thủ đô, đất đai cho phát triển, xây dựng kế cấu hạ tầng và đô thị, cung cấp lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh của thành phố nên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Tính đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn Hà Nội được nâng lên rõ rệt. 

Một góc nông thôn mới xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) nhìn từ trên cao_Nguồn: hanoimoi.vn

Thành phố Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng, khẳng định quyết tâm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp, ngành để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm Hà Nội là thành phố đáng sống, như Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31-5-2017, về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Trong đó, Nghị quyết số 11-NQ/TU đưa ra một số chỉ tiêu, như đối với chất thải rắn, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt từ 95 - 100%, phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, thu gom 100% và xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp, 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định. Đối với môi trường nước, xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và đến năm 2020, 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% số hộ dân có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn…

Đồng thời, Nghị quyết số 11-NQ/TU đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Bảo vệ môi trường nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước, quản lý tốt các nguồn xả thải, cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hóa mới. 2- Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại, đầu tư xử lý xử lý chất thải rắn theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, giảm tỷ lệ chôn lấp; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và hoàn thiện mạng lưới điểm tập kết trung chuyển rác thải cấp huyện. 3- Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở các khu vực nội thành, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, diện mạo khu vực nông thôn đã khang trang, sạch đẹp hơn trước. Điển hình như huyện Đan Phượng đi đầu thành phố trong xây dựng đường có hoa, tranh bích họa; huyện Thanh Trì đã vận động nhân dân cải tạo 2 bờ sông Tô Lịch, trồng hoa, cây xanh... góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Về nước thải, Hà Nội có 3 nguồn ô nhiễm chính là nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề; nước thải trong chăn nuôi; nước thải sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Thành phố có khoảng 1.350 làng nghề, làng có nghề trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu; mô hình phát triển làng nghề đã và đang được thành phố quan tâm chỉ đạo. Đi kèm với sự phát triển nhanh của sản xuất làng nghề, việc ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017 - 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...

Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: về môi trường nước, có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; về môi trường không khí, có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; về môi trường đất, có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng... Chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường…

Về chất thải rắn, Hà Nội có lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày. Do đó, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trong tổng số khoảng hơn 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9% (khoảng hơn 3.600 tấn), chất trơ (da, gỗ, cao-su…) chiếm 38% (khoảng 2.700 tấn), lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1% (khoảng 500 tấn). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.

Về chất thải trong chăn nuôi, ước tính năm 2020, Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu; 139,6 nghìn con bò; 1,76 triệu con lợn; 38 triệu con gia cầm. Mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn, nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm...

Một trong các nguyên nhân là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu ở địa phương chưa quyết liệt, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Các nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, ở các làng nghề chỉ chiếm khoảng 5,2%, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường...

Theo GS, TS. Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, rác thải thực phẩm là một vấn đề của toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống hiện nay. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Việc xử lý chất thải nói chung không đúng cách còn gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ.

Cần sự chung sức của “4 nhà”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là nước thải và rác thải rắn đang là vấn đề tồn tại rất lớn, được cả xã hội quan tâm. Để khắc phục những hạn chế về nước thải và chất thải rắn ở khu vực nông thôn là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các ban, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thành phố, cũng như cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu cho thành phố ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn.

Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp trong thành phố về bảo vệ môi trường, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, cá nhân người đứng dầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về môi trường và hoàn chỉnh các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố (theo Luật Thủ đô năm 2013, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014); các cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường sống. Trên cơ sở này, phát huy được mọi nguồn lực từ nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác trong bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với mọi cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân Thủ đô, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường, tập trung vào các cơ sở có nguồn xả thải lớn từ 100m3/ngày, đêm trở lên, qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các địa phương cần chủ động xử lý hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

Tăng cường công tác quản lý, giám sát của địa phương đối với các cam kết bảo vệ môi trường; hoàn thiện xây dựng các chế tài xử lý vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp; cần chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) nhằm bảo đảm lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững để bảo vệ môi trường ở Hà Nội trong thời gian tới.

Đồng thời, cần kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích trong bảo vệ môi trường; tập trung nhiều nguồn lực và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất; ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Cần có những đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm cơ sở nhân rộng các mô hình, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

Đối với các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Đối với các làng nghề, tập trung đánh giá tác động của môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư... Về xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụ thể, với các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nước thải là nguồn gây ô nhiễm chính. Để xử lý, các hộ gia đình có thể lựa chọn hệ thống hầm biogas vừa cung cấp khí gas cho sinh hoạt, vừa giảm được 40% - 50% hàm lượng hữu cơ trong nước thải, giúp giảm ô nhiễm. Đối với cả làng nghề, nước thải từ các hộ sản xuất sau khi được xử lý sơ bộ, tách tạp chất mới được đưa ra cống thải chung. Hệ thống cống tiếp tục bố trí các hố ga để lắng, tách tạp chất và đưa vào hệ thống xử lý nước thải chung...

Đối với chăn nuôi, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.

Đối với rác thải sinh hoạt, phân loại và xử lý rác tại nguồn sẽ giúp giảm thiểu 50% lượng rác thải hữu cơ, không phải vận chuyển đến bãi rác. Đây là giải pháp đơn giản, chi phí thấp, có thể tận dụng rác thải qua xử lý làm phân bón. Để thực hiện, người dân phải là chủ thể và Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ thí điểm để mở rộng. Ngoài ra, cần xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh), tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn; tăng mật độ và đa dạng hóa các mô hình trồng cây xanh ven đường, trồng hoa tại các khu vực công cộng./.