Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010

Khánh Nguyên
07:16, ngày 19-10-2022

TCCS - Ngày 18-10-2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách: “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010”. TS. Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và GS, TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. 

Quang cảnh hội thảo _ Ảnh: Khánh Nguyên

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương, các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế và lịch sử.

Nhằm tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành công thương, tháng 6-2021, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo biên soạn Bộ sách “Lịch sử công thương Việt Nam (1945 - 2010)” và “Biên niên sự kiện ngành công thương (2010 - 2020)”. Tạp chí Công Thương là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Sau hơn một năm khẩn trương thực hiện, qua nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương, các học giả và đông đảo bạn đọc thông qua việc đăng công khai trên website Bộ Công Thương, bản thảo cuốn sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” đã hoàn thành. 

Bản thảo cuốn sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” có dung lượng gần 1.000 trang với kết cấu 3 phần: Phần thứ nhất: Giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành Bộ Công Thương; phần thứ hai gồm 8 chương khắc họa những nét chính của công nghiệp - thương mại Việt Nam từng thời kỳ trong giai đoạn 1945 - 2010; phần thứ ba gồm biên niên một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành công thương giai đoạn 1945 - 2010, tài liệu tham khảo, mục lục.

Một trong những điểm nổi bật của bản thảo cuốn sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” là đã hệ thống đầy đủ, chính xác lịch sử tổ chức của Bộ Công Thương và các bộ tiền nhiệm. Để dựng lại bức tranh về sự hình thành, phát triển ngành công thương, Ban Biên soạn bản thảo sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” đã sử dụng nhiều nguồn dữ liệu, trong đó tập trung vào những văn bản gốc của Đảng, Nhà nước và các ngành có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế đương thời; tài liệu thống kê và nhân chứng đương thời. 

“Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” được biên soạn dựa trên phương pháp nghiên cứu liên ngành, bức tranh ngành công thương và nền kinh tế được tái dựng liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều. Bên cạnh các tư liệu đến từ nguồn trong nước, Ban Biên soạn đã tiếp cận nhiều dữ liệu của Thư viện Quốc gia Pháp, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Đại học Cornell,… 

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đánh giá cao bản thảo cuốn sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010”. Ở góc độ kinh tế, GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành kinh tế, cho rằng, bản thảo đã hệ thống hóa được các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như việc thể chế hóa các văn bản trên, cùng nỗ lực vận dụng, đưa chính sách vào cuộc sống của các bộ quản lý ngành công thương qua các thời kỳ trong giai đoạn 1945 - 2010.

Đặc biệt, nhiều sự kiện, tư liệu lần đầu tiên được công bố, được lý giải ở nhiều chiều và đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Ở mỗi giai đoạn lịch sử ngành công thương luôn là ngành kinh tế quan trọng, tạo ra của cải vật chất cung cấp cho nhu cầu xã hội. Mỗi thành công của cách mạng Việt Nam đều mang đậm dấu ấn thành tích của ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam qua các thời kỳ. Tính đến năm 2010, trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của ngành công thương Việt Nam luôn gắn liền với những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. 

Thông qua việc phân tích sự kiện, số liệu thống kê, phỏng vấn nhân chứng, bản thảo cuốn sách đã chỉ ra được nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như cả thất bại trong quản lý điều hành nền kinh tế. Đặc biệt là bài học về nghệ thuật cân bằng “động” giữa hai thực thể luôn song hành cùng nhau là Nhà nước và thị trường trong công tác quản lý nhà nước. 

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo _ Ảnh: Khánh Nguyên

Ở góc độ lịch sử, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: Công trình này cần và xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung. “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện (cả lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành), hệ thống (các ngành, phân ngành, cơ sở sản xuất và thương mại,…), qua các thời kỳ lịch sử - cách mạng về công thương Việt Nam.

Đây không chỉ là công trình quý của ngành công thương, mà còn hữu ích cho việc nghiên cứu, để từ đó thấy rõ sự phát triển về nhận thức lý luận, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành trong tiến trình lịch sử; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý, vận dụng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính thời sự khi Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa bàn và ra nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bản thảo cuốn lịch sử thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Bộ Công Thương; sự quyết liệt và khoa học của Ban Chỉ đạo; tâm huyết, kỳ công, thận trọng và rất khoa học của Ban Biên tập. Sự đồ sộ của tập bản thảo, trước hết chứa đựng giá trị to lớn về sử liệu với một tập hợp - hệ thống tư liệu toàn diện, tin cậy, cập nhật (những công trình nghiên cứu mới nhất, có tính chính thống của lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế và cả lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đồng thời, công trình này cần và xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ; là khung khổ cho việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử của các cơ quan, đơn vị trong ngành công thương.

PGS, TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nguồn tài liệu phong phú, độ tin cậy cao là một trong những ưu điểm nổi bật của công trình “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010”. Theo PGS, TS. Trần Đức Cường, đây sẽ là công trình quan trọng, thể hiện sự phát triển của công thương Việt Nam trong hơn 70 năm qua, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cả trong thời chiến và thời bình. Từ những trang viết về lịch sử công thương Việt Nam, chúng ta có thể rút ra được những bài học thành công và chưa thành công để tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới một nước Việt Nam có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc...

Bên cạnh việc khẳng định và đánh giá cao những ưu điểm, các đại biểu cũng đã góp ý, khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung về kỹ thuật trình bày và một số nội dung trong bản thảo, như cần viết cô đọng lại một số phần của tiểu kết và mục sự kiện - nhân chứng lịch sử; điều chỉnh tách phần những bài học kinh nghiệm với phần kết luận để bạn đọc dễ theo dõi; thống nhất về cách chú dẫn, trích dẫn, cách dùng tên người, tên địa danh nước ngoài…

TS. Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương kết luận hội thảo _ Ảnh: Khánh Nguyên

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khái quát một số nội dung mà các đại biểu đã thống nhất. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí cán bộ lão thành trong ngành gửi tới hội thảo để hoàn thiện bản thảo, trình Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương thông qua lần cuối và xem xét, lựa chọn nhà xuất bản có năng lực, uy tín để biên tập, xuất bản cuốn sách, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài ngành công thương.

Bên cạnh bản in, “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” dự kiến sẽ được xuất bản trên phần mềm chuyên dụng có đầy đủ tính năng của sách điện tử vào cuối năm 2022./.