Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
TCCS - Ngày 12-5-2022, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chủ trì hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Tổng Biên tập Tạp Chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải.
Dự hội thảo còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2022); kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (11-4-2007 - 11-4-2022) và kỷ niệm 53 năm Ngày ra đời tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm quan trọng này nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam và sự cần thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Tác phẩm vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời đại, có giá trị quan trọng đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dày công chăm lo xây dựng Đảng về đạo đức, bao gồm cả đạo đức tổ chức đảng và đạo đức đảng viên. Trong nhiều bài viết, bài nói khác, khi đề cập đến xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng lực lượng vũ trang..., Người không quên căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đoàn viên... phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Do đó, hội thảo là dịp để chúng ta có điều kiện tư duy sâu hơn, nhìn rộng hơn, bao quát toàn diện hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhất là tập trung làm rõ một số khía cạnh chủ yếu:
Một là, vị trí của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng qua các giai đoạn cách mạng và trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay. Tính độc đáo, đặc sắc của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, mối quan hệ giữa tư tưởng, đạo đức và thực hành đạo đức của Hồ Chí Minh, nhất là với một bậc vĩ nhân nghiêm khắc tuân theo triết lý “ngôn hành hợp nhất” như Hồ Chí Minh. Ý nghĩa vận dụng vào học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.
Ba là, làm rõ hơn hai cấp độ của công tác xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cấp độ đạo đức tổ chức chính trị - toàn Đảng và cấp độ đạo đức đảng viên; mối quan hệ giữa hai cấp độ này, giá trị vận dụng vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay.
Bốn là, đạo đức cầm quyền có những đặc trưng gì khác với đạo đức công dân, đạo đức xã hội, nhất là trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; tự kiểm soát của Đảng đóng vai trò quyết định để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tha hóa. Vai trò của xây dựng Đảng về đạo đức đối với tự kiểm soát quyền lực của Đảng, với sự khẳng định và duy trì tính chính đáng của sự cầm quyền.
Năm là, làm rõ hơn quan niệm đạo đức là “gốc” đối với Đảng và mỗi đảng viên trên chiều cạnh: Động lực cho hành động và tự kiểm soát hành vi của đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức và gương thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho đạo đức là “gốc”, là nền tảng tinh thần của con người.
Sáu là, luận giải biện chứng mối quan hệ giữa động cơ lợi ích và động cơ đạo đức để vừa duy trì động lực cho phát triển, vừa chống chủ nghĩa cá nhân, bảo đảm cho động cơ đạo đức dẫn dắt các lợi ích chính đáng, hợp pháp, vì mục đích lương thiện, tốt đẹp. Sự khác nhau giữa động lực xuất phát từ động cơ đạo đức với động lực xuất phát từ động cơ lợi ích, tính hai mặt của động lực lợi ích cần phải có sự hướng dẫn, tiết chế của nền tảng đạo đức để lợi ích cá nhân chính đáng không biến thành chủ nghĩa cá nhân, lợi ích mỗi cá nhân vận động cùng chiều với lợi ích của tập thể, cộng đồng, quốc gia - dân tộc.
Bảy là, cắt nghĩa một số cơ chế tâm lý phức tạp của con người mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra liên quan đến thực hành đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân: Con người ta nhìn chung, một là, thường chăm chú tìm hiểu ngoại giới, tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhưng ít để ý nội tâm, thấu hiểu chính mình, ngại đối mặt với điểm yếu của chính mình; hai là, thường dễ dãi với khuyết điểm của mình, nhưng nghiêm khắc với khuyết điểm của người khác. Phải chăng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời, tự phê bình và phê bình phải hướng vào khắc phục cơ chế tâm lý phức tạp của con người như trên.
Tám là, các cơ chế, phương thức tổng hợp hướng vào nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân được sử dụng như thế nào cho hiệu quả, nhất mối quan hệ giữa tăng cường kỷ cương pháp luật với giáo dục đạo đức, cả lấy gương tốt để học tập và chỉ ra gương xấu để tránh, giữa tác động lợi ích vật chất phù hợp và định hướng giá trị để dưỡng đức, dưỡng liêm, giữa sử dụng sức mạnh kỷ luật tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước và dư luận xã hội, báo chí, truyền thông…
Chín là, bối cảnh mới, nhiệm vụ mới đặt ra những yêu cầu gì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống nói riêng. Cần nhận diện đầy đủ và đề ra giải pháp như thế nào cho phù hợp.
Mười là, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh áp dụng cho từng tổ chức, cơ quan, đơn vị của các cơ quan trung ương, doanh nghiệp trung ương như thế nào cho thực tế, hiệu quả, khả thi, không trở nên hình thức, xơ cứng...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, mấu chốt của xây dựng Đảng về đạo đức là ở thực hành đạo đức cách mạng, “nói đi đôi với làm”, “thi hành một nền chính trị liêm khiết”. Để có một nền chính trị liêm khiết thì cái “gốc” vẫn là giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức “tư cách của người cách mạng”, nhất là “ít lòng ham muốn về vật chất”, “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”. Với Hồ Chí Minh, không còn đạo đức thanh liêm thì sẽ không còn là đảng chân chính, cách mạng, không còn được nhân dân tin tưởng. Vì thế, để thi hành một nền chính trị liêm khiết, cùng với giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là sử dụng pháp luật để trừng trị những kẻ bất liêm hoặc làm trái điều liêm. Đây là vấn đề mà Đảng rất chú trọng và đang triển khai thực hiện rất mạnh mẽ. Bên cạnh quy định về những điều đảng viên không được làm, quy chế nêu gương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", bất kể người đó là ai, đang được đẩy mạnh.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân dựa trên cơ sở kết hợp “xây” với “chống”, nghiêm khắc với chính mình, tự chủ bản thân trước mọi cám dỗ, thực hiện tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Nhận thức chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, là trở lực cho xây dựng đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập hệ quan điểm, chỉ rõ bản chất, đặc điểm, biểu hiện, tính nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân và định hình phương thức quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng” nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ.
Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để ngày càng phát triển.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan để thực hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là hai mặt của xây dựng đạo đức cách mạng, có mối quan hệ biện chứng, gắn bó lẫn nhau: muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, tập trung cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức của đảng viên thành các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức công sở, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, có ý nghĩa hướng dẫn thực hành đạo đức trong công tác và sinh hoạt hằng ngày.
Đồng chí nhấn mạnh trước những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp, thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình...
Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo Bác phải thực chất, hiệu quả, chú trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Các cơ quan báo chí phải tăng cường phản ánh, giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong đảng viên và quần chúng, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, tăng cường niềm tin trong xã hội...
Phát biểu kết luận hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh nêu rõ, với gần 100 bài tham luận, bằng những luận cứ khoa học, từ nhiều góc độ khác nhau, các đồng chí lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các ý kiến tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, bổ sung, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan, nhất là những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn trong quá trình triển khai quy chế, quy định của Đảng của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan.
* Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu tham dự lễ khai trương Triển lãm ảnh và sách “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Triển lãm trưng bày 4 loại sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản, gồm: 1- Những cuốn sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; 2- Những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; 3- Những tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 4- Những cuốn sách do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xuất bản, với hơn 200 đầu sách. Triển lãm trưng bày gần 100 bảng ảnh với hơn 500 hoạt động của các đảng ủy trực thuộc 2 đảng bộ khối, thể hiện kết quả, thành tựu đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và những quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương./.
Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  (05/05/2022)
Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ - Thành tựu và triển vọng  (20/04/2022)
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII và ra mắt cuốn sách “Rạng danh Tổ quốc , cơ đồ Việt Nam - Dấu ấn 2021”  (20/04/2022)
Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022  (13/04/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên