Hà Nội áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông minh
TCCS - Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng như ngành nông nghiệp cả nước nói chung, đều đứng trước những yêu cầu đổi mới, trong đó có đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng kịp thời có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh
Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, nhận diện sản phẩm theo chuỗi gắn với trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngày 17-3-2021 Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04-CTr/TU, về việc đẩy mạnh hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 3-11- 2021, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cùng một số cơ quan tổ chức Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được mức tăng trưởng rất đáng khích lệ. Quý I tăng 2,51%, quý II đã tăng lên 3,09%, quý III tăng lên 4,39% so với cùng kỳ năm trước và phấn đấu đạt 4,2% trong cả năm 2021. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, ước đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7%, nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Qua đó, khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mà còn là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Hiện tại, Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và một mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi). Trong đó, giá trị sản phẩm công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại… đã được xây dựng. Lĩnh vực chăn nuôi đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát, giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ Biofloc…). Đặc biệt, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…, đặc biệt là các trang trại, gia trại nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR. Nguyên liệu phục vụ nuôi trồng và cấy mô được nhập khẩu 100% từ Mỹ, Chilê, Đài Loan theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bảo đảm chất lượng đầu ra của cây giống đạt chất lượng cao nhất.
Kỹ thuật thâm canh chè theo tiêu chuẩn Viet GAP đạt 9 đến 10 tấn búp tươi/ha, cao hơn 12% so với sản xuất chè ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế cao hơn so với áp dụng biện pháp cũ từ 60 triệu đến 80 triệu đồng/ha, đạt 150 triệu - 220 triệu đồng/ha/năm.
Những hạn chế tồn đọng
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế, dù Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hộiđể phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kỹ thuật và nông nghiệp hàng đầu, cùng với đó là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư phát triển. Một số hạn chế đó là:
Thứ nhất, tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp thông minh của Hà Nội chỉ chiếm 4% - 6% trong tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng cao, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện còn quá nhỏ. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh, nhất là việc đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương…
Thứ hai, tuy bước đầu nông nghiệp thông minh đã được áp dụng, nhưng nhìn chung còn manh mún, nhận thức, trình độ ứng dụng công nghệ của người dân trong nông nghiệp còn rất thấp. Tình trạng thiếu vốn, thiếu kiến thức nên không có điều kiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mang tính “đầu tàu”, dẫn dắt còn rất ít. Nguyên nhân đến từ năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế, người sản xuất nông sản, hàng hóa chủ yếu còn theo cách làm truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ.
Thứ ba, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh. Chưa có các mô hình khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông minh, mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, “làng nghề nông nghiệp số” quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu, chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng chế biến, bảo quản và tiêu thụ.
Thứ tư, thiếu chính sách và biện pháp cụ thể cho việc hỗ trợ hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Hiện nay, thành phố đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao, như đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập trung đào tạo kỹ năng, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Một số giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới là:
- Áp dụng công nghệ phân ngành vào từng lĩnh vực trong nông nghiệp, mở rộng hoạt đông nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động. Trên cơ sở lợi thế sẵn có về nguồn tri thức, cần coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị mà trong nước chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài. Triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp tích hợp đồng bộ. Tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp.
- Cần có định hướng, chính sách về đào tạo, thu hút sinh viên vào học ngành nông nghiệp, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Đồng thời, cần ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện nông nghiệp thông minh.
- Các trường đại học cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn; đa dạng hóa hình thức đào tạo dạy nghề, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề theo yêu cầu; đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung đào tạo năng lực thực hành, kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm cho học viên, gắn đào tạo với thị trường lao động, thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất… Đây là mấu chốt quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để qua đó, đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…/.
Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực để Hà Nội bứt phá trong giai đoạn tới  (10/07/2021)
Hà Nội áp dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải  (23/06/2021)
Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường  (30/05/2021)
Petrovietnam phát triển khoa học - công nghệ: Biến những điều không thể thành có thể  (18/05/2021)
Thu hút nhân tài ở Ấn Độ và hàm ý đối với Việt Nam  (20/02/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên