Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
TCCS - Ngày 8-12-2021, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 điểm cầu công an các địa phương.
Các đồng chí: Đại tướng, GS, TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội, là các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan từ các đơn vị, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng công an nhân dân cùng hơn 2.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban giám đốc, lãnh đạo cấp phòng của lực lượng công an nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc là chủ trương, chiến lược nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi độc lập chủ quyền được toàn vẹn, lợi ích quốc gia được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững thì nhân dân mới được hưởng hạnh phúc thực sự, có điều kiện thuận lợi để xây dựng đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới, đó là không gian mạng. Không gian mạng là mạng lưới kết nối hạ tầng thông tin bảo đảm mạng viễn thông, Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Không gian mạng giờ đây trở thành không gian chiến lược mới, vùng lãnh thổ đặc biệt, gắn chặt với chủ quyền đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc… Mỗi người dân Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là minh chứng sống động cho việc Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin và tự do Internet”. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6-2021, số người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, chiếm gần 70% dân số. Việt Nam đang là quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ, đây được xem là động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhận định, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, sự phát triển của các thiết bị thông minh, kết nối mạng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý. Các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, chống phá, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Hàng loạt chiến dịch tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội diễn ra. Các vụ tấn công mạng ngày càng gia tăng, trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ nội hàm của khái niệm “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”, mối liên hệ biện chứng giữa “không gian mạng” và “chủ quyền quốc gia”; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; dự báo nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp, thậm chí là xung đột giữa các quốc gia trong áp dụng chủ quyền trên không gian mạng; đánh giá từ nhiều góc độ thực trạng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong những năm qua; những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bật cập trong hoạt động này. Dự báo những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, những thuận lợi, khó khăn, những thách thức cũng như những vấn đề phải đối diện trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; các giới hạn và biên độ của chủ quyền không gian mạng trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế; vấn đề đấu tranh chống tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật khác đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhận định, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm. Đồng chí Phan Đình Trạc đề cập các vấn đề liên quan đến nội dung hội thảo, trong đó, trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Từ nhận thức đó mới xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Ngoài ra, cần chú trọng hợp tác quốc tế; đầu tư phương tiện, kinh phí, điều kiện; tổ chức và nhân lực chuyên trách, nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Đồng chí nhấn mạnh, đội ngũ nhân lực chuyên trách, nòng cốt về lĩnh vực này phải giỏi về chuyên môn, chuyên nghiệp và có bản lĩnh chính trị vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm đề nghị lực lượng công an nhân dân cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Kế hoạch số 43/KH-BCA-A05, ngày 18-2-2020, của Bộ Công an, “Về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị”.
Hai là, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh cho hệ thống thông tin quốc gia, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ - thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong lực lượng công an nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Năm là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng. Tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng./.
Bộ Công an: Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy  (02/12/2021)
Công an chính quy về xã: Thành công từ chủ trương đúng, hợp lòng dân  (15/11/2021)
Kinh tế truyền thông: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm  (02/10/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên