Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Nghiên cứu và thực thi chính sách nhằm phục hồi và phát triển bền vững
TCCS - Ngày 5-12-2021, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 57 điểm cầu trong nước và ngoài nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề: “Phục hồi và phát triển bền vững” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội xem xét, quyết định gói chính sách, bổ sung các giải pháp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ; bên cạnh đó cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hai năm qua, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như các chính sách vĩ mô khác. Trong 2 năm 2020 và năm 2021, theo tính toán của các chuyên gia, tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam ước khoảng 4% GDP (trong đó quy mô các gói tài khóa khoảng 2,9%, tiền tệ khoảng 1,1%), thấp hơn mức bình quân của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội ban hành nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền, chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, song song với đó xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, những giải pháp và đề xuất trong diễn đàn này cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ mà Quốc hội đã quyết định; có nghĩa, đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung.
Cũng tại diễn đàn, trên cơ sở cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh, các diễn giả, các nhà khoa học đưa ra phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng, tác động của đại dịch, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay và xu hướng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi và giải đáp các câu hỏi về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, khả năng hấp thụ năng lực của nền kinh tế trong điều kiện thị trường vốn trung hạn và dài hạn của Việt Nam còn hạn chế, nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc, như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm... Đồng thời cũng góp phần lời giải cho câu hỏi đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ nhằm cụ thể hóa chủ trương được nêu tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng và nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, khó khăn kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, người lao động.
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu mà hiện nay nền kinh tế còn đang yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đặc biệt bám sát chủ trương của Đảng về điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ hiệu quả, có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm vì nếu không đủ liều lượng thì có thể không giải quyết được những vấn đề cấp bách, không tạo ra sự thay đổi, thậm chí gây lãng phí nguồn lực.
Việc sử dụng các chính sách đều phải bảo đảm tính an toàn cho nền kinh tế. Do vậy, cần tính toán kỹ lưỡng tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, khả năng cân đối và trả nợ, có thể chấp nhận một số chỉ tiêu thay đổi trong ngắn hạn nhưng phấn đấu bảo đảm các mục tiêu cho cả giai đoạn.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ quốc gia cho biết, sự phục hồi kinh tế Việt Nam đang ở dạng hình chữ U, thay vì chữ V như nhiều nước trên thế giới. Theo dự báo, năm 2022, nền kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu không có những chương trình đặc biệt, nước ta có thể sẽ bị lỡ cơ hội và tụt hậu. Theo TS. Cấn Văn Lực, điều quan trọng nhất hiện nay là cần nâng cao năng lực y tế. Việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận ở 2 cách là nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các quỹ ở các địa phương. Về gói hỗ trợ lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mức dự kiến của Bộ Tài chính đề xuất khoảng 20.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng là khả thi và có thể hấp thụ được trong 2 năm tới. Riêng về kết cấu hạ tầng, nhóm nghiên cứu đề xuất tăng đầu tư bổ sung khoảng 150.000 tỷ đồng cho những dự án, những công trình trọng điểm. Theo đó, tất cả các gói hỗ trợ tài khóa sẽ ở mức 278.000 tỷ đồng, tương đương 3,41% GDP của năm 2021.
Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch.
Gợi ý xây dựng các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, cần tập trung vào chi tiêu thay vì các biện pháp giảm hay hoãn thuế. Theo ông, giảm hay hoãn thuế đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả nhưng không thể hỗ trợ tốt nhất cho hộ gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch. Tăng cường đầu tư công hơn nữa trong thời gian tới, cũng như hỗ trợ đầu tư tư nhân để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, qua đó đáp ứng thách thức cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ở một góc nhìn khác, GS, TS. Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG (Paris) nhấn mạnh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy tăng năng suất. Theo đó, sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ về vốn, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, thông qua giúp doanh nghiệp thực hiện hành động chiến lược để ứng phó với các thách thức lớn, gồm: Thách thức thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư công nghệ, dữ liệu lớn để có thể hiểu người tiêu dùng hơn và tiếp cận với họ; thách thức chuyển đổi số, dịch vụ số, bằng những nền tảng tự sáng tạo, dùng chung; thách thức liên quan đến nguồn lực con người.
Diễn đàn cũng đề cập đến vấn đề của các ngành, lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục…; đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2020 và năm 2021; làm rõ bối cảnh quốc tế và dự báo về diễn biến của đại dịch COVID-19; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch bệnh, từ đó rút ra bài học và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam./.
Diễn đàn chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng và tọa đàm cấp cao với chủ đề: “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều, gồm chuyên đề 1: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề 2: “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vượt khó để phát triển  (09/11/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (31/07/2021)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay