Chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân
TCCS - Nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã rà soát, bố trí sẵn sàng các địa điểm làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Chủ động nguồn cung dồi dào, đa dạng
Ngày 24-7-2021, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó, lượng người đến mua sắm tại các chợ dân sinh và siêu thị đông hơn ngày thường. Trước tình hình đó, ngày 26-7-2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2377/UBND-KT về việc bảo đảm lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố. Thành phố yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch bảo đảm hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài thành phố để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.
Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.
Theo đó, tại nhiều hệ thống siêu thị, như VinMart, BigC hay các chợ dân sinh, lượng hàng hóa nhanh chóng được bổ sung. Đại diện Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, các siêu thị trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu, trong đó, rau củ quả tăng lên từ 2-3 lần, đồ tươi sống cũng được bổ sung để cung ứng cho khách hàng. Trước diễn biến tình hình COVID-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các doanh nghiệp tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiến hành rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm nông sản (rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản,...) trên địa bàn thành phố; gửi Sở Công Thương Hà Nội, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm,... phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu để phòng, chống dịch; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có phương án bố trí nhân sự, phương tiện thu hoạch kịp thời nông sản thực phẩm với giá cả ổn định, cung cấp cho thị trường Hà Nội; rà soát lại các vùng sản xuất để xây dựng phương án chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản,... nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu tự cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô ở mức cao nhất.
Ngành nông nghiệp Thủ đô cũng như các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hoạt động nuôi trồng, thu hoạch, chế biến không bị gián đoạn, xây dựng những “vùng xanh” nông sản... Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách như thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mở thêm nhiều điểm bán hàng... Ngành chăn nuôi tuy phải đối diện nhiều thách thức từ giá cám tăng cao, giá cả thị trường biến động, dịch bệnh và chuỗi cung ứng bị đứt gãy do thực hiện giãn cách xã hội…, song vẫn duy trì phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Sản lượng xuất chuồng thịt gia cầm trên địa bàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, có khả năng bù đắp cho các mặt hàng khác trong trường hợp thiếu hàng.
Xây dựng phương án nguồn cung, đa dạng phương thức phục vụ
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, song việc cung ứng các hàng hóa luôn được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đồng thời, phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, trang web, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong đợt giãn cách này, thành phố tiếp tục bảo đảm nguồn cung hàng hóa, phục vụ người dân mua sắm thuận lợi, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Thành phố đã chủ động kế hoạch điều phối nguồn cung hàng hóa, xe vận chuyển, đồng thời bổ sung các địa điểm trong nội thành để sử dụng khi chợ đầu mối phải phong tỏa. Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), Hà Nội luôn bảo đảm dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường (khoảng 194.000 tỷ đồng), đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Trao đổi tại cuộc họp vào ngày 24-7-2021, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, từ kinh nghiệm của năm 2020 và một số địa phương, Hà Nội đã rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng, có kế hoạch cho lưu thông, phân phối các nguồn hàng, có kế hoạch kiểm tra, giám sát bảo đảm cung cấp hàng hóa không có chuyện tăng giá. Đồng chí Nguyễn Văn Phong khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng gần 2.000 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Huy động nhiều phương tiện chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối nhằm sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến các điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Ngày 3-9-2021, thực hiện nội dung phân chia 3 vùng để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 6 đến 21-9-2021 theo Chỉ thị số 20/CT-UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa cho từng phân vùng này. Theo đó, tại phân vùng 1, có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân. Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài phân vùng 1 và thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ. Đồng thời, phối hợp ban quản lý chợ, các địa phương tổ chức bán hàng lưu động hoặc hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa. Đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.
Sở Công Thương chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ. Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp giấy phép đi đường cho người đi xe máy. Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào vùng 1. Người giao hàng công nghệ chỉ hoạt động trong phân vùng 1. Người dân trong phân vùng 1 được ủy ban nhân dân quận, huyện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Bên cạnh đó, được phép mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận, huyện. Ủy ban nhân dân các phường, xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.
Đối với các vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng giao hàng công nghệ, các lực lượng khác như phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt). Còn lại, tại phân vùng 2 và phân vùng 3, hiện có tổng 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động… Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND, ngày 7-8-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, yêu cầu cấp bách hiện nay đối với cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở là phải siết chặt kỷ cương, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải bám sát địa bàn, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Thành phố sẽ lấy hiệu quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND làm “thước đo” trách nhiệm của từng đồng chí./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tránh chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay  (11/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
Hà Nội đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng để sớm trở lại trạng thái bình thường mới  (10/09/2021)
Hà Nội: Hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế  (10/09/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên