TCCS - Ngày 8-7-2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển khoa học xã hội và nhân văn phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII”.

GS, TS. Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cùng đại biểu một số ban, ngành, vụ, viện, trường đại học, địa phương.

Toàn cảnh buổi tọa đàm_Ảnh:tuyengiao.vn

Với mục đích xác định những định hướng lớn phát triển khoa học xã hội và nhân văn để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu dự tọa đàm bàn thảo về những nội dung cốt lõi, tập trung vào 3 nội dung chính: 1- Xây dựng hệ giá trị con người, xã hội Việt Nam, bảo đảm an ninh con người; 2-  Khai thác, phát huy tài nguyên văn hóa Việt Nam; 3- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, cùng với những nhận định, đề xuất, nhiều vấn đề đặt ra cũng được nêu lên như: Làm thế nào để khơi dậy khát vọng, giữ vững, bồi đắp và quan trọng hơn là hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước? Làm thế nào để chuyển khát vọng độc lập, tự do trong thời chiến trước đây thành khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trong thời bình, hội nhập quốc tế hiện nay? Cần phải làm gì, tập trung vào những vấn đề then chốt nào để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam?...

Bên cạnh những thành tựu đạt được trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu lên những hạn chế, bất cập liên quan đến phát triển văn hóa, con người Việt Nam; những nhận thức chưa đúng, chưa thống nhất về hệ giá trị, về đời sống văn hóa, về công nghiệp văn hóa và kinh tế văn hóa..., như Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt nhận thức, vấn đề này đã được đặt ra từ lâu, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện trên nhiều mặt chưa được như mong muốn. Đại hội XIII của Đảng đã có những quan điểm và đánh giá mang tính đột phá, trong đó nhấn mạnh đến việc khơi dậy khát vọng, tiềm lực con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Muốn vậy, những giá trị khoa học xã hội - nhân văn - văn hóa phải được tôn trọng và khai thác “đúng tầm”; phải được coi là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng, làm “bệ đỡ” và bảo đảm cho tính bền vững của phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở quan điểm, phương hướng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, tọa đàm đã nêu lên một số nhóm giải pháp cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, trong đó có những nội dung như: Khảo sát, đánh giá hệ sinh thái văn hóa Việt Nam, tài nguyên văn hóa Việt Nam; quản lý văn hóa và quản lý thị trường văn hóa...

GS, TS. Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu_Ảnh:tuyengiao.vn

GS, TS. Phùng Xuân Nhạ nhận định, tọa đàm đã đạt mục tiêu đề ra, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị quốc gia trong tình hình mới. Trong đó đặc biệt chú ý đến những điểm mới, cách tiếp cận mới; phải quan tâm cả về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn, để những đề xuất liên quan đến chính sách phát triển văn hóa, con người thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, khoa học nhằm phát huy được tốt nhất tài nguyên văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó chú ý đến bản sắc và những giá trị truyền thống, phải coi đây là cái “lõi”, là gốc của sự phát triển. Theo đó, cũng cần có những cách tiếp cận mới về khái niệm “công nghiệp văn hóa” trên cơ sở tổng kết thực tiễn.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu một cách bài bản, căn cơ để làm rõ nội hàm “khơi dậy khát vọng” phù hợp với đặc điểm của Việt Nam; những điều kiện “cần và đủ” để không chỉ là “khơi dậy” mà còn phải “nuôi dưỡng khát vọng”; xác định đúng những cấu trúc, yếu tố, bài học từ quá khứ và kinh nghiệm hiện đại của các nước trên thế giới có giá trị tham khảo. Tiếp tục đưa ra những luận cứ về văn hóa, con người Việt Nam để có sự thống nhất cao, trước mắt nhằm phục vụ thiết thực cho quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)