Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới
TCCS - Năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục phấn đấu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử hằng năm, cho thấy quyết tâm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, hình thành nền kinh tế số của thành phố. Nhưng, song hành với tốc độ phát triển, lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu… đang là những trở ngại. Để khắc phục những điểm yếu này, thành phố cần có các cơ chế, giải pháp quản lý hình thức kinh doanh hiện đại này chặt chẽ hơn.
Cơ hội để phát triển thương mại điện tử
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI). Nắm bắt xu hướng phát triển này, thành phố đã tiếp tục đề ra các mục tiêu phát triển thương mại điện tử cho năm 2020, tiếp tục phấn đấu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về EBI hằng năm. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 75% số người sử dụng internet trên địa bàn thành phố (tăng 7% so với năm 2019); 90% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông (tăng 5% so với năm 2019) và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Thành phố cũng phấn đấu có 95% doanh nghiệp có website, ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc (tăng 20% so với năm 2019); 10.000 lượt đăng ký thành viên tham gia chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi thành phố Hà Nội. Phát triển, xây dựng và nâng cao kết cấu hạ tầng logistics đáp ứng phục vụ phát triển thương mại điện tử.
Tính đến tháng 5-2019, toàn thành phố có 9.510 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo đăng ký hoạt động. Doanh thu năm 2018 của lĩnh vực thương mại điện tử ước đạt 38.507 tỷ đồng, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 1% so với năm 2017). Còn theo báo cáo EBI Việt Nam năm 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, Hà Nội xếp thứ hai cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh về EBI với 84,3 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2018).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, những tháng đầu năm 2020, nhiều hàng quán ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh. Việc người tiêu dùng trong dịch bệnh COVID-19 hạn chế mua sắm tại chợ truyền thống, đẩy mạnh mua hàng qua giao dịch online là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi hình thức bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử, qua đó nâng cao thị phần trong cơ cấu doanh thu bán lẻ.
Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử,… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao. Việc mua sắm trực tuyến còn giúp khách hàng hạn chế đến những nơi đông đúc nhưng vẫn mua được những mặt hàng ưa thích khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, hiện việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh đã phổ biến nên bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng thương mại điện tử sẽ là xu hướng tất yếu. Thương mại điện tử sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối “các nhà” thông qua thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử, coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về thương mại điện tử của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học - công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phục vụ hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một số thách thức
Thương mại điện tử đang phát triển nhanh, mạnh ở thị trường Hà Nội, nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát hình thức thương mại hiện đại này. Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Đơn cử, các sản phẩm, dịch vụ khi chào bán, giới thiệu trên mạng có thể không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng nhận được sau khi đặt mua. Thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị các doanh nghiệp sử dụng cung cấp cho bên thứ ba. Nhiều trang web thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác. Khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… trang web, lúc đó công tác chứng minh vi phạm trên trang web cũng khó thực hiện. Chưa kể, hầu hết giao dịch không có hóa đơn, chứng từ, khi người mua gặp phải hàng giả, hàng nhái thì công tác xử lý càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy, cho nên việc thu thuế của các giao dịch thương mại điện tử gặp khó.
Về phía các doanh nghiệp, năng lực giao hàng cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, phương tiện chủ yếu dùng để chở hàng là xe máy, cho nên chưa tăng được công suất và hiệu quả giao hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng trễ đơn hàng, giao hàng không đúng, phía khách đặt hàng nhưng hủy bỏ hoặc nhận hàng mà không thanh toán… Ngoài ra, hiện có quá nhiều đơn vị cung cấp, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp, chi phí marketing trên các kênh như facebook, google, sàn thương mại điện tử… lại khá cao. Nếu doanh nghiệp không làm bài bản, đầu tư công phu về nội dung, phù hợp với người dùng thì khó cạnh tranh được.
Chính vì vậy, mặc dù việc quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội đạt được một số kết quả nhất định, như công tác quán triệt và cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách về thương mại điện tử ngày càng được quan tâm, củng cố, hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc quản lý nhà nước với thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội còn một số hạn chế, như một số quy định bất hợp lý về thương mại điện tử vẫn chưa được khắc phục, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các chính sách với nhau và giữa chính sách trong nước với thông lệ quốc tế gây khó khăn lúng túng cho địa phương khi áp dụng. Những quy định về cấp phép thành lập website hay mua bán tên miền chưa phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, hiện Hà Nội vẫn chưa xây dựng được cơ chế quản lý thuế hiệu quả đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, mức xử phạt đối với những sai phạm trong kinh doanh thương mại điện tử chưa đủ sức răn đe. Việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định người nộp thuế, doanh thu tính thuế, quy mô kinh doanh, quá trình giao dịch… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử ở thành phố trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào cổ vũ, động viên cho việc ứng dụng thương mại điện tử, chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục pháp luật. Ý thức tự giác chưa cao kèm theo những hạn chế về hiểu biết, nhiều các cá nhân không biết việc mình kinh doanh trên website thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội là phải đăng ký, kê khai thuế.
Để thương mại điện tử phát triển hơn nữa
Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội hiện nay.
Hai là, kiện toàn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước liên quan đến thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp đến tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
Ba là, tăng cường tuyên truyền và phổ cập kiến thức về internet và thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp để họ cùng tham gia giám sát hoạt động giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn.
Bốn là, cơ quan quản lý tham gia xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ và nhân lực, tạo dựng các nền tảng kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ phát triển thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội. Đây cũng là một trong những chức năng quản lý quan trọng mà các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử phải thực hiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động này.
Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp và người dân phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển thương mại điện tử là phải thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia và mở rộng các loại hình, đối tượng tham gia thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, bởi đây mới là “nhân vật chính” trong các giao dịch thương mại điện tử. Do đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để phấn đấu thu hút hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có trang website giao dịch thương mại điện tử…./.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở thành phố Hà Nội  (26/11/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc phường Điện Biên, Hà Nội  (16/11/2020)
Một số vấn đề và giải pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp  (15/11/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều  (15/11/2020)
Hà Nội phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (10/11/2020)
Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng ở Hà Nội  (02/11/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay