Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Hà Nội: Những kết quả đạt được và giải pháp
TCCS - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được Chính phủ phê duyệt tháng 5-2018 nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giúp Hà Nội thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tiềm năng phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế
So với các địa phương lân cận, Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện chương trình OCOP. Toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình kết nối chuỗi sản phẩm nông sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Trên cả nước có 1.263 chuỗi, riêng Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã có 727 chuỗi sản phẩm. Hà Nội sẽ tiến hành kết nối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, vùng, miền để phát triển các chuỗi này. Hà Nội đã, đang và sẽ trở thành trung tâm sản xuất cây con giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước. Thành phố Hà Nội sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; hướng đến đầu tư cho 3 làng nghề là Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Theo kết quả thống kê, Thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Hà Nội xây dựng chương trình tổng thể phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.
Tại Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đợt 1, diễn ra ngày 16-11-2020, hội đồng đã thẩm định, công nhận thêm 334 sản phẩm OCOP của 84 chủ thể đến từ 10 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đủ điều kiện đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP. Cụ thể, các sản phẩm nông sản, làng nghề tiêu biểu, như rau, hoa, rượu, trà, xúc xích, giò chả… đến từ các quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đông Anh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Sơn Tây, Ba Vì. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm: 227 sản phẩm, chiếm 68%; ngành đồ uống: 8 sản phẩm, chiếm 5%; ngành thảo dược: 3 sản phẩm, chiếm 1%; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí: 75 sản phẩm, chiếm 22%; ngành vải, may mặc: 11 sản phẩm, chiếm 3%). Trong đó, dự kiến đề xuất hội đồng phân hạng 3 sao: 109 sản phẩm, 4 sao: 217 sản phẩm, 5 sao: 8 sản phẩm.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu công việc, xây dựng quy trình đánh giá khoa học chuyên nghiệp, công tác tập huấn được tiến hành bài bản và đặc biệt là công tác chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền... Đây cũng là những yếu tố giúp cho công tác đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP được thuận lợi hơn so với các địa phương khác.
Một số khó khăn, vướng mắc
Đặc thù của sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường. Do nhiều nguyên nhân, các làng nghề cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Vì vậy, Chương trình OCOP của Hà Nội xác định rõ quan điểm là từ thị trường, lấy thị trường là tín hiệu, là mệnh lệnh để dẫn dắt sản xuất, từ đó, định hướng các sản phẩm truyền thống phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để hóa giải những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về chương trình OCOP, thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong 2 năm 2019 - 2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương, không chỉ tôn vinh các chủ thể có sản phẩm được thành phố công nhận, cấp sao sản phẩm mà còn hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường. Trong các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại diễn ra nhiều hội thảo kết nối giao thương sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, có nhiều biên bản ký kết, ghi nhớ hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội.
Để thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra thị trường khu vực và thế giới, thành phố Hà Nội đã giao cho 3 đơn vị gồm: Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để hướng các sản phẩm OCOP tới thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là xuất khẩu, giai đoạn 2021 - 2025, ngoài tìm hiểu rõ thị trường tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm để tổ chức sản xuất, cần tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để sản phẩm có cơ hội tiêu thụ trên thị trường thế giới; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vào các hệ thống phân phối, siêu thị để đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng. Năm 2020, thành phố Hà Nội kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Mặc dù triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác, nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những nơi khác, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình OCOP.
Có thể khẳng định, việc phát triển Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đây là một trong những giải pháp quan trọng thành phố Hà Nội thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới  (20/10/2020)
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội  (14/10/2020)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay