Di sản tư tưởng Ph. Ăng-ghen - giá trị và sức sống thời đại
TCCS - Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph. Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2020), ngày 27-11-2020, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Di sản tư tưởng Ph. Ăng-ghen - giá trị và sức sống thời đại”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, ngành ở Trung ương; các cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường đại học.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph. Ăng-ghen, là dịp để chúng ta hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách vĩ đại của Ph. Ăng-ghen, cùng những đóng góp của ông đối với học thuyết Mác. Trên cơ sở đó,tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội thảo nhận được 54 tham luận của các học giả, các nhà lãnh đạo, quản lý đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số nhà khoa học đến từ các học viện, trường đại học. Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, khẳng định vai trò to lớn của Ph. Ăng-ghen, người cùng với C. Mác sáng lập học thuyết Mác. Bằng nhiều cách tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề, chủ đề độc lập khác nhau, nhưng sự kỳ diệu là các ông đều đạt đến sự nhất quán về quan điểm, lý luận và phương pháp giải quyết các mâu thuẫn của xã hội đương thời. Thông qua những công trình lý luận đồ sộ, Ph. Ăng-ghen đã cùng với C. Mác từng bước xây dựng một học thuyết khoa học mới. Tháng 2-1848, được sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản, Ph. Ăng-ghen cùng với C. Mác soạn thảo và công bố tác phẩm bất hủ: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học. Từ đây, chủ nghĩa Mác chính thức trở thành vũ khí lý luận khoa học sắc bén để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng giai cấp mình và giải phóng toàn nhân loại.
Nhiều tham luận đã phân tích, khẳng định những đóng góp, cống hiến to lớn của Ph. Ăng-ghen đối với ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác, đó là: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Về triết học, cống hiến to lớn của Ph. Ăng-ghen được thể hiện nổi bật qua các tác phẩm xuất sắc như: “Chống Đuy-rinh” (năm 1876-1878), “Biện chứng của tự nhiên” (năm 1873-1883), “Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức” (năm 1886),… Về kinh tế chính trị học, chỉ riêng việc tự mình sắp xếp, xử lý, biên tập để xuất bản quyển II và quyển III bộ “Tư bản” của C. Mác cũng đủ chứng tỏ Ph. Ăng-ghen là một trong những nhà kinh tế chính trị học vĩ đại nhất của nhân loại. Về chủ nghĩa xã hội khoa học, Ph. Ăng-ghen có nhiều cống hiến đặc sắc cả trong xây dựng và phát triển lý luận, nhất là những phân tích, luận giải, dự báo của ông về con đường phát triển rút ngắn ở các nước lạc hậu; về chiến tranh và nghệ thuật quân sự; về xây dựng chính đảng cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội; về các vấn đề nhà nước, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đoàn kết quốc tế; về bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa, bền vững; về tình yêu, hôn nhân, gia đình và giải phóng phụ nữ trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa…
Thứ hai, phân tích, khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của Ph. Ăng-ghen không chỉ với tư cách là nhà bác học mà còn là nhà lãnh tụ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cũng giống như C. Mác, với Ph. Ăng-ghen, khoa học phải phục vụ cuộc sống, làm khoa học là để làm cách mạng và ông đã sớm từ bỏ mọi tiền tài, địa vị, tự nguyện dấn thân, tích cực tham gia và nhanh chóng trở thành lãnh tụ chính trị của phong trào công nhân quốc tế. Năm 1847, Ph. Ăng-ghen cùng với C. Mác sáng lập Đồng minh những người cộng sản. Năm 1889, Ph. Ăng-ghen tham gia sáng lập và lãnh đạo Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II). Sau khi C. Mác qua đời, với vốn kiến thức bách khoa, uyên bác, với kinh nghiệm phong phú và uy tín của mình, Ph. Ăng-ghen là người chỉ dẫn, cố vấn tin cậy cho những người xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước châu Âu, kể cả những người cách mạng ở Nga - nơi mà với sự am hiểu sâu sắc về lý luận và nhạy cảm chính trị, Ph. Ăng-ghen đặt niềm tin vào khả năng tiến lên chủ nghĩa cộng sản thông qua “con đường phát triển rút ngắn”.
Thứ ba, khẳng định sự gắn kết giữa Ph. Ăng-ghen và C. Mác về cuộc đời và sự nghiệp. Hai ông là mẫu hình sáng ngời về tình bạn, tình đồng chí, sự thủy chung, tinh thần cách mạng sáng tạo, nghị lực làm việc, đức khiêm tốn cũng như tinh thần hợp tác trong lao động khoa học và trong đấu tranh cách mạng. Cũng như người bạn lớn, người đồng chí thân thiết của mình là C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã từ bỏ tiền tài, địa vị, danh vọng để dâng hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ, nghị lực và trái tim của mình cho cuộc đấu tranh cách mạng chống áp bức, bạo tàn vì tự do, hạnh phúc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Ph.Ăng-ghen luôn là nguồn cảm hứng cách mạng mãnh liệt. Di sản tư tưởng, lý luận của Ph. Ăng-ghen là ánh sáng soi đường trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Hội thảo đã khẳng định rõ nét những đóng góp, cống hiến quan trọng của Ph. Ăng-ghen đối với quá trình hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác; khẳng định giá trị và sức sống thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Hội thảo góp phần tuyên truyền, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng ta; nâng cao nhận thức, giáo dục thế giới quan khoa học, nhân sinh quan, niềm tin cộng sản, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Cách mạng Tháng Mười Nga với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (26/11/2020)
Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”  (03/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên