TCCS - Ngày 2-11-2020, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đây là hội nghị thứ ba do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, sau hai hội nghị lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức trước đó.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị _ Ảnh: TTXVN

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đến dự và chỉ đạo hội nghị. 

Tham dự hội nghị có các Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó có đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; các nhà khoa học nghiên cứu lâu năm, có uy tín về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam…

Gần 30 tham luận tham gia hội nghị, trong đó có 10 tham luận được trình bày trực tiếp, đã tập trung vào 3 nội dung chính là: 1- Khẳng định địa vị và xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; 2- Hoàn thiện chế độ, chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; 3- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới.

Hội nghị nhất trí cao với nội dung về đường lối phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn tới, được đề cập trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề nghị Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung về tiếp tục xây dựng, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời gian tới; trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân hiện nay.

Các ý kiến tham gia hội nghị đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm đối với giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội nghị cũng đã khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm chính trị của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong giai đoạn tới, dù có những biến động nhanh, khó lường do tác động của tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, cùng những ảnh hưởng nhiều chiều do hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng vị trí, vai trò và trách nhiệm chính trị của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn ngày càng được khẳng định, với sự kỳ vọng cũng ngày càng lớn hơn, khi tích cực đồng hành cùng các giai cấp và tầng lớp khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tham gia hội nghị. Đồng chí cũng chuyển tới hội nghị những thông tin mới nhất xung quanh việc đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh sự bổ sung và khẳng định phát triển xã hội là một nội dung quan trọng, là động lực của sự phát triển đất nước, bên cạnh việc tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, như trước đây vẫn khẳng định, cùng với tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... Đồng chí hy vọng sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, có giá trị để góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thật sự chất lượng, là kết tinh trí tuệ, niềm tin và tâm huyết của mọi giới, mọi ngành, mọi giai cấp, bảo đảm cho thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc và phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.