Trụ vững trước “giông bão”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế
TCCS - Khó khăn, thách thức trong bối cảnh chịu “khủng hoảng kép” nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nhận ra những cơ hội để củng cố lại “đội hình”, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Tinh thần của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là phải đạt bằng được “mục tiêu kép” trong “khủng hoảng kép” - tức vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Tinh thần này đã giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trụ vững trước “giông bão”.
“Mục tiêu kép” ứng phó “khủng hoảng kép”
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, trong cả quý I và tháng 4, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hậu quả trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, giá dầu liên tục giảm mạnh kéo dài chưa có tiền lệ trong ngành năng lượng thế giới, (thậm chí có phiên giao dịch vào ngày 20-4-2020 giá dầu WTI đã ở mức âm 37,6 USD/thùng) đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trên thế giới. Tình trạng tồn kho liên tục tăng do sản phẩm làm ra không bán được, các dự án đầu tư bị “đóng băng”, thậm chí nguy cơ mất cân đối tài chính dẫn tới phá sản... đã diễn ra. Để ứng phó với tác động tiêu cực như trên, nhiều doanh nghiệp dầu khí quốc tế lớn đã phải tính đến các phương án tạm ngừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, giảm hoặc cắt giảm cổ tức, bán tài sản, đóng mỏ, cắt giảm nhân sự... và thậm chí là sa thải nhân công, tuyên bố phá sản.
Những cái tên từng làm mưa làm gió trên thị trường dầu mỏ, như BP, Chevron, Royal Dutch Shell và Saudi Aramco hay “đại gia” ExxonMobil đều phải tuyên bố giảm các khoản đầu tư trong phạm vi từ 20% - 30%. Hay như Total, một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Pháp đã giảm hơn 3 tỷ USD các khoản đầu tư và sẽ cắt giảm đầu tư dưới 15 tỷ USD trong năm nay, tương đương giảm 20%, đồng thời sẽ tăng gấp đôi kế hoạch tiết kiệm, từ 400 lên 800 triệu euro và tạm ngưng kế hoạch mua lại cổ phần.
Những ngày đầu tháng tư, thị trường dầu mỏ “nóng sốt” khi tập đoàn sản xuất dầu thô lớn nhất ở Bắc Dakota, Mỹ, Whiting (Whiting Oil Corporation) với doanh thu hơn 2 tỷ USD/năm nộp đơn phá sản. Theo đó, Whiting sẽ chuyển nhượng 97% cổ phần của mình cho các chủ nợ để giảm nợ 2,2 tỷ USD.
Thế giới “sóng gió” trước dịch bệnh và giá dầu giảm sâu thì ở trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu báo cáo cập nhật ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đã giảm khoảng 27.376 tỉ đồng; 7/19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi; tổng số lỗ 3.728 tỉ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện đang cung cấp hầu hết các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác; đồng thời cũng là ngành chịu tác động trực tiếp từ việc giá dầu xuống thấp bởi thế, hệ lụy của tác động “kép” đối với ngành dầu khí so với nhiều ngành khác được đánh giá sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Theo báo cáo của các đơn vị thành viên PVN, hiện những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm… Cùng với đó, các cửa hàng, đại lý xăng, dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1-2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân ure và NPK không như kỳ vọng, nguyên nhân do hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp nhu cầu vẫn còn thấp.
Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh. Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá…
Khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh... doanh thu bán dầu và nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh khi mà giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách nhà nước).
Đạt kết quả ấn tượng
Xác định những khó khăn, thách thức là vô cùng lớn nên trong suốt thời gian qua, với phương châm “quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, Tập đoàn đã quyết liệt triển khai đồng bộ các gói giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong từng lĩnh vực hoạt động về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trước “khủng hoảng kép”.
Với những nỗ lực cố gắng, trong 4 tháng đầu năm 2020, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất, sản lượng sản xuất cơ bản hoàn thành vừa vượt mức đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác đạt 7,2 triệu tấn, vượt 7,7% kế hoạch 4 tháng. Sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh. Sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn, vượt 7,8% kế hoạch 4 tháng. Sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn, vượt 2,2% kế hoạch 4 tháng.
Tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí trong tháng 4-2020 bắt đầu khởi sắc, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của BSR và PVNDB đều tăng 3,6% - 17,6% so với tháng trước. Việc này khiến cho tình trạng tồn kho các sản phẩm tháng 4 có xu hướng giảm so tháng 3, tuy nhiên vẫn còn tương đối cao.
Do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, giá dầu trung bình trong 4 tháng khoảng 48 USD/thùng. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng ước đạt 203,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, PVN và các đơn vị đã tập trung, chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19. Công tác an toàn, an ninh, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại các đơn vị, công trường, nhà máy được các nhà thầu dầu khí, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, của thị trường dầu khí quốc tế cũng như khó khăn của kinh tế trong nước, những kết quả trên là rất đáng ghi nhận. Và chắc chắn, nếu không có sự chủ động, linh hoạt trong việc đề ra và triển khai các nhóm giải pháp như trên, PVN khó có thể trụ vững và có được kết quả như vậy. Đặc biệt là khi Tập đoàn vừa trải qua một cơn “khủng hoảng” giá dầu kéo dài từ giữa năm 2015 đến cuối 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban với Tổng Giám đốc, giám đốc các đơn vị, dự án về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 4 tháng năm 2020 ngày 8-5-2020, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều biến động, nhiều yếu tố liên quan đến động lực tăng trưởng vẫn còn nhiều thách thức. PVN vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, trong tháng 5 và các tháng còn lại của quý II, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị cần phải thay đổi cách quản trị để phù hợp hơn với các biến động vì tình hình đã nghiêm trọng hơn dự báo từ trước. Mặt khác, qua đánh giá đã có những cơ hội để phục hồi tăng trưởng vì thế cần chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt nhanh nhất cơ hội.
Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã phần nào được kiểm soát nhưng với các đối tác nước ngoài của PVN vẫn còn rất nhiều nguy cơ, do đó các đơn vị cần phải có ý thức trong việc phòng chống dịch, nhằm giảm thiểu thấp nhất những tác động của dịch bệnh đến hoạt động của các dự án.
“Khó khăn trước mắt còn rất lớn, nhưng với sự cố gắng của Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên, tôi tin rằng, dù còn khó khăn nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể, chúng ta sẽ tránh được những cơn sóng lớn” - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh./.
Một số đánh giá tác động xã hội của đại dịch COVID-19  (20/05/2020)
Nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai  (13/05/2020)
Thực hiện mục tiêu “kép” trên những công trình trọng điểm  (13/05/2020)
Binh chủng Tăng thiết giáp phòng, chống dịch Covid-2019 bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả  (12/05/2020)
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp cho ý kiến về một số giải pháp kích cầu du lịch sau dịch  (09/05/2020)
Thành phố Uông Bí: Chuyển động trong đại dịch  (09/05/2020)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay