Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
TCCS - Ngày 16-1-2020, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo cấp quốc gia: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” bằng hình thức trực tuyến toàn quốc.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội thảo.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, suốt 90 năm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là hơn 30 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sức sống của Đảng trong mối liên hệ mật thiết với nhân dân; ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác; khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Hội thảo là dịp để nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng trong suốt 90 năm qua; ôn lại những khó khăn, gian khổ, hy sinh, cũng như những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng; đúc kết những kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, 90 năm qua, Đảng ta đã giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hội thảo sẽ góp phần làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng, như khẳng định vai trò, vị trí của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; Đảng lãnh đạo toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 60 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận kế thừa những kết quả nghiên cứu khoa học về Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời tiếp cận những tư liệu mới, nhận thức mới. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập theo từng vấn đề cụ thể, phản ánh khá toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về lịch sử vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm qua, nhất là trên những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, là sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết, thống nhất của những chiến sĩ cộng sản sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đó là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Sau khi thành lập, Đảng đã ban hành Cương lĩnh chính trị, thể hiện đường lối đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, kể từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ bản chất cách mạng và khoa học của một đảng chân chính, khẳng định vai trò của một đảng duy nhất tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, khi phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, cực kỳ phức tạp diễn ra ở trong và ngoài nước cần xử lý, Đảng ta luôn kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, Hội thảo tiếp tục làm sâu sắc hơn những thành tựu của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đạt được dưới lãnh đạo của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng 90 năm qua. Đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển con người Việt Nam toàn diện; thực hiện những chính sách xã hội vì con người; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam là kết quả của quá trình Đảng đổi mới tư duy, lý luận, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của đất nước.
Thứ ba, khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cách mạng Việt Nam. Các tham luận đã làm rõ những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua là minh chứng sinh động về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng không ngừng tự đổi mới, chỉnh đốn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ. Nhiều tham luận đã nhấn mạnh, xây dựng Đảng gắn với bảo vệ Đảng là quy luật trong quá trình phát triển của Đảng; bảo vệ Đảng là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhằm làm cho Đảng ta thực sự là một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, lương tâm và danh dự của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách hiện nay, được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời vừa là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Thứ tư, đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm phát triển đất nước bền vững và xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng mới. Trên cơ sở phân tích sâu sắc những diễn biến phức tạp, mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, các tham luận đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm phát triển bền vững đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Những định hướng, đề xuất nêu ra xoay quanh các vấn đề quan trọng, như tập trung xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, cầm quyền; tích cực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực; xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ các cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với thực tiễn đất nước; xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam toàn diện; thực hiện tốt các chính sách xã hội để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả của sự phát triển; phát huy hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, kiên quyết, kiên trì, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc; thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo với nội dung phong phú, luận giải khoa học đã góp phần làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 90 năm qua. Đây là những đóng góp quan trọng và thiết thực cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, củng cố và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ. Hội thảo “Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; là dịp tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người sáng lập, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta - cũng như công lao của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương của các đồng chí lãnh đạo tiền bối là viên ngọc sáng ngời, khích lệ truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ cả hôm nay và mai sau./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm