Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương - qua thực tiễn ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Quán triệt các nghị quyết chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014, của Bộ Chính trị, về “Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tích cực triển khai, thực hiện ở cả ba cấp, nổi bật nhất là ở cấp huyện. Huyện Bình Liêu là một trong những huyện thực hiện quyết liệt việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Những kết quả đạt được trong việc thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh; cách thành phố Hạ Long khoảng 108km và có đường biên giới giáp Trung Quốc dài nhất tỉnh là 43,168km. Tổng diện tích tự nhiên của huyện Bình Liêu là 475,1 km2. Huyện Bình Liêu là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh và cũng thuộc nhóm huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước (trên 96% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm 55%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%).
Tính đến ngày 31-7-2019, toàn Đảng bộ huyện Bình Liêu có 2.277 đảng viên, sinh hoạt tại 26 tổ chức cơ sở đảng (12 đảng bộ cơ sở và 14 chi bộ cơ sở); có 167 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (trong đó chi bộ thôn, bản, khu phố là 104; 3 chi bộ cơ quan xã, thị trấn; 25 chi bộ khối trường học; 4 chi bộ trạm y tế; 22 chi bộ khối hành chính - sự nghiệp; 9 chi bộ lực lượng vũ trang). Có 6 loại hình cơ sở đảng, gồm 7 cơ sở đảng cấp xã, 1 cơ sở đảng cấp thị trấn, 2 cơ sở đảng thuộc lực lượng vũ trang, 10 cơ sở đảng thuộc cơ quan hành chính, 4 cơ sở đảng thuộc cơ quan sự nghiệp, 2 cơ sở đảng thuộc doanh nghiệp nhà nước và 1 cơ sở đảng thuộc công ty cổ phần.
Không phải chỉ những năm gần đây, mà chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương tại huyện Bình Liêu đã có từ trước đây. Theo thống kê, tính từ Đại hội Đảng bộ huyện khóa I (năm 1951) đến nay, tổng số cán bộ đảm nhiệm chức vụ bí thứ huyện ủy là 16 đồng chí, trong đó chỉ có 2 đồng chí là người địa phương; có 3 trên tổng số 11 đồng chí đảm nhiệm chức vụ chủ tịch ủy ban nhân dân huyện là người địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Huyện ủy Bình Liêu đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36 -CT/TW, ngày 30-5-2014, của Bộ Chính trị, về chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không là người địa phương. Theo đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đều là cán bộ tỉnh được luân chuyển về huyện. Chức danh viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chi cục trưởng chi cục thuế, công an, hải quan từ năm 2015 cho đến nay đều không phải người địa phương. Chỉ có chức danh chánh án tòa án nhân dân, trưởng phòng tài chính, chánh thanh tra từ năm 2015 cho đến nay là người địa phương.
Đối với cấp xã, thị trấn, từ năm 2015 đến nay, ở 8 xã, thị trấn, các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn đều không phải là người địa phương. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương đã từng bước khắc phục được các hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Về cơ bản, công tác này đã đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm quy trình, đúng đối tượng, phạm vi theo phân cấp quản lý cán bộ. Các lĩnh vực, các địa bàn được bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã có sự tiến bộ rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, bảo đảm giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị. Hầu hết cán bộ được bố trí đảm nhiệm chức danh người đứng đầu không phải là người địa phương đã phát huy được năng lực, sở trường của bản thân, từng bước trưởng thành, góp phần vào sự tiến bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị do mình lãnh đạo.
Các chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, thuế, hải quan đều nắm giữ quyền quyết định trong nhiều lĩnh vực quan trọng của địa phương, như công tác cán bộ, kinh tế, ngân sách, việc thực thi pháp luật trên địa bàn, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả,... Đây là những lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế. Vì vậy, việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương đảm nhiệm các chức danh trên có những thuận lợi cơ bản sau:
Thứ nhất, do không phải là người địa phương nên cán bộ lãnh đạo thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao không bị ràng buộc, không bị chi phối, không bị áp lực bởi các mối quan hệ thân tộc, bằng hữu; giải quyết công việc bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công bằng. Trong quá trình điều hành, xử lý công việc tránh được tình trạng cục bộ khép kín, bè phái, quan liêu, trì trệ, bảo thủ, cảm tình, nể nang, né tránh; giải quyết công việc nhanh hơn, đặc biệt là giải quyết các vụ, việc tồn đọng, kéo dài (ví dụ, công tác giải phóng mặt bằng khu liên hợp thể thao kéo dài hơn 10 năm, việc quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc tranh chấp đất rừng giữa một số hộ dân ở một số thôn, bản với Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Bình Liêu,...).
Thứ hai, việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương giúp bảo đảm được tính công bằng, dân chủ, khách quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các khâu trong công tác cán bộ; tuyển chọn được cán bộ, công chức, viên chức có trình độ và năng lực vào bộ máy hành chính của Nhà nước; đồng thời, nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thực chất hơn, giúp đưa ra khỏi bộ máy, tổ chức những cán bộ có trình độ năng lực yếu, không đáp ứng được tiêu chuẩn chức danh, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc; việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc giúp cho cán bộ phát huy được năng lực và sở trường công tác, đóng góp nhiều hơn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; lựa chọn được cán bộ có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn đã qua rèn luyện, thử thách để bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ trẻ, lãnh đạo cấp sở, ngành của tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong môi trường công tác rộng lớn, nên khi được luân chuyển về huyện, các đồng chí bí thư huyện ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đã phát huy được trình độ, năng lực và sở trường công tác của bản thân; quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tinh thần trách nhiệm cao, lăn lộn với cơ sở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh đạo đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền ở địa phương; đặc biệt, đã giúp huyện tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, cán bộ tỉnh được luân chuyển về huyện cũng đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ huyện từ phong cách làm việc đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Trong lịch sử đảng bộ huyện, 4 đồng chí được tỉnh luân chuyển về giữ chức vụ bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, sau đó đã được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn (1 đồng chí giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, 1 đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, 1 đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy).
Thứ tư, đối với chức danh viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, trưởng công an huyện, việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã giúp cho việc thực thi pháp luật trên địa bàn huyện bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Các vụ án, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện đều được xử lý nghiêm minh, bảo đảm công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để huyện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Do đó, mặc dù là huyện miền núi, thuộc vùng biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng trong nhiều năm qua trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ án lớn, các vụ, việc phức tạp, khiếu kiện đông người.
Thứ năm, đối với chức danh chi cục trưởng chi cục thuế, chi cục trưởng chi cục hải quan, cán bộ do ngành dọc cấp trên luân chuyển về huyện đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện về công tác lập và chấp hành dự toán thu ngân sách Nhà nước, về công tác quản lý thuế trên địa bàn huyện; thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và hình thức thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện và duy trì trật tự tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Do đã trải qua nhiều môi trường công tác ở nhiều địa bàn khác nhau nên các đồng chí giữ chức danh chi cục trưởng chi cục thuế, chi cục trưởng chi cục hải quan có nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Thứ sáu, tại 8 xã, thị trấn (Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động, thị trấn Bình Liêu), các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân hầu hết là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đoàn thể được huyện tăng cường về hoặc là cán bộ chủ chốt ở các địa bàn khác, có trình độ, năng lực, có nhiều năm kinh nghiệm công tác. Do đó, khi được điều động xuống đảm nhiệm các chức danh đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, đội ngũ cán bộ này về cơ bản đã thể hiện được trình độ và năng lực của mình; điều hành, xử lý, giải quyết thỏa đáng các vụ, việc xảy ra trên địa bàn, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan. Việc bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã góp phần củng cố hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở trưởng thành nhanh hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn; duy trì ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn quản lý; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương ở huyện Bình Liêu còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bố trí còn thiếu chủ động, chưa tích cực. Một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp trên và cấp dưới, nơi đi và nơi đến, nên dẫn đến kết quả không đồng đều ở các địa bàn. Một số chức danh do nguồn cán bộ mỏng, thiếu, nên khó bố trí được cán bộ không phải là người địa phương, như chức danh chánh án tòa án nhân dân, trưởng phòng tài chính, chánh thanh tra.
Hai là, Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số), nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong tư tưởng và trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày của bà con, giao thông liên thôn đi lại khó khăn, nên cán bộ từ tỉnh tăng cường về huyện, từ huyện tăng cường về xã, từ xã này luân chuyển sang xã khác cần một khoảng thời gian nhất định để thâm nhập thực tế cơ sở, gặp gỡ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn mới, làm quen, nắm tình hình địa bàn, tư tưởng đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, một số cán bộ thời gian đầu mới xuống cơ sở công tác còn lúng túng, xử lý, giải quyết một số vụ, việc còn chậm, thiếu kiên quyết.
Ba là, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển đến. Do đó, nhiều cán bộ thời gian đầu mới xuống cơ sở công tác bị “lạc lõng”, gặp khó khăn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (một mình ôm đồm nhiều việc). Một số cán bộ được luân chuyển, tăng cường xuống cơ sở thời gian đầu còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, tâm lý nôn nóng muốn về sớm hơn so với thời hạn quy định.
Bốn là, một số cán bộ, tập thể cấp ủy, chính quyền cơ sở còn có tư tưởng cục bộ, không muốn nhận người từ nơi khác về, do đó, một số cán bộ lãnh đạo phòng chuyên môn của huyện được luân chuyển xuống xã, được giới thiệu để bầu vào chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân xã còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, như trường hợp cán bộ trúng cử nhưng tỷ lệ phiếu không cao (trên 50% như ở xã Hoành Mô).
Năm là, tất cả các xã hiện nay đều chưa có nhà công vụ, nên cán bộ được luân chuyển, tăng cường xuống cơ sở gặp khó khăn trong việc nghỉ trưa, ăn trưa, đặc biệt là trực đêm trong mùa mưa, bão hoặc khi phải giải quyết, ứng phó với thiên tai, hỏa hoạn.
Một số kinh nghiệm
Từ thực tiễn thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương ở huyện Bình Liêu, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp đảng ủy, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đối với địa bàn miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tư tưởng cục bộ, biểu hiện hẹp hòi vẫn còn tồn tại ở một số cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; vẫn còn tư tưởng người đứng đầu phải là người của địa phương thì mới nắm chắc địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo mới thuận lợi, thực hiện các nhiệm vụ chính trị mới thành công. Do đó, nếu luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến mà không làm tốt công tác tư tưởng thì dễ dẫn đến hiện tượng tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo không thống nhất. Cơ quan, đơn vị nhận cán bộ không ủng hộ, không tạo điều kiện giúp đỡ, còn cán bộ mới đến không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ mất uy tín cá nhân. Vì vậy, trước khi thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, cấp ủy cấp trên cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi dự kiến đưa cán bộ xuống, qua đó làm tốt công tác tư tưởng, giúp tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cấp cơ sở nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương, từ đó có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ cán bộ đến nhận công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, làm tốt các khâu trong công tác cán bộ.
Trong nhiều năm qua, cấp ủy huyện luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ ở cơ sở, ở từng cơ quan, đơn vị có trình độ năng lực, được đào tạo chính quy bài bản, đã trải qua nhiều môi trường công tác, có ý chí phấn đấu tốt, có đóng góp lớn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, có uy tín cao trong đơn vị, mong muốn được cấp trên ghi nhận và bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu để có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu luân chuyển cán bộ không phải là người địa phương đến đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp dưới hoặc đứng đầu cơ quan, đơn vị, thì thường trực cấp ủy hoặc cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ tại cơ quan, đơn vị đã được quy hoạch vào vị trí người đứng đầu; động viên cán bộ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hoặc luân chuyển cán bộ sang địa bàn công tác khác ở vị trí người đứng đầu để cán bộ có động lực phấn đấu, rèn luyện và cống hiến nhiều hơn nữa cho Đảng, Nhà nước; tránh hiện tượng cán bộ có trình độ, năng lực, có quá trình phấn đấu, rèn luyện tốt nhưng không được quan tâm bổ nhiệm vào vị trí đã quy hoạch và hệ quả là có thể giảm sút ý chí phấn đấu.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong công tác bố trí cán bộ không phải là người địa phương.
Cấp huyện, cấp xã là nơi trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức đơn vị thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thông qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố và giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa. Cấp huyện, cấp xã đều là nơi diễn ra tất cả các hoạt động có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, do đó cấp ủy cấp trên phải làm tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn được cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất và tính cách phù hợp với địa bàn, cơ quan, đơn vị được luân chuyển. Làm sao để khi đưa cán bộ xuống đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện hoặc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã sau khi hết thời gian luân chuyển phải góp phần làm chuyển biến, làm thay đổi được diện mạo địa bàn, cơ quan, đơn vị theo chiều hướng đi lên. Đối với các địa bàn, cơ quan, đơn vị có nhiều vấn đề phức tạp, việc lựa chọn cán bộ để đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cần phải được tập thể cấp ủy cấp trên xem xét, thảo luận kỹ càng trước khi quyết định.
Thứ tư, nêu cao tinh thần tự học, tự tu dưỡng và rèn luyện của bản thân cán bộ, đảng viên được luân chuyển.
Các vị trí nhạy cảm có liên quan đến quyền lực, đến kinh tế, đến việc thực thi pháp luật như bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan chính là nơi để kiểm nghiệm, thử thách rõ nhất bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Ở vào các vị trí nhạy cảm này, nếu giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không sa ngã trước quyền lực, trước đồng tiền và nhiều cám dỗ khác, người cán bộ sẽ trưởng thành, vững vàng hơn và sẽ có nhiều cơ hội để đảm nhiệm chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, nếu cán bộ không giữ vững được bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống thì cũng rất dễ bị cám dỗ, sa ngã, làm cho Đảng mất cán bộ, thậm chí còn làm cho Đảng mất uy tín trước nhân dân. Do đó, khi được tổ chức phân công chuyển sang đơn vị công tác mới, bản thân người cán bộ đó phải không ngừng học hỏi, phấn đấu và rèn luyện; không ngại khó, ngại khổ; hòa nhập với cơ sở, gắn bó, đồng cam cộng khổ với cán bộ, đảng viên và nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếng nói của cán bộ, đảng viên và nhân dân; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt, giải quyết công việc cần linh hoạt trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc đúng các quy định của pháp luật; không ngừng trau dồi phẩm chất của người cán bộ, đảng viên về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức góp phần làm thay đổi bộ mặt cơ quan, đơn vị, địa bàn công tác; phải thực sự là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa bàn nơi công tác noi theo. Đồng thời, bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ của cấp ủy các cấp phải thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình công tác của cán bộ; nắm bắt dư luận xã hội, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tham mưu kịp thời cho thường trực cấp ủy nhắc nhở, kiểm điểm nếu cán bộ có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Như vậy, trong những năm qua, chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đã tạo ra “luồng gió mới” tại rất nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh, mà huyện Bình Liêu là một ví dụ điển hình. Bên cạnh việc khắc phục hiện tượng bè phái, tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, tình trạng khép kín trong công tác cán bộ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều động, luân chuyển này còn giúp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành. Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, để thực hiện được lộ trình về công tác nhân sự khóa mới theo đúng tinh thần của Đảng ta thì việc bố trí người đứng đầu không phải người địa phương cần được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thiết thực và hiệu quả./.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (25/12/2019)
Thừa Thiên - Huế xây dựng tổ chức cơ sở đảng từ khâu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ  (24/12/2019)
Chuyện về xây dựng một ê-kíp  (15/12/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay