Nịnh

Nam Dũng
15:57, ngày 15-08-2007

Nịnh, xưa nay có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ, nhiều văn cảnh rất khác nhau. Nói đến nịnh cấp trên cũng có vô vàn vạn chuyện.

Ở cơ quan nọ, khi kiểm điểm cuối năm có anh đã dám "thẳng thắn" phê bình thủ trưởng rằng: sếp có rất nhiều ưu điểm, nhưng chỉ có khuyết điểm duy nhất là hay làm việc quá giờ, quá sức, vì sức khỏe của sếp bây giờ là tài sản quốc gia rồi! Ở cơ quan khác, có anh tâng bốc cấp trên rằng: thủ trưởng là cha, là mẹ của muôn dân, là ân nhân của bao sinh linh. Vắng thủ trưởng một ngày là cơ quan trống rỗng, rối bời. Ở cái "địa hạt" này, thủ trưởng chỉ dưới có một người và trên muôn người. Thôi thì ngàn lẻ chuyện nịnh...

Ở đơn vị của tôi trong ban lãnh đạo có một trưởng và hai phó. Đồng chí trưởng còn một năm nữa là đến tuổi về hưu, hai đồng chí phó đều nằm trong diện quy hoạch để kế vị. Xét về năng lực thì mỗi đồng chí có một thế mạnh khác nhau, người có khả năng này, người có khả năng kia, cũng là "một chín, một mười" cả. Thế là "chiến dịch" chạy đua bắt đầu từ đấy. Bằng những "chiêu võ" phi văn minh họ tiến hành cuộc đua ngầm. Phó nọ đi nói xấu phó kia, tung tin bịa đặt, dựng đủ mọi chuyện. Đến nỗi dư luận đàm tiếu rằng: ở ta có một số "môn võ" nếu đem đi thi khu vực thì nhất định dành "huy chương vàng", đó là: "chọc gậy bánh xe", "gắp lửa bỏ tay người", "ném đá giấu tay". Dư luận ấy quả là chẳng sai. Rồi còn có cả thư nặc danh gửi lên trên nữa... Rất may là trên xem xét kết luận hai đồng chí không có khuyết điểm như tin đồn... Cuộc đua đã 6 tháng mà không phân thắng bại. Hai "đồng chí" bèn xoay sang hướng khác. Đó là nịnh đồng chí trưởng. Kẻ tâng bốc kiểu này, người nhún nhảy kiểu kia. Rằng thủ trưởng là người rất giỏi, có bề dày kinh nghiệm, rất xứng đáng để mọi người kính trọng. Thủ trưởng rất trong sáng, độ lượng, anh minh, mẫu mực... Thủ trưởng mà nghỉ thì chúng em không biết dựa vào đâu... Hai tháng trôi qua, hai tai của thủ trưởng đã được "lấp đầy" bởi những lời "vàng ngọc" và bèn cho mời hai cấp phó đến rồi nói: Tôi sợ không còn đủ sức để nghe những lời ca ngợi hay nhất về tôi từ trước đến nay, vì đã mấy chục năm công tác bây giờ tôi mới được "bay trên chín tầng mây". Nếu đúng như lời hai đồng chí ca ngợi thì tôi thành thực cám ơn và đề nghị các đồng chí có văn bản lên cấp trên cho tôi ở lại tiếp tục công tác thêm một, hai năm nữa. Hai "đồng chí" phó nghe xong bủn rủn cả chân tay, lúng túng, rồi nói: Chúng em rất quý trọng anh, nhưng chúng em không dám đề nghị vì sai với quy định của trên. Cán bộ phải nghỉ hưu đúng tuổi anh ạ. Ông trưởng mỉm cười. Nói vậy thôi chứ tôi đã chuẩn bị cho việc nghỉ hưu rồi. Tôi thử xem cái bụng của các đồng chí thế nào thôi. Cả hai đều ngượng chín cả mặt...

Thế rồi cuộc đua không dừng lại, nó được vận hành theo một véc-tơ khác. Cả hai đều dồn trọng tâm "đầu tư" cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Và thế là câu chuyện "nịnh ngược" được diễn ra. Họ săn đón, mời mọc, dùng đủ mánh khóe. Họ nhờ người nọ, ngoắc người kia. Họ tìm những người trước đây thân thiết với các nhân viên để vận động ủng hộ mình. Họ nói gần, nói xa rằng nếu ai ủng hộ thì sau này sẽ được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Họ hứa nhiều thứ mà ngay những người thân thiết nhất với họ cũng phải phát ngượng lên. Chỉ khổ cho anh nhân viên nọ, chẳng biết ai đúng, ai sai, ai tốt, ai xấu với mình, cứ rối như canh hẹ... Thế rồi cũng đến cái ngày vị trưởng nghỉ hưu. Một tuần lễ, hai tuần lễ, đằng đẵng như mấy thế kỷ. Hai vị phó "nín thở" chờ làm quy trình bổ nhiệm. Bên ngoài người ta thì thào to nhỏ rằng, hai vị đang bị "chết lâm sàng" rồi. Đùng một cái trên thông báo phân công một vị khác về làm trưởng. Thế là công lao hai vị phó đầu tư để "nịnh xuôi", "nịnh ngược" đổ "xuống sông, xuống biển"...

Chuyện "nịnh xuôi" thì chẳng lạ, còn "nịnh ngược" cũng không phải chỉ xảy ra ở đơn vị nọ, mà nó được dung dưỡng ở nhiều nơi, nhiều cấp. Có người gọi là mị dân, có người gọi là dối dân, có người gọi là diễn kịch với dân... xem ra chẳng biết ai là người nói đúng! Và tôi bỗng chợt nhớ đến lời của người xưa rằng: biết người, biết mặt, khó biết lòng. Quả đúng vậy.