Trong 3 ngày 8 - 9 - 10/01/2007, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ban Bí thư TƯ Ðảng đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc, sơ kết hai năm thực hiện Thông báo 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí; tuyên truyền các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư TƯ Ðảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (Tạp chí Cộng sản đăng toàn văn trong số tạp chí này), Hội nghị đã nghe các báo cáo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin và của Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Thông báo Kết luận 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị "Về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình mới" của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu rõ sáu ưu điểm nổi bật của báo chí trong hai năm qua: Một là, phát triển đội ngũ, tăng số lượng, chất lượng các ấn phẩm và loại hình báo chí. Hai là, phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ba là, công chúng báo chí có bước phát triển về số lượng, trình độ, tham gia ngày càng tích cực vào quá trình truyền thông. Bốn là, tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, máy móc, điều kiện làm việc, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động báo chí. Năm là, tham gia tích cực các hoạt động báo chí trên thế giới và khu vực. Sáu là, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có nhiều cố gắng.

Bên cạnh đó, báo chí cũng còn những yếu kém, khuyết điểm như: Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa của báo chí cách mạng, thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước; xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, suy diễn chủ quan, áp đặt vô lối, sa đà vào những tiêu cực, yếu kém, mặt trái xã hội; xem nhẹ việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Khuynh hướng tư nhân núp bóng cơ quan nhà nước để ra báo, kinh doanh dịch vụ truyền thông ngày càng tăng. Một số báo, đài phát thanh, truyền hình, tạp chí chậm đổi mới, chưa đủ sức làm chủ, chi phối thông tin. Hệ thống các đài phát thanh, truyền hình thiếu quy hoạch, kế hoạch phát triển, gây lãng phí tốn kém.

Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm và đề ra chín nhiệm vụ và giải pháp lớn để thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng "Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận, công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động, báo chí, xuất bản, văn hóa - nghệ thuật, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tăng cường tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là những vấn đề chính trị nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong các cơ quan báo chí, khắc phục biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ nhất là xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu thấp kém,  vì lợi ích vật chất, cá nhân, cục bộ".

Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thông tin nêu những công việc đã làm được trong quản lý báo chí, những nhiệm vụ chủ yếu mà Bộ Văn hóa - Thông tin đã tổ chức thực hiện và nêu rõ bốn khuyết điểm trong công tác quản lý báo chí.

Báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam đã kiểm điểm rõ các mặt công tác Hội, thực trạng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ hội viên; những công việc Hội đã làm, những thiếu sót và các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần thực hiện tốt sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động báo chí.

Các tham luận của đại biểu các bộ, ngành, đoàn thể của trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tiêu biểu trong cả nước đã tiếp tục làm rõ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông báo Kết luận 162-TB/TƯ ở các ngành, địa phương, các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; nêu rõ những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, yếu kém, những kinh nghiệm sau 2 năm tổ chức thực hiện.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Tạp chí Cộng sản đăng toàn văn bài phát biểu trên số tạp chí này).

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhấn mạnh: Bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang vừa kết luận, vừa chỉ đạo, vừa bao quát ở tầm chỉ đạo chiến lược trên cơ sở nắm bắt đầy đủ, chính xác tình hình báo chí nước nhà. Đồng chí Trương Tấn Sang đã phân tích thẳng thắn, xác đáng, có lý có tình, đánh giá sâu sắc, sát thực tế, chỉ rõ nguyên nhân trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo tình hình báo chí; là sự bao quát, định hướng cho sự phát triển của báo chí nước ta trong thời gian tới, thể hiện sâu đậm tình cảm của đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đối với công tác tư tưởng, báo chí. Hội nghị đã xác định đúng những thành tựu, chỉ ra những những tồn tại, nghiêm túc kiểm điểm để thấy rõ những tồn tại, thiếu xót, thậm chí sai lầm của chúng ta để sửa chữa, khắc phục. Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo Kết luận 162 –TB/TƯ của Bộ Chính trị đã thành công tốt đẹp bởi các cơ quan đã nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa, yêu cầu của hội nghị nên đã cử đúng đối tượng, thành phần và tham dự đông đủ; công tác chuẩn bị chu đáo, các phát biểu dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu chú ý lắng nghe để cùng học tập và cùng rút kinh nghiệm. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận cao cả về đánh giá ưu điểm, yếu kém và nguyên nhân của tồn tại, thiếu sót. Đây là cơ sở thuận lợi để chúng ta thực hiện tốt hơn Thông báo Kết luận 162, Thông báo Kết luận 41 và chỉ đạo định hướng của đồng chí Trương Tấn Sang trong Hội nghị lần này. Đồng chí cũng lưu ý các đại biểu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm về những tồn tại, yếu kém để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Đó là: Những sai sót, yếu kém do cố tình, có sự lặp đi, lặp lại nhiều lần mặc dù đã được nhắc nhở nhưng không sửa chữa, khắc phục, cần bị xử lý nghiêm khắc; hiện tượng đưa quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội mà không có sự định hướng, không mang tính xây dựng phải được khắc phục. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí cần có giải pháp tích cực hơn nữa, các Tổng biên tập, phóng viên phải nâng cao trình độ mọi mặt để có độ nhạy bén chính trị cao hơn, và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí giữa các cơ quan.

Trong ngày làm việc thứ ba, sau các báo cáo chuyên đề, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã hướng dẫn triển khai tuyên truyền ba sự kiện lớn thể hiện cục diện phát triển mới của đất nước (gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tổ chức thành công Năm APEC 2006 và Hội nghị cấp cao APEC 14; châu Á nhất trí đề cử Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009) và kế hoạch triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.