Tình thế khó khăn của Thủ tướng Anh Theresa May trước những đảm bảo không chắc chắn từ EU
Anh nhận một số đảm bảo từ EU
Kết thúc ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tập trung vào vấn đề Brexit, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã nhất trí trao cho Thủ tướng Anh Theresa May đảm bảo rằng EU sẽ nỗ lực để có thể ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với Anh trước năm 2021, sau khi quốc gia này rời khỏi EU.
Các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị.
Trong cuộc họp báo tối 13-12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố nội dung tuyên bố chung về Brexit được đưa ra sau hội nghị, trong đó nêu rõ EU muốn thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Vương quốc Anh trong tương lai. EU sẵn sàng chuẩn bị cho các vòng đàm phán về quan hệ thương mại tương lai sau khi thỏa thuận được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, để có thể khởi động quá trình thương lượng ngay sau khi Anh rời khỏi EU.
Về điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại, vốn vấp phải sự chỉ trích nặng nề trên chính trường Anh, EU khẳng định giải pháp này là chính sách nhằm ngăn chặn sự xuất hiện một đường biên giới cứng trên đảo Ireland và đảm bảo sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất. Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh EU quyết tâm hành động nhanh chóng cho một thỏa thuận song phương tiếp theo từ nay đến ngày 31-12-2020 để hai bên có thể tránh khả năng kích hoạt điều khoản này. Ngoài ra, EU cũng nêu rõ một khi được kích hoạt, điều khoản này sẽ chỉ được áp dụng trong ngắn hạn và kéo dài trong "khoảng thời gian cần thiết" cho đến khi nó được thay thế bởi một thỏa thuận tiếp theo để tránh thiết lập biên giới cứng. EU cam kết nỗ lực hết sức để đàm phán và ký kết nhanh chóng một thỏa thuận tiếp theo nhằm thay thế "rào chắn", đồng thời trông đợi hành động tương tự từ phía Anh.
Các lãnh đạo EU khẳng định không chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận cũng như Tuyên bố chính trị đã được ký thông qua ngày 25-11 vừa qua. Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi chuẩn bị trên mọi cấp độ, nhằm đối phó với những hậu quả tiềm tàng do sự ra đi của nước Anh gây ra, trên cơ sở cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra. Ủy ban châu Âu (EC) thông báo ngày 19-12 tới EC sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân EU trong trường hợp thỏa thuận Brexit không được thông qua và Anh rời EU ngày 29-3-2019 mà không có thỏa thuận.
Lời đảm bảo không chắc chắn
Anh đã nhận được sự đảm bảo từ 27 nước thành viên rằng EU sẽ nỗ lực để ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với London trước năm 2021, thời điểm “xứ sở sương mù” rời khỏi EU- gọi là Brexit. Cùng với “cú thoát hiểm” của Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua trong nội bộ đảng Bảo thủ, đây có thể là tín hiệu tích cực đối với nước Anh trong tiến trình chia tay “ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, với những diễn biến trên chính trường Anh cùng với những quan điểm cứng rắn của EU, kịch bản Anh ra đi suôn sẻ vẫn bị coi là chưa rõ ràng.
Trong nội dung tuyên bố chung về Brexit đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu rõ EU muốn thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Vương quốc Anh trong tương lai. EU sẵn sàng chuẩn bị cho các vòng đàm phán về quan hệ thương mại tương lai sau khi thỏa thuận được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, để có thể khởi động quá trình thương lượng ngay sau khi Anh rời khỏi EU.
Những tuyên bố được xem thiện chí như vậy từ EU khiến hy vọng London và Brussels có thể nhanh chóng ký kết một thỏa thuận tiếp theo nhằm thay thế "rào chắn", cũng được nhen nhóm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không dễ gì để Anh và EU có thể đạt được một sự đồng thuận nhanh chóng. Bởi lẽ, EU cũng khẳng định sẽ không chấp nhận mở lại bất kỳ cuộc đàm phán nào về Thỏa thuận cũng như Tuyên bố chính trị đã được ký thông qua ngày 25-11 vừa qua. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định thỏa thuận Brexit hiện tại là sự lựa chọn duy nhất.
Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu lại kêu gọi chuẩn bị trên mọi cấp độ, nhằm đối phó với những hậu quả tiềm tàng do sự ra đi của nước Anh gây ra, trên cơ sở cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra. Ủy ban châu Âu thậm chí thông báo ngày 19-12 tới sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân EU trong trường hợp thỏa thuận Brexit không được thông qua và Anh rời EU ngày 29-3-2019 mà không có thỏa thuận. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng quả quyết bà thấy “không còn cách nào thay đổi” thỏa thuận đã đạt được sau cuộc gặp với bà May ở Berlin.
Với EU, quan điểm về vấn đề biên giới Ireland dường như không thay đổi. Sự không rõ ràng khi Anh và EU chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể về vấn đề này, mà phải thay bằng một điều khoản "rào chắn" cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại, khiến chính giới Anh lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt mãi mãi trong liên minh thuế quan EU. Bởi vậy mà Thủ tướng May luôn muốn các nhà lãnh đạo EU nhượng bộ trong vấn đề quy chế Bắc Ireland sau khi Anh rời EU, và đưa ra sự bảo đảm chắc chắc để tránh điều khoản "rào chắn" trở thành một cái bẫy đối với nước Anh. Tuy nhiên, câu trả lời của EU đối với mong muốn của bà May có thể coi là "nước đôi" khi vẫn duy trì điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận. Ngay cả lời đảm bảo rằng điều khoản sẽ chỉ được áp dụng trong ngắn hạn và kéo dài trong "khoảng thời gian cần thiết" cũng là hết sức mù mờ, bởi EU không cho biết thời gian cần thiết là bao lâu.
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của bà May
Những lời bảo đảm của EU vì vậy tỏ ra thiếu chắc chắn, và nó cũng biểu thị tâm trạng chán nản và khó chịu trong giới lãnh đạo châu Âu liên quan vấn đề Brexit. Các cuộc đàm phán kéo dài với kết quả không rõ ràng có vẻ làm EU mệt mỏi. Bà May không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ từ Hạ viện Anh. Dù vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại nội bộ đảng Bảo thủ, song Thủ tướng Anh Theresa May lại để mất sự ủng hộ của 1/3 đồng sự, một kết quả báo hiệu những thách thức không nhỏ mà bà phải đối mặt trong việc thúc đẩy thỏa thuận Brexit tại cơ quan lập pháp. Đó là chưa kể sự chia rẽ tại Hạ viện Anh. Trong khi một số nghị sĩ muốn có một thỏa thuận mềm hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, một số khác lại muốn một Brexit “cứng”. Thậm chí, nhiều nghị sĩ trong cả đảng Bảo thủ cầm quyền và các đảng đối lập không ngần ngại công khai chống lại thỏa thuận này, cho rằng bà May quá nhượng bộ với EU. Họ lo ngại một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ ràng buộc Anh với các qui định thị trường của EU, mất đi cơ hội tự chủ về kinh tế, yếu tố chính khiến người dân quyết định bỏ lá phiếu lựa chọn Brexit hồi năm 2016. Nếu kịch bản Brexit không được thông qua tại Quốc hội vào ngày 21-12 tới, đảm bảo của EU về một Hiệp định thương mại tự do mới với London trước năm 2021, xem ra không có gì chắc chắn.
Thủ tướng Anh Theresa May tại Hội nghị.
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của bà May lại càng trở nên khó khăn hơn vì chưa từng có lãnh đạo nào lại phải chèo chống với toàn những điều đều “chưa từng có tiền lệ” như vậy. Với một nhiệm vụ khó khăn nhất và cũng là “khó nhằn” nhất, không dễ gì để bà May có thể rút đất nước ra khỏi tư cách thành viên của một liên minh thương mại lớn nhất thế giới trong lịch sử 60 năm qua của EU mà không gặp cản trở nào.
Có thể bà May đã “thoát hiểm” trong cuộc bỏ phiếu nội bộ Bảo thủ, song tương lai cho thỏa thuận Brexit của bà vẫn đầy rẫy bất chắc. Cuộc "hỗn chiến" trong chính trường Anh dường như càng nóng bỏng.
Trong bối cảnh đó thì những tuyên bố của phía EU dường như chỉ mang tính khích lệ tinh thần, chứ không phải là sự bảo đảm có giá trị. Mọi chuyện vẫn phải chờ tới đầu năm tới và từ nay tới lúc đó, bà May chắc chắn sẽ phải cố gắng hết khả năng để có thể bảo đảm rằng không có thêm rào chắn nào được dựng lên đối với tiến trình Anh rời EU./.
Cả nước tưng bừng trong niềm vui chiến thắng của Đội tuyển bóng đá quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2018  (16/12/2018)
Các nước quyết tâm đạt đồng thuận tại Hội nghị đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24  (15/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển