Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-3-2018)
TCCSĐT - Chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới CHDCND Triều Tiên (ngày 05 và 06-3) đã đạt được kết quả quan trọng với việc hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4-2018, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp cụ thể nhằm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đây là động thái tiếp theo trong hàng loạt nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian qua.
Bước tiến ngoại giao đột phá trong quan hệ liên Triều
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm với các quan chức Hàn Quốc. Ảnh:Yonhap
Trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên, phái đoàn đặc biệt của Hàn Quốc do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong dẫn đầu đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên tại trụ sở chính của Đảng Lao động Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên các quan chức Hàn Quốc thăm trụ sở chính của Đảng Lao động Triều Tiên và cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đối thoại trực tiếp với giới chức Hàn Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011.
Tại cuộc gặp, phái đoàn cấp cao Hàn Quốc và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi các quan điểm về vấn đề giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, các biện pháp cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như thúc đẩy cách thức đối thoại không chỉ giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc mà còn giữa Bình Nhưỡng với Mỹ và cộng đồng quốc tế. Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong đã đề cập về “giải pháp kiên định và chân thành” của Tổng thống Moon Jae-in về việc duy trì cuộc đối thoại và sự tiến bộ trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vốn đã được thúc đẩy nhân sự kiện Olympic PyeongChang, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời trình bày ý định của Tổng thống Hàn Quốc về việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Về phần mình, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời cam kết chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Bên cạnh đó, CHDCND Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa nếu như an ninh được bảo đảm, nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ. Kết thúc cuộc gặp, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn 10 năm vào cuối tháng 4 tới tại làng đình chiến Panmunjeom, cũng như thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên.
Những thỏa thuận trên giữa hai miền Triều Tiên cho thấy, hoạt động ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Các nhà phân tích cho rằng, việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng như nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ trong chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Seoul tới Bình Nhưỡng được coi là bước tiến ngoại giao mang tính đột phá giữa hai miền Triều Tiên sau những căng thẳng kéo dài, đồng thời có thể tạo ra “cú hích” cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Cơ hội và thách thức đối với Hiệp định CPTPP
Đại diện 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: TTXVN
Ngày 09-3, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký vào văn bản cuối cùng của hiệp định này tại Chile. Đây được đánh giá là cơ hội tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại đa phương và xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các nước tham gia.
Việc ký kết Hiệp định CPTPP thể hiện quyết tâm cao của các nước tham gia đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Hiệp định này không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, tạo cơ hội và động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội. Với việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước, CPTPP được dự báo sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho sản xuất kinh doanh cũng như người lao động và tiêu dùng trong phạm vi các nước thành viên. Bên cạnh đó, việc CPTPP chính thức được ký kết đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, lợi ích người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và người dân của các nước ký kết.
Sau khi có hiệu lực, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại với một thị trường lên tới 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. Cùng với đó, việc loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực, CPTPP đang hấp dẫn các nền kinh tế trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các nước thành viên CPTPP cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức sau khi hiệp định có hiệu lực. Trên thực tế, việc Mỹ rút khỏi TPP - tiền thân của CPTPP, đã khiến tiềm năng kinh tế của các nước tham gia hiệp định này bị giảm sút. Việc Mỹ tham gia TPP sẽ giúp tổng xuất khẩu của 12 nước thành viên đạt khoảng 26,6% thương mại toàn cầu, trong đó có khoảng 11,4% đến từ thương mại nội khối, song việc thiếu vắng Mỹ đã khiến tổng xuất khẩu của 11 nước còn lại giảm còn 15,2% thương mại toàn cầu và 2,3% đến từ nội khối. Không chỉ vậy, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các nước thành viên, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, tái cơ cấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được điều này, nhiều doanh nghiệp nhất là ở những nước đang phát triển có nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa, dẫn đến bị giải thể. Hệ quả là nhiều người lao động bị mất việc làm và khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng.
Ngoài ra, do CPTPP là thỏa thuận tự do thương mại với những tiêu chuẩn cao, với nhiều nội dung ràng buộc khiến các nước sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới.
Để có thể vượt qua những khó khăn, duy trì và phát huy tối đa hiệu quả CPTPP, các nước thành viên cần tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, chủ động thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lấy cạnh tranh là động lực đổi mới và phát triển.
Chương mới trong quan hệ Australia - Timor Leste
Australia và Timor Leste chính thức ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển. Ảnh: TTXVN
Australia và Timor Leste chính thức ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển ngày 06-3 tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ). Đây là bước tiến lịch sử trong quan hệ giữa Australia và Timor Leste, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Ngoài phân định biên giới trên biển, Australia và Timor Leste cũng nhất trí thiết lập khung làm việc cho phép hai nước cùng phát triển chung trong khu vực khai thác khí tự nhiên Greater Sunrise mang lại lợi ích cho cả hai nước. Theo đó, Australia đồng ý để Timor Leste nhận được mức phân chia cao hơn từ nguồn lợi khai thác mỏ khí đốt Greater Sunrise, được phát hiện năm 1974, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển Timor Leste khoảng 150 km về phía Đông Nam và cách bờ biển Darwin, Tây Bắc Australia, khoảng 450 km. Cụ thể Timor Leste sẽ nhận 70% doanh thu nếu khí đốt khai thác được đưa đến một nhà máy chế suất ở quốc gia này và 80% nếu khí đốt được khai thác chuyển tới Australia để xử lý.
Văn kiện lịch sử vừa được ký kết đánh dấu sự hòa giải đầu tiên giữa Australia và Timor Leste theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong một tuyên bố ngày 07-3, Ngoại trưởng Australia J. Bishop cho biết, Canberra hoan nghênh việc ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển lịch sử giữa Australia và Timor Leste, theo đó chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài liên quan hải giới giữa hai nước ở biển Timor. Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề phân định biên giới của Timor Leste A. Pereira cũng hoan nghênh thỏa thuận công bằng này.
Timor Leste là quốc gia non trẻ nhất ở khu vực Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Sau khi tách ra khỏi Indonesia năm 2002, Timor Leste đã đàm phán với Australia để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước nhưng không đạt kết quả. Australia muốn thiết lập một đường biên giới lãnh hải dọc theo thềm lục địa của nước này ở vùng biển Timor, nhưng phía Timor Leste lại cho rằng, đường biên giới này cần phải nằm giữa vùng biển trên, theo đó, phần lớn mỏ Greater Sunrise sẽ nằm trong lãnh hải của nước này. Theo các chuyên gia, mỏ này có trữ lượng gần 190 tỷ mét khối khí tự nhiên và 226 triệu thùng khí ngưng tụ, với tổng trị giá khoảng 40 - 50 tỷ USD. Khu mỏ vốn do liên danh các tập đoàn Woodside Petroleum, ConocoPhillips, Royal Dutch Shell và Osaka Gas khai thác, tuy nhiên, đã phải tạm ngừng khai thác do tranh chấp giữa Timor Leste và Australia.
Việc Australia và Timor Leste ký Hiệp ước phân định biên giới và và Thỏa thuận chia sẻ nguồn lợi khai thác tại mỏ khí đốt Greater Sunrise đã khép lại tranh chấp kéo dài một thập niên qua, đồng thời thể hiện nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Thái Bình Dương.
Thách thức sau kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Italia
Cựu Thủ tướng Italia S. Berlusconi. Ảnh: TTXVN
Liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng S. Berlusconi đang dẫn đầu và đảng cầm quyền trung tả Dân chủ cựu Thủ tướng M. Renzi đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tại Italia ngày 04-3-2018. Tuy nhiên, việc không có chính đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành đủ đa số phiếu bầu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ trong quá trình bầu cử cũng như các thách thức an ninh, kinh tế đang đặt Italia trước những khó khăn.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ với hơn 80% số phiếu đã được kiểm (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cho thấy liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Italia S. Berlusconi đang giành được 37,06% số phiếu bầu tại Hạ viện. Ngoài ra, liên minh này cũng đang giành được 10 ghế hạ nghị sĩ vốn được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử. Xếp thứ hai là đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) với tỷ lệ tương ứng là 31,95% và 6 ghế hạ nghị sĩ. Trong khi đó, liên minh cánh tả của cựu Thủ tướng M. Renzi (chỉ giành được 23,39% và 5 ghế hạ nghị sĩ.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây Italia cả ở lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế. Trước thềm bầu cử đã diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn. Đụng độ cũng đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích ở thành phố Turin, miền Tây Bắc Italia. Tình trạng bất ổn khiến Italia phải thắt chặt an ninh. Cùng với đó, Italia hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm chạp nhất ở châu Âu. Tốc độ tăng trưởng của Italia năm 2017 đạt mức 1,4%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, song vẫn kém xa mức trước khủng hoảng tài chính năm 2008 (7,5%). Theo các chuyên gia, dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song Italia được đánh giá là nước có năng suất lao động thấp nhất châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức hơn 11%, tỷ lệ nợ công trên GDP của Italy là 132%, cao thứ hai châu Âu, chỉ sau Hy Lạp, cùng môi trường kinh doanh kém thân thiện.
Người dân Italia ngày càng cảm thấy mệt mỏi và yêu cầu chính phủ cần dồn lực tập trung vào phát triển kinh tế hơn là hỗ trợ cho người nhập cư. Sự “bài trừ” người nhập cư đang lên đến đỉnh điểm khi người dân sẵn sàng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý để tách Italia khỏi EU. Đây là điều mà EU lo ngại và luôn trong thế “phòng vệ” trước một kịch bản tương tự như Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit). Trong khi đó, việc không có chính đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành đủ đa số phiếu bầu cần thiết tại quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ sẽ nhiều khả năng sẽ xảy ra “kịch bản” là một “quốc hội treo”. Khi đó, Tổng thống Italia S. Mattarella sẽ chỉ định đảng hoặc liên minh chính đảng giành được nhiều ghế nhất đứng ra thương lượng với các đảng khác để thành lập chính phủ. Trong trường hợp này, một chính phủ đại liên minh, trong đó có đảng FI của ông Berlusconi, có thể được thành lập.
Kịch bản thứ hai là liên minh cánh hữu có thể thành lập một chính phủ với những đảng khác vốn đã từng là đồng minh của ông Berlusconi trước đây. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra, nhưng không phải là không thể.
Kịch bản thứ ba là khả năng đảng dân túy M5S thành lập một đại liên minh với PD. Tuy nhiên, khả năng này được cho là không thể xảy ra do đảng M5S lâu nay luôn từ chối gia nhập bất kỳ liên minh nào cùng với nền tảng, cương lĩnh chính trị của hai đảng khá khác biệt. Mặt khác, cũng không thể loại trừ khả năng các chính đảng không thương lượng được với nhau và Italia sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới. Khi đó, Italia có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị hậu bầu cử, tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi chậm chạp cũng như làm đình trệ tiến trình cải cách cơ cấu mà Italia đang rất cần thúc đẩy. Hơn thế, những biến động này tại Italia được xem là mối đe dọa lớn đối với tương lai của EU khi phong trào dân túy vẫn đang âm ỉ và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Đức tháo gỡ bế tắc chính trị
Lãnh đạo đảng ba đảng lớn của Đức. Ảnh: Reuters
Các đảng viên đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng A. Merkel. Động thái này đã giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9-2017.
Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang vào tháng 9-2017, SPD đã tuyên bố rời bỏ liên minh lớn với CDU/CSU để trở thành đảng đối lập. Tiếp đó, cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh giữa CDU/CSU với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (tháng 11-2017) đã thất bại sau khi các bên không đạt được sự thống nhất ở nhiều vấn đề, và FDP quyết định rút lui. Tuy nhiên, Thủ tướng A. Merkel và liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà dường như đã không chịu đầu hàng trước khó khăn. Trong nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Đức liên tiếp các cuộc đàm phán giữa CDU/CSU và SPD đã được triển khai và chính trường Đức đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi trong cuộc gặp ngày 24-11-2017 giữa Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch CDU A. Merkel, Chủ tịch CSU H. Seehofer và Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển mang tính đột phá với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ đại liên minh mới vào đầu tháng 02-2018.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong thỏa thuận sơ bộ tại cuộc họp là liên đảng CDU/CSU và đảng SPD nhất trí cam kết Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Pháp trong nỗ lực cải cách châu Âu, củng cố và tăng cường sức mạnh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Với việc vượt qua vòng đàm phán thăm dò và bước vào đàm phán chính thức về thành lập liên minh, CDU/CSU đã bước đầu thành công trong việc thuyết phục đối tác quen thuộc SPD một lần nữa “chung lưng đấu cật” trong một chính phủ “đại liên minh”, như họ đã sát cánh cùng nhau ở nhiệm kỳ 2013 - 2017. Tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức cũng đã gặp thuận lợi, sau khi ban lãnh đạo SPD, tại đại hội đảng vào ngày 21-01-2018 ở Bonn, thông qua dự thảo thỏa thuận vừa được CDU/CSU và SPD nhất trí. Đây từng được coi là “rào cản” đối với quá trình đàm phán, bởi trong nội bộ lãnh đạo đảng SPD cũng có nhiều ý kiến không muốn tiếp tục khởi động “đại liên minh” với liên đảng bảo thủ CDU/CSU vì lo ngại điều này sẽ làm giảm tính đồng nhất của đảng, đồng thời sẽ tạo cơ hội để đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trở thành đảng đối lập chính trong Quốc hội Đức.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc các đảng viên SPD trên toàn nước Đức bỏ phiếu thông qua thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với liên đảng bảo thủ CDU/CSU đã đem lại sự ổn định cho chính trường Đức khi giúp nước này tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới./.
Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam  (11/03/2018)
Hơn 8 triệu cử tri Cuba đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội  (11/03/2018)
Trung Quốc thông qua sửa Hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước  (11/03/2018)
Khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thanh Hóa về tội tổ chức đánh bạc  (11/03/2018)
Nhật Bản tổ chức tưởng niệm 7 năm thảm họa động đất, sóng thần  (11/03/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm New Zealand và Australia  (11/03/2018)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay