TCCSĐT - Trên thực tế, các môn lý luận chính trị thường được sinh viên quan niệm là môn học khô khan, chủ yếu là đường lối, chính sách cho nên trong quá trình giảng dạy, có giáo viên chỉ cốt làm sao truyền đạt đủ nội dung tinh thần của giáo trình. Cùng với đó, sinh viên chỉ cần thuộc lòng để có kiến thức khi thi.

Hệ quả của việc dạy và học trên là chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị không cao, chưa tạo được hứng thú cho sinh viên. Để thực hiện việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị, một trong những biện pháp quan trọng nhất chính là đổi mới phương pháp dạy học.

Đổi mới phương pháp giảng dạy


Đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị luôn nhận thức được vị trí, vai trò của các môn học trong cung cấp tri thức và hình thành thế giới quan cho sinh viên. Với nhiệm vụ chính trị là tham gia giảng dạy các học phần lý luận chính trị và làm công tác nghiên cứu khoa học mà trọng tâm là công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên của các môn lý luận chính trị đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học.

Các môn lý luận chính trị có tác dụng hình thành thế giới quan khoa học cho sinh viên trực tiếp nhất, không chỉ cung cấp những tri thức về nội dung, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của thế giới quan duy vật biện chứng mà còn giúp cho những nội dung kiến thức đó “xâm nhập” và “chuyển hóa” những tri thức mà sinh viên tiếp nhận được thành những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường thế giới quan tương ứng, trang bị cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, ý thức hệ, hình thành được tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lý luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn mà không phụ thuộc vào người khác

Tuy nhiên, để phương pháp giảng dạy được đổi mới và đi vào chiều sâu, có hiệu quả, cần phải quán triệt một số biện pháp đổi mới, như:

+ Phương pháp lấy người học làm trung tâm, học cách thức đi tới sự hiểu biết là chính thay vì học nội dung kiến thức là chính, học kỹ năng thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp nhiều hơn việc lĩnh hội kiến thức tổng quát,… Phương pháp này sẽ gây hứng thú hơn cho người học, bớt sự nhàm chán, bởi những gì mà thầy cô giảng không đơn điệu, lý thuyết khô cứng, gắn với thực tiễn.

+ Đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy. Việc sử dụng phương pháp đối thoại trực tiếp giữa người học và người dạy, kết hợp phương pháp thuyết trình và thảo luận, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại,… sẽ giúp việc tiếp nhận nội dung của sinh viên dễ dàng hơn.

+ Tổ chức và hướng dẫn cho sinh viên tự học, trong đó cần lưu ý hướng dẫn mục đích yêu cầu, nội dung tự học, hướng dẫn tài liệu, cách tìm tài liệu và hướng dẫn cách đọc và ghi chép khi tự học. Việc hướng dẫn tự học phải gắn liền với việc kiểm tra, đánh giá nhằm định hướng cho việc dạy và học, đặc biệt là việc tự học của sinh viên có đạt được kết quả như yêu cầu đặt ra.

+ Gợi mở những đề tài nghiên cứu cho sinh viên tìm hiểu, khám phá, để thông qua việc nghiên cứu khoa học giúp cho sinh viên say mê với nghề, nâng cao giá trị nghề nghiệp cho sinh viên…

+ Đổi mới từ khâu ra đề, hình thức thi, cách thức thi, tổ chức thi,…

Yêu cầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp giảng dạy là việc làm nhằm khắc phục những hạn chế trong giảng dạy. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và học viên, trong đó, giảng viên giữ vai trò chủ đạo. Giảng viên là nhân tố quyết định thành công của đổi mới, nhưng giảng viên phải có tâm huyết, luôn luôn tìm tòi, khám phá cách dạy cho hiệu quả. Giảng viên phải không ngừng học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Cho nên, để đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên lý luận chính trị cần đáp ứng yêu cầu sau:

Thứ nhất, giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng. Mỗi giảng viên phải tự nhìn lại mình về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành của mình phải có, phải nắm vững kiến thức của các bộ môn lý luận Mác - Lê-nin; lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh… nhằm trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phép biện chứng, phương pháp luận khoa học… giúp cho giảng viên soạn và trình bày bài giảng có hệ thống logíc và giàu sức thuyết phục.

Giảng viên phải đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng dạy, chịu khó học tập, có sự cầu tiến và luôn dành tâm sức cho bài giảng. Trước mỗi buổi dạy, tiết dạy, giảng viên phải suy nghĩ nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Thứ hai, giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Bài giảng muốn sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của bản thân mỗi học viên. Về sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống. Việc liên hệ thực tiễn cũng cần chú ý, khả năng liên hệ thực tiễn của sinh viên hệ chính quy và hệ tại chức có sự khác nhau, bởi những trải nghiệm thực tế của họ. Vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với đối tượng giảng dạy, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Thiết nghĩ, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả đào tạo lý luận chính trị hiện nay chưa cao là do phương pháp giảng dạy của chúng ta chưa chú trọng liên hệ với thực tiễn. Vì thế, sau khi học viên tốt nghiệp ra trường phần lớn chưa biết vận dụng lý luận đã học vào trong thực tiễn công tác của địa phương, cũng như của bản thân mình. Kiến thức các môn lý luận Mác - Lê-nin có mặt trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ vấn đề nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt đời thường đến những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì thế, trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở trường đại học nhất thiết phải chú trọng liên hệ với thực tiễn.

Thứ ba, giảng viên phải nắm vững đối tượng giảng dạy và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Khi được khoa, trường phân công đến giảng dạy tại một lớp nào đó, giảng viên cần có sự liên hệ để tìm hiểu và nắm được cụ thể đối tượng của lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy. Trên cơ sở đó, giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp.

Đối tượng giảng dạy của các trường cũng đa dạng, có sinh viên chính quy và hệ vừa học vừa làm. Do đó, nắm được đối tượng học viên sẽ giúp cho giảng viên chủ động phối hợp các phương pháp và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu. Theo chúng tôi, không có một phương pháp dạy học nào tối ưu cho tất cả mọi người, vì dạy học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Khoa học ở chỗ giảng viên phải bảo đảm nội dung, chương trình, mục tiêu đào tạo… nghệ thuật là giảng viên, phải tuỳ theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học mà có cách thức giảng dạy đáp ứng yêu cầu, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên nhất là trong giai đoạn hiện nay, mỗi giảng viên phải chủ động suy nghĩ tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu giảng viên không quan tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tức là họ đang tự đào thải mình.

Thứ tư, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: máy vi tính, radio, ghi âm, video, đèn chiếu, máy chiếu … Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên. Làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo.

Sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm thay đổi phương pháp dạy chay, học chay; giúp học viên tiếp cận được khoa học - kỹ thuật, gợi mở cho những người làm công tác xã hội gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Đây là một trong những phương pháp mà người giảng viên phải thực hiện trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận. Hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo cũng chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy học. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin buộc giảng viên phải sử dụng thành thạo máy vi tính. Đây là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Máy vi tính giúp cho giảng viên soạn bài giảng dễ dàng, có thể giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, hình ảnh hay thước phim minh hoạ ngay tại lớp cho sinh viên… Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng việc sử dụng máy vi tính trong giảng dạy và xem nó như là cái mốt, và coi đó là toàn bộ sự đổi mới phương pháp dạy học.

Thứ năm, đổi mới phương pháp giảng dạy cần gắn liền với nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn hiện nay, người giảng viên cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong việc đổi mới phương pháp. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân của những hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy học là do giảng viên chưa thực sự nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan…vì thế, giảng viên có quá trình tích luỹ về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ sáu, lấy người học làm trung tâm của giảng dạy thì không thể không sử dụng phương pháp xêmina - hay còn gọi là phương pháp thảo luận tại chỗ. Đây là phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện “Biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”. Vì thế giảng viên cần coi trọng và tăng cường thực hiện xêmina của học viên. Đây là một vấn đề quan trọng, thiết thực cho đổi mới phương pháp của giảng viên, vì thông qua xêmina học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, thảo luận đưa ra chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng… Thông qua xêmina, giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh bổ sung. Thực hiện phương pháp xêmina, giảng viên nên chọn một học viên học lực khá, có khả năng điều hành buổi thảo luận, giảng viên là người trọng tài, nghe các ý kiến phát biểu, tổng hợp và giải đáp khi học viên chưa có sự thống nhất, hoặc trong trường hợp đã thống nhất nhưng chưa đúng. Để thực hiện tốt phương pháp này, buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.

Thứ bảy, phải bảo đảm tính Đảng, tính khoa học trong giảng dạy các môn lý luận. Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị mang tính đặc thù, đổi mới phải song song với bảo đảm tính Đảng. Tính Đảng là một nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận đòi hỏi người giảng dạy phải tuân theo. Nói đến tính chính trị là nói đến tư tưởng, nói đến sự lãnh đạo của Đảng, là nói đến quan điểm, lập trường. Giảng viên phải đứng trên lập trường, quan điểm giai cấp công nhân để nghiên cứu, giảng dạy lý luận; đứng trên lập trường lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phục tùng tổ chức và giữ vững nguyên tắc phát ngôn của Đảng.

Tôn trọng khách quan của lịch sử, sự thật lịch sử và phải trung thành với lịch sử. Giảng viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, năng lực tư duy khoa học, thái độ vô tư, công bằng trong đánh giá và phải có trách nhiệm trước lịch sử, trước sự tiến bộ của khoa học: bảo vệ chân, thiện, mỹ. Đấu tranh phê phán, loại bỏ những quan điểm phản động xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch.

Trên cơ sở phương pháp truyền thống, kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế bằng cách kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng sẽ phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học./.