“Canh bạc cuối cùng” của Tổng thống G.Bu-sơ
Ngày 10-1-2007, Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ công bố chiến lược mới tại I-rắc, có tên là “Con đường mới tiến lên phía trước”, đề nghị tăng quân và tăng ngân sách cho cuộc chiến tại I-rắc. Kế hoạch này ngay lập tức đã làm bùng nổ sự phản đối của cả chính giới và người dân Mỹ. Nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, đây là thủ thuật của G. Bu-sơ trước khi rút khỏi “bãi lầy” I-rắc, giống như những người tiền nhiệm đã làm trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vì sao G. Bu-sơ đưa ra chiến lược mới?
Cuộc chiến tranh I-rắc chỉ trong ba năm rưỡi qua đã gây cho Mỹ nhiều tổn thất nhất về người và của sau chiến tranh Việt Nam. Theo thống kê chính thức của Uỷ ban ngân sách Quốc hội Mỹ (tháng 12-2006), kể từ tháng 3-2003 đến nay, chính quyền Mỹ đã phải chi gần 350 tỉ USD cho các hoạt động quân sự tại I-rắc. Mới đây, quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách bổ sung 70 tỉ USD cho cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có 50 tỉ USD cho cuộc chiến tại I-rắc. Đáng chú ý là, chi phí này ngày càng tăng, từ trung bình 217 triệu USD/ngày thời kỳ đầu, nay lên đến 276 triệu USD/ngày.
Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà tổn thất về người cũng là nguyên nhân chính khiến cho người dân Mỹ rất bất bình về cuộc chiến tranh I-rắc. Theo thống kê chính thức của Lầu Năm góc, tính đến cuối năm 2006, số binh lính Mỹ tham chiến tại I-rắc bị chết đã lên đến 2.948 người và số bị thương là hơn 25.000 người (trong tổng số 141.000 quân Mỹ có mặt tại I-rắc)(1). Các chuyên gia quân sự cho rằng, con số thương vong trên thực tế còn cao hơn nhiều. Bởi vì, Lầu Năm góc chỉ công bố số quân Mỹ bị chết trên chiến trường mà không tính số binh sĩ bị thương và chết trên đường đi cấp cứu, hoặc trong thời gian điều trị tại bệnh viện, mà theo tính toán, con số này thường chiếm từ 16-30%. Như vậy, tổng số lính Mỹ bị chết tại I-rắc ít nhất cũng phải lên đến 8.000 người, cao hơn nhiều so với thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Mặc dù tổn thất về người và của lớn như vậy, song Mỹ vẫn không đạt được các mục tiêu tại I-rắc. Dự tính sau cuộc tổng tuyển cử (tháng 12 - 2005), thành lập chính phủ chính thức (tháng 4 - 2006), tiêu diệt thủ lĩnh An Da-ca-uy của An Kê-đa (tháng 6 - 2006), và cả vụ hành quyết cựu Tổng thống I-rắc Xa-đam Hu-xê-in (tháng 12 - 2006), tình hình I-rắc sẽ được cải thiện, nhưng những gì diễn ra tại I-rắc không theo ý muốn của Mỹ. I-rắc đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, các cuộc xung đột sắc tộc đang đẩy đất nước này vào vòng xoáy bạo lực mới, khốc liệt hơn, đẫm máu hơn.
Theo thống kê của “Nhóm nghiên cứu I-rắc”, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh đến nay đã có 750.000 người I-rắc bị chết và 1,3 triệu người phải rời bỏ đất nước. Trên thực tế, I-rắc đang được chia thành 3 miền: miền Nam của người Hồi giáo dòng Si-ai, miền trung của người Hồi giáo dòng Xăn-ni và miền Bắc của người Cuốc. Các lực lượng Mỹ không bảo đảm được an ninh và các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày cho người dân I-rắc, chứ chưa nói gì đến công cuộc tái thiết đất nước (2).
Tình hình trên đã đặt G. Bu-sơ và các cộng sự thân tín trước áp lực rất lớn phải thay đổi chiến lược để thoát khỏi “bãi lầy” I-rắc. Sau hàng loạt các cuộc hội đàm với các cựu tổng thống, cựu ngoại trưởng, cựu bộ trưởng quốc phòng, một số nhà lãnh đạo các nước đồng minh như Anh, I-rắc và các tướng lĩnh Mỹ tại chiến trường I-rắc, ngày 10-1-2007, Tổng thống Mỹ đã công bố chiến lược mới của Mỹ tại I-rắc.
Nội dung của chiến lược mới là gì?
Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ đã từ bỏ quan điểm Mỹ đang giành được thắng lợi và đưa ra lập luận mới rằng, thất bại ở I-rắc sẽ là một thảm hoạ đối với nước Mỹ, sẽ gây nên sự xáo trộn khắp Trung Đông, tạo ra bệ phóng cho các cuộc tấn công vào nước Mỹ, đồng thời mở đường cho I-ran phát triển vũ khí hạt nhân. G. Bu-sơ nói: “Rút quân lúc này sẽ làm cho chính phủ I-rắc sụp đổ. Kịch bản đó sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta buộc phải đóng quân lâu dài hơn tại I-rắc, đồng thời phải đối mặt với một kẻ thù có thể còn gây nhiều thương vong hơn cho chúng ta. Nếu chúng ta tăng cường hỗ trợ và giúp đỡ I-rắc vào thời điểm gay cấn này để phá vỡ vòng vây bạo lực hiện nay, chúng ta có thể nhanh đến ngày rút quân về nước”.
Để thực hiện điều này, Tổng thống G.Bu-sơ đưa ra chiến lược gồm có 5 điểm:
1. Sẽ tăng 21.500 quân Mỹ tới I-rắc, trong đó có 17.500 quân tới Bát-đa và 4.000 lính thuỷ đánh bộ tới tỉnh An An-ba. Nhiệm vụ hàng đầu của quân Mỹ là chuyển từ trách nhiệm an ninh cho người I-rắc sang tập trung giúp các lực lượng I-rắc bảo vệ dân thường.
2. Chiến lược mới đặt trách nhiệm giành thắng lợi lên vai chính quyền I-rắc. Thủ tướng I-rắc sẽ phải nỗ lực để thu hút người Hồi giáo dòng Xăn-ni thiểu số tham gia chính quyền với việc thông qua luật mới quy định chia sẻ công bằng nguồn thu nhập dầu mỏ và phục chức cho một số thành viên đảng Bát của cố Tổng thống Xa đam Hu-xê-in.
3. Mỹ sẽ dành 1 tỉ USD cho chương trình tái thiết và phát triển kinh tế của I-rắc, trong đó có chương trình tạo việc làm ở Bát-đa và tỉnh An An-ba; tăng gấp đối các đội tái thiết ở các tỉnh.
4. Chủ trương không đối thoại với Xy-ri và I-ran về vấn đề I-rắc; thúc giục các nước A-rập ủng hộ chính phủ I-rắc; dàn xếp quan hệ giữa I-rắc và Thổ Nhĩ Kỳ; tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc tại I-rắc, đặc biệt trong các cuộc bầu cử và xem xét hiến pháp. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực và củng cố quan hệ quốc phòng với các nước đối tác.
5. Tổng thống Mỹ sẽ đệ trình Quốc hội Mỹ khoản ngân sách bổ sung 6,8 tỉ USD dành để chi tiêu hằng năm cho chiến tranh, trong đó có 5,6 tỉ USD cho kế hoạch tăng quân ở I-rắc, 414 triệu USD dành cho việc mở rộng các nhóm tái thiết ở các tỉnh do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý, 350 triệu USD cho chương trình phản ứng khẩn cấp của các tư lệnh quân Mỹ ở I-rắc và một quỹ dùng cho tái thiết do Lầu Năm góc quản lý.
Để đặt nền móng cho chiến lược mới, trước đó Tổng thống Mỹ đã bố trí lại “ê kíp” an ninh của mình bằng các quyết định thay đổi nhân sự liên tiếp: R.Ghết thay Đ.Răm-xpheo làm Bộ trưởng Quốc phòng (cuối năm 2006); tiếp đó, đầu tháng 1-2007, G. Bu-sơ đã bổ nhiệm tư lệnh mới của Mỹ tại I-rắc; thay Giám đốc an ninh quốc gia, Tham mưu trưởng lục quân, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Đông.
Phản ứng của chính giới và dư luận Mỹ
Chiến lược mới của G. Bu-sơ đã vấp phải sự phản đối của cả chính giới và người dân Mỹ. Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà cho rằng, kế hoạch của G. Bu-sơ là một thảm hoạ, là một sai lầm tồi tệ; “vũng lầy” chỉ có thể giải quyết được bằng phương pháp chính trị. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà N.Clê-man lên tiếng: “Đây là một chi phí quá lớn về mạng sống”. Một thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà khác là G. Vôi-nô-vích nói: “Cuối cùng tôi đã mất niềm tin vào chính sách I-rắc của Tổng thống Bu-sơ”.
Trong một bức thư gửi G. Bu-sơ, N. Pê-lô-xi, Chủ tịch Hạ viện và H. Ri-ít, Chủ tịch Thượng viện Mỹ đều khẳng định kế hoạch của Tổng thống Mỹ sẽ không giành được thắng lợi về chiến lược. Bà N. Pê-lô-xi nói : “Đây là lần thứ ba chúng ta đi theo con đường này. Đã hai lần điều này không có tác dụng”. Bà Hi-la-ry Clin-tơn, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008, đã tổ chức một diễn đàn với sự tham gia của khoảng 300 nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhằm phản đối cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003. Bà Hi-la-ry Clin-tơn nói: “Chúng tôi mong muốn Tổng thống Bu-sơ tháo gỡ đất nước ra khỏi cuộc chiến này trước khi ông rời cương vị tổng thống vào năm 2009”.
Sau khi chiến lược mới ở I-rắc được Tổng thống Mỹ đề cập trong Thông điệp liên bang, dư luận Mỹ tiếp tục bày tỏ thái độ phê phán chiến lược này, vạch rõ việc đưa thêm quân tới I-rắc là việc làm vô nghĩa và sẽ thất bại.
Ngày 24-1-2007, với tỷ lệ phiếu 12/9, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua Nghị quyết không có tính ràng buộc, bác bỏ kế hoạch đưa thêm quân tới I-rắc của Tổng thống Bu-sơ, nêu rằng kế hoạch đó không phục vụ lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, ngày 27-1-2007, hàng chục nghìn người Mỹ, gồm gia đình các quân nhân, dân thường, nghệ sĩ nổi tiếng, đã tiến hành một cuộc biểu tình tại Oa-sinh-tơn đòi rút quân đội Mỹ khỏi I-rắc. Trong số những người hô vang khẩu hiệu “đưa binh sĩ về nhà” có nữ diễn viên Giên Phôn-đa, người từng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Giên Phôn-đa nói: “Cách đây 34 năm tôi không lên tiếng, nhưng bây giờ im lặng không còn là giải pháp… Tôi rất buồn rằng chúng ta không rút được bài học gì từ cuộc chiến tranh Việt Nam”. Tại thành phố Niu-óoc, hàng trăm người đã biểu tình tại quảng trường Thời đại, mang theo các biểu ngữ “không đổi máu lấy dầu mỏ”, “rút quân Mỹ về nước ngay!”. Bà S. Tay-lo, người phát ngôn của chiến dịch có tên là “Thế giới không thể chờ đợi, hãy tống khứ chế độ Bu-sơ”, nêu rõ: “Điều duy nhất đúng cần làm là chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Chiến tranh là bất hợp pháp, là phi nghĩa”.
Dư luận quốc tế
Ngày 11-1-2007, Phó Tổng thống Xy-ri F. An Sa-ra nói rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ tăng thêm 21.500 quân tới I-rắc chẳng khác gì việc “đổ thêm dầu vào lửa”. Trong một phát biểu công khai, ông An Sa-ra nói: “Đây không phải là một diễn tiến tích cực, vấn đề ở đây là chấm dứt cuộc xung đột này chứ không phải là tiếp tục nó. Chỉ một giải pháp chính trị mới có thể giải quyết được cuộc xung đột I-rắc hiện nay”.
Tại Tê-hê-ran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran nói rằng, kế hoạch điều thêm 21.500 lính Mỹ tới I-rắc chỉ tăng thêm bất ổn, nguy hiểm và căng thẳng, không giúp giải quyết các vấn đề của I-rắc. Dư luận Trung Đông cho rằng, kế hoạch này là một sự “đâm lao phải theo lao” và bất luận thế nào thì điều đó cũng khó có thể giúp Mỹ đảo ngược tình thế để trở lại điểm xuất phát của cuộc phiêu lưu quân sự.
Bình luận về chiến lược mới của Mỹ tại I-rắc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói: “Hoà bình và ổn định ở I-rắc phụ thuộc vào người dân I-rắc đang cai quản đất nước và hoà hợp dân tộc. Phát triển kinh tế, hoà bình và dân chủ ở I-rắc chính là giải pháp cuối cùng, sẽ góp phần ổn định tình hình ở quốc gia vùng Vịnh này”.
Ngày 12-1-2007, người phát ngôn của Mô-ta-đa An-xa - giáo sĩ cấp tiến dòng Si-ai ở I-rắc - cảnh báo rằng, chiến lược mới của G. Bu-sơ có nguy cơ dẫn đến kết quả là phải đưa hàng ngàn quan tài lính Mỹ về nước. Tại thành phố Na-giáp linh thiêng của người Si-ai, ông A. R. An Na-da-uy, một quan chức cao cấp trong phong trào của An-xa, tuyên bố: “Người Mỹ cần ngăn con em của họ tới I-rắc hoặc những người này có thể trở về trong quan tài”.
Cho đến nay, chỉ có một số nước đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a tuyên bố ủng hộ chiến lược mới của Mỹ.
Ngày 11-1-2007, Tân Hoa Xã nhận xét rằng, việc Mỹ tăng quân ở I-rắc là một quyết định sai lầm. Bài báo nêu kinh nghiệm lịch sử cho thấy, mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa lấy xâm lược nước khác làm mục đích đều khó tránh khỏi kết cục thất bại, cho dù kẻ phát động chiến tranh có lớn mạnh đến đâu chăng nữa và chỉ rõ, “bản thân người Mỹ không thấu hiểu bài học này”. Bài báo nêu tiếp: Cuối cùng Tổng thống Mỹ bất chấp sức ép từ trong và ngoài nước đòi Mỹ rút quân khỏi I-rắc, quyết tâm áp dụng chiến lược “cứng rắn, mạnh mẽ”. Rõ ràng, G. Bu-sơ muốn dùng việc tăng quân để xoay chuyển tình hình chiến sự I-rắc và tạo điều kiện để rút quân Mỹ sau này. Mấy năm qua, Mỹ đã nhiều lần tăng quân để cải thiện tình hình ở I-rắc nhưng đều chịu kết cục thất bại. Sự thực này không thể không khiến người ta hoài nghi đối với thành công của chiến lược mới của chính quyền Bu-sơ.
Chuyên mục Phân tích của nhật báo Điện tín (Anh) ngày 11-1 cho rằng, quyết định tăng thêm 21.500 quân ở I-rắc của G. Bu-sơ càng làm tăng thêm sự rạn nứt về chiến lược quân sự giữa Mỹ và Anh, do việc soạn thảo lại chiến lược của Mỹ dường như được hoàn thành mà không có bất kỳ sự tư vấn cấp cao nào từ người Anh. Sự thay đổi này không được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa G. Bu-sơ và Thủ tướng Anh Tô-ny Ble, trong khi T. Ble đang nghỉ Giáng sinh tại Mai-a-mi (Mỹ).
Đài BBC (Anh) cho rằng, chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Bu-sơ tại I-rắc đang gợi nhớ lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Mặc dù quy mô của cuộc chiến tranh I-rắc nhỏ hơn nhiều so với chiến tranh Việt Nam (tại Việt Nam, Mỹ đã triển khai hơn nửa triệu quân), nhưng có một số điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến tranh này. Một là, nhận thức rằng Mỹ chưa chiến thắng. Bản thân G. Bu-sơ cũng thừa nhận điều này. Hai là, ở Việt Nam, Mỹ thực hiện chuyển giao trách nhiệm cho chính phủ địa phương ngay khi chiến sự còn tiếp diễn chứ không phải sau khi kết thúc cuộc chiến; chính sách này từng được gọi là “Việt Nam hoá chiến tranh”. Điều này hiện cũng đang lặp lại ở I-rắc. Ba là, Oa-sinh-tơn dường như vẫn tin rằng, cứ tăng quân là giúp giải quyết được vấn đề. Bốn là, sự hoài nghi của người dân. Năm là, cả ở Việt Nam lẫn I-rắc, Tổng thống Mỹ đều phải viện tới một nhóm ở bên ngoài. Trường hợp Việt Nam có “Nhóm thông thái”, trường hợp I-rắc có “Nhóm nghiên cứu I-rắc”. Và giống như “Nhóm thông thái”, “Nhóm nghiên cứu I-rắc” cũng đề ra chính sách mà mục tiêu cuối cùng là rút quân.
Chiến lược mới với nỗ lực tăng quân để “giáng” cho lực lượng đối lập ở I-rắc những đòn chí mạng rồi sau đó rút đi; đồng thời đặt cược vào chính phủ I-rắc, buộc họ phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo đảm an ninh, là không hiện thực. Bởi vì, chính phủ I-rắc không đủ khả năng làm được điều đó, do họ không có lòng tin của nhân dân và không được nhân dân ủng hộ. Người Mỹ đã xâm lược I-rắc và giờ đây không biết cách nào để rút ra. Nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế nhận định rằng, đây có thể là “canh bạc cuối cùng” của G. Bu-sơ nhằm “ổn định” tình hình cho đến hết nhiệm kỳ, rồi để I-rắc cho người kế nhiệm giải quyết.
(2)Theo “Thông tin tư liệu”, Thông tấn xã Việt Nam, 16-1-2007
Phát triển dịch vụ chất lượng cao ở Đồng Nai  (06/03/2007)
Phát huy dân chủ trong Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng  (06/03/2007)
Về cách học và vận dụng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”  (06/03/2007)
Hội nhập quốc tế và đổi mới cơ chế thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam  (06/03/2007)
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới  (06/03/2007)
Chính sách quản lý các vùng văn hóa ở Việt Nam hiện nay  (06/03/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển