Về cách học và vận dụng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Là lớp người đi sau, tiếp cận muộn với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chúng tôi được thừa hưởng gia tài đồ sộ và phong phú những công trình nghiên cứu về tác phẩm nổi tiếng này. Chính vì thế, chúng tôi cố gắng tìm hiểu, nắm bắt “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, để có cách học hữu ích, vận dụng hiệu quả vào hoạt động thực tiễn muôn hình, vạn trạng.
1. Về cách học “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Vậy, “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là gì? Nó có biến đổi theo nhận thức của con người trong những hoàn cảnh khác nhau không? “Cái thần” ấy tồn tại ở trạng thái vận động hay kết tinh đông cứng như một định đề bất di, bất dịch theo thời gian và trong mọi hoàn cảnh xã hội.
Có thể nói, phép biện chứng không chỉ là “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, mà còn là “cái thần” của chủ nghĩa Mác. Trình bày thế nào cũng khó có thể nằm ngoài “cái thần” lớn, “cái thần” chủ đạo: phép biện chứng duy vật. Với ý nghĩa đó, chúng tôi muốn phân tích, cụ thể hóa nó trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn.
Hiện nay, đối với bất kỳ quốc gia nào, toàn cầu hóa là xu thế “không thể chối từ”. Bị động cuốn theo, hay cưỡng lại nằm ngoài nó đều sẽ bị cuốn vào và gánh chịu những hậu quả nặng nề. Chỉ có con đường chủ động hội nhập mới có thể phát triển. Nhưng hội nhập với ai, khi trên thế giới Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ, và, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đang bị các nước tư bản phát triển thao túng và chi phối. Nếu hiểu một cách cứng nhắc: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chỉ ra cái tất yếu bị diệt vong của chủ nghĩa tư bản nên không thể hợp tác với “cái tất yếu bị diệt vong ấy” thì quả là mới chỉ nhìn thấy cái vỏ của Tuyên ngôn mà chưa thấy “cái thần” của nó. Hoặc, có người cho rằng, việc giao đất sản xuất nông nghiệp cho nông dân, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta là trái với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vì điểm quan trọng nhất của Tuyên ngôn là phê phán tư hữu, mà việc giao đất và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có khác gì với tư nhân hóa, có khác gì khuyến khích sở hữu tư nhân!
Cách học và vận dụng máy móc chủ nghĩa Mác trong đó có Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản dễ dẫn đến cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện và lệch lạc như vậy. Có lẽ không cần phải lý sự nhiều chúng ta mới thấy tính đúng đắn và sáng tạo của đường lối chủ động hội nhập của Đảng ta. Thực tiễn 20 năm đổi mới vừa qua với những thành tựu to lớn về chính trị - kinh tế - xã hội là minh chứng thuyết phục cho tính đúng đắn đó. Suy cho cùng, những kết quả đạt được cũng xuất phát từ chỗ Đảng ta nắm vững và hành động phù hợp với quy luật khách quan.
Vấn đề toàn cầu hóa là câu chuyện của hôm nay, nhưng thực ra nó đã được dự báo trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cách đây hơn một thế kỷ rưỡi. Và cũng từ điều này, chúng tôi muốn nói tới “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là Dự báo có tính khoa học dựa trên cơ sở tôn trọng hiện thực khách quan với nguyên tắc mọi sự vật, sự việc chỉ có thể tồn tại và phát triển trong trạng thái vận động không ngừng trong một thế giới vận động không ngừng. Chính “cái thần” ấy đã làm nên sức sống trường tồn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Không thấu hiểu “cái thần” ấy, nhiều người đã hoang mang khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới, còn kẻ thù hí hửng tin chắc Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất phương hướng trong điều kiện Liên Xô sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Có điểm lại thời khắc lịch sử đó mới thấy hết sự sáng tạo của Đảng và dân tộc ta.
Nhấn mạnh mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, Đảng ta muốn khẳng định mục tiêu chủ nghĩa xã hội khi xây dựng kinh tế thị trường. Nắm vững quy luật vận hành của kinh tế thị trường và mặt trái khốc liệt của nó nên khi đưa ra chủ trương chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Đảng đã xác định rõ ràng: chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người còn băn khoăn với câu hỏi thị trường là cạnh tranh, thương trường là chiến trường vậy làm sao mà định hướng được?! Hơn nữa, chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ đã có chủ nghĩa xã hội đâu để mà định hướng?! Băn khoăn như vậy bởi không nắm chắc quy luật phát triển xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sự vận dụng đúng đắn quy luật phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tối đa mặt trái của kinh tế thị trường, tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện công bằng xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người lao động đều được hưởng những giá trị vật chất và tinh thần do mình tạo ra, toàn xã hội quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo. Phải chăng việc Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một quốc gia có thành tích kỳ diệu trong xóa đói, giảm nghèo và đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao không phải là một biểu hiện của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Vận dụng “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi. Điều căn bản ở đây là hội nhập chứ không hòa tan! Học cái thần là học như thế! Điều này cần được tiếp tục phát huy để vượt qua những thách thức đang đặt ra trên con đường hội nhập và phát triển.
2. Dự báo của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và những thách thức hôm nay
Nắm vững quy luật, phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo đã giúp chúng ta khắc phục một phần mặt trái của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, những bức xúc xã hội, những “căn bệnh” mới nảy sinh trong quá trình phát triển như lãng phí, tham nhũng, thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm không ít người băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có giữ vững định hướng được không? Để trả lời câu hỏi đó không đơn giản. Chúng tôi dùng khái niệm “căn bệnh này sinh trong quá trình phát triển” để ám chỉ việc xuất hiện những căn bệnh ấy cũng là một hiện tượng mang tính quy luật trong nền kinh tế thị trường tự do mà C. Mác đã chỉ ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cái thị trường “không để lại giữa người với người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao, cháo múc” không tình, không nghĩa”. Cái thị trường đã “biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi”. Nhưng, có một điều là chính một bộ phận cán bộ, đảng viên lại bị cái quy luật nghiệt ngã đó cuốn đi và trở thành những kẻ tha hóa, đồi bại. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, hiện tượng đó không lạ, vì “thói ưa chiếm hữu” bao giờ cũng đi kèm với tha hóa. Điều này cũng đã được dự báo trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
C. Mác, một mặt, đánh giá “giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”, và dự báo: chính cái lực lượng sản xuất ấy sẽ phá tan cái quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Mặt khác, Ông cũng cảnh báo “giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới”, “mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”, “ nó buộc các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản”. Nói tóm lại nó muốn hòa tan tất cả để tạo ra “một thế giới theo hình dạng của nó”! Đây là một thách thức vô cùng gay gắt. Một loạt các dân tộc có nền kinh tế kém phát triển thì nền văn hóa càng dễ bị tổn thương trong toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc bị lu mờ, gương mặt quốc gia trong cộng đồng quốc tế càng khó nhận diện, và đương nhiên, những căn bệnh toàn cầu theo cả nghĩa đen như HIV/AIDS và nghĩa bóng như “loạn sắc màu” đều có cơ phát tác.
Nhận thấy những thách thức như vậy, Đảng ta chủ trương “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Có được chủ trương đúng đắn cũng chính nhờ Đảng ta đã vận dụng đúng đắn “cái thần” của chủ nghĩa Mác, “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, cần được phát huy và gìn giữ chứ không phải là phương tiện để hội nhập, càng không thể là vật “tế thần” cho phát triển kinh tế. Đánh mất bản sắc văn hóa là đánh mất chính mình. Văn hóa Việt Nam đã giúp dân tộc Việt Nam trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh chống xâm lược. Ngày nay, chính văn hóa sẽ giúp chúng ta vững vàng trên trường quốc tế trong tư thế bình đẳng với các quốc gia khác.
3. Thay lời kết
Việc nghiên cứu và vận dụng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào cuộc sống hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị khi nắm chắc “cái thần” của tác phẩm. Sự nghiệp Đổi mới ở nước ta đã là một bài học có giá trị về vấn đề này. Có thể nói rằng, “cái thần” của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không nằm ngoài phép biện chứng, nhưng cái cụ thể để nắm bắt và vận dụng nó chính là quy luật của sự vận động không ngừng trong một thế giới vận động không ngừng. Và bởi thế mà ngay chính “cái thần” ấy cũng nằm trong trạng thái vận động không ngừng trong thế giới vận động không ngừng. Chỉ có nắm bắt được tinh thần đó thì mới có thể sáng tạo, vượt qua sự giáo điều, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Hội nhập quốc tế và đổi mới cơ chế thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam  (06/03/2007)
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới  (06/03/2007)
Chính sách quản lý các vùng văn hóa ở Việt Nam hiện nay  (06/03/2007)
Nghiên cứu giới ở Việt Nam - quá trình và xu hướng  (06/03/2007)
Bước tiến mới về bình đẳng giới ở nước ta  (06/03/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển