Hồ Tùng Mậu - Nhà cách mạng tiền bối
TCCSĐT - Gần 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời, tên tuổi của Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15-6-1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh ông là Hồ Bá Kiện, một chí sĩ trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và bắn chết trong khi vượt ngục tại Lao Bảo. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, được sự hun đúc ở quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, lại được thừa hưởng những phẩm chất, khí tiết từ gia đình; noi gương các bậc chí sĩ, Hồ Tùng Mậu đã nuôi chí lớn và sớm tìm đến con đường cách mạng. Năm 1916, Hồ Tùng Mậu rời gia đình đi hoạt động cách mạng, dưới danh nghĩa thầy đồ, mong tập hợp được lực lượng cùng chí hướng.
Năm 1919, Hồ Tùng Mậu cùng với Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học,…bí mật xuất dương sang Lào rồi qua Xiêm hoạt động. Tháng 7-1920, ông cùng Lê Hồng Sơn được chí sĩ Đặng Thúc Hứa bố trí vượt biển sang Quảng Châu (Trung Quốc) học trường Trung học An Định và trường Bưu Điện.
Năm 1923, tại Quảng Châu, Trung Quốc, do bất đồng với tư tưởng bảo thủ của Việt Nam Quang phục Hội, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ... đã thành lập Tâm Tâm xã với tôn chỉ: "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam"(1). Là một tổ chức thanh niên mang tư tưởng phục quốc, hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho Việt Nam khỏi chế độ thực dân Pháp, trên thực tế, tổ chức Tâm Tâm xã lúc bấy giờ cũng chưa tìm ra phương thức đấu tranh mới để nhanh chóng phát triển lực lượng gây thanh thế trong và ngoài nước. Sự hy sinh anh dũng của Phạm Hồng Thái và sự bất thành của kế hoạch ám sát Méc-lanh đã đặt cho Tâm Tâm xã nói riêng và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam nói chung vấn đề cần phải có một đường lối tổ chức, một phương pháp đấu tranh đúng đắn mới có thể đưa cách mạng Việt Nam đến thành công.
Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu, tiếp xúc với một số thành viên của Tâm Tâm xã và đã kết nạp các thành viên này vào tổ chức Cộng sản đoàn. Trong số các thành viên ấy có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Hồ Tùng Mậu nhanh chóng trở thành một trong những thành viên tích cực trong việc phát triển tổ chức. Ông và những người cùng chí hướng nhanh chóng trở thành những người học trò, những người cộng sự tin cậy của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người hoạt động ở Quảng Châu. Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hồ Tùng Mậu là một trong 5 thành viên đầu tiên làm hạt nhân để xúc tiến mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu sau này. Từ đó, Hồ Tùng Mậu đã kiên định con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Quá trình từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Hồ Tùng Mậu là con đường của sự phát triển biện chứng và tất yếu. Giữa năm 1925, nhân sự kiện chí sĩ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, Hồ Tùng Mậu với bút danh Hồ Mộng Tống, viết bản tuyên cáo đăng trên báo chí Trung Hoa kêu gọi nhân sĩ trên thế giới can thiệp, tố cáo hành động trái luật quốc tế của thực dân Pháp, mở đầu cho cuộc đấu tranh rầm rộ đòi thả Phan Bội Châu.
Tháng 3-1926, để mở rộng địa bàn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm việc tại cơ quan Chiêu đãi sở - phụ trách công tác liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với những người cộng sản các nước(2). Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trên cơ sở Cộng sản đoàn và mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên làm cách mạng. "Ban huấn luyện chính trị đặc biệt" của Hội đặt ở ngôi nhà số 13 đường Văn Minh (Quảng Châu - Trung Quốc). Hồ Tùng Mậu là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính Hồ Tùng Mậu đã tham dự các lớp huấn luyện chính trị của tổ chức này. Sau đó, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là những giảng viên trợ giảng cho Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1927, Hồ Tùng Mậu bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giam, nhưng cuối cùng không đủ chứng cứ buộc tội, ông được trả lại tự do cùng một số chiến sỹ cách mạng khác. Tháng 8-1928, Hồ Tùng Mậu lại bị Quốc dân Đảng bắt giam tới tháng 11-1929. Sau khi được thả, Hồ Tùng Mậu đến Hồng Kông gia nhập Chi bộ Hải ngoại của An Nam Cộng sản Đảng. Cũng trong thời gian này, thực dân Pháp đã cho lập phiên tòa ở Nghệ An xử vắng mặt và kết án tử hình Hồ Tùng Mậu với tội danh vận động thành lập Đảng Cộng sản và đưa người ra nước ngoài hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông, tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Ngày 03-02-1930, Hồ Tùng Mậu là một trong 7 thành viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long (Hương Cảng), do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị với tư cách là cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 06-6-1931, nhận được tin Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hương Cảng, Hồ Tùng Mậu cùng Trương Vân Lĩnh liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Phờ-ranh-xít H. Lô-dơ-bai (Francis Henry Loseby) bào chữa buộc chính quyền thực dân Anh phải trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Hội Quốc tế Cứu tế đỏ là một tổ chức cách mạng thành lập năm 1923, hoạt động theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Mục tiêu chủ yếu của Quốc tế Cứu tế đỏ là đoàn kết các lực lượng cách mạng để đấu tranh chống lại những hành động đàn áp khủng bố của chính quyền đế quốc, đòi trả tự do cho những nhà hoạt động chính trị của giai cấp công nhân và của phong trào giải phóng dân tộc bị bọn thống trị giam cầm. Tổ chức này còn động viên sự đóng góp của quần chúng lao động để giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những gia đình có người thân hy sinh hay bị tù đày vì hoạt động cách mạng. Quốc tế Cứu tế đỏ có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ sự tích cực vận động của Hồ Tùng Mậu và các chiến sỹ cách mạng khác, Vụ án Tống Văn Sơ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi cho Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 30-6-1931, Hồ Tùng Mậu bị chính quyền thực dân Anh bắt giam với lý do hoạt động chống nhà cầm quyền Hương Cảng, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội nên họ trục xuất ông khỏi Hương Cảng, đồng thời, thông tin cho mật thám Pháp đón lõng bắt ông tại Thượng Hải.
Ngày 26-6-1931, Hồ Tùng Mậu bị mật thám Pháp bắt giữ ngay khi vừa đặt chân đến Thượng Hải, bị giải về tô giới Pháp rồi bị đưa về Việt Nam xét xử. Ngày 06-12-1931 tại Nghệ An, Hồ Tùng Mậu bị chính quyền thực dân Pháp tuyên án tử hình nhưng sau đó giảm xuống thành án chung thân khổ sai. Trải qua các nhà lao Vinh, Lao Bảo, sau đó mới đến nhà lao Kon Tum. Tại ngục Kon Tum, ông tham gia sáng lập "Hội tao đàn ngục thất", lấy thơ văn để tuyên truyền cách mạng và khí tiết chiến đấu. Sinh hoạt "Tao đàn ngục thất" được tổ chức thường xuyên trong một thời gian dài, mỗi tuần một đề tài, có bình chọn và chấm giải. Nhân việc đắp phần mộ các liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết, anh em ra đề: "Viếng mộ liệt sĩ", rồi mỗi người làm một bài thơ dự thi. Trong cuộc thi lần đó, anh em chọn được ba bài khá nhất là của Trịnh Quang Xuân, Hồ Tùng Mậu và Võ Trọng Bành. Bài thơ của Hồ Tùng Mậu thể hiện tâm trạng thương tiếc, đau đớn, kính trọng, tự hào trước sự hy sinh của anh em, đồng chí, đồng thời cũng là suy tư tự rèn luyện, răn mình sống xứng đáng với danh hiệu của người cộng sản trong chốn lao tù.
Trong những năm sau đó, Hồ Tùng Mậu bị đày qua nhà tù Buôn Ma Thuột, rồi ngục Trà Khê. Ngày 09-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các đồng chí của mình vượt ngục Trà Khê, trở về quê nhà hoạt động tại cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Tùng Mậu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra Hà Nội phục vụ cách mạng. Tại đây, Hồ Tùng Mậu gặp lại người bạn cũ Lê Thiết Hùng và được Nguyễn Ái Quốc khi ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chính ủy và Khu trưởng Khu 4 để chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp đang đến gần. Hồ Tùng Mậu giữ chức vụ Chính ủy Khu 4 từ tháng 10-1945 đến tháng 11-1946; đồng thời, trong thời gian này, ông cũng làm Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 1947, Hồ Tùng Mậu được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, đồng thời được bầu làm Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy.
Giữa tháng 12-1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18-02-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng Thanh tra. Đầu năm 1950, Hội Việt - Hoa hữu nghị được thành lập, Hồ Tùng Mậu được bầu làm Hội trưởng đầu tiên của Hội. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 02-1951, Hồ Tùng Mậu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 23-7-1951, Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay thực dân Pháp bắn trúng ô tô tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 2008, Hồ Tùng Mậu được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Tùng Mậu có 14 năm bị chính quyền thực dân giam cầm trong lao tù. Dẫu bị giam cầm, chịu đựng nhiều gian khổ, Hồ Tùng Mậu vẫn bền bỉ giữ vững khí tiết của người cộng sản; là trung tâm đoàn kết anh em tù chính trị; cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, kiên trì đấu tranh chống lại những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù những khi có thời cơ. Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Hồ Tùng Mậu đã sáng suốt cùng anh em kịp thời thoát khỏi ngục tù đế quốc trở về với cách mạng. Tinh thần lạc quan và lòng yêu nước của Hồ Tùng Mậu luôn tỏa sáng giữa chốn lao tù.
Gần 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đặc biệt, là giai đoạn chuẩn bị thực lực, lực lượng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong buổi đầu nhem nhóm ngọn lửa cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu là một người hoạt động từ sớm, nhiều năm lăn lộn trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc. Đồng chí Hồ Tùng Mậu thuộc vào lớp những người cách mạng tiền bối. Cuộc đời, tên tuổi của Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần, khí tiết ấy sẽ đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng và dân tộc Việt Nam. Ca ngợi tấm gương của các bậc tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”./.
--------------------------------------------------
(1) Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, Tập 1, tr. 23
(2) Nghệ An - những tấm gương cộng sản, Nxb Nghệ An, 1998, Tập 1, tr 43-47
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ các nước Liên bang Nga, Cuba và Nhật Bản  (08/06/2016)
Việt Nam - Lào bảo đảm lập trường chung của ASEAN về Biển Đông  (08/06/2016)
Hơn 75.000 học sinh Hà Nội bắt đầu cuộc đua vào lớp 10  (08/06/2016)
Nam Định cần kêu gọi đầu tư công nghiệp dệt may  (08/06/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng Biển Đông”  (08/06/2016)
Ông Trump thắng tuyệt đối trong các cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng  (08/06/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay