Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-5 đến ngày 05-6-2016)
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN lần thứ 25
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN lần thứ 25 tại tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: EPA
Ngày 01-6-2016, tại Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) lần thứ 25. Tham dự Hội nghị có khoảng 500 đại biểu, gồm lãnh đạo cấp cao của nhiều nước và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của khu vực và thế giới.
Tại phiên khai mạc toàn thể với chủ đề “Định hình nghị sự ASEAN vì tăng trưởng và bao trùm”, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đề cao vai trò, tiềm năng và cơ hội của Cộng đồng ASEAN; đánh giá ASEAN là một trong những mô hình hội nhập khu vực thành công trên thế giới; nhấn mạnh phát triển bền vững và bao trùm là một mục tiêu của Cộng đồng ASEAN cũng như của từng nước thành viên. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng ASEAN với tư cách là một khối có quy mô kinh tế lớn thứ bảy thế giới, còn nhiều tiềm năng phát triển và hội nhập, nhất là khi tới đây ASEAN đẩy mạnh hơn tự do hóa dịch vụ, đầu tư và di chuyển lao động có kỹ năng, thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng thương mại nội khối lên 30% vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cũng nhận định xây dựng Cộng đồng ASEAN là tiến trình lâu dài, vừa có thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn; cho rằng các nước ASEAN cần chú trọng củng cố các nền tảng cho phát triển như thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, cải cách cơ cấu, tăng cường tính bổ trợ giữa các nền kinh tế thành viên.
Hội đồng Bảo an và các nước tiếp tục lên án hoạt động thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên
Ảnh minh họa. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 01-6-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “lên án mạnh mẽ” các vụ thử hạt nhân thất bại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dan Triều Tiên ngày 27-4, 28-4 và 31-5 vừa qua. Tuyên bố của 15 quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an nêu rõ các vụ thử tên lửa hạt nhân liên tiếp là sự vi phạm nghiêm trọng các cam kết quốc tế của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an cũng lấy làm tiếc rằng Triều Tiên dùng tài nguyên để theo đuổi chương trình hạt nhân trong khi người dân trong nước đang sống trong tình cảnh thiếu thốn; đồng thời hối thúc nước này kiềm chế các hành động tương tự trong tương lai. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an kêu gọi toàn bộ các nước thành viên tăng cường triển khai các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp đặt lên Bình Nhưỡng, đặc biệt là các biện pháp toàn diện trong nghị quyết 2270 thông qua năm 2016.
Trong một diễn biến khác, ngày 02-6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố “đánh giá cao” việc Mỹ thông qua quyết định siết chặt các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Triều Tiên trước đó một ngày. Tuyên bố nhận định quyết định của Mỹ “phản ánh một giải pháp mạnh mẽ” từ phía Washington nhằm thực thi một cách trung thực nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên đưa tin Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 01-6, đã phát biểu rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chính sách phát triển kinh tế đi liền với phát triển năng lực hạt nhân.
Diễn đàn CEM7 nhất trí mở rộng triển khai các dự án năng lượng sạch
Các tuabin gió tại nhà máy phong điện ở Palm Springs, bang California. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 02-6-2016, tại Diễn đàn Năng lượng sạch cấp bộ trưởng lần thứ bảy (CEM7) được tổ chức tại thành phố San Francisco của Mỹ, các bộ trưởng môi trường, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chi hơn 1,5 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình triển khai các công nghệ năng lượng sạch và tăng cường tiếp cận nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, những quốc gia trên cũng phát động 3 chiến dịch mới nhằm thúc đẩy việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng trong thương mại, công nghiệp, và trong các công nghệ làm lạnh tiên tiến.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz, CEM7 là một diễn đàn cần thiết để thực hiện những mục tiêu đã đề ra tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Paris (Pháp) hồi cuối năm ngoái. Ông E. Moniz nhấn mạnh CEM và những cam kết được thực hiện đã chứng minh rằng Mỹ và các đối tác trên toàn cầu có thể thúc đẩy việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch để thực hiện những mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, xây dựng những nền kinh tế ít khí thải carbon và tăng cường an ninh năng lượng. Gồm các thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, EU và những nền kinh tế lớn khác trên thế giới, chiếm 90% nguồn đầu tư vào năng lượng sạch của toàn cầu và 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, CEM đã đặt mục tiêu hợp tác để thúc đẩy các nước trên thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 15
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cùng các quan khách tham dự Hội nghị chụp ảnh chung tại lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN
Ngày 04-6-2016, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 15 đã diễn ra tại tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào, với sự tham dự của các bộ trưởng/trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa - Xã hội của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Tại hội nghị, các bộ trưởng/trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa -Xã hội ASEAN đã tập trung xem xét những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào, việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 và một số vấn đề khác có liên quan.
Trong bối cảnh ASEAN đã chính thức trở thành một cộng đồng chung với việc hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm vừa qua, các đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao những ưu tiên của Lào đưa ra trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy các văn kiện của Cộng đồng để trình lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 sẽ diễn ra vào tháng 9-2016 sắp tới, bao gồm: Tuyên bố Viêng Chăn về Chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; Tuyên bố Viêng Chăn về Tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về một ASEAN một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực; Tuyên bố chung của ASEAN về Đa dạng sinh học cho cuộc họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên của Công ước về Đa dạng sinh học (2016) và Tuyên bố ASEAN về Tăng cường giáo dục cho trẻ em không đi học. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã ra tuyên bố chung và thống nhất các nội dung của Hội nghị.
Thụy Sĩ bỏ phiếu về thu nhập cơ bản vô điều kiện cho toàn dân
Nếu đề xuất được thông qua,
Thụy Sĩ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trả cho người dân
khoản lương đặc biệt này. Ảnh: Independent
Ngày 05-6-2016, người dân Thụy Sĩ đi bỏ phiếu để quyết định việc Nhà nước sẽ chu cấp hằng tháng cho mỗi công dân, từ khi sinh ra đến khi qua đời, một khoản tiền đủ sống mà không có bất cứ điều kiện nào kèm theo. Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trên thế giới về vấn đề này. Ý tưởng về Khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện (UBI) do một nhóm công dân độc lập đề xuất, cho rằng việc cấp một khoản thu nhập như vậy sẽ giúp chống đói nghèo và bất bình đẳng. UBI đủ để mọi công dân chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không đủ phương tiện sinh kế, cho phép mỗi người lựa chọn một công việc theo nguyện vọng, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp về việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh. Những người đề xuất ý tưởng trên dự tính mỗi người Thụy Sĩ trưởng thành sẽ nhận được khoản UBI 2.500 francs Thụy Sĩ (tương đương 2.500 USD) mỗi tháng và 625 francs cho trẻ em. Dựa trên những số liệu thống kê dân số năm 2012, để đáp ứng các khoản này, Nhà nước liên bang ước tính phải chi 208 tỷ francs/năm, tương đương với 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Sĩ.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều trong các đảng phái chính trị ở Thụy Sĩ về vấn đề này. Tại Hạ viện chỉ có 19 phiếu thuận trong khi có 157 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Tại Thượng viện, duy nhất nghị sĩ đảng Xã hội Anita Fetz ủng hộ đề xuất. Theo bà A. Fetz, đề xuất này đáng để xem xét vì đây có thể trở thành một giải pháp cụ thể cho tương lai trong 20 - 30 năm nữa khi nhiều việc làm bị mất do sử dụng các robot và dây chuyền tự động hóa. Trong khi đó, nghị sĩ Raymond Clottu, thuộc Đảng Liên minh dân chủ trung lập (UDC), cho rằng khoản tiền UBI có nguy cơ gây tổn hại hệ thống an sinh xã hội.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 15: Tăng cường hợp tác và củng cố lòng tin để duy trì an ninh khu vực
Thủ tướng Lý Hiển Long: Mỹ và Trung Quốc không thể chia tách châu Á - Thái Bình Dương thành hai cực ảnh hưởng. Ảnh: straitstimes.com
Ngày 05-6-2016, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 đã khép lại với nhiều phát biểu thể hiện lập trường, quan điểm cũng như chính sách về an ninh quốc phòng của mỗi nước liên quan đến tình hình an ninh khu vực; trong đó việc bảo đảm ổn định và an ninh, an toàn ở Biển Đông là vấn đề quan trọng nhất được các quốc gia cũng như giới học giả đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ tạo ra “Vạn lý trường thành tự cô lập mình” khi tiếp tục các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Paris đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do, an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng các nước nhận thấy tín hiệu tốt khi cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định châu Á - Thái Bình Dương “đủ rộng” để có thể dung nạp cả hai cường quốc. Tuy nhiên, không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc có thể chia tách khu vực này thành hai cực ảnh hưởng bởi viễn cảnh này sẽ chỉ gây hạn chế cho các nước khác, tăng nguy cơ cạnh tranh và xung đột giữa hai cường quốc.
Trong khi đó, bài phát biểu của Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc tại diễn đàn vấp phải sự chỉ trích của các học giả khi nhiều câu hỏi sau đó được đặt ra nhằm vào trách nhiệm thực thi DOC cũng như các công ước quốc tế của quốc gia này./.
Quảng Ninh: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp  (06/06/2016)
Quảng Ninh: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp  (06/06/2016)
Quảng Ninh: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp  (06/06/2016)
Paris đặc biệt quan tâm đến tự do, an toàn, an ninh hàng hải Biển Đông  (05/06/2016)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ  (05/06/2016)
Thủ tướng trực tiếp thị sát hiện trường vụ chìm tàu  (05/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên