Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-5-2016
Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 18-5-2016, Chính phủ còn chưa ban hành 3 nghị định quy định chi tiết đối với 3 luật đã có hiệu lực. Từ ngày 01-7-2016, 11 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực nhưng còn 32 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh này chưa được ban hành. Việc xây dựng, trình ký ban hành văn bản đang rất chậm, số văn bản chưa được ban hành đúng thời gian còn nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi hành các quy định của luật, pháp lệnh đã có hiệu lực hoặc sắp có hiệu lực.
Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời.
Chậm nhất đến ngày 30-5-2016, bộ trưởng các bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản thuộc trách nhiệm của từng bộ để trước ngày 01-7-2016, 35 văn bản nói trên phải được ban hành hết. Sau thời hạn này, bộ trưởng nào chưa ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản đã được phân công sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải giải trình trước công luận.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần cải tiến việc thực hiện trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản. Thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn trả lời theo Quy chế làm việc của Chính phủ, quá thời hạn quy định, nếu không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý với dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo. Những văn bản có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thủ tục này.
Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, soạn thảo, xử lý kịp thời các vướng mắc; tập trung thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; đề xuất tăng số lượng dự thảo nghị định trình Phiên họp Chính phủ xem xét, thông qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh sẽ không xem xét đề nghị của các bộ về việc xin lùi tiến độ trình ban hành các văn bản nêu trên.
Thành lập Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng đồng ý Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; trong đó có bổ sung thành viên, nhiệm vụ hoạt động.
Các bộ, cơ quan sớm rà soát để quyết định cử lãnh đạo bộ, đơn vị tham gia vào Ban Chỉ đạo; đơn vị đầu mối thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia để phối hợp, làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2016.
Bộ Tài chính hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bổ sung việc ban hành cẩm nang về Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội; kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ của các bộ, ngành, đơn vị triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù trong việc lập, phê duyệt các dự án công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một của quốc gia của các bộ, ngành, đơn vị; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan liên quan xử lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Rà soát tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế ngành
Ngày 26-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp rà soát tình hình triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế ngành.
Sau khi rà soát cụ thể nội dung, tiến độ việc xây dựng dự thảo từng nghị định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu thực hiện bằng được mong muốn của Chính phủ về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó yêu cầu quan trọng nhất là cải cách thể chế.
Theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành đã rất quyết liệt, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực mình phụ trách, cùng với đó rà soát lại tất cả các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa phù hợp, cản trở phát triển. Cho đến thời điểm này, việc xây dựng dự thảo các nghị định của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ tiếp tục khẩn trương thực hiện những phần việc còn lại của mình. Đối với những dự thảo điều kiện kinh doanh đã được thẩm định, Phó Thủ tướng đề nghị vẫn phải tiếp tục hoàn thiện dựa trên kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của bộ chuyên ngành. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ để đạt đồng thuận cao nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Tư pháp tập trung thẩm định những dự án còn lại. Trong đó, cần đặc biệt chú ý những vấn đề về nội dung, phạm vi điều chỉnh, không “ôm”, “gộp” tất cả vào Nghị định bởi thực tiễn sẽ đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Dự kiến, sau khi các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo, Chính phủ sẽ tiến hành xem xét thông qua theo quy trình rút gọn, bảo đảm các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có thể đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực vào ngày 01-7-2016.
Thủ tục hành chính ngành bảo hiểm xã hội giảm từ 263 xuống còn 33 trong 3 năm
Từ năm 2012 - 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính của ngành, cụ thể, về thủ tục: Cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 33 thủ tục; về số lượng hồ sơ (gồm biểu mẫu, tờ khai, đơn, công văn đề nghị): giảm 56%; về chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu: giảm 82%; về quy trình, thao tác thực hiện: giảm 78%. Với kết quả này, ngành đã cắt giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo mục tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết 19/NQ-CP, cụ thể: Năm 2014 giảm 100 giờ (từ 335 giờ xuống còn 235 giờ); Năm 2015 giảm 154 giờ (từ 235 giờ xuống còn 81 giờ); Năm 2016 giảm 36 giờ (từ 81 giờ xuống còn 45 giờ); qua đó tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh cắt giảm thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội đã áp dụng công nghệ thông tin khi thực hiện giao dịch điện tử trong đăng ký tham gia và đề nghị cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế, được doanh nghiệp đánh giá cao và hưởng ứng. Qua một năm thực hiện, kết quả thực tế cho thấy, ở những doanh nghiệp lựa chọn giao dịch điện tử và thực hiện thành công thì toàn bộ thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi trong việc nộp hồ sơ, nhận kết quả đã được cắt giảm; mọi thông tin được minh bạch, công khai tránh được nhũng nhiễu, tiêu cực từ phía người thực hiện; tiện lợi trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ, có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết.
Ngoài phương thức giao dịch điện tử nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí) để lựa chọn.
Năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành kế hoạch rà soát 33 thủ tục để tiếp tục cắt giảm, nhất là đối với các thủ tục về giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời với việc rà soát cắt giảm thủ tục hành chính thì công tác tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách vẫn là ưu tiên số một. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để tái cấu trúc và hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ, triển khai mạnh mẽ lộ trình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tin học hóa toàn bộ các quy trình nghiệp vụ, tiến tới thay thế hoàn toàn các nghiệp vụ mang tính thủ công bằng tự động hóa, tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử với 100% các dịch vụ công được giải quyết trực tuyến; thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các thủ tục về bảo hiểm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cải cách hành chính toàn diện, hiệu quả
Với mục tiêu tất cả vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình đổi mới cách thức phục vụ người dân, xã hội hóa việc đầu tư trang thiết bị, công khai mức phí và cung cấp dịch vụ tại nhà cho người dân, thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 về cấp giấy phép lái xe quốc tế tại Tổng cục.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính một cách toàn diện theo chương trình chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển ngành. Lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET đang được một số sở Giao thông vận tải phối hợp với Bưu điện tỉnh và Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ đổi giấy phép lái xe tại các điểm phục vụ của Bưu điện Viettel, bước đầu đã đạt được một số hiệu quả tích cực.
Năm 2015, để thực hiện lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, Tổng cục đã tham mưu, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng hiện đại, hội nhập, công khai minh bạch, vừa đẩy mạnh xã hội hóa, vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nên đã đạt được các kết quả như: Cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đã phát triển mạnh; đã hình thành mạng lưới phân bổ đều trong cả nước, đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc học và sát hạch lái xe.
Công tác sát hạch được hiện đại hóa, sử dụng máy tính để sát hạch lý thuyết, thiết bị chấm điểm tự động để sát hạch lái xe trong sa hình và trên đường, không có sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch, việc thực hiện được công khai, chịu sự giám sát của người học, người dân và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tăng thời hạn của giấy phép lái xe hạng B1 từ 10 năm kể từ ngày cấp, đến khi đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam; miễn giấy khám sức khỏe khi đổi giấy phép lái xe đối với các trường hợp: Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4; chuyển đổi giấy phép lái xe hạng A4, giấy phép lái xe ô tô còn thời hạn sử dụng trên 3 tháng bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET.
Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục đã triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3 từ tháng 4-2015 và tại các sở Giao thông vận tải từ tháng 6-2015. Theo đó, người dân có nhu cầu đổi giấy phép lái xe đăng ký qua mạng thông tin điện tử và chỉ đến cơ quan cấp đổi làm thủ tục và nhận giấy phép lái xe. Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ, Tổng cục đã hướng dẫn để các sở phối hợp với các đơn vị bưu chính tại địa phương trong việc tiếp nhận và chuyển giấy phép lái xe đến tận tay người dân khi có nhu cầu.
Từ tháng 6-2016, Tổng cục sẽ triển khai các công việc để thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 về cấp giấy phép lái xe quốc tế tại Tổng cục, qua đó sẽ tổng hợp, rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Quảng Nam cải thiện chỉ số PCI để thúc đẩy đầu tư
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đã chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ khi Quảng Nam xếp vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng và đặc biệt đây là lần đầu tiên Quảng Nam lọt vào top 10 của bảng xếp hạng PCI sau 11 năm công bố.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, đối với tỉnh Quảng Nam, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI là nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian tới, Quảng Nam xác định, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những việc đã làm tốt trong thời gian qua như “Một cửa liên thông”, “Tiếp Doanh nghiệp định kỳ”, “Cổng thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp”, tỉnh cũng sẽ chú trọng đưa vào triển khai các hình thức đối thoại doanh nghiệp mới như chương trình “Cà phê doanh nhân”, đối thoại doanh nghiệp theo nhóm ngành, lĩnh vực và nhóm nhà đầu tư để tạo kênh thông tin đối thoại thân thiện giữa Chính quyền và Doanh nghiệp, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đến gần nhau hơn.
UBND tỉnh đang nghiên cứu xây dựng “Quy chế giám sát giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp” để góp phần minh bạch hóa đầu tư, giúp giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, Quảng Nam đã chọn năm 2016 là “Năm cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư” nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành, tập trung triển khai thực hiện giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí bằng việc xây dựng Cơ chế “một cửa liên thông hiện đại” để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Với mục tiêu “nâng chất” môi trường đầu tư nhằm chủ động đón dòng chảy đầu tư trong tiến trình hội nhập, Quảng Nam sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đẩy nhanh khớp nối các hệ thống hạ tầng giao thông tạo ra những vùng động lực thúc đẩy phát triển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp nhận giải quyết thủ tục đầu tư. Hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án; chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để nhà đầu tư tái đầu tư trên địa bàn tỉnh và giới thiệu các nhà đầu tư mới vào Quảng Nam, từ đó tạo tiền đề vững chắc để xây dựng tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới./.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Các địa phương tổ chức bầu cử thêm  (29/05/2016)
Cuba công bố hai văn kiện Đại hội Đảng để tham vấn nhân dân  (29/05/2016)
Nghị định về tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức  (29/05/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay